Xuất hiện từ trong sương mù: các trường đại học Pháp và bảng xếp hạng toàn cầu

Ludovic Highman là Giáo sư cộng tác môn Quản lý giáo dục đại học tại Trung tâm quốc tế về Quản lý Giáo dục Đại học, Trường Quản lý Đại học Bath; và là cộng tác viên của trung tâm nghiên cứu, Khoa Giáo dục, Đại học Oxford, Vương quốc Anh. Email: lah26@bath.ac.uk.

Tóm tắt: Bức tranh giáo dục đại học Pháp đã thay đổi đáng kể trong những năm đầu thế kỷ 21. Để nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành ở cấp độ toàn cầu, chính phủ Pháp đã thông qua những quy trình chính sách cấu trúc nhằm củng cố hệ thống và khắc phục sự phân biệt có tính truyền thống giữa các trường đại học và grandes écoles, đồng thời đưa ra những chương trình khuyến khích hợp nhất.

Hệ thống giáo dục đại học của Pháp có thể được mô tả là sui generis (độc nhất) và đã được xác định là phân mảnh, phân tầng và đa loại. Từ đầu thế kỷ XXI, Pháp đã bắt đầu hợp lý hóa hệ thống giáo dục đại học của mình, sau sự thất vọng vì thành tích mờ nhạt của các trường đại học Pháp trong bảng xếp hạng đại học toàn cầu. Để khắc phục điều này, chính phủ khởi xướng những quá trình cải cách nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các grandes écoles với các trường đại học và khuyến khích sự tái hợp nhất của các trường đại học lịch sử. Để hiểu vì sao trong một thời gian dài, đối với các nhà hoạch định chính sách và học giả Pháp, việc tạo dựng những trường đại học mạnh của Pháp là một thách thức lớn và là một khái niệm gần như xa lạ – một bản tóm tắt tổng quan lịch sử là cần thiết.

Từ một cộng hòa các khoa đến một cộng hòa các trường đại học?

Sau Cách mạng Pháp, tất cả các trường đại học đang có bị bãi bỏ, trong số đó có nhiều trường được thành lập theo Tông sắc của Giáo hoàng (Montpellier năm 1289, Grenoble năm 1339, v.v…). Những trường này được thay thế vào năm 1806 bởi một tổ chức toàn quốc duy nhất có tên gọi lần lượt là Đại học Hoàng gia, Đại học Pháp, hoặc đơn giản là l’Université. Sau này được đặt dưới quyền của một Grand Master, hoặc bộ trưởng chịu trách nhiệm về các khoa, với quyền hạn đáng kể đối với những khoa được tái lập (tức là thần học, luật, y học, khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên). Những khoa này phát triển độc lập với nhau và không có mối liên hệ thể chế ngoài việc được đặt dưới sự bảo trợ của l’Université.

Song song đó, các grandes écoles được thành lập với mục đích hướng nghiệp, cung cấp nhân lực kỹ thuật và quân sự cho quốc gia. Điều này tạo ra một loại hình tổ chức mới đào tạo phần lớn giới tinh hoa của Pháp, nằm ngoài khu vực đại học và khác với các nước châu Âu khác. Việc thành lập Đại học Berlin năm 1810 đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc nhập khẩu mô hình Humboldt vào Pháp, và phải đến năm 1896 các khoa riêng biệt nằm trong cùng một thành phố mới có chung một định dạng thể chế. Tuy nhiên, điều này đã kịp gây thiệt hại, và việc cho phép những khoa năng động dưới sự dẫn dắt của trưởng khoa bỏ qua bất kỳ sáng kiến ​​tập trung nào do trường đại học đưa ra, dẫn đến cái gọi là “Cộng hòa các Khoa”.

Được ủng hộ bởi những học giả Pháp ưa chuộng mô hình Mỹ, Điều luật loi Faure năm 1968 ban đầu cố gắng thành lập các trường đại học (universities) nghiên cứu đa ngành và tự chủ, chịu trách nhiệm về quản trị, tài chính và chương trình đào tạo của riêng từng trường. Tuy nhiên, di sản của “Cộng hòa các Khoa” tỏ ra quá mạnh, nên kết quả đạt được khá khiêm tốn, chỉ một số trường đại học đa ngành được thành lập ở những thị trấn nhỏ và trung bình. Ở những nơi khác, các liên minh ngành học và chính trị ở những thành phố lớn và ở thủ đô quá mạnh không thể đảo ngược, dẫn đến những “trường đại học” được tạo ra chỉ bao gồm một hoặc hai lĩnh vực của những ngành học liên quan, nói cách khác là những khoa trước đây.

Động lực cải cách

Bảng xếp hạng toàn cầu đầu tiên của các trường đại học vào năm 2003, cụ thể là Xếp hạng Học thuật các trường đại học thế giới (ARWU), còn được gọi là xếp hạng Thượng Hải, đã gây ra thứ mà trong nước gọi là “cú sốc Thượng Hải”. Nhiều người ngạc nhiên trước màn trình diễn đáng thất vọng của các trường Pháp. Vị thế kém cỏi của các grades écoles danh giá, nhiều trường hợp còn bị xếp ở những vị trí thấp hơn các trường đại học Pháp, gây ra tác động đặc biệt tàn phá đối với giới tinh hoa mà chúng đào tạo ra. Đây được coi là một rào cản đối với sức hấp dẫn của giáo dục đại học Pháp và hạn chế khả năng cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên tri thức của Pháp.

Điều mà nhà cầm quyền không thấy rõ là các trường đại học chuyên ngành nhận được rất ít lợi ích từ việc sáp nhập thành các tổ chức đa ngành, khi ranh giới giữa các ngành đã ăn sâu trong trong tâm trí giảng viên (và sinh viên). Điều này còn do thiếu sự quan tâm từ giới tinh hoa chính trị, vì phần lớn trong số họ được đào tạo trong các grandes écoles. Tuy nhiên, xếp hạng đại học và sự xuất hiện của Mô hình Toàn cầu Mới nổi (EGM – Emerging Global Model) của trường đại học nghiên cứu đã chấm dứt sự thờ ơ chính trị này, thách thức tư duy của giới học thuật Pháp và các nhà quản trị đại học.

Đầu tư để trở thành “tốt nhất”: các sáng kiến ​​xuất sắc

Kế hoạch Sáng kiến ​​Xuất sắc (IDEX – Initiatives for Excellence), được khởi động vào năm 2010 với mục tiêu phát triển được 5 đến 10 trường đại học đẳng cấp thế giới, đã tạo ra sự thay đổi cơ cấu sâu sắc, hơn nữa hiệu quả hơn so với những chương trình khuyến khích trước đây (ví dụ như Plan Campus), nếu như tài trợ được phân bổ đầy đủ và mục tiêu thực hiện một chính sách tạo sự khác biệt trong khu vực đại học được cân nhắc kỹ lưỡng. Điều này có nghĩa là một sự chia tay quan trọng với chính sách trước đây vốn không thừa nhận bất kỳ sự khác biệt nào về vị thế hoặc chất lượng giữa các trường đại học, hoặc trong bất kỳ loại tổ chức chính thức nào. Cấu trúc tương đối “phẳng” của khu vực đại học của Pháp sắp có sự phân hóa đáng kể theo chiều dọc. Nhãn IDEX uy tín đã được trao cho 10 trường đại học hoặc liên hiệp các học viện đặt tại Aix-Marseille, Bordeaux, Grenoble, Lyon, Nice, Paris và Strasbourg, cho phép những tổ chức này tự thể hiện mình như những trường đại học nghiên cứu hàng đầu của Pháp.

Một trong những tổ chức hợp nhất mới nhất hoàn thành vào năm 2019 là Đại học Paris-Saclay, hiện xếp thứ 14 trên toàn cầu.

Kế hoạch IDEX tìm cách cung cấp những động lực cần thiết để hoàn thành việc củng cố cơ cấu của khu vực giáo dục đại học (lần đầu tiên vào năm 2007 thông qua pôles de recherche et d’enseignement supérieur [PRES], hay các trung tâm nghiên cứu và giáo dục đại học, được thay thế vào năm 2013 bởi communautes ’universités et établissements [COMUE] (cộng đồng các cơ sở giáo dục đại học). Kế hoạch IDEX trao cho những trường đa ngành, có quy mô lớn sứ mệnh nghiên cứu mạnh mẽ, thông qua việc hợp nhất các grandes écoles với các trường đại học, hoặc bằng cách hợp nhất các trường đại học chuyên ngành trong cùng một thành phố. Một trong những tổ chức hợp nhất mới nhất hoàn thành vào năm 2019 là Đại học Paris-Saclay, hiện xếp thứ 14 trên toàn cầu, trong một bảng xếp hạng, trong đó ​​cả Đại học Paris Sciences et Lettres (PSL) và Đại học Sorbonne lọt vào Top 40, trong khi Đại học Paris và Đại học Grenoble-Alpes xuất hiện trong Top 100 (ARWU, 2020).

Kết luận

Với một lịch sử đau thương như vậy, không có gì ngạc nhiên khi các trường đại học Pháp gặp khó khăn khi tìm chỗ đứng của họ. Hệ thống giáo dục đại học của Pháp đã trải qua chủ nghĩa địa phương và sự phân biệt tự áp đặt, giữa một bên là các trường đại học dành cho số đông sinh viên và bên kia là những grandes écoles phục vụ giới tinh hoa, đào tạo sinh viên cho những vị trí điều hành cấp cao trong dịch vụ dân sự hoặc khu vực tư nhân.

Không phải là điều lạ khi được xếp hạng cao nhất là những trường vượt qua được tính chất phân tán của giáo dục đại học Pháp, và giữ được những đặc tính tốt nhất của cả hai khu vực, là các grandes écoles và các trường đại học. Chất lượng của các cơ sở giáo dục ở Pháp không đột nhiên được cải thiện theo cấp số nhân, nó vẫn luôn có ở đó. Tuy nhiên, các chính phủ kế tiếp đã cố gắng khai thác chất lượng đó và cải cách cảnh quan giáo dục đại học để cho phép nó chuyển đổi và phù hợp với các tiêu chuẩn và khái niệm được chấp nhận trên toàn cầu về trường đại học “đẳng cấp thế giới” và mô hình EGM ngày càng chiếm ưu thế.

Những hậu quả của sự phân tầng theo chiều dọc này vẫn có thể nhận thấy, đặc biệt là những tác động đối với việc tiếp cận và lựa chọn của sinh viên. Bằng cách khôi phục trường đại học như một phương tiện giảng dạy và nghiên cứu chính được tài trợ công ở Pháp, các nhà hoạch định chính sách và quản lý cấp cao trong các tổ chức đã thừa nhận khuôn mẫu trường đại học toàn cầu do mô hình Humboldt và EGM cung cấp.