Giáo dục đại học vì lợi nhuận ở Mỹ Latinh: Ngoại lệ hay tiền thân?

Dante J. Salto là Giáo sư Trợ giảng tại Khoa Lãnh đạo Hành chính, Đại học Wisconsin–Milwaukee, và là Cộng sự của Chương trình Nghiên cứu về Giáo dục Đại học Tư thục (PROPHE). Email: salto@uwm.edu. Daniel C. Levy là Giáo sư Xuất sắc của SUNY, Khoa Chính sách Giáo dục & Lãnh đạo, Đại học Albany, và là Giám đốc PROPHE. Email: dlevy@albany.edu.

Chương trình Nghiên cứu về Giáo dục Đại học Tư thục (PROPHE) đóng góp một chuyên mục thường xuyên cho IHE.

Tóm tắt

Châu Mỹ Latinh dẫn đầu thế giới về quy mô giáo dục đại học tư nhân vì lợi nhuận hợp pháp. Thực tế này khiến người ta kinh ngạc với ba sự tương phản: cách đây một phần tư thế kỷ khu vực này không có số lượng tuyển sinh lớn như vậy; tuyển sinh vì lợi nhuận của Mỹ Latinh tập trung ở ba quốc gia; và quy mô tuyển sinh tư thục của khu vực này chỉ bằng một phần ba của châu Á. Bước nhảy vọt đáng kinh ngạc của Mỹ Latinh đặt ra câu hỏi giáo dục đại học tư nhân vì lợi nhuận sẽ có tương lai thế nào ở khu vực rộng lớn còn lại.

Hình thức chính của giáo dục đại học mới – giáo dục đại học vì lợi nhuận hợp pháp – đã bùng nổ mạnh mẽ ở Mỹ Latinh cách đây một phần tư thế kỷ, nhưng phần lớn vẫn chưa được chú ý ngay

ở trong khu vực, chưa nói đến những nơi xa hơn. Chỉ tập trung ở ba quốc gia, hai trong số đó có tỷ trọng lớn đến mức khiến Mỹ Latinh dẫn đầu toàn cầu về tổng số tuyển sinh vì lợi nhuận, mặc dù hầu hết các khu vực đều phát triển giáo dục đại học vì lợi nhuận. Liệu giáo dục đại học vì lợi nhuận sẽ tiếp tục như một ngoại lệ ở khu vực Mỹ Latinh, hay là tiền đề của một xu hướng? Trước khi bắt đầu xem xét một câu hỏi quan trọng như vậy, trước tiên chúng ta cần hiểu về bối cảnh giáo dục đại học tư thục (PHE) trong khu vực, vì sao và theo cách nào các ngoại lệ xuất hiện và tồn tại.

Là một câu lạc bộ tư nhân mạnh, hoàn toàn phi lợi nhuận?

Giống như phần lớn thế giới bên ngoài Hoa Kỳ, Mỹ Latinh từng có một hệ thống giáo dục đại học công lập và hệ thống quốc gia do công lập thống trị kể từ khi độc lập vào đầu thế kỷ XIX. Tuy nhiên, vào giữa thế kỷ 20, Mỹ Latinh trở thành khu vực đầu tiên có PHE ở hầu hết các quốc gia. Ngày nay, với PHE chiếm tới một nửa tổng số sinh viên, Mỹ Latinh dễ dàng trở thành khu vực dẫn đầu về tỷ trọng tư nhân trong tổng số sinh viên đại học.

Bởi vì Mỹ Latinh có nhiều cơ hội để làm quen với ý tưởng về PHE, lĩnh vực vì lợi nhuận hợp pháp xuất hiện như một sinh vật mới gây tranh cãi, thậm chí là đối thủ cạnh tranh với cả khu vực công và phi lợi nhuận tư nhân, tạo ra sự chia rẽ đáng kể. Ngay cả những trường phi lợi nhuận tư nhân – lâu nay vẫn bị các trường công coi là thấp kém hơn và đáng ngờ về tính hợp pháp – cũng không tin tưởng vào những người em họ mới và hoài nghi về mục đích của họ. Các trường phi lợi nhuận thường đứng về phe các trường công khi phủ nhận sự tương thích của lợi nhuận và các giá trị giáo dục.

Nhiều nhầm lẫn về ranh giới pháp lý vì lợi nhuận bắt nguồn từ những định nghĩa không chặt chẽ. Theo định nghĩa mang tính pháp lý, các trường vì lợi nhuận là những tổ chức chia thặng dư cho cổ đông, trong khi những trường tự nhận là phi lợi nhuận tái đầu tư toàn bộ lợi nhuận cho tổ chức. Sự hiểu lầm phần lớn phát sinh từ việc các trường phi lợi nhuận lợi dụng những khe hở giới hạn của định nghĩa pháp lý để thu lợi về mặt tài chính. Mặc dù những cuộc thảo luận về “vì lợi nhuận” thường bao gồm rất nhiều thứ, từ việc khu vực phi lợi nhuận tạo ra doanh thu cho đến việc các tổ chức phi lợi nhuận thuộc sở hữu của các tập đoàn quốc tế (ví dụ sự hiện diện lớn của Laureate ở Mexico), những thực tế đó không xác định rõ ràng điều gì tạo nên lợi nhuận. Sự nhầm lẫn cũng nảy sinh từ việc các tổ chức phi lợi nhuận lợi dụng những khó khăn trong việc giám sát và thực thi để tìm kiếm và phân chia lợi nhuận bất hợp pháp.

Nhiều nhầm lẫn về ranh giới pháp lý vì lợi nhuận bắt nguồn từ những định nghĩa không chặt chẽ.

Giáo dục đại học vì lợi nhuận nhảy vọt lên vị trí số 1 toàn cầu

Tuy nhiên, dù nhiều người có thể nghi ngờ bản chất hợp pháp của phần lớn PHE phi lợi nhuận tại khu vực này, Mỹ Latinh vẫn trung thành với nguồn gốc châu Âu của nó khi ngăn chặn PHE vì lợi nhuận hợp pháp cho đến những năm 1980. Điều này bất chấp việc nhiều truyền thống công lập gần như độc quyền đã bị loại bỏ, khi khu vực tư nhân chiếm hơn 30% tổng số tuyển sinh. Ngoại trừ một thị trường ngách ở Chile vào những năm 1980, hoạt động vì lợi nhuận hợp pháp vẫn vắng bóng vào những năm 1990. Tuy nhiên, ngày nay, ngay cả khi hoạt động vì lợi nhuận phát triển nhanh chóng ở hầu hết các khu vực khác, Mỹ Latinh vẫn dẫn đầu về số lượng tuyển sinh vì lợi nhuận. Điều này đặc biệt đáng chú ý khi biết rằng tổng số tuyển sinh tư nhân của châu Á cao gấp ba lần so với châu Mỹ Latinh. Đáng ngạc nhiên không kém là vẫn chỉ có năm quốc gia Mỹ Latinh tuyển sinh vì lợi nhuận, ít hơn so với châu Phi, khu vực Ả Rập, châu Á hoặc thậm chí châu Âu. Hơn nữa, PHE vì lợi nhuận của Mỹ Latinh tập trung chủ yếu ở Brazil, tiếp đến Peru và sau đó là Chile, Costa Rica và Bolivia đứng cuối danh sách. PHE vì lợi nhuận của châu Á cũng tập trung ở hai khu vực tư nhân lớn (Indonesia và Philippines) với thành phần chính là vì lợi nhuận. Nhưng cả hai quốc gia này đều không thể so được Brazil về quy mô và PHE vì lợi nhuận của các nước châu Á khác không tạo nên sự khác biệt. Ngoài Indonesia, ba khu vực tư nhân lớn nhất của châu Á là Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc – cấm PHE vì lợi nhuận. Do đó, tỷ trọng vì lợi nhuận của châu Á trong PHE (và trong giáo dục đại học nói chung) là rất nhỏ so với châu Mỹ Latinh.

Brazil cho đến nay vẫn là gã khổng lồ vì lợi nhuận của Mỹ Latinh và trên toàn thế giới với giáo dục đại học tư nhân vì lợi nhuận có 3,3 triệu trong tổng số 8 triệu sinh viên. PHE vì lợi nhuận của Peru có khoảng hơn 700 ngàn sinh viên. Ở cả hai quốc gia, khu vực tư nhân vì lợi nhuận tuyển nhiều sinh viên hơn các trường tư nhân phi lợi nhuận hoặc các trường công lập. Số lượng đăng ký học tại các trung tâm đào tạo sau trung học vì lợi nhuận của Chile cũng rất đáng kể, mặc dù luật pháp gần đây có thể đã cắt giảm một phần khá lớn so với con số ước tính 343 ngàn sinh viên đăng ký vào những trung tâm đó. Costa Rica đóng góp khoảng 40 ngàn sinh viên. Như vậy, PHE vì lợi nhuận chỉ ở bốn quốc gia này (Bolivia bị bỏ qua vì không cung cấp dữ liệu hoặc ước tính chính thức) có khoảng 4,4 triệu sinh viên, chiếm 32% tổng số sinh viên tư thục và 17% tổng số sinh viên đại học của Mỹ Latinh.

Chìa khóa để hợp pháp hóa giáo dục vì lợi nhuận ở cả Brazil và Peru là tuyên bố của tổng thống rằng ngụy trang để hoạt động vì lợi nhuận là hình thức lừa đảo, việc miễn trừ thuế cho những hoạt động giáo dục phi lợi nhuận bất hợp pháp đang tước đi nguồn thu thuế của chính phủ. Do đó, chính phủ buộc các trường tư hiện có và trong tương lai phải lựa chọn: là trường phi lợi nhuận thực sự hoặc vì lợi nhuận thực sự. Rất nhanh chóng, những người chọn hình thức vì lợi nhuận nhìn thấy cơ hội thành công nếu tập trung vào những nhu cầu tiếp cận đại học chưa được đáp ứng. Những điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đại chúng hóa hơn nữa hệ thống của họ, thường là những trường có thứ hạng thấp hơn, không hướng đến giới tinh hoa, đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhóm trường danh tiếng bao gồm chủ yếu là trường công, với một số ngoại lệ là những trường tư thục nổi bật, phi lợi nhuận, mặc dù một số trường vì lợi nhuận vẫn tìm thấy những thị trường ngách hữu ích.

Dừng lại ở đây hay không?

Mặc dù khó biết trước tương lai của PHE vì lợi nhuận của Mỹ Latinh sẽ thế nào, nhưng chúng tôi có một số cơ sở để suy đoán. Trường hợp của Chile minh họa cho sự dao động, không chắc chắn. Bước đột phá của khu vực vì lợi nhuận hiện đại của Mỹ Latinh đã đến với Chile, trước Brazil hoặc Peru. Tuy nhiên, bị ép buộc bởi chế độ độc tài quân sự vào những năm 1980, Chile chỉ cho phép những trung tâm đào tạo sau trung học – chủ yếu chuyên về các lĩnh vực kỹ thuật và dạy nghề – hoạt động theo hình thức vì lợi nhuận. Các trường đại học chưa bao giờ được phép hợp pháp hóa hoạt động vì lợi nhuận và, với những cuộc biểu tình của sinh viên gần đây và những thay đổi về lập pháp theo chủ nghĩa dân túy, thậm chí một số trung tâm đào tạo đang chuyển sang hình thức phi lợi nhuận.

Các chỉ số từ ngoài Chile cũng khác nhau. Sự bùng nổ vì lợi nhuận mạnh mẽ gần đây ở Brazil và Peru cho thấy các quốc gia nền tảng của Mỹ Latinh không rút lui khỏi con đường vì lợi nhuận. Những chính phủ thiếu tiền mặt khác có thể tìm cách làm theo để đạt được nguồn thu từ thuế bằng cách lột bỏ lớp ngụy trang của các tổ chức phi lợi nhuận. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng vì lợi nhuận ở những khu vực khác có thể giúp hợp pháp hóa hình thức này, hoặc ít nhất tiếp tục cung cấp vỏ bọc để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng mà không cần đào sâu vào ngân sách công đã bị COVID-19 làm thâm hụt. Vẫn tập trung ở rất ít quốc gia, khu vực tư thục rộng lớn của Mỹ Latinh và giáo dục đại học vẫn tiếp tục mở rộng có thể tạo không gian đáng kể để hoạt động vì lợi nhuận phát triển ở 18 quốc gia khác. Mặt khác, một số quốc gia có thể thích ngụy trang che giấu vì lợi nhuận để tránh gây tranh cãi gay gắt. Điều này càng có nhiều khả năng xảy ra khi chủ nghĩa dân túy thiên tả đang lan rộng và phong trào tích cực của sinh viên đã hồi phục vào năm ngoái. Việc Colombia năm 2011 đảo ngược một dự án vì lợi nhuận được đề xuất, cũng như những cuộc biểu tình phản đối vì lợi nhuận của sinh viên Chile, có thể tạo đối trọng với những sức ép ủng hộ mở rộng hợp pháp hóa PHE vì lợi nhuận ra ngoài một số thành trì hiện tại của nó.