Đại lý tuyển sinh và công việc của họ với các trường đại học

Vincenzo Raimo là Visiting Fellow tại Đại học Reading, Vương quốc Anh và là Giáo sư Trợ giảng tại Đại học Khoa học Thông tin và Công nghệ Nam Kinh, Trung Quốc. Email: [email protected]. Iona Yuelu Huang là Giảng viên cao cấp tại Đại học Harper Adams, Vương quốc Anh. Email: ihuang@harper-adams. ac.uk. Eddie West là Trợ lý Trưởng khoa Chiến lược và Chương trình Quốc tế tại Đại học Bang San Diego, Hoa Kỳ. Email: [email protected].

Tóm tắt

Các đại lý tuyển sinh là một trong các đặc điểm chính của hành trình thương mại hóa ngày càng cao. Mỗi năm, hàng nghìn sinh viên quốc tế thông qua các đại lý này để đăng ký vào các trường đại học ở nước ngoài. Đại lý tuyển sinh là trung gian giữa thí sinh đang tìm kiếm điểm đến học tập hoàn hảo cho mình với các trường đại học, nơi ngày càng khao khát có được thêm sinh viên và nguồn thu học phí. Họ đã trở thành một lực lượng tuyển sinh chủ lực. Đại lý tuyển sinh là gì, tại sao các trường đại học lại làm việc với họ? Và những cơ chế quản trị nào tồn tại để bảo vệ người học khỏi những đại lý vô đạo đức?

Ước tính có khoảng 20 ngàn tổ chức tuyển sinh quốc tế trên toàn thế giới. Các tổ chức này đã trở thành đầu mối quan trọng của hành trình thương mại hóa ngày càng cao mà hàng nghìn sinh viên quốc tế thực hiện mỗi năm để đăng ký vào các trường đại học ở nước ngoài. Những tổ chức này đóng vai trò trung gian giữa thí sinh đang tìm kiếm điểm đến du học quốc tế hoàn hảo của mình và các trường đại học – nơi ngày càng khao khát có được thêm sinh viên và nguồn thu học phí.

Đại lý tuyển sinh là gì?

Bộ Thương mại Quốc tế của Chính phủ Vương quốc Anh mô tả đại lý là một cá nhân hoặc tổ chức “làm việc thay mặt cho nhà xuất khẩu (trong trường hợp này là các trường đại học), giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ của họ (các khóa học cấp bằng) cho khách hàng tiềm năng (tức là sinh viên )…” và nó cho chúng ta biết rằng “đại lý được trả một phần trăm của giá bán” (học phí).

Ngoài ra còn có các tổ chức được ký hợp đồng với sinh viên để hỗ trợ họ trong việc nộp đơn vào các trường đại học ở nước ngoài. Loại đại lý này không được xem xét trong bài viết này, ngoại trừ trường hợp họ cũng ký hợp đồng với trường đại học, tức là được cả sinh viên và trường đại học ký hợp đồng và trả tiền – cái mà người Mỹ gọi là “ăn hai lần”.

Tại sao các trường đại học làm việc với các đại lý?

Các trường đại học làm việc với các đại lý vì họ xem đó là một cách hiệu quả về chi phí để đảm bảo tuyển được sinh viên quốc tế mới. Trong nghiên cứu của Huang và cộng sự Quyền lực và sự kiểm soát: Quản lý các đại lý tuyển sinh quốc tế trong giáo dục đại học, cán bộ các trường đại học đã nêu ra nhiều lý do để làm việc với các đại lý, cho nói rằng “đại lý là một cách nhanh chóng để thu hút sinh viên”; rằng “chi phí đến đó (các thị trường mới nổi) quá cao và lợi tức đầu tư là không có”; bởi vì một số quốc gia không an toàn cho việc đi lại của nhân viên trường đại học; và bởi vì các đối thủ cạnh tranh làm việc với các đại lý và các trường đại học không muốn bỏ lỡ cơ hội.

Mặc dù chúng tôi thiếu dữ liệu chi tiết đáng tin cậy về việc sử dụng các đại lý ngoại trừ ở Úc, nhưng chúng tôi biết rằng gần như tất cả các trường đại học ở Úc, New Zealand, Vương quốc Anh – và một số trường đại học ở Hoa Kỳ – làm việc với các đại lý, và một số các trường đại học phụ thuộc rất nhiều vào các đại lý để đáp ứng chỉ tiêu tiếp nhận sinh viên. Các đại lý cũng đã trở thành một kênh chính để tuyển sinh viên quốc tế vào các trường đại học ở lục địa châu Âu cũng như trong các cơ sở giáo dục đại học tư nhân và công lập trên toàn thế giới, nơi việc thu học phí quốc tế rất quan trọng, bao gồm cả các chi nhánh đại học quốc tế.

Chính phủ Úc cho biết 73% tổng số sinh viên quốc tế được tuyển vào các trường đại học Úc trong năm 2018 qua các đại lý.

Có bao nhiêu sinh viên được tuyển thông qua các đại lý?

Các đại lý tham gia vào việc tuyển dụng sinh viên ở mọi trình độ, bao gồm cả các chương trình tiến sĩ. Mặc dù có nhiều nguồn dữ liệu về tỷ lệ sinh viên được tuyển thông qua các đại lý, nhưng chúng tôi không tìm thấy một nguồn so sánh đáng tin cậy và cập nhật nào. Nguồn có thẩm quyền nhất ở cấp quốc gia là do chính phủ Úc công bố: 73% tổng số sinh viên quốc tế được tuyển vào các trường đại học Úc trong năm 2018 qua các đại lý. Chính phủ New Zealand báo cáo rằng 50% sinh viên quốc tế được tuyển thông qua các đại lý. Không có dữ liệu quốc gia chính thức về việc sử dụng các đại lý cho Vương quốc Anh, nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng ít nhất một phần ba sinh viên quốc tế ở Vương quốc Anh đến thông qua đại lý, với một số trường đại học gần như dựa hoàn toàn vào các đại lý để thu nhận sinh viên quốc tế của họ. Dữ liệu về Hoa Kỳ là khó nắm bắt nhất, một phần vì lĩnh vực này quá đa dạng, một phần vì hoạt động của các đại lý vẫn còn gây tranh cãi. Tuy nhiên, Tổ chức Quan sát về Giáo dục đại học không biên giới (the Observatory on Borderless Higher Education – OBHE) đã báo cáo vào năm 2014 rằng 11% sinh viên tại các trường đại học Hoa Kỳ được tuyển thông qua đại lý, và gần đây hơn, Bridge Education Group báo cáo rằng 22% sinh viên quốc tế ở Hoa Kỳ được tuyển thông qua đại lý.

Tỷ lệ hoa hồng được các trường đại học báo cáo dao động từ 12% đến 15% học phí năm đầu tiên, nhưng áp lực cạnh tranh khiến một số trường đại học phải trả nhiều hơn. Sau đó các trường đại học cũng tiếp tục trả hoa hồng, đặc biệt cho những sinh viên chuyển tiếp từ chương trình liên thông (pathway) lên năm 1. Ngoài hoa hồng với tỷ lệ cố định, một số trường đại học cũng trả thưởng cho việc đạt được chỉ tiêu hoặc các tiêu chí khác, và cũng cung cấp các ưu đãi khác như chi phí cho “các chuyến tham quan làm quen” khuôn viên trường. Một số đại lý cũng nhận được các khoản thanh toán từ các sinh viên mà họ tư vấn, ngoài việc được các trường đại học chi trả, một xung đột lợi ích cố hữu khi các nguồn thu nhập kép này không được minh bạch.

Mối quan hệ giữa trường đại học và đại lý được quản lý như thế nào?

Ngoài Úc, Hà Lan và New Zealand, có rất ít quy định trực tiếp của chính phủ về cách thức các trường đại học làm việc với các đại lý tuyển sinh.

Ở Vương quốc Anh, vai trò của các đại lý và mức độ các trường đại học sử dụng đại lý tuyển sinh là một hoạt động nói chung được giấu kín. Hướng dẫn của Tổ chức Đảm bảo Chất lượng về Hỗ trợ và Nâng cao Trải nghiệm cho Sinh viên Quốc tế ở Vương quốc Anh khuyến cáo các trường đại học nên công khai danh sách các đại lý, và nói rõ với sinh viên rằng các đại lý này cung cấp dịch vụ được trường trả tiền. Có rất ít bằng chứng về sự tuân thủ thống nhất với hai khuyến nghị này. Trong khi cơ quan bảo vệ người tiêu dùng dành cho sinh viên của Vương quốc Anh – Văn phòng Sinh viên – đã đưa ra câu hỏi về vai trò của các đại lý trong việc xem xét các quy định về tuyển sinh đại học, trong việc báo cáo về vấn đề phát sinh quan trọng, hoặc đưa ra các hướng dẫn hoặc quy định chính thức .

Tại Hoa Kỳ, việc tuyển sinh trong nước theo cơ chế được trả tiền bị cấm theo Luật Giáo dục Đại học, và được thực hiện với sự hỗ trợ tài chính của liên bang. Nhưng lại có ngoại lệ là điều cấm này “không áp dụng cho việc tuyển sinh viên cư trú ở nước ngoài, là những người không được nhận trợ cấp sinh viên liên bang”. Tuy nhiên, không có sự giám sát thực tế nào của chính phủ đối với hoạt động đại lý tuyển sinh quốc tế.

Trong nghiên cứu của chúng tôi Quản trị các đại lý tuyển sinh quốc tế: một phương pháp tiếp cận quản lý theo hợp đồng trong giáo dục đại học, chúng tôi đã mô tả các phương pháp quản trị theo hợp đồng được các trường đại học ở Úc, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ áp dụng, và phân tích về việc cách tiếp cận này đã được các nhà quản lý trường đại học tiếp nhận như thế nào.

Một trong số các kết luận của chúng tôi là không thể tiếp cận quản lý tất cả các đại lý theo hợp đồng, vì có nhiều biến số và rủi ro vốn có trong hoạt động tuyển sinh quốc tế. Các trường đại học cần phải tham gia tích cực vào việc quản lý các đại lý tuyển sinh cho mình, bất chấp sự cám dỗ của việc khoán trắng toàn bộ. Làm việc với ít đại lý hơn nhưng quản trị theo quan hệ hợp đồng chặt chẽ có thể dẫn đến kết quả tốt hơn. Tuy nhiên nếu trường đại học làm việc với một số lượng lớn các đại lý, thì điều quan trọng là phải nêu rõ và theo dõi chặt các điều khoản và quy trình trong hợp đồng ký kết.

Kết luận

Các đại lý tuyển sinh là một thành phần quan trọng trong bức tranh tiếp thị tuyển sinh quốc tế trong nhiều năm. Áp lực ngày càng tăng đối với tài chính của các trường đại học, cùng với việc hạn chế đi lại do COVID-19 gần đây, đang tăng cường sự phụ thuộc của các trường đại học vào các đại lý tuyển sinh, nâng cao hơn vai trò của họ như một trụ cột trong việc duy trì lợi ích tài chính của các trường đại học.

Với việc ngày càng nhiều sinh viên được tuyển vào các trường đại học thông qua các đại lý, theo quan điểm của chúng tôi, việc minh bạch hơn về công việc của họ cho các trường đại học đã bị gác lại quá lâu. Không ưu tiên cho tính minh bạch trong các hoạt động đại lý sẽ gây rủi ro cho lợi ích của sinh viên và danh tiếng của các trường đại học. Các quy định và quy tắc hành nghề của quốc gia sở tại chỉ hữu ích ở những nơi chúng được các trường đại học tuân thủ nghiêm ngặt và được thông báo rõ ràng cho sinh viên quốc tế tương lai, và ở những nơi chúng được kiểm soát.