Sude Peksen là Nghiên cứu viên và là Nghiên cứu sinh tại Trung tâm Giáo dục Đại học tại Đại học TU Dortmund, Đức. Email: sude.peksen@tu-dainst.de. Liudvika Leisyte là Giáo sư về Giáo dục Đại học và là Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Đại học. Email: liudvika.leisyte@tu-dortmund.de.
Tóm tắt
Đức đã trở thành điểm đến du học hàng đầu nhờ cách tiếp cận quốc tế hóa lâu dài và cụ thể thông qua hợp tác và định hướng phi lợi nhuận: Phương pháp tiếp cận quyền lực mềm điển hình. Vai trò của các bên trung gian, đặc biệt là DAAD, rất quan trọng trong phương diện này. Những biện pháp hỗ trợ đang thúc đẩy quốc tế hóa ở cấp bang và cấp liên bang. Trong khi đó, việc những bang miền nam gần đây áp dụng thu học phí cho thấy có ít nhiều khác biệt so với định hướng phi lợi nhuận truyền thống của Đức.
Trong những năm gần đây, Đức đứng thứ tư trong số những điểm đến du học hàng đầu trên thế giới. Chính phủ Liên bang Đức nhấn mạnh vào việc quốc tế hóa toàn cảnh giáo dục đại học (GDĐH) và từng bước áp dụng những chính sách mới để củng cố GDĐH với sự hỗ trợ của nhiều bên, đặc biệt là thông qua Cơ quan Trao đổi Học thuật Đức (DAAD).
Quốc tế hóa giáo dục đại học ở Đức: Những giá trị nền tảng
Chính sách của Liên bang Đức được xây dựng dựa trên giá trị của GDĐH như một lợi ích công và, theo truyền thống, thúc đẩy một kiểu quốc tế hóa cụ thể thông qua hợp tác, cổ vũ tự do học thuật, đóng góp cho sự phát triển và tham gia vào những nỗ lực giải quyết những vấn đề toàn cầu. Chiến lược quốc tế hóa liên bang năm 2017 tập trung vào năm mục tiêu: củng cố sự vượt trội thông qua hợp tác toàn thế giới; phát triển sức mạnh đổi mới của nước Đức trên trường quốc tế; mở rộng giáo dục và đào tạo trên phạm vi quốc tế; định hình xã hội tri thức toàn cầu cùng những quốc gia mới nổi và đang phát triển; và cuối cùng là vượt qua những thách thức toàn cầu nói chung.
Tiếp theo chiến lược của DAAD, ngành giáo dục đại học và khu vực nghiên cứu của Đức cũng tăng sức hấp dẫn của mình bằng cách trở thành một hệ thống miễn học phí quy mô lớn, coi trọng việc trao đổi tri thức.
Phù hợp với những mục tiêu, chiến lược mới 2025 của DAAD tập trung vào những giá trị này bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động trao đổi du học, mạng lưới nghiên cứu và hợp tác trên phạm vi quốc tế, đồng thời nhận trách nhiệm toàn cầu và đóng góp cho phát triển và hòa bình. Những mục tiêu đầy tham vọng này được hỗ trợ bằng nguồn tài trợ ấn tượng cho nhiều dự án và hoạt động quốc tế hóa khác nhau thông qua DAAD, quỹ nghiên cứu của Đức (DFG) hoặc bộ ở cấp liên bang và được triển khai bởi các Hiệp hội nghiên cứu và các tổ chức giáo dục đại học. Quỹ tài trợ cho các dự án quốc tế đã tăng từ 567 triệu EUR trong năm 2009 lên 1,05 tỷ EUR vào năm 2019.
Tiếp theo chiến lược của DAAD, ngành giáo dục đại học và khu vực nghiên cứu của Đức cũng tăng sức hấp dẫn của mình bằng cách trở thành một hệ thống miễn học phí quy mô lớn, coi trọng việc trao đổi tri thức. Họ cam kết về sự thành công trong học tập của sinh viên quốc tế và tăng tỷ lệ giảng viên người nước ngoài lên 15% tổng số cán bộ giảng viên của Đức thông qua việc quảng cáo những vị trí học thuật trên phạm vi quốc tế. Trong những năm gần đây, các chiến dịch thông tin và tiếp thị của DAAD nhằm thúc đẩy nghiên cứu tầm cỡ thế giới, đầu tư vào các mối quan hệ đối tác quốc tế thông qua các chương trình nghiên cứu hợp tác và tài trợ cho các trường đại học quốc tế của Đức ở nước ngoài (ví dụ như ở Thái Lan, Ai Cập và Bahrain). DAAD tự định vị ở vị trí tiên phong trong các cuộc thảo luận về quốc tế hóa GDĐH và nghiên cứu, đồng thời tự coi mình là một tác nhân có ảnh hưởng trong ngoại giao khoa học. Năm 2019, DAAD có tổng ngân sách là 594 triệu EUR và đã trả lương/sinh hoạt phí cho 145.659 sinh viên, sinh viên tốt nghiệp và giảng viên, bao gồm 60.581 người từ nước ngoài và 85.078 người từ Đức. Tuy nhiên, việc thực hiện những chiến lược đầy tham vọng này phụ thuộc vào hệ thống giáo dục đại học của 16 bang và nhiều cơ sở giáo dục đại học khác nhau.
Các biện pháp ở cấp độ bang
So sánh số liệu thống kê lượng du học sinh đến các bang ở Đức trong học kỳ mùa đông 1998 – 1999 và 2019 – 2020, ta có thể thấy rằng nhìn chung, số lượng sinh viên quốc tế tăng lên ở tất cả các bang. Mức tăng cao nhất là ở những bang Đông Đức cũ (ví dụ ở Thuringia từ 4% lên 15%, Sachsen-Anhalt từ 4% lên 16%, và Sachsen từ 6% lên 17%, trong khi ở thủ đô Berlin tăng vọt từ 13% lên 22%). Ngoài ra, chúng ta có thể quan sát thấy sự khác biệt về học phí. Ở hầu hết các bang, sinh viên quốc tế được miễn học phí, nhưng một số bang đã áp dụng thu phí, chẳng hạn như Baden-Württemberg, kể từ học kỳ mùa đông 2017 – 2018, sinh viên không thuộc khối EU phải trả 1.500 EUR, hoặc Bavaria áp dụng thu học phí đối với những sinh viên theo học những chương trình chỉ được triển khai tại những phân hiệu bên ngoài Liên minh châu Âu, ví dụ như những chương trình học của trường Đại học Kỹ thuật Munich châu Á ở Singapore. Chúng ta cũng có thế thấy các cơ sở đại học khác nhau theo đuổi những chiến lược khác nhau liên quan đến các phân hiệu, trong việc thu hút và tuyển dụng cán bộ giảng viên nước ngoài, và hỗ trợ người tị nạn thông qua các sáng kiến tài trợ do bang hỗ trợ. Tất cả những biện pháp này chỉ ra rằng các bang đang thực thi quyền lực mềm vượt ra ngoài khuôn khổ công cụ pháp lý của quyền lực cứng.
Khi xem xét kỹ hơn luật pháp của các bang, ta thấy rằng quốc tế hóa phần lớn được thúc đẩy bởi bộ giáo dục của bang thông qua những thỏa thuận các với cơ sở đại học, trong khi các luật mới chỉ quy định khuôn khổ chung. Ví dụ, ở Mecklenburg-Western Pomerania, luật mới năm 2019 kêu gọi cải thiện chất lượng của các cơ sở đại học để thu hút nhiều sinh viên và giảng viên quốc tế hơn, và theo luật mới của bang Rhineland-Palatinate được ban hành vào năm 2020, một Diễn đàn Giáo dục Đại học sẽ được thành lập để tăng cường hợp tác và trao đổi về quốc tế hóa giữa bang và các cơ sở đại học.
Quan trọng là, những thỏa thuận thực hiện đều được kết nối tới nguồn tài trợ của các cơ sở đại học. Do đó, ở đây, những cơ chế khuyến khích cụ thể được triển khai. Ví dụ, thỏa thuận gần đây giữa Hamburg và trường Đại học Công nghệ Hamburg bao gồm hạn ngạch 10% sinh viên trao đổi du học, còn ở Bavaria, trường Đại học Kỹ thuật Munich đã đồng ý tăng số lượng sinh viên Bắc Mỹ vào năm 2022.
Viễn cảnh của quốc tế hóa trong giáo dục đại học Đức
Những chiến lược hiện nay của liên bang và của DAAD, cam kết lâu dài thực hiện quốc tế hóa thông qua nguồn tài trợ đáng kể ở cấp bang, và tầm quan trọng của quốc tế hóa được đề cao ở tất cả các bang cho phép chúng ta giả định rằng chính phủ Đức, cũng như những bên liên quan chính, đều nghiêm túc cam kết cạnh tranh toàn cầu trong giáo dục đại học, khoa học và đổi mới. Vai trò lãnh đạo toàn cầu dựa trên những truyền thống lâu đời dường như hoạt động thông qua cả cách tiếp cận quyền lực mềm và quyền lực cứng, tùy thuộc vào cấp ban hành chính sách. Có thể thấy luật GDĐH của các bang cũng quy định một số biện pháp thúc đẩy quốc tế hóa: Do đó, dường như cách tiếp cận quyền lực cứng thông qua cưỡng chế vẫn được áp dụng trong một chừng mực nhất định. Cấp liên bang cũng đưa ra một loạt biện pháp hỗ trợ nhưng không ràng buộc để thúc đẩy quốc tế hóa, chẳng hạn như những hướng dẫn, tài liệu chiến lược và những công cụ chính sách tài chính. Do đó, cách tiếp cận quyền lực mềm được áp dụng ở cấp liên bang thông qua việc thiết lập chương trình nghị sự, những bài tập đánh giá tiêu chuẩn và những công cụ chính sách thông tin. Chúng ta cũng nhận thấy rằng sự cạnh tranh dường như dẫn đến những thay đổi quan trọng ở cấp bang cũng như cấp cơ sở đại học, chẳng hạn như việc áp dụng học phí hoặc tăng tính quyết đoán trong việc thu hút sinh viên và học giả quốc tế. Berlin rõ ràng đang đi tiên phong trong hướng thay đổi này.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, quá trình quốc tế hóa đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng và khó xác định được hướng phát triển. Một số nước không cho phép công dân nước ngoài nhập cảnh và DAAD khuyến cáo công dân Đức không đến những quốc gia/ khu vực có nguy cơ cao. Những diễn biến hiện nay cho thấy có thể các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan tài trợ sẽ áp dụng những biện pháp mới để thúc đẩy quốc tế hóa trong không gian ảo. Đồng thời, nhiều khả năng cách tiếp cận tổng thể của Đức đối với quốc tế hóa sẽ không thay đổi trong tương lai gần, vì những mục tiêu hợp tác, tự do học thuật và đóng góp vào sự phát triển toàn cầu vốn được coi là giá trị cốt lõi của giáo dục đại học như một lợi ích công.