Chương trình Turing của Anh: Những thách thức phía trước

José M. Guibert là Hiệu trưởng của Đại học Deusto, Bilbao, Xứ Basque, Tây Ban Nha. Email: guibert@deusto.es. Alex Rayón là Phó Hiệu trưởng phụ trách Quan hệ Quốc tế tại Đại học Deusto. Email: alex.rayon@deusto.es.

Tóm tắt

Những người ủng hộ Brexit không thích chương trình trao đổi sinh viên Erasmus. Trong suốt ba thập kỷ qua, Erasmus đã giúp sinh viên, đặc biệt là những sinh viên có thu nhập thấp, những người ít có khả năng ra nước ngoài nhất, có được việc làm tốt hơn và cải thiện kỹ năng của họ nhờ vào trải nghiệm du học. Liệu chương trình Turing mới, do chính phủ Anh đưa ra, có thể cung cấp cho sinh viên những lợi ích tương tự không?

Trong một thế giới đang bộc lộ xu hướng đơn phương mạnh mẽ, chủ nghĩa đa phương không có một tương lai rõ ràng. Nhưng trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như giáo dục đại học, những thập kỷ qua đã chỉ ra rằng những trường hợp tác trong mạng lưới có thể đạt được những kết quả đáng kể. Chương trình trao đổi Erasmus là một ví dụ rõ ràng. Nhưng Thỏa thuận đêm Giáng sinh 2020 sẽ đánh dấu cho hậu thế ngày mà Vương quốc Anh chính thức rút khỏi chương trình Erasmus.

Phim Trò Chơi Giả Lập nói về cuộc đời của Alan Turing. Sinh năm 1912, người Anh này được coi là tiền thân của máy tính hiện đại. Trong Thế chiến thứ hai, Turing đã giải mã được những mật mã của Đức Quốc xã, đặc biệt là mật mã của cỗ máy Enigma. Thời kỳ hòa bình mà thế giới phương Tây được hưởng trong hơn 75 năm qua một phần nhờ vào thành tựu của ông. Turing khó hình dung rằng, vài thập kỷ sau, kế hoạch trao đổi sinh viên quốc tế mới mà chính phủ Anh đang thiết lập sau Brexit sẽ được đặt theo tên ông.

Từ Chương trình đa phương sang các Hiệp định song phương

Thủ tướng Boris Johnson đã nhiều lần tuyên bố rằng chương trình Erasmus – từng đóng góp rất nhiều cho châu Âu và công dân châu Âu về mặt xã hội, văn hóa và giáo dục – sẽ không gặp nguy hiểm. Nói một cách đơn giản, ngoài việc cấp học bổng, Erasmus còn kích thích và tạo điều kiện thuận lợi cho du học và tiêu chuẩn hóa các quy trình thể chế và công nhận tín chỉ giữa 33 quốc gia thành viên, bao gồm cả những thành viên không thuộc EU như Iceland, Na Uy, Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Du học và trao đổi sinh viên cũng có thể được tổ chức thông qua các hiệp định song phương. Tuy nhiên, cách này đòi hỏi thực hiện một khối lượng công việc lớn hơn và gây nhiều khó khăn hơn đối với những sinh viên tìm kiếm học bổng. Để đối phó với những thách thức này, chương trình Turing dự kiến sẽ được tài trợ 100 triệu GBP (khoảng 135 triệu USD) và chính phủ thông báo rằng nó sẽ mở cánh cửa vào những trường đại học tốt nhất thế giới. Nhưng chương trình Turing sẽ đối mặt với những trở ngại, mà một số trong đó sẽ được nhận diện và trình bày dưới đây.

Quản lý các hiệp định song phương rất phức tạp và điều này rõ ràng đang bị coi nhẹ.

Những thách thức phía trước đối với Vương quốc Anh

Thứ nhất, quản lý các hiệp định song phương rất phức tạp và điều này rõ ràng đang bị coi nhẹ. Riêng một số nội dung liên quan trực tiếp như thỏa thuận chuyển đổi tín chỉ, cung cấp khóa học ngôn ngữ (nhu cầu phổ biến của sinh viên trao đổi), xây dựng lịch học và bảo vệ dữ liệu – đã đòi hỏi nhiều thời gian, đặc biệt đối với những điểm đến như Úc, Canada hoặc Hoa Kỳ, vì những quy định, yêu cầu học tập và lịch học rất khác nhau.

Thứ hai, chương trình có thể gặp khó khăn trong việc thúc đẩy công bằng xã hội và du học. Trải nghiệm quốc tế mang lại những lợi ích thực tế đáng kể: giúp phát triển sự tự tin hơn, quan điểm cởi mở và toàn diện hơn, và những liên kết lâu dài; cải thiện kỹ năng ngôn ngữ; củng cố thái độ tôn trọng sự đa dạng; và cung cấp sự hiểu biết liên văn hóa về một thế giới toàn cầu hóa. Nghiên cứu Tác động Giáo dục Đại học của Chương trình Erasmus+ cũng cung cấp bằng chứng về cách chương trình giúp tăng triển vọng việc làm và đảm bảo mức lương tốt hơn. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Erasmus trao nhiều học bổng hơn cho những người cần nhất: sinh viên thuộc những gia đình có thu nhập thấp hoặc người khuyết tật.

Để đạt được những thành tựu tương tự, chương trình Turing sẽ phụ thuộc vào việc các trường đại học của Anh có được những đối tác phù hợp hay không. Hơn nữa, có đi có lại là chìa khóa: Chính phủ Anh cho đến nay mới chỉ cam kết tài trợ cho những sinh viên đi du học. Trong các chương trình trao đổi như Erasmus, có đi có lại là điều cần thiết và các trường đại học khi phát triển quan hệ đối tác rất chú trọng đến việc tạo sự cân bằng giữa luồng đi và luồng đến. Khía cạnh mà Vương quốc Anh đang gặp bất lợi là: chi phí sinh hoạt tại đây cao; thị thực du học vẫn chưa được quy định rõ; và Chương trình Turing dường như không tính đến du học sinh từ nước khác đến. Nếu sinh viên của các cơ sở giáo dục ở nước ngoài không được đảm bảo, động lực nào sẽ khiến họ hợp tác với Turing?

Một vấn đề khác liên quan đến phần thưởng nhận được khi tham gia chương trình Erasmus. Theo dữ liệu của chính phủ Vương quốc Anh, doanh thu nhận được thông qua xuất khẩu giáo dục của Vương quốc Anh là gần 440 triệu GBP từ chi phí sinh hoạt trong năm 2018, tăng 71% kể từ năm 2010. Hơn 30 ngàn sinh viên và thực tập sinh đã đến Vương quốc Anh thông qua Erasmus mỗi năm (ngoài khoảng 200 ngàn sinh viên tham gia chương trình mỗi năm), chi tiền ăn, ở, đi lại, và các hoạt động giải trí. Vương quốc Anh cũng là một điểm đến rất phổ biến cho các giảng viên và nhân viên hành chính. Về luồng du học sinh từ Anh ra nước ngoài, Báo cáo Erasmus+ hàng năm của Ủy ban châu Âu đã ghi nhận hơn 18 ngàn sinh viên Vương quốc Anh được hưởng lợi từ việc học tập hoặc làm việc theo Chương trình Erasmus+ trong năm 2018 – 2019. Liên quan đến chương trình nghiên cứu và đổi mới Horizon 2020, Vương quốc Anh là nước nhận tài trợ lớn thứ hai.

Những con số này phản ánh sức hấp dẫn của Vương quốc Anh trong vai trò là một quốc gia đối tác giáo dục. Yếu tố văn hóa và ngôn ngữ là những động lực quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định du học của sinh viên. Trong bối cảnh hiện nay, khoảng thời gian mà chính phủ Anh cần để triển khai sáng kiến mới có thể gây bất lợi cho các trường đại học của nước này. Sinh viên châu Âu hiện có thể đang hướng đến Ireland hoặc những quốc gia cung cấp các chương trình đại học và sau đại học hoàn toàn bằng tiếng Anh, chẳng hạn như Hà Lan. Tác động của “sự rò rỉ” như vậy đối với các cơ sở của Vương quốc Anh sẽ là thách thức nhìn từ những khía cạnh khác nhau.

Vương quốc Anh đang có kế hoạch để chương trình mới của họ được hoàn thiện và bắt đầu vận hành từ tháng 9 năm 2021. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, việc thiết lập quan hệ đối tác với các trường đại học bên ngoài khuôn khổ Erasmus sẽ mất thời gian và nhiều cuộc thương lượng – một nhiệm vụ rất nặng nề giữa đại dịch. Và thách thức cuối cùng nhưng không kém quan trọng là khoảng cách địa lý. Về mặt văn hóa và ngôn ngữ, những điểm đến gần Quần đảo Anh nhất, bên ngoài châu Âu, bị ngăn cách bởi đại dương và lục địa. Điều này có nghĩa là khác biệt múi giờ đáng kể (một gánh nặng đối với giao tiếp), chi phí đi lại đắt đỏ và trên hết là bối cảnh giáo dục khác nhau. Ngoài ra, việc khuyến khích sinh viên đến những điểm xa xôi không thể tiếp cận được bằng tàu hỏa hoặc những phương tiện giao thông bền vững khác sẽ gây tác động rất lớn đến môi trường.

Kết luận

Nền dân chủ một lần nữa tạo ra nghịch lý: những người Anh trẻ tuổi không bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit, hoặc bỏ phiếu ở lại, có thể bị buộc phải trả một cái giá rất đắt. Du học quốc tế không chỉ là trải nghiệm một học kỳ xa nhà. Đó là việc mở ra một thế giới mà một khi đại dịch kết thúc, chắc chắn sẽ mang tính toàn cầu và đa văn hóa hơn bao giờ hết. Đó là lý do vì sao chúng tôi nhận thấy chương trình Turing mới đang đứng trước nhiều thách thức hơn là cơ hội, so với chương trình Erasmus đã được thiết lập và công nhận.