Hòa nhập toàn cầu và phù hợp địa phương: Xem xét lại giáo dục đại học

Janet Ilieva là Giám đốc và là Sáng lập viên của Education Insight, Vương quốc Anh. Email: janet.ilieva@educationinsight.uk. Vangelis Tsiligiris là Giảng viên chính tại trường Đại học Nottingham Trent, Vương quốc Anh. Email: vangelis.tsiligiris@ntu.ac.uk.

 Tóm tắt:

Bài báo này đề cập đến những áp lực hiện tại đối với việc cung cấp giáo dục đại học và gợi ý những vấn đề dài hạn mà các trường đại học và các nhà hoạch định chính sách nên xem xét. Bài báo kêu gọi tái nhận thức về giáo dục đại học quốc tế, đưa tinh thần công dân toàn cầu thành cốt lõi. Cung cấp giáo dục theo cách như vậy nhằm mục đích gắn kết với địa phương, phù hợp với toàn cầu và tập trung vào nhu cầu và kỳ vọng của đội ngũ sinh viên đa dạng. 

Các cơ sở giáo dục đại học đang phải vật lộn với sự bùng phát COVID-19 trong khuôn viên trường và du học sinh phải đối mặt với những thách thức do điều kiện đi lại, các chuyến bay bị hạn chế cũng như những lo ngại về sức khỏe. Vào đầu năm học, để giảm thiểu nguy cơ, nhiều trường đại học đưa ra những giải pháp linh hoạt: sinh viên có thể lựa chọn học trực tuyến hoặc học tại các trường là đối tác ở địa phương, hoặc chờ nhập học vào học kỳ sau. Theo thông tin truyền miệng, những trường đại học đưa ra những giải pháp linh hoạt đang giải quyết được khá tốt nhu cầu của sinh viên nước ngoài.

Dù những giải pháp để chống đỡ áp lực từ mọi phía đều ngắn hạn và tập trung vào kỳ học hiện tại, các cơ sở giáo dục đại học và các nhà hoạch định chính sách vẫn nên cân nhắc một số vấn đề dài hạn mà chúng tôi khảo sát trong bài viết này.

Xem xét lại giáo dục đại học quốc tế

Những rào cản du học hiện nay buộc sinh viên phải đánh giá lại giá trị của giáo dục quốc tế. Đối với các nhà giáo dục, những rào cản này tạo ra cơ hội cải tổ mục đích chương trình giáo dục đại học của họ. Đã từ lâu, cuộc chạy đua tìm kiếm nhân tài trên toàn cầu được đo bằng sự phân bổ thị phần sinh viên quốc tế của các nước và đóng góp về mặt kinh tế của những sinh viên này cho nước chủ nhà.

Môi trường hiện tại ủng hộ học tập từ xa và đi học gần nhà, nhưng cũng tạo ra cơ hội xem xét lại giá trị của giáo dục quốc tế qua lăng kính sinh viên. Điều này vượt ra ngoài tỷ lệ tốt nghiệp, kết quả việc làm và trải nghiệm thay đổi cuộc sống. Ngày càng nhiều sinh viên với tư duy toàn cầu ý thức hơn về môi trường và khi lựa chọn cơ hội học tập họ không chỉ tập trung vào triển vọng nghề nghiệp. Dấu chân carbon và sự đóng góp của trường cho chính sách phát triển bền vững trên toàn cầu có thể sẽ trở thành yếu tố quan trọng trong quyết định của sinh viên. Câu hỏi đặt ra là sự thay đổi này sẽ xuất phát từ nhu cầu hay các cơ sở giáo dục đại học sẽ đi đầu trong vấn đề này.

Đã từ lâu, chiến lược giáo dục quốc tế của các nước đều hướng vào xuất khẩu. Ngoài ra, khi xây dựng chiến lược quốc tế hóa, các trường đại học vẫn áp dụng cách tiếp cận khá đơn giản thường thiếu những bằng chứng quan trọng về bối cảnh ảnh hưởng đến cung và cầu trong giáo dục đại học. Quốc tế hóa trong nước ngày càng quan trọng và tạo cơ hội cho các trường đại học xây dựng tư duy công dân toàn cầu, đặc biệt phù hợp với những người chưa từng có trải nghiệm du học quốc tế.

Trong lịch sử, ngay cả trong những thời điểm xung đột và gián đoạn toàn cầu, các trường đại học vẫn đại diện cho việc hợp tác quốc tế. Ngày nay, trong lúc quá trình quốc tế hóa đang gặp nhiều thách thức, vai trò của các trường đại học, với tư cách là những “doanh nghiệp xã hội toàn cầu” vẫn dành ưu tiên cho lợi ích môi trường và xã hội, và cho tác động trên quy mô toàn cầu hơn là lợi nhuận kinh tế của chính họ, ngày càng quan trọng. Là một phần trong nhiệm vụ to lớn hơn nhằm phát triển và giáo dục những công dân có trách nhiệm, các trường đại học đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự hòa nhập, tiếp cận với nền giáo dục chất lượng và tính bền vững. Vai trò đó sẽ trở nên nổi bật hơn khi phải đối mặt với sự bất bình đẳng về kinh tế và xã hội ngày càng sâu sắc trên toàn cầu.

Liệu những chương trình đào tạo được triển khai toàn cầu có phù hợp với địa phương hay không, và làm sao để cân bằng được điều này? 

Duy trì sự phù hợp với địa phương

Liệu những chương trình đào tạo được triển khai toàn cầu có phù hợp với địa phương hay không, và làm sao để cân bằng được điều này? Trong nhiều thập kỷ, giáo dục xuyên quốc gia đã tạo điều kiện cho việc đào tạo và cấp bằng quốc tế ở các địa phương. Khi việc đi lại và hoạt động du học gặp nhiều thách thức, hình thức này ngày càng mở rộng phạm vi đào tạo. Tầm quan trọng của các đối tác tại địa phương được nâng cao nhờ tính linh hoạt của họ trong việc triển khai giáo dục, xuất hiện những mô hình hỗ trợ dạy học hoặc trợ giúp giảng dạy trực tuyến tại địa phương. Để đối phó với cuộc khủng hoảng đại dịch, một số trường đại học đã có sáng kiến đưa ra những lựa chọn “du học” cho sinh viên quốc tế ngay tại nước họ trong một học kỳ hoặc lâu hơn cho đến khi điều kiện đi lại được cải thiện.

Những lựa chọn du học nước ngoài ít tốn kém sẽ ngày càng phổ biến trong giai đoạn suy thoái sau COVID-19, bởi vì suy thoái cũng ảnh hưởng đến các gia đình trung lưu và khả năng chu cấp cho con cái du học nước ngoài của họ. Những lựa chọn học-tập-gần-nhà là cơ hội để tiếp tục thu hút học sinh tại địa phương thông qua mạng lưới các đối tác giáo dục đáng tin cậy.

Đồng thời, không nên coi quốc tế hóa và tính phù hợp với địa phương là những yêu tố loại trừ lẫn nhau. “Công việc trong tương lai” và Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (4IR) sẽ chuyển trọng tâm sang những kỹ năng mềm, và đặc biệt những phẩm chất cá nhân như khả năng thích ứng và khả năng “kết nối các điểm” của sinh viên tốt nghiệp. Những kỹ năng mềm này đòi hỏi các trường đại học phải cung cấp một môi trường học tập năng động, trong đó sinh viên được đưa ra ngoài vùng an toàn của họ để khám phá, phát hiện và trải nghiệm kiến thức bên ngoài bối cảnh địa phương của họ.

Những cân nhắc về môi trường

Việc thu hút sinh viên du học ngay tại đất nước của họ làm giảm một cách đáng kể dấu chân carbon của các trường đại học. Những cách thức đổi mới trong triển khai giáo dục đảm bảo chất lượng của các chương trình, đào tạo từ xa và đánh giá đang được thực hiện.

Đại dịch đã thu hút sự chú ý đến dấu ấn môi trường trực tiếp của giáo dục đại học, cả trong việc đi lại của sinh viên cũng như dịch chuyển của cán bộ giảng viên ngành giáo dục. Mặc dù sự hòa nhập của sinh viên quốc tế vào môi trường học tập nước ngoài cho thấy những giá trị rõ ràng, giờ đây nhiều người đồng ý rằng một lượng dịch chuyển đáng kể của cán bộ nhân viên ngành giáo dục có thể được thay thế bằng hợp tác trực tuyến.

Con đường phía trước

Hoạt động du học là một thành phần có giá trị của giáo dục đại học quốc tế. Tuy nhiên, khi cân nhắc chi phí và rủi ro liên quan, việc học tập ở nước ngoài phải tạo thêm được giá trị độc đáo cho trải nghiệm của sinh viên. Các trường đại học cần đảm nhận vai trò doanh nghiệp xã hội toàn cầu một cách tích cực và minh bạch hơn. Bằng cách áp dụng chương trình giáo dục tinh thần công dân toàn cầu, các trường đại học nên hướng tới việc đào tạo ra những công dân toàn cầu có thể hiểu, theo đuổi và tuyên truyền về những ưu tiên chính cho xã hội trong thế kỷ XXI.

Ngày nay, vị trí địa lý của người học thậm chí được sử dụng để phân biệt các hình thức giáo dục, thường là giá trị nhận biết được ví dụ như giáo dục trong nước, quốc tế hoặc từ xa. Tuy nhiên, giáo dục đại học quốc tế không đảm bảo có sự trải nghiệm học tập quốc tế hóa. Tương tự, trải nghiệm học tập quốc tế hóa có thể được thực hiện trong giáo dục đại học được cung cấp tại địa phương. Do đó, cần phải khái niệm hóa lại giáo dục đại học quốc tế sao cho tinh thần công dân toàn cầu giữ vị trí cốt lõi trong cung cấp giáo dục, mà không phụ thuộc vào vị trí địa lý của sinh viên. Triển khai giáo dục theo hướng đó nhằm mục đích nhúng vào địa phương, phù hợp trên toàn cầu và tập trung vào nhu cầu cũng như kỳ vọng của một đội ngũ sinh viên đa dạng. Thông qua mô hình triển khai toàn cầu, ý thức về môi trường, đặt sự phát triển bền vững và tinh thần công dân toàn cầu ở trọng tâm, giáo dục đại học quốc tế có thể vẫn phù hợp trong tương lai.