Đào tạo tiến sĩ hậu COVID không được chú trọng

Tessa DeLaquil và Lizhou Wang là Trợ lý nghiên cứu và là Nghiên cứu sinh tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. Email: tessa. [email protected]; [email protected].

Tóm tắt

Đào tạo tiến sĩ hiện không còn được chú trọng thể hiện qua việc hạn chế hỗ trợ cho các chương trình tiến sĩ và cho nghiên cứu sinh do thiếu nguồn lực vì COVID-19. Việc này có thể đổi hướng dòng chảy nhân tài toàn cầu trong thời gian trước mắt và nhiều khả năng cả về lâu dài.

Tháng 7 năm 2020, chúng tôi đã có bài viết phản ánh quan điểm cá nhân về sự cô lập của giáo dục tiến sĩ trong thời đại COVID-19, tập trung vào những tác động của việc mất đi cơ hội phát triển kỹ năng, đào tạo và xây dựng mạng lưới trong đào tạo tiến sĩ. Mặc dù vào thời điểm đó chúng tôi đã đưa ra khuyến nghị về cách giải quyết một số trong những vấn đề này, nhưng những thách thức mới có tính hệ thống đã xuất hiện tại các quốc gia và các trường đại học.

Do hệ thống giáo dục đại học tại các nước và các cơ sở giáo dục đại học riêng lẻ phải vật lộn với việc mất nguồn thu trong năm đại dịch này, những tháng gần đây cho thấy hậu quả có thể gây ra những tác động nghiêm trọng, đặc biệt đối với đào tạo tiến sĩ. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chứng minh rằng khi không chú trọng đến vai trò của đào tạo tiến sĩ, hệ thống giáo dục đại học quốc gia có nguy cơ gây ra những thiệt hại lâu dài nghiêm trọng, không chỉ đối với giáo dục đại học mà còn đối với sự phát triển kinh tế và phá triển con người.

Giá trị của đào tạo tiến sĩ

Khi nền kinh tế tri thức ngày càng phát triển, các quốc gia riêng lẻ tìm cách khác biệt hóa và củng cố hệ thống giáo dục đại học của mình bằng các trường đại học định hướng nghiên cứu. Xu hướng này thể hiện trong việc xây dựng mới các chương trình cấp tiến sĩ ở nhiều lĩnh vực, từ các ngành STEM đến khoa học xã hội và nhân văn. Như vậy, nghiên cứu sinh – những người tham gia tạo ra tri thức thông qua nghiên cứu trong các trường đại học – ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và chính trị xã hội của các quốc gia. Với tư cách là giảng viên hoặc trợ giảng, các nghiên cứu sinh cũng tham gia vào hoạt động giáo dục và đào tạo sinh viên. Như vậy, các nghiên cứu sinh đang đóng góp trực tiếp và gián tiếp vào lực lượng lao động trong các ngành công nghiệp khác nhau.

Có kiến thức chuyên môn cao trong những lĩnh vực tương ứng, có những kỹ năng nghiên cứu cơ bản và năng lực có thể chuyển giao, các nghiên cứu sinh tốt nghiệp tiến sĩ (doctoral graduates) được kỳ vọng sẽ đóng góp một phần quan trọng cho nền kinh tế tri thức, cả trong học thuật và thực tế. Bằng tiến sĩ đã trở thành điều kiện tiên quyết chung cho các vị trí nghiên cứu học thuật và giảng dạy.

Các trung tâm và các vùng ngoại vi

Khoảng cách giáo dục ngày càng tăng giữa các trung tâm và các vùng ngoại vi trong giáo dục đại học quốc tế – tức là giữa các khu vực thu nhập cao, thu nhập trung bình và thu nhập thấp, các quốc gia, hệ thống quốc gia, tổ chức và cá nhân – đã trở nên trầm trọng hơn trong đại dịch. Bất chấp tầm quan trọng của những chương trình sau đại học, nhiều tổ chức và cơ sở giáo dục ở các nước đã cắt giảm hoặc có kế hoạch cắt giảm những chương trình này, đặc biệt trong các ngành nghệ thuật, nhân văn và khoa học xã hội. Quá trình này không chỉ xảy ra trong các cơ sở thuộc các quốc gia ngoại vi, mà còn trong các trường tốp đầu ở các nước trung tâm.

Các chương trình tiến sĩ, đặc biệt là trong khoa học xã hội và nhân văn, trên khắp Hoa Kỳ đã hoãn tuyển sinh cho kỳ học Mùa Thu năm 2021, trong số đó có các trường tốp đầu như Harvard, Brown, Columbia, MIT, Đại học New York, v.v… Những lý do được đưa ra liên quan đến nguồn lực hạn chế, các khoa cân nhắc chuyển hướng nguồn lực nhằm hỗ trợ nghiên cứu sinh hiện tại của họ. Tuy nhiên, hạn chế tuyển sinh theo cách này có thể “bóp nghẹt nguồn cung” nghiên cứu sinh cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn, điều này nhiều khả năng ảnh hưởng đáng kể đến những học viên tương lai kém thuận lợi nhất.

Vào tháng 3 năm 2020, các nghiên cứu sinh và các nhà nghiên cứu trẻ của Vương quốc Anh đã gửi một lá thư đến Tổ chức Nghiên cứu và Đổi mới Vương quốc Anh (UK Research and Innovation – UKRI), yêu cầu gia hạn tài trợ nghiên cứu trong thời gian diễn ra đại dịch. Tuy nhiên, vào tháng 11 năm 2020, UKRI “khuyến cáo mạnh mẽ” rằng các nghiên cứu sinh nên điều chỉnh dự án của mình phù hợp với thời gian tài trợ ban đầu của họ, và chỉ cung cấp khoản hỗ trợ hạn chế cho những nghiên cứu viên cố gắng nhiều nhất hoàn thành dự án đúng hạn.

Những trường hợp của Vương quốc Anh và Hoa Kỳ ở trên cho thấy ảnh hưởng tiêu cực của COVID-19 đối với đào tạo tiến sĩ. Về các nghiên cứu sinh tương lai, họ không thể tiếp cận học tiến sĩ ít nhất trong một năm, và có thể phải chịu thêm một số tác động phụ như mức độ cạnh tranh tăng lên trong những năm tới do tuyển sinh hạn chế. Trong khi đó, do số lượng đồng môn trong cùng chương trình giảm đi, các nghiên cứu sinh hiện tại ở Hoa Kỳ và trong các hệ thống đào tạo tiến sĩ tương tự khác có thể phải đảm nhận nhiều trách nhiệm, công việc hơn trong các khoa để duy trì chức năng nghiên cứu và giảng dạy của khoa ở mức độ hiện tại. Ở Vương quốc Anh, nếu không được gia hạn tài trợ, các nghiên cứu sinh có thể buộc phải thay đổi nội dung nghiên cứu của họ để phù hợp với những hạn chế về nguồn lực, việc bị coi là đi ngược với chính mục tiêu của nghiên cứu tiến sĩ.

Nước Đức đã làm điều ngược lại. Tháng 4 năm 2020, Nội các Đức ra quyết định gia hạn hợp đồng cho các nghiên cứu sinh khoảng thời gian tương đương với thời gian bị mất do những hạn chế liên quan đến COVID – 19.

Mặt khác, các trường đại học ở Hồng Kông và Singapore quyết định tài trợ và bổ sung chỗ cho những nghiên cứu sinh có kế hoạch du học nhưng bị gián đoạn do COVID-19. Một vài trường đại học uy tín, chẳng hạn như Đại học Hồng Kông và Đại học Trung Quốc của Hồng Kông, cung cấp những chương trình học bổng hấp dẫn cho những ứng viên xuất sắc đã nhận được thư mời nhập học tiến sĩ từ những trường đại học hàng đầu trên thế giới. Những kế hoạch này đã thu hút thành công một số lượng đáng kể đơn đăng ký của nghiên cứu sinh từ những quốc gia khác nhau.

Những quốc gia và những tổ chức đánh giá cao đào tạo tiến sĩ đang tận dụng tình hình này và mong muốn thu được lợi ích lâu dài từ việc “thu hút chất xám”.

Chảy máu chất xám hay thu hút chất xám?

Những ví dụ trên cho thấy cách thức dòng chảy nhân tài toàn cầu có thể thay đổi trong và sau đại dịch COVID-19. Những quốc gia và những tổ chức đánh giá cao đào tạo tiến sĩ đang tận dụng tình hình này và mong muốn thu được lợi ích lâu dài từ việc “thu hút chất xám”, khi những nghiên cứu sinh này thích nghi với lối sống địa phương, học ngôn ngữ địa phương, được đào tạo, thực hiện nghiên cứu và xây dựng mạng lưới học thuật, dù họ là nghiên cứu sinh trong nước hay quốc tế.

Tuy nhiên, vài năm nữa, khi những hoạt động kinh tế và xã hội toàn cầu trở lại “bình thường”, liệu các cơ sở tại các nước trung tâm còn tiếp tục thu hút được những tài năng hàng đầu và những nghiên cứu sinh tốt nghiệp tiến sĩ cho những vị trí nghiên cứu, giảng dạy và nghiên cứu sau tiến sĩ, bất chấp những quyết định của họ trong thời kỳ đại dịch? Mặc dù những cơ sở tại trung tâm này, chẳng hạn như các trường ở Mỹ hoặc Anh, có thể đã không coi trọng việc đào tạo tiến sĩ và quyết định tạm dừng tuyển sinh tiến sĩ trong một hoặc hai năm, nhưng sức mạnh của bất bình đẳng trong giáo dục đại học toàn cầu có thể vẫn là lợi thế của họ. Tuy nhiên, từ những cuộc chiến tranh thế giới đến những căng thẳng địa chính trị gần đây, lịch sử cho thấy rằng các nhân tài quốc tế thể hiện khuynh hướng lựa chọn của họ thông qua cách họ trốn chạy trong thời gian khó khăn và và di chuyển trong thời kỳ ổn định.

Kết luận

Việc đào tạo và hỗ trợ (về tài chính và hỗ trợ khác) cho nghiên cứu sinh trong thời gian dịch bệnh COVID-19 là rất quan trọng đối với tương lai của nghiên cứu và của thế hệ học giả tiếp theo. Các trường đại học đang đưa ra những quyết định khó khăn là có cắt giảm tài trợ hay không – đặc biệt trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Mặc dù những cắt giảm này dường như có lợi về mặt tài chính trong ngắn hạn, nhưng có thể tác động tiêu cực đến việc nâng cao năng lực nghiên cứu về lâu dài. Những thay đổi trong chính sách quốc gia/ trường đại học có thể đổi hướng dòng chảy nhân tài toàn cầu trong một vài năm, nhưng rất khó để kết luận ai sẽ hưởng lợi nhiều nhất và trong bao lâu. Với trật tự thế giới đang thay đổi, chủ nghĩa dân tộc dân túy ở vị trí trung tâm ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ ở một số quốc gia, cùng với sự cởi mở hơn và chủ nghĩa đa phương trong chính sách của những nền kinh tế mới nổi, không có gì đảm bảo rằng dòng nhân tài toàn cầu sẽ một lần nữa chảy về phía họ.