Ba Lan: Một thập kỷ cải cách (2010 – 2020)

Marek Kwiek là Giáo sư về Giáo dục Đại học và là Chủ tịch Hội đồng UNES- CO về Nghiên cứu Thể chế và Chính sách Giáo dục Đại học, và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Công của Đại học Poznan, Ba Lan. Email: kwiekm@amu.edu.pl.

Tóm tắt

Một thập kỷ cải cách đã thay đổi hầu hết mọi khía cạnh hoạt động của các trường đại học. Ba Lan chuyển từ tư nhân hóa sang phi tư nhân hóa và từ phi thể chế hóa sang tái thể chế hóa nhiệm vụ nghiên cứu của các trường đại học của mình. Chương trình quốc tế hóa nghiên cứu dẫn đến việc triển khai các chỉ số định lượng tập trung vào nghiên cứu, và các hệ thống tài trợ và đánh giá mới. Tuy nhiên, hệ thống khuyến khích quốc tế hóa nghiên cứu của Ba Lan cho đến nay tỏ ra không hiệu quả. Những cải cách này diễn ra trong thời kỳ hỗn loạn về chính trị.

Trong hai thập kỷ đầu tiên sau năm 1989, phần lớn các trường đại học Ba Lan vẫn chưa thực hiện cải cách. Những đặc điểm cốt lõi của hệ thống trong thời kỳ đó – chẳng hạn như chế độ tài trợ nghiên cứu thiếu cạnh tranh, quản trị theo hình thức tập thể và không hiệu quả, và một hệ thống bằng cấp và vị trí học thuật đa cấp phức tạp – hầu như không bị ảnh hưởng cho đến đầu những năm 2010.

Tài trợ cho nghiên cứu rất thấp và mục tiêu nghiên cứu bị coi nhẹ. Mở rộng hệ thống và tư nhân hóa hoạt động giảng dạy (phục vụ số lượng lớn sinh viên bán thời gian có trả phí) là những định hướng chính sách chính. Tuy nhiên, bắt đầu từ giữa những năm 2000, tác động lâu dài của việc giảm nhân khẩu học đã trở nên rõ ràng đối với các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo trường đại học. Thực tế, trong khi năm 2006 Ba Lan có khoảng 2 triệu sinh viên, thì đến năm 2020, con số này giảm xuống còn 1,2 triệu. Do đó, vào cuối những năm 2000, nghiên cứu đã trở thành một trọng tâm chính sách quốc gia mới.

Một thập kỷ cải cách

Cải cách trong những năm 2010 đã thay đổi hầu hết mọi khía cạnh hoạt động của trường đại học. Nghiên cứu được tái xác định là nhiệm vụ chính của trường đại học và một hệ thống tài trợ nghiên cứu dựa trên hình thức tài trợ mới được triển khai. Ba Lan chuyển từ tư nhân hóa sang phi tư nhân hóa và từ phi thể chế hóa sang tái thể chế hóa nhiệm vụ nghiên cứu trong các trường đại học.

Với việc nghiên cứu trở lại là trọng tâm chính sách quốc gia, các khoản tài trợ nghiên cứu được phân phối một cách cạnh tranh bởi một hội đồng nghiên cứu quốc gia mới (NCN, được thành lập vào năm 2010). Tài trợ công cho nghiên cứu được gắn với hiệu suất của giảng viên và đánh giá quốc gia. Quốc tế hóa nghiên cứu đã trở thành một từ khóa trong tất cả các văn bản chính sách lớn của thập kỷ.

Hệ thống khuyến khích quốc tế hóa nghiên cứu của Ba Lan cho đến nay tỏ ra không hiệu quả.

Cơ chế tài trợ và đánh giá mới đã thúc đẩy sự phân tầng theo chiều dọc trong hệ thống và dần dần xuất hiện hai loại trường: loại định hướng nghiên cứu mạnh mẽ và loại có kinh phí nghiên cứu và kết quả nghiên cứu hạn chế. Ngoài ra, Sáng kiến xuất sắc mới – Các trường đại học nghiên cứu (chương trình quốc gia IDUB dành cho giai đoạn 2020–2026) bắt đầu triển khai vào năm 2020, với mục đích cung cấp thêm kinh phí cho 10 trường đại học lớn được lựa chọn trên cơ sở cạnh tranh. Tổng tài trợ của IDUB là khoảng 1 tỷ USD trong bảy năm và các trường được tự quyết định chi tiêu, dựa trên những kế hoạch phát triển cụ thể và liên quan đến những chiến lược thể chế đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, hệ thống khuyến khích quốc tế hóa nghiên cứu của Ba Lan cho đến nay tỏ ra không hiệu quả. Cách thức phân phối quỹ nghiên cứu mới, mang tính cạnh tranh cao đã đem lại những thay đổi tích cực như mong đợi trong cơ cấu kết quả khoa học của Ba Lan. Tỷ trọng kết quả xuất bản từ hợp tác quốc tế chỉ đạt mức thấp nhất ở Châu Âu, mặc dù số lượng các công bố được lập chỉ mục quốc tế đã tăng lên đáng kể. Ba Lan đã không sử dụng được hết các quỹ nghiên cứu của Liên minh châu Âu, đặc biệt quỹ từ Hội đồng Nghiên cứu châu Âu. Chi tiêu thấp cho nghiên cứu học thuật đã góp phần làm những chính sách quốc tế hóa bị thất bại: sự thay đổi căn bản trong việc quản lý quỹ nghiên cứu (hệ thống tài trợ mới) không kèm theo sự thay đổi căn bản về mức tài trợ cho khoa học hàn lâm. Ngoài ra, hệ thống khuyến khích học thuật và những nguyên tắc của việc thực hiện đánh giá nghiên cứu (gọi là “tham số hóa”) trong năm 2014 và 2017 đã không thúc đẩy quốc tế hóa nghiên cứu đủ mạnh.

Làn sóng cải cách đầu tiên

Có hai làn sóng cải cách trong những năm 2010. Làn sóng đầu tiên từ năm 2009 đến 2011 do Bộ trưởng Barbara Kudrycka thực hiện (cải cách Kudrycka) và làn sóng thứ hai từ năm 2016 đến 2018 do Bộ trưởng Jarosław Gowin thực hiện (cải cách Gowin). Trong khuôn khổ cải cách Kudrycka, hệ thống của Ba Lan được cấu hình lại trên cơ sở quản trị đa cấp, với những tổ chức điều phối mới làm trung gian giữa các cơ sở giáo dục đại học và nhà nước, NCN là một ví dụ điển hình. Việc tài trợ cho nghiên cứu học thuật trở nên liên quan trực tiếp hơn với việc đánh giá năng suất nghiên cứu có thể đo lường được, và hướng đến những đối tượng được tài trợ là khoảng 1.000 đơn vị học thuật cơ bản, chủ yếu là các khoa.

Trước cải cách Kudrycka, nhà nước trực tiếp tham gia vào việc điều phối giáo dục đại học. Trong kiến trúc quản trị mới, các trường và các đơn vị học thuật có quyền tự chủ chính thức cao hơn kết hợp với mức độ trách nhiệm giải trình cao hơn. Các cơ quan trung gian mới, về nguyên tắc, độc lập với nhà nước ở chỗ chúng được quản lý trực tiếp bởi các viện sĩ phần lớn do cộng đồng học thuật bầu chọn, hoặc gián tiếp chịu ảnh hưởng của các học giả thông qua các hội đồng quản trị. Nhà nước tiếp tục quy định các mức tài trợ công cho nghiên cứu toàn cầu, những lĩnh vực ưu tiên của nghiên cứu quốc gia và sự phân chia ngân quỹ chính giữa các cơ quan tài trợ chính. Tuy nhiên, cách phân bổ kinh phí nghiên cứu trong các cơ quan trung gian này đều do các học giả quyết định.

Làn sóng cải cách thứ hai

Những ý tưởng cơ bản đằng sau cải cách Gowin (được thực hiện trong năm 2016 – 2018, nhưng bị trì hoãn cho đến năm 2022) nhằm mục đích tách biệt hóa hệ thống giáo dục đại học và quốc tế hóa việc sản xuất tri thức học thuật của Ba Lan. Hai khái niệm chính được thảo luận là tách biệt hệ thống (thành các trường định hướng giảng dạy và các trường định hướng nghiên cứu) và quốc tế hóa nghiên cứu (nghiên cứu quốc gia và quốc tế).

Dù hoạt động giảng dạy vẫn giữ vai trò quan trọng trong các cuộc cải cách của Gowin, trọng tâm chính là sự tách biệt hệ thống theo hai hướng giảng dạy và nghiên cứu, và quốc tế hóa nghiên cứu. Những thay đổi chính gần đây trong hệ thống giáo dục đại học đều tập trung vào nghiên cứu: hình thành cấu trúc thể chế mới trong các trường đại học, kèm theo một danh sách các ngành nghiên cứu mới được xác định; một hệ thống đánh giá nghiên cứu mới (dự kiến bắt đầu vào năm 2022); lựa chọn 10 trường đại học chuyên sâu về nghiên cứu sẽ được tăng mức tài trợ trong khuôn khổ chương trình IDUB Excellence; và các khoa đào tạo tiến sĩ mới được thành lập trong những trường đại học có kết quả nghiên cứu rõ ràng, thay cho việc đào tạo tiến sĩ rải rác trên toàn hệ thống. Một thay đổi quan trọng khác là việc tăng cường các hiệu trưởng và đội ngũ quản lý của họ – dùng kinh phí của các cơ quan đại diện truyền thống như hội đồng quản trị và hội đồng giảng viên.

Chương trình quốc tế hóa nghiên cứu này có nghĩa là những chỉ số định lượng tập trung vào nghiên cứu được đưa vào áp dụng trong hệ thống tài trợ và đánh giá: Điều kỳ vọng là hợp tác quốc tế nhiều hơn, nghiên cứu quốc tế rõ ràng hơn (thông qua bộ dữ liệu toàn cầu) và có nhiều ấn phẩm đồng tác giả quốc tế hơn, cả ở cấp độ cá nhân, tổ chức và quốc gia.

Các trường đại học và những thay đổi chính trị lớn

Trong những năm 2010, trong suốt hai làn sóng cải cách, các trường đại học không bị chính trị hóa và không bị tác động bởi những thay đổi chính trị quốc gia lớn. Đặc biệt, sự thay đổi quyền lực vào năm 2015 từ các đảng phái trung hữu sang cực hữu đã không dẫn đến bất kỳ sự thay đổi nào về chính sách giáo dục đại học. Trong vài năm qua, các cuộc cải cách đại học và bản thân các trường đại học đã không để xảy ra những đụng độ chính trị tàn khốc với những tư tưởng dân túy mạnh mẽ. Không một thay đổi nào bị thúc đẩy bởi động cơ chính trị; tuy nhiên, trong vài tháng qua, giới chính trị đang thảo luận về chủ đề “tái quốc tế hóa” giáo dục đại học, đặc biệt trong khoa học xã hội và nhân văn, như một sự đối lập với cách “quốc tế hóa” đang diễn ra. Khó có thể dự đoán chính trị quốc gia có thể thay đổi định hướng chính sách giáo dục đại học nói chung – về quốc tế hóa nghiên cứu, phân tầng dọc trong hệ thống và các phương thức tài trợ cạnh tranh trong tương lai – đến mức độ nào. Tuy nhiên, đánh giá theo kinh nghiệm từ những giai đoạn từ 2009 đến 2015 (các chính phủ trung hữu) và từ 2015 đến 2020 (các chính phủ cực hữu), triển vọng tiếp tục cải cách ở cấp độ hệ thống có vẻ tương đối tốt, mặc dù có một số bất ổn trên bề mặt. Hy vọng rằng những cải cách này sẽ được củng cố và được duy trì bền vững thay vì bị dừng lại hoặc đảo ngược, và các trường đại học sẽ không bị đẩy theo những hướng mới, ví dụ như dân túy.