Giáo dục đại học Nga và cuộc cách mạng nhân khẩu học

Niyaz Gabdrakhmanov là Nghiên cứu viên tại Viện Giáo dục, phòng Thí ng- hiệm Phát triển Đại học, Đại học HSE, Moscow, Nga. Email: ngabdrahmanov@ hse.ru. Oleg Leshukov là Phó Viện trưởng Viện Giáo dục. Email: oleshukov@ hse.ru.

Tóm tắt

Các cuộc cách mạng nhân khẩu học tác động mạnh đến số lượng sinh viên đại học tiềm năng và cơ hội tiếp cận giáo dục đại học ở Nga. Tại thời điểm số lượng các trường đại học đang giảm đi, một phân tích về xu hướng nhân khẩu học hiện tại cho thấy mối đe dọa thu hẹp cơ hội tiếp cận giáo dục đại học, cùng với sự phân hóa vùng miền trong cung cấp giáo dục; nhiều khả năng tình trạng sẽ còn tồi tệ hơn do đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Nước Nga đang phải đối mặt với những thay đổi đáng kể trong hệ thống giáo dục đại học của mình vì những hoàn cảnh khá đặc biệt: tổng dân số sụt giảm nhưng số lượng thanh niên trong độ tuổi đại học lại tăng lên. Hiện nay, hệ thống giáo dục đại học của Nga được xem là một trong những hệ thống giáo dục đại chúng hàng đầu thế giới. Điều này đúng cả về tổng số sinh viên và tỷ lệ nhập học gộp (gross enrolment rate). Tổng số sinh viên ở Nga năm 2019 là 4,2 triệu. Tỷ lệ dân số từ 25 đến 64 tuổi đăng ký học đại học đứng thứ tư trên thế giới, chỉ sau Hàn Quốc, Nhật Bản và Canada. Tỷ lệ nhập học cao như vậy là hệ quả của việc đại chúng hóa giáo dục đại học diễn ra sau khi Liên Xô sụp đổ. Số lượng các trường đại học đã tăng gấp đôi trong vòng 20 năm kể từ khi Liên bang Nga được thành lập: vào thời kỳ đỉnh cao, vào năm 2006, hệ thống giáo dục Nga bao gồm 1.314 trường đại học (và hơn 1.500 phân hiệu của các trường đại học này).

Thật không may, sự phát triển nhanh chóng về số lượng các trường đại học đã dẫn đến sự xuất hiện một phân khúc giáo dục đại học chất lượng thấp. Để đối phó với thách thức này, vào năm 2011, chính phủ đã đưa ra một chương trình đặc biệt nhằm tối ưu hóa mạng lưới các trường đại học. Kết quả là, trong năm 2017, số lượng các trường cao đẳng và đại học đã giảm một nửa, trong khi số các phân hiệu giảm 65%.
Những thay đổi cơ cấu này trùng hợp với sự sụt giảm tổng thể số lượng sinh viên do các yếu tố nhân khẩu học. Trong giai đoạn này, số lượng sinh viên giảm 35%. Tuy nhiên, dự báo năm 2019 cho thấy sự gia tăng dân số trẻ và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục trong vòng 15 năm tới. Sự gia tăng tương đối nhanh số lượng thanh thiếu niên có khả năng dẫn đến nhu cầu giáo dục đại học ngày càng tăng và sẽ có tác động đáng kể đến hệ thống.

Nguy cơ giảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học

Sự gia tăng dân số trẻ ở Nga được dự đoán sẽ dẫn đến nguy cơ giảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học. Trong khi dân số tổng thể sẽ giảm 3,7 triệu người vào năm 2036, dân số trong độ tuổi 17 đến 21 dự báo sẽ tăng lên do sự hồi phục của Nga sau sự sụp đổ nhân khẩu học những năm 1990. Phần lớn sinh viên Nga nằm trong độ tuổi này và phân khúc dân số này sẽ tăng 15% vào năm 2024 và 45% vào năm 2036.

Một đặc điểm quan trọng khác là phần lớn học sinh tốt nghiệp trung học tiếp tục học lên cao đẳng và đại học. Ngày nay, hơn 70% học sinh tốt nghiệp trung học chọn con đường này. Điều này có nghĩa là trong tình hình hiện tại, khi số lượng các tổ chức giáo dục giảm đáng kể và phân khúc dân số trẻ tăng ổn định, cơ hội tiếp cận giáo dục có thể giảm đáng kể. Nhiều học sinh tốt nghiệp ra trường có thể bị đẩy vào phân khúc giáo dục nghề nghiệp.

Sự khác biệt theo khu vực và trong nhân khẩu học

Các khu vực trên cả nước Nga có sự phân hóa rất cao và khác biệt lớn về xu hướng nhân khẩu học. Việc các trường cao đẳng và đại học nằm ở những thành phố lớn tạo ra động lực mạnh mẽ để những người trẻ tuổi dịch chuyển đến những trung tâm giáo dục này. Các cuộc khảo sát cho thấy mọi người có xu hướng coi những thành phố lớn là nơi cung cấp chất lượng giáo dục cao hơn và mang lại nhiều cơ hội phát triển cá nhân hơn. Kết quả là, chỉ một phần tư các khu vực của Nga thu hút được giới trẻ, số lượng những người trẻ di cư về các thành phố lớn đã tăng gấp ba lần trong vài năm qua. Điều này một phần là kết quả của việc thông qua “kỳ thi quốc gia thống nhất” vào năm 2001 (kỳ thi bắt buộc cho mọi học sinh dự định vào đại học), kỳ thi này tạo thêm cơ hội học tập cho những thí sinh đăng ký vào những trường đại học bên ngoài khu vực quê hương của họ. Đồng thời, điều này cũng dẫn đến việc rút bớt thanh niên khỏi hầu hết các khu vực, đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định phát triển của khu vực.

Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi trong tương lai gần, trong chừng mực hầu hết các khu vực đang trên đà có sự gia tăng đáng kể số lượng người trẻ tuổi. Điều này mang lại hy vọng rằng ít nhất một số trong số những người trẻ tuổi có xu hướng chuyển đến những trung tâm giáo dục phát triển hơn trong những năm gần đây sẽ ở lại khu vực quê hương của họ.
Điều quan trọng nữa là cần xem xét tác động của xu hướng nhân khẩu học đối với những thành phố và khu vực hấp dẫn hơn của Nga. Một phần tư tổng số sinh viên và một phần ba tổng số các trường đại học trong cả nước tập trung ở hai thành phố Moscow và St. Petersburg. Sự phân bố không đồng đều về mặt địa lý của các trung tâm đại học đang tạo ra sự chênh lệch trong cơ hội học tập của những người trẻ tuổi. Xu hướng nhân khẩu học hiện nay đang đặt ra một thách thức khác đối với các gia đình: sự cạnh tranh ngày càng tăng để giành vị trí trong các trường đại học ở những khu vực đang thu hút nhiều người trẻ từ những khu vực khác. Do đó, cơ hội tiếp cận giáo dục đại học sẽ giảm đối với học sinh tốt nghiệp trung học ở Moscow và St. Petersburg, vì họ buộc phải cạnh tranh với học sinh tốt nghiệp từ khắp nước Nga.

Tỷ lệ dân số từ 25 đến 64 tuổi đăng ký học đại học đứng thứ tư trên thế giới, chỉ sau Hàn Quốc, Nhật Bản và Canada.

Ở Nga, các cuộc cách mạng về nhân khẩu học tác động trực tiếp đến cơ hội tiếp cận giáo dục đại học. Đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay nhiều khả năng làm trầm trọng thêm sự khác biệt về tình trạng kinh tế xã hội giữa những người trẻ tuổi. Những nhóm thiệt thòi nhất có thể phải đối mặt với việc cơ hội tiếp cận các trường đại học sẽ thấp nhất. Khi lựa chọn một chiến lược giảm thiểu rủi ro và giảm chi phí, các gia đình có thể chuyển hướng sang thị trường giáo dục đại học địa phương và chọn những trường đại học trong khu vực sinh sống của họ. Nhưng trong điều kiện năng lực giáo dục đại học hiện nay đã giảm đi, đặc biệt ở những vùng sâu vùng xa (do việc tối ưu hóa mạng lưới các trường đại học), điều này cũng có thể dẫn đến sự giảm bớt cơ hội tiếp cận.

Gần đây, chính phủ đã thực hiện một loạt những bước nhằm giải quyết sự chênh lệch ngày càng tăng này. Một biện pháp quan trọng là tăng số lượng chỗ học do liên bang tài trợ, dự kiến sẽ tăng 28% từ năm 2020 đến năm 2024. Sáng kiến này nhắm mục tiêu cụ thể vào việc cải thiện cơ hội tiếp cận giáo dục ở những khu vực bên ngoài Moscow và Saint Petersburg. Những biện pháp khác nhằm mở rộng các hình thức giáo dục trực tuyến và tạo ra các nền tảng quốc gia cho các khóa học và tài nguyên giáo dục trực tuyến. Sự phổ biến của giáo dục trực tuyến có thể giúp cải thiện cơ hội tiếp cận và thay đổi những mô hình dịch chuyển giáo dục.