Carsten A. Holz là Giáo sư khoa Khoa học Xã hội, Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông. E-mail: carstenholz@gmail.com. URL: https://carstenholz. people.ust.hk.
Tóm tắt
Mức độ tự do học thuật hiện đóng góp rất ít hoặc không có vai trò gì trong việc xếp hạng đại học, nhưng nó tạo ra tất cả sự khác biệt giữa một nền giáo dục đại học thịnh vượng và một nền giáo dục đại học bị kiểm soát chặt chẽ. Việc điều chỉnh các bảng xếp hạng đại học nổi tiếng để bao gồm cả yếu tố tự do học thuật sẽ dễ dàng loại bỏ các trường đại học “hàng đầu” dưới chế độ toàn trị. Nếu giá trị của đại học mang lại nhiều hơn là việc phục vụ, thì hệ thống xếp hạng các trường đại học hiện nay đang cần được cải cách cấp bách.
Bảng xếp hạng đại học thế giới của Times Higher Education (THE) năm 2021 mới được công bố mang lại ít điều bất ngờ. Các trường thường dẫn đầu vẫn ở vị trí đầu bảng. Tuy nhiên, trong số này có một số trường đại học hoạt động trong chế độ độc tài, không phù hợp với kỳ vọng của chúng ta về việc thế nào là một trường đại học. Nếu có ai đó sắp xếp lại thứ tự của 150 trường đại học hàng đầu trong bảng xếp hạng các trường đại học thế giới về tự do học thuật, thì những trường đến từ Trung Quốc, Hồng Kông và từ Singapore sẽ tụt xuống cuối danh sách.
Giá trị cốt lõi của các trường đại học
Bảng xếp hạng các trường đại học hiện tại bỏ qua một điều mà chúng tôi đánh giá cao nhất: tự do đàm luận học thuật. Ở một số quốc gia, tự do học thuật là không tồn tại. Lấy ví dụ như Trung Quốc, Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải là trường xếp hạng cao trong bảng xếp hạng đại học thế giới. Vào cuối năm 2019, điều lệ của trường đã được sửa đổi để loại bỏ “quyền tự do tư tưởng”, và từ “độc lập” bị loại bỏ khỏi các câu mô tả việc quản lý trường đại học và thực hiện các nghiên cứu học thuật. Sinh viên mật báo cho chính quyền về hành vi các giáo sư đã trở thành thông lệ phổ biến trong các trường của Trung Quốc, cũng như việc sa thải các giảng viên có vấn đề về mặt chính trị. Đối chiếu điều này với hiểu biết của chúng ta về vai trò của tự do trong học thuật, như Philip Altbach đã bày tỏ vào năm 2001: “Tự do học thuật là cốt lõi trong sứ mệnh của trường đại học. Nó rất cần thiết cho các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu. Nhiều người sẽ đồng ý rằng một hệ thống giáo dục đại học phát triển đầy đủ không thể tồn tại nếu như không có tự do học thuật”.
Hoặc như Hồng Kông. Tại Hồng Kông, các giáo sư có nhiệm kỳ bị sa thải vì lý do chính trị. Và ngày nay, những lời chỉ trích đối với “chính quyền trung ương” nếu được các nhân viên của chế độ giải thích là “làm suy yếu quyền lực của chính quyền trung ương” sẽ dẫn đến việc bỏ tù. Đối lập điều này với luật New Zealand, trong đó quy định các trường đại học, cùng với các tổ chức khác, có “vai trò phê bình và là lương tâm của xã hội”.
Bảng xếp hạng các trường đại học hiện tại bỏ qua một điều mà chúng tôi đánh giá cao nhất: tự do đàm luận học thuật.
Điều chỉnh xếp hạng đại học vì tự do học thuật
Đã đến lúc ngừng coi tự do học thuật – nền tảng của một trường đại học – như một vật trang trí không thích hợp cho học thuật. Nhưng việc điều chỉnh THE World University Rankings cho tự do học thuật là rất khó.
Dự án Dân chủ Đa dạng (V-Dem) tại Đại học Gothenburg ở Thụy Điển đã lần đầu tiên đưa 5 chỉ số về tự do học thuật vào cơ sở dữ liệu của mình (từ năm 1900 đến năm 2019), 5 chỉ số này đã cho phép các nhà nghiên cứu xây dựng một chỉ số tự do học thuật sơ bộ cho các quốc gia.
Việc điều chỉnh Bảng xếp hạng đại học thế giới về quyền tự do học thuật (bằng cách nhân điểm xếp hạng của THE với giá trị chỉ số tự do học thuật) cho thấy một bức tranh đáng kinh ngạc. Trong khi hầu hết các trường đại học thể hiện sự tương ứng gần như 1-1 giữa các thứ bậc của họ trong Bảng xếp hạng đại học thế giới chưa điều chỉnh và Bảng đã điều chỉnh, thì một nhóm các trường đại học lại nổi bật. Tập trung vào 150 trường đại học hàng đầu trong Bảng xếp hạng các trường đại học thế giới ban đầu, 7 trường đại học của Trung Quốc đã giảm từ thứ hạng 20, 23, 70, 87, 94, 100 và 111 xuống cuối danh sách. Tất cả 5 trường đại học Hồng Kông và cả hai trường đại học Singapore – trường cao nhất trong số này ban đầu xếp thứ 25 và 39 – tụt xuống vị trí thứ 137 đến 143, chỉ trên 7 trường ở Trung Quốc.
Ngoài ra, hãy coi tự do báo chí như một đại diện cho tự do học thuật. Tại Hoa Kỳ, tự do học thuật bắt nguồn từ Tu chính án thứ nhất về tự do ngôn luận, và tự do báo chí cũng vậy. Tuy không giống nhau, nhưng tự do học thuật và tự do báo chí song hành với nhau. Tổ chức Phóng viên không biên giới biên soạn Chỉ số tự do báo chí thế giới cho 180 quốc gia, đưa chỉ số tự do báo chí vào để tính thì các kết quả hầu như giống nhau. Các trường đại học của Trung Quốc sau khi điều chỉnh rơi xuống cuối danh sách, xếp ngay trước là các trường đại học Singapore và Hồng Kông (với một trong những trường đại học thứ hai là Đại học Hồng Kông, xếp hạng cao hơn một chút, ở vị trí thứ 132). Ngoài ra, việc điều chỉnh bằng quyền tự do báo chí có lợi cho các trường đại học ở lục địa châu Âu hơn các trường đại học ở Anh và Hoa Kỳ, bởi vì quyền tự do báo chí ở các nước như Thụy Sĩ, Hà Lan và Đức cao hơn đáng kể so với Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.
Tự do báo chí có phải là một đại diện đáng tin cậy cho tự do học thuật không? Thực tế là một nghiên cứu khoa học về tự do học thuật của 28 quốc gia châu Âu xếp Vương quốc Anh thứ 27 cho thấy điều đó. Và thứ hạng 177 của Trung Quốc về tự do báo chí – chỉ vượt qua Eritrea, Turkmenistan và Triều Tiên – phù hợp với những gì chúng ta biết về tự do học thuật ở nước này.
Tự do học thuật trong thời đại STEM và chủ nghĩa quản lý cực đoan
Trong trường đại học nơi tác giả làm việc – Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST), các giảng viên trong các lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) ít thấy cần tự do học thuật. Các học giả Trung Quốc trong các lĩnh vực này lo ngại cho các đồng nghiệp trong Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, vì nghiên cứu trong lĩnh vực này có thể thu hút sự chú ý không mong muốn từ chính quyền.
STEM không giúp ích được gì khi trường học đã đưa chủ nghĩa quản lý đến mức cực đoan, từ việc không có sự tham gia có ý nghĩa của giảng viên vào các vấn đề học thuật, đến một “thượng viện” thụ động, bị quản lý kiểm soát và thiếu liên đoàn lao động. Mô hình giáo dục đại học của Trung Quốc có nghĩa là tập trung vào STEM dưới sự sắp xếp giống như nhà máy có ban quản lý kiểm soát. Dưới một hệ thống như vậy, không có chỗ cho tự do tư tưởng về xã hội, kinh tế, chứ chưa nói đến chính thể hay lịch sử.
Trong bài phát biểu có tiêu đề “Trường đại học là gì?” năm 1935, Robert M. Hutchins với tư cách là Hiệu trưởng Đại học Chicago đã tuyên bố rằng “một trường đại học không thể tồn tại nếu không có tự do tìm hiểu, tự do thảo luận và tự do giảng dạy”, và rằng “mục đích của giáo dục không phải là lấp đầy tâm trí của người học bằng các dữ kiện, cũng không phải là để cải cách họ, hay giải trí cho họ, hoặc biến họ thành những kỹ thuật viên chuyên nghiệp trong bất kỳ lĩnh vực nào. Mục đích là dạy họ suy nghĩ, nếu điều đó có thể, và luôn tự mình suy nghĩ”. Dưới một chế độ độc tài toàn trị, không có tự do tìm hiểu, không có tự do thảo luận, không có tự do giảng dạy và không thể học cách tự suy nghĩ.
Việc hạn chế “tự do tư tưởng” không khác gì một tuyên bố công khai rằng trường đã từ bỏ quyền được coi là một trường đại học. Vậy tại sao nó vẫn được đưa vào bảng xếp hạng đại học?
Hậu quả của việc bỏ qua tự do học thuật trong xếp hạng đại học
Có lý do chính đáng để phương châm của Đại học Harvard là “veritas” (tiếng La-tin có nghĩa là “lòng lương thiện” hoặc “sự thật”), và của Đại học Stanford là “Die Luft der Freiheit weht” (tiếng Đức có nghĩa là “thổi làn gió tự do”). Tự do học thuật trong việc tìm kiếm sự thật là nền tảng của một trường đại học.
Các bảng xếp hạng đại học như THE World University Rankings thưởng cho các chế độ độc tài vì họ đã biến trường học thành một hệ thống được kiểm soát chặt chẽ nhằm vào những tiến bộ công nghệ mà chế độ mong muốn, trong đó các ngành khoa học xã hội và nhân văn bị biến thành một vùng đất hoang vô hồn. Các giá trị của con người nhường chỗ cho sự phục tùng lãnh đạo. Một nhóm các học giả giả “hoạn quan” đã định hình các lĩnh vực nghiên cứu trên toàn thế giới với tư cách là biên tập viên tạp chí, nhà phê bình và tác giả bài báo. Và các thể chế được xây dựng dựa trên sự tuân thủ nghiêm ngặt trong một thế giới không có tự do tư tưởng đã tạo thành các trường đại học lớn.