Đo lường cơ hội tiếp cận giáo dục đại học: Mục đích và bối cảnh

C. M. Malish là Trợ lý Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Giáo dục Đại học, Viện Quản lý và Kế hoạch Giáo dục Quốc gia, New Delhi, Ấn Độ. Email: malishchirakkal@gmail.com.

Tóm tắt

Tỷ lệ nhập học chung (GER) là một chỉ số được sử dụng rộng rãi để đo lường mức độ tiếp cận giáo dục. Gần đây, một chỉ số khác được gọi là tỷ lệ nhập học đủ điều kiện (EER) được đưa ra. Bài viết này so sánh GER và EER và tính hữu ích của chúng trong việc đánh giá sự tiến bộ của giáo dục đại học ở Ấn Độ. Bài viết này lập luận rằng GER dường như vẫn là chỉ số thích hợp nhất để đo lường mức độ tiếp cận giáo dục đại học.

Tỷ lệ dân số được tiếp cận giáo dục đại học (GDĐH) và gia nhập lực lượng lao động có trình độ đại học là một chỉ số quan trọng về chất lượng lao động và tiềm năng phát triển kinh tế và xã hội của các quốc gia. Các nhà hoạch định chính sách dựa vào các chỉ số để đánh giá sự tiến bộ, đặt ra các mục tiêu của việc mở rộng khu vực GDĐH trong tương lai, và tập trung vào những nhóm xã hội cụ thể để đảm bảo sự công bằng trong một hệ thống đang mở rộng. Tỷ lệ nhập học chung (Gross Enrollment Ratio – GER) là một chỉ số được sử dụng rộng rãi để đo lường cơ hội tiếp cận GDĐH. Tuy nhiên, gần đây, Pankaj Mittal và Bhushan Patwardhan (IHE, 2020, Ấn phẩm mùa Thu số 104) đã lập luận rằng một thước đo khác, được gọi là tỷ lệ nhập học đủ điều kiện (Eligible Enrollment Ratio – EER), là chỉ số thực tế hơn để đo lường cơ hội tiếp cận giáo dục đại học, đặc biệt trong những nền kinh tế như Ấn Độ. Bài viết này muốn đóng góp vào cuộc tranh luận bằng cách so sánh ưu điểm và nhược điểm của GER và EER.

Các chỉ số tiếp cận giáo dục đại học

Tỷ lệ nhập học (Enrollment Ratio – ER) phản ánh mối liên hệ quan trọng giữa giáo dục và xã hội nói chung. Tỷ lệ nhập học chung (GER), tỷ lệ nhập học đúng tuổi theo từng cấp (Net Intake Rate – NIR), tỷ lệ nhập học đúng tuổi (Net Enrollment Rate – NER) và tỷ lệ nhập học chung theo từng cấp (Gross Intake Ratio – GIR) là những chỉ số chính được dùng khi so sánh các hệ thống giáo dục. Không phải tất cả những chỉ số này đều phù hợp với GDĐH. Ví dụ, NER tính toán tỷ lệ nhập học theo độ tuổi cụ thể cho một cấp học nhất định, hiếm khi được sử dụng trong GDĐH, vì tổng số sinh viên theo độ tuổi rất khó tính toán do có nhiều hệ đầu vào được áp dụng.

Tỷ lệ nhập học chung (GER)

Trong số những chỉ số này, GER được sử dụng rộng rãi và toàn cầu như một chỉ số để đo lường cơ hội tiếp cận GDĐH. Ngay cả việc phân chia GDĐH (bởi Martin Trow, vào đầu những năm 1970) thành những giai đoạn phát triển: tinh hoa, đại chúng và phổ thông – cũng dựa trên GER.

Theo Viện Thống kê của UNESCO, GER được tính bằng tỷ lệ phần trăm của tổng số nhập học vào một cấp học cụ thể, bất kể độ tuổi, trên tổng số người cùng nhóm tuổi tương ứng cấp học đó. Vì nhóm tuổi 18 – 23 là phân khúc tương ứng với giáo dục đại học ở Ấn Độ, GER của một năm học nhất định được tính bằng tổng số sinh viên nhập học vào các cơ sở giáo dục đại học (HEI), bất kể độ tuổi, chia cho tổng số dân số trong nhóm tuổi 18 – 23 thuộc năm đó.

“So sánh GER với EER” dường như là một cuộc tranh luận sai lầm.

Tỷ lệ nhập học đủ điều kiện (EER)

Như Mittal và Patwardhan chỉ ra, EER được tính bằng tỷ lệ phần trăm của tổng số sinh viên nhập học GDĐH trong một năm nhất định bất kể độ tuổi, trên tổng số người cùng nhóm tuổi (phân khúc tuổi GDĐH) đã đạt được trình độ trung học phổ thông (lớp 12). Do đó, việc áp dụng tiêu chí đủ điều kiện bổ sung này chỉ đơn giản là loại trừ tất cả những người cùng nhóm tuổi không đạt được bằng cấp 3. EER cung cấp những hiểu biết quan trọng về cung và cầu trong GDĐH. Tuy nhiên, không giống như GER, về nguyên tắc, EER có thể được tăng lên theo hai cách khác nhau. Một là bằng cách tăng tổng số nhập học đại học, và hai là bằng cách giảm số lượng người đủ điều kiện. Cách thứ hai rõ ràng là không cấp tiến. Ví dụ EER có thể cao ngay cả khi số lượng nhập học ở mức thấp, nếu nhóm tuổi đủ điều kiện (tốt nghiệp phổ thông trung học) có quy mô nhỏ: Nếu một quốc gia có một triệu dân trong độ tuổi đại học, 1.000 trong số đó tốt nghiệp phổ thông trung học, và tổng số nhập học HE là 1.000, thì EER là 100%.

So sánh GER và EER

“So sánh GER với EER” dường như là một cuộc tranh luận sai lầm. Như đã phân tích ở trên, mục đích của mỗi chỉ số là khác nhau. Lợi thế so sánh mà mỗi thứ mang lại không nên là lý do để bạn thích cái này hơn cái kia. Chúng ta cần xem xét cả mục đích và bối cảnh của việc sử dụng một chỉ số. Trong bối cảnh cụ thể của một nền kinh tế tri thức, tỷ lệ dân số có trình độ học vấn đại học là thông tin quan trọng để lập kế hoạch kinh tế và xã hội. Ở đây, GER phục vụ một mục đích quan trọng, cho biết có bao nhiêu thanh niên trong độ tuổi đại học theo học đại học. GER cao có nghĩa là có nhiều người đăng ký vào các trường cao đẳng và đại học hơn. Ngược lại, EER, khi đứng độc lập, không đủ khả năng cung cấp định hướng cho các nhà hoạch định. Ví dụ: EER cao hơn có thể là do số lượng thấp hơn của nhóm đủ điều kiện về độ tuổi. Vì vậy, EER chỉ có ý nghĩa khi so với GER. Đáng chú ý là trong những hệ thống GDĐH phát triển, chẳng hạn như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Đức, khoảng cách giữa GER và EER là rất nhỏ. Đó là nhờ những tiến bộ mà những hệ thống này đã đạt được trong việc phổ cập giáo dục phổ thông.

Mittal và Patwardhan khiến chúng tôi chú ý đến một số hạn chế của GER. Ví dụ, cách tính GER bao gồm cả sinh viên quốc tế được cho là mang lại lợi thế quá mức cho những hệ thống GDĐH đã trưởng thành, vốn thu hút được nhiều sinh viên từ khắp nơi trên thế giới. Có ba yếu tố khác nữa tác động đến GER ở những nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ. Thứ nhất là số lượng sinh viên tuổi trưởng thành (lớn hơn độ tuổi chính thức của sinh viên đại học). Trong các hệ thống GDĐH phổ cập như Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, sinh viên tuổi trưởng thành chiếm một phần đáng kể trong tổng số nhập học và là một yếu tố có ảnh hưởng đến tỷ lệ GER. Hiện tượng này không đáng kể ở một số khu vực khác như châu Á và châu Phi. Thứ hai là thời lượng của các chương trình đào tạo trình độ cử nhân. So với những chương trình đào tạo cử nhân bốn năm như ở Hoa Kỳ, chương trình UG của Ấn Độ chỉ ba năm, ngoại trừ những chương trình kỹ thuật và chuyên ngành như kỹ thuật và y học. Điều này có ý nghĩa lớn đối với GER. Yếu tố thứ ba là mọi loại hình đào tạo sau trung học đều được đưa vào để tính GER. Một số chương trình đào tạo sau trung học, nhưng dưới mức cử nhân (cấp độ 6 của ISCED 2011), không nên được coi là giáo dục đại học.

Kết luận

Tóm lại, GER và EER cho thấy hai tình huống khác nhau của tuyển sinh GDĐH. Vì vậy, thảo luận về ưu điểm của cái này so với cái kia có thể không hữu ích lắm. Mặc dù EER là một chỉ số quan trọng, nhưng nếu xét riêng thì nó không giúp ích nhiều cho các nhà hoạch định giáo dục và kinh tế. Nếu đặt mục đích là hình dung một xã hội hòa nhập và một nền kinh tế cạnh tranh toàn cầu trong kỷ nguyên tri thức, thì GER là chỉ số phù hợp hơn. Do đó, nhiều khả năng GER sẽ tiếp tục là chỉ số chính để đo lường cơ hội tiếp cận GDĐH. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy tiềm năng to lớn để cải thiện nó, để khiến nó trở thành công cụ so sánh trên toàn cầu và công bằng hơn với các nền kinh tế trung bình và thấp.