Nico Jooste là Giám đốc cao cấp của Trung tâm Quốc tế hóa Giáo dục Đại học châu Phi và là Cộng tác viên Nghiên cứu tại Đại học Free State, Bloemfontein, Nam Phi. Email: nico@afric.ac.za. Cornelius Hagenmeier là Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Quốc tế tại Đại học Free State và là Thành viên Ban Giám đốc của Trung tâm Quốc tế hóa Giáo dục Đại học châu Phi. Email: hagenmeiercca@ufs.ac.za.
Tóm tắt
Nam Phi vừa hoàn tất tiến trình phát triển khung chính sách quốc gia Quốc tế hoá Giáo dục Đại học. Kết thúc giai đoạn đóng góp công khai của cộng đồng, chính sách này đã có hiệu lực pháp lý vào tháng 11 năm 2020. Chính sách ban hành một chương trình tổng quát về quốc tế hoá giáo dục đại học, và yêu cầu các trường đại học áp dụng vào chiến lược quốc tế hóa của mình. Cung cấp những hướng dẫn cụ thể cho hoạt động quốc tế hoá giai đoạn hậu đại dịch COVID-19, chính sách này có thể là một hình mẫu cho các nước đang phát triển.
Trong báo cáo năm 1996, Hướng dẫn của Ủy ban Quốc gia Giáo dục Đại học (the National Commission on Higher Education – NCE) không bao gồm chính sách tập trung phát triển và hướng dẫn về quốc tế hóa hệ thống giáo dục đại học Nam Phi. Tuy nhiên, điều này chỉ ra rằng giáo dục đại học Nam Phi đang thoát khỏi một thời kỳ khá cô lập, sẽ phải chuyển sang đào tạo những kỹ năng và tạo ra những đổi mới công nghệ cần thiết để quốc gia này có thể hội nhập thành công vào thị trường toàn cầu. Quốc tế hóa giáo dục đại học Nam Phi khi đó được coi là nhiệm vụ của các trường đại học, bởi vì chính phủ đang tập trung vào những biện pháp chuyển đổi từ một hệ thống phân tán và phân biệt chủng tộc thành một hệ thống nhất thể.
Hội nghị Hiệp hội Giáo dục Quốc tế Nam Phi (The International Education Association of South Africa – IEASA) năm 2003 đã tạo động lực để hệ thống bắt đầu quan tâm đến sự cần thiết có một chính sách quốc gia về quốc tế hoá giáo dục đại học. Cơ sở lý luận để xây dựng chính sách là hướng tới chuyển đổi giáo dục thành một hiện tượng quốc tế; đáp ứng nhu cầu của khu vực, đặc biệt là của Cộng đồng Phát triển Nam Phi (the Southern Africa Development Community – SADC), và giải quyết những thách thức do Quan hệ Đối tác Mới về Phát triển châu Phi (the New Partnership for Africa’s Development – NEPAD) và Liên minh châu Phi đặt ra; và sự cần thiết đáp ứng nhu cầu phát triển kỹ năng của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tuy nhiên, phải đến năm 2012, Bộ Giáo dục Đại học Quốc gia (DHET) mới bắt đầu quá trình soạn thảo chính sách.
Quá trình xây dựng khung chính sách nhận được sự tham gia tích cực của cộng đồng. DHET mời các chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia phát triển và công bố tài liệu nguyên tắc ban đầu của chính sách. Các trường đại học công lập được mời trình bày, thảo luận và đề xuất về cấu trúc khung chính sách đang được hoạch định. Trong quá trình soạn thảo, quan điểm của các trường đại học, các chuyên gia trong nước và quốc tế đều được xem xét; một số hội thảo công khai cũng được tiến hành nhằm giải thích chính sách và định hướng công luận.
Khung chính sách
Khung chính sách được xây dựng dựa trên Kế hoạch Phát triển Quốc gia 2012 và những văn bản chính sách khác, nhằm hiện thực hoá những cam kết của chính phủ nêu trong Nghị định thư SADC 1997 về Giáo dục và Đào tạo. Chính sách đã ban hành “khuôn khổ quốc gia về quốc tế hóa giáo dục đại học trong đó các cơ sở giáo dục đại học có thể phát triển và điều chỉnh chính sách/chiến lược quốc tế hóa của mình”. Tất cả các cơ sở giáo dục đại học phải xây dựng chính sách hoặc chiến lược quốc tế hoá, cung cấp những biện pháp quản lý và hỗ trợ thích hợp cho quá trình quốc tế hóa. Tăng cường quốc tế hóa tại những trường yếu thế cũng được quan tâm đặc biệt.
Các trường đại học được phép cân bằng giữa ưu tiên thực hiện chính sách quốc gia với việc đảm bảo tự do học thuật theo hiến pháp. Những nguyên tắc căn bản của chính sách là tính tương hỗ, bổ sung, chất lượng, tuân thủ pháp luật và đạo đức. Chính phủ không được phép trực tiếp chỉ đạo hoạt động quốc tế hóa mà chỉ giữ vai trò hỗ trợ. Các cơ sở giáo dục đại học được yêu cầu báo cáo về tiến độ quốc tế hóa trong kế hoạch hoạt động hàng năm được đo lường dựa trên những mục tiêu do các trường tự xây dựng.
Quốc tế hóa cần mang lại lợi ích cho tất cả sinh viên, không chỉ du học sinh.
Quốc tế hóa nghiên cứu khoa học là một ưu tiên của chính sách. Quốc tế hóa cần mang lại lợi ích cho tất cả sinh viên, không chỉ du học sinh: ưu tiên quốc tế hóa tại chỗ, và quốc tế hóa chương trình giảng dạy là bắt buộc. Quá trình quốc tế hóa là cơ hội để đưa kiến thức bản địa và hoặc địa phương đến với cộng đồng quốc tế, do đó, sự tham gia của cộng đồng địa phương vào quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học được khuyến khích.
Chính sách đặt ra những tiêu chuẩn đạo đức nghiêm ngặt liên quan đến hoạt động du học quốc tế. Một quy định khung về giáo dục đại học xuyên biên giới và hợp tác quốc tế được ban hành, và chỉ cho phép các trường đại học tư thục thành lập phân hiệu ở nước ngoài. Về nguyên tắc, cấp bằng liên kết, hợp tác và liên thông được cho phép, nhưng văn bằng kép vẫn bị cấm. Cấp kinh phí cho quốc tế hóa chủ yếu là trách nhiệm của các trường, và chính sách khuyến khích các trường “tự thiết kế sự bền vững để duy trì các hoạt động quốc tế hóa”.
Công bố dự thảo chính sách vào tháng 4 năm 2017 làm dấy lên hy vọng rằng chính sách sẽ cung cấp những hướng dẫn và khuôn khổ pháp lý cho phép các trường đại học Nam Phi cấp bằng liên kết và bằng kép quốc tế. Người ta cũng mong đợi chính sách này sẽ hỗ trợ những trường đại học trước đây yếu thế có được vai trò quan trọng hơn trong quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học, tuy nhiên việc chậm trễ triển khai đã khiến tình trạng bất bình đẳng giữa các trường, kế thừa từ hệ thống phân biệt chủng tộc – vẫn tiếp tục.
Tiếp tục mất cân bằng
Số lượng sinh viên quốc tế, một chỉ số về mức độ quốc tế hóa, thể hiện rõ sự mất cân bằng. Dữ liệu về sinh viên của những trường vẫn được nhận diện là trường đại học dành cho người Da trắng (Historically White Universities – HWU) và những trường dành cho người da đen hay những người yếu thế (Historically Black or Disadvantaged Institutions – HDI) cho thấy một bức tranh chi tiết. Năm 2018, các trường HDI đáp ứng 23% tổng số sinh viên Nam Phi, nhưng chỉ 9% tổng số sinh viên quốc tế. Tỷ lệ sinh viên quốc tế tại các trường HDI trong tổng số sinh viên quốc tế ở Nam Phi đang giảm hàng năm. Năm 2018, sinh viên quốc tế chỉ chiếm 2,5% tổng số sinh viên trong các HDI – thấp hơn nhiều so với mức trung bình của toàn hệ thống là 7%. Ngược lại, tỷ lệ sinh viên quốc tế trên sinh viên bản xứ tại các HWU là 10%, cao hơn đáng kể, và các HWU cũng chiếm hơn 60% tổng số sinh viên quốc tế. Sự bất bình đẳng này được kế thừa từ quá khứ. Nó cũng thể hiện khả năng lãnh đạo và năng lực đáp ứng cơ hội quốc tế của nhà trường.
Các trường đại học đóng vai chính
Thay đổi lãnh đạo trong chính phủ, quan điểm khác biệt giữa các bên liên quan và đại dịch COVID-19 đã làm chậm trễ việc hoàn thiện khung chính sách. Trong khi chờ đợi chính sách được ban hành, nhiều trường đại học đã bắt tay vào việc tăng cường quốc tế hóa trong nước và quốc tế hóa chương trình giảng dạy, đồng thời điều chỉnh chiến lược dựa vào dự thảo chính sách. Họ củng cố các phòng ban hỗ trợ đồng thời phát triển cấu trúc tổ chức quốc tế hóa. Một số trường nỗ lực lôi kéo cộng đồng địa phương tham gia vào quá trình quốc tế hóa. Thực tế, dự thảo khung chính sách quốc gia về quốc tế hoá giáo dục đại học Nam Phi đã đóng góp đáng kể vào việc tăng cường quốc tế hóa giáo dục đại học, ít nhất là ở một số trường chuẩn bị tốt cho việc triển khai. Việc công bố chính sách này vào đầu tháng 11 năm 2020 đã mở đường cho quá trình quốc tế hóa trở thành một trong những động lực chuyển đổi hệ thống giáo dục Nam Phi. Tác động thực sự của chính sách sẽ hiện rõ trong những năm tới. Thách thức tiếp theo hiện nay là DHET cần phát triển một kế hoạch thực hiện đầy tham vọng, và nếu thành công, chính sách này sẽ góp phần khắc phục sự mất cân bằng lịch sử trong quốc tế hóa giáo dục đại học của Nam Phi và trở thành hình mẫu cho quá trình quốc tế hóa ở những nước đang phát triển.