Tương lai vững chắc của quan hệ đối tác giáo dục đại học Trung Quốc – Đức

 

Marijke Wahlers là Trưởng ban Quan hệ Quốc tế thuộc Hội nghị các Hiệu trưởng DDại học Đức. Email: wahlers@hrk.de. URL: www.hrk.de/guidance_China_cooperation.

Tóm tắt: Quan hệ cộng tác đại học giữa Trung Quốc và Đức được xây dựng trên cơ sở vững chắc và lâu dài, giờ là lúc cần đảm bảo để sự hợp tác này tiếp tục trong tương lai. Cách nhìn đa chiều về những thông số, mục tiêu và nội dung cụ thể của từng mối quan hệ đối tác chính là chìa khóa giải quyết vấn đề. Đối thoại cởi mở cả về cơ hội và thách thức riêng của từng trường và chung của các bên đối tác – sẽ giúp làm rõ các vấn đề và xác định lộ trình phát triển. Cẩm nang hướng dẫn về quan hệ đối tác giữa các trường đại học Đức và Trung Quốc của Hội nghị các Hiệu trưởng nhằm hỗ trợ và tăng cường cho đối thoại này.

Phát triển hợp tác xuyên biên giới và trao đổi học thuật giữa các trường đại học Đức và Trung Quốc trong 30 qua là một câu chuyện thành công thực sự. Do điều kiện chính trị của thời điểm đó, Hội nghị các Hiệu trưởng Đức (HRK – The German Rectors’ Conference) chỉ ghi nhận gần 100 thỏa thuận đối tác giữa các trường đại học Đức và Trung Quốc trong những năm 1980. Hai thập kỷ sau, vào những năm 2000, con số này đã tăng gấp ba lần. Đến nay, qua hai thập kỷ nữa, đã có khoảng 1.400 thỏa thuận hợp tác giữa hơn 200 trường đại học Đức và gần 400 trường đại học Trung Quốc. Do đó, chúng tôi có thể tự tin nói rằng đã có một cầu nối ổn định giữa học thuật Đức và Trung Quốc. Quan hệ hợp tác ban đầu thường là thỏa thuận song phương giữa các cá nhân học giả, giờ đây đã bao gồm mọi hoạt động hợp tác, từ du học của các cá nhân sinh viên và nghiên cứu sinh, chương trình nghiên cứu chung, dự án tiến sĩ, đến các sáng kiến nghiên cứu, đổi mới và giáo dục xuyên quốc gia. Các đối tác Trung Quốc sớm nhận ra tiềm năng to lớn của các trường đại học khoa học ứng dụng Đức, do đó các trường Đức tham gia khá đồng đều vào các loại hình tổ chức đại học của Trung Quốc.

 

Cân bằng lợi ích

Tuy nhiên, nhìn kỹ sẽ thấy một số khiếm khuyết lớn nhỏ khác nhau trên chiếc cầu nối này. Ví dụ, về ngành học, hoạt động hợp tác luôn tập trung khá phiến diện vào một số lĩnh vực nhất định, như khoa học tự nhiên, kỹ thuật, kinh tế và luật. Cho đến nay các ngành khoa học xã hội và nhân văn vẫn xuất hiện khá hiếm hoi trong liên minh này. Sự mất cân bằng cũng thể hiện rõ ràng trong chiều dịch chuyển của sinh viên và nghiên cứu viên. Năng lực của các trường đại học và tổ chức nghiên cứu của Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực chưa đủ sức thu hút nhiều sinh viên và học giả Đức đến Trung Quốc.

Do đó, chúng tôi có thể tự tin nói rằng đã có một cầu nối ổn định giữa học thuật Đức và Trung Quốc.

Ngoài ra, một số dấu hiệu cho thấy, ít nhất trong giai đoạn đầu, các thỏa thuận hợp tác đã không xem xét đầy đủ những mối quan tâm của các trường đại học Đức hoặc lợi ích mà họ gặt hái được. Cần xây dựng một chiến lược dài hạn ở cấp trường cũng như cấp hệ thống để khắc phục sự mất cân bằng này. Từ năm 2005, HRK đã nhấn mạnh trong khuyến nghị dành cho các chương trình hợp tác nghiên cứu Đức – Trung rằng quan hệ đối tác phải tạo ra giá trị gia tăng cho tất cả các bên và chương trình hợp tác đào tạo cần đáp ứng nhu cầu của sinh viên ở cả hai quốc gia. Do sự khác biệt trong ngành ngày càng tăng cùng với việc các trường đại học Đức tăng cường nỗ lực xây dựng hình ảnh đặc thù của tổ chức, những vấn đề nêu trên đã được chú trọng nhiều hơn. Cũng từ đó, các trường đại học Đức thay đổi rõ rệt cách tiếp cận quốc tế hoá, từ cách nắm bắt cơ hội một cách hú họa (không tìm kiếm một cách có hệ thống) sang cách tiếp cận có chiến lược cho phép liên kết các hoạt động của các trường đại học riêng lẻ theo một hình thức thống nhất. Mặc dầu vậy, một nghiên cứu năm 2018 do Bộ Giáo dục & Nghiên cứu liên bang và Văn phòng đối ngoại liên bang chủ trì đã kết luận rằng mặc dù các trường đại học Đức đã bắt đầu chú trọng hơn đến việc khám phá Trung Quốc và đánh giá Trung Quốc là một quốc gia toàn cầu quan trọng, kiến ​​thức và chuyên môn về Trung Quốc của sinh viên, giảng viên và các nhà nghiên cứu vẫn cần được mở rộng nhiều hơn. 

Tạo lập quan hệ đối tác trên những hệ thống giá trị vững chắc

Biến động địa chính trị toàn cầu, cùng với những thay đổi chính trị ở Đức và Trung Quốc cũng tác động đến hợp tác đại học giữa hai nước. Do đó, chúng ta đang chứng kiến ​​sự hợp lưu của những dòng chảy khác nhau: trong khi quá trình hợp tác là một trải nghiệm vô cùng tích cực và những dự án chung đang tiếp tục thành công trong một số lĩnh vực, sự cộng tác trong những lĩnh vực khác lại bị ảnh hưởng đáng kể.

Trong những năm gần đây, nhiều trường đại học đối tác phía Đức phải đối mặt với những yêu cầu pháp lý gia tăng và rào cản về mặt tổ chức từ phía Trung Quốc. Ngoài ra, nhà nước Trung Quốc ngày càng can thiệp nhiều hơn vào chương trình và quy trình giảng dạy trong các trường đại học, đồng thời áp đặt thêm những hạn chế đối với quyền tự do học thuật khiến quan hệ đối tác trở nên căng thẳng, thậm chí, trong một số trường hợp, hoàn toàn bế tắc.

Neo giữ những hoạt động giáo dục đại học xuyên biên giới bằng một hệ thống giá trị vững chắc và đúng nghĩa là hết sức quan trọng, đó là lý do vì sao HRK nhấn mạnh rằng tự do nghiên cứu và giảng dạy là một tiền đề để các trường đại học vận hành thành công. Theo quan điểm của HRK, quyền tự do này là nguyên tắc cơ bản, không bàn cãi; nguyên tắc này cũng được áp dụng trong hoạt động và quan hệ đối tác quốc tế của các trường đại học Đức. Trước những thay đổi sâu sắc trên phạm vi toàn cầu, vào tháng 4 năm nay HRK đã xuất bản tài liệu hướng dẫn và tiêu chuẩn quản lý quan hệ đối tác đại học quốc tế.

Ngoài ra, HRK gần đây đã đưa ra những câu hỏi hướng dẫn dành cho hợp tác đại học với Trung Hoa. Chúng bổ sung cho bộ tài liệu hướng dẫn và tiêu chuẩn chung bằng cách chi tiết hóa những quy trình hành động bắt buộc hoặc tùy chọn liên quan cụ thể đến hợp tác học thuật với các đối tác Trung Quốc. Hướng dẫn này được sử dụng để xác nhận đối tác mới và, khi cần, để điều chỉnh những quan hệ đối tác hiện hữu với các trường đại học và học viện Trung Quốc. Đồng thời, nó cũng khuyến khích các trường đại học Đức tiếp tục phát triển hoạt động học thuật tại Trung Quốc, chủ động hình thành mối quan hệ hợp tác với các đối tác Trung Quốc.

 

Tiếp cận khác biệt mở ra quan hệ đối tác bền vững

Tài liệu hướng dẫn được biên soạn để cung cấp cho các trường đại học, như một tổ chức gồm nhiều đơn vị thành viên, cũng như cho các đại học thành viên – động lực, sự hỗ trợ và định hướng khi thiết lập và phát triển quan hệ đối tác bền vững với các trường đại học và học viện Trung Quốc. Hướng dẫn được chia thành ba loại chính: chiến lược và quản trị; hợp tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu; và trường đại học như một không gian xuyên quốc gia. Hướng dẫn đề cập đến những điều kiện tiên quyết, những yêu cầu và mục tiêu của quan hệ đối tác trên cơ sở bình đẳng. HRK tin rằng việc lựa chọn kỹ lưỡng các đối tượng và đối tác là một trong những yếu tố then chốt để hợp tác thành công. Giá trị gia tăng và tính bền vững của quan hệ đối tác quốc tế đều bắt nguồn từ cấu trúc và quy trình của trường đại học. Ngoài ra chúng liên quan chặt chẽ với cách trường đại học tự định vị, với sứ mệnh, lịch sử, nguyên tắc tổ chức và giá trị của trường.

HRK giữ quan điểm rằng tăng cường đối thoại và hợp tác với các đối tác Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực là cần thiết. Đây là cơ sở lý luận khoa học, tiên quyết và quan trọng nhất; tuy nhiên, xã hội cũng cần thuyết phục sinh viên và các nhà nghiên cứu tương tác sâu rộng hơn với Trung Quốc, nhờ đó tăng cường sự hiểu biết về Trung Quốc. Ở đây, cách nhìn đa chiều về những thông số, mục tiêu và nội dung cụ thể của từng quan hệ đối tác chính là chìa khóa, vì nó sẽ tạo điều kiện thuận lợi để làm rõ các vấn đề với những đối tác Trung Quốc khi cần, đồng thời xác định những lộ trình phát triển hữu ích. Trong đàm phán về cơ hội và rủi ro, nhất thiết phải chủ động xác định những lĩnh vực của cơ hội không gây phương hại cho các giá trị và tiêu chuẩn của tổ chức. HRK sẽ nỗ lực hết sức để hỗ trợ các thành viên trong quá trình phát triển sắp tới để đảm bảo rằng chúng ta tiếp tục xây dựng cầu nối học thuật trên một nền tảng vững chắc, cả trước mắt và lâu dài.