Anthony Welch là Giáo sư giáo dục, Trường Giáo dục & Công tác Xã hội, Đại học Sydney, Úc. Email: anthony.welch@sydney.edu.au.
Tóm tắt: Những hành động của Hoa Kỳ nhằm hạn chế hợp tác nghiên cứu với Trung Quốc trong những lĩnh vực công nghệ then chốt và khoa học công nghệ cao ngày càng được xem là một phần của cuộc chiến công nghệ, nếu không muốn nói là cuộc chiến ý thức hệ. Những nước khác như Úc, châu Âu và Nhật Bản cũng thiết lập những biện pháp hạn chế hợp tác trong những lĩnh vực công nghệ cao nhạy cảm, với lý do quan ngại về an ninh và lo mất tài sản trí tuệ. Nếu không đủ tinh tế, những biện pháp như vậy tiềm nhiều ẩn rủi ro và có thể làm suy yếu những mạng lưới nghiên cứu quan trọng và lâu đời với Trung Quốc.
Việc Hoa Kỳ quyết định thu hồi visa của 1000 sinh viên sau đại học và các nhà nghiên cứu từ Trung Quốc là một ví dụ gần đây về việc gia tăng hạn chế quan hệ nghiên cứu khoa học và công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Những hành động trước đó bao gồm việc bắt giữ một số nhà khoa học Trung Quốc, những người không thừa nhận đã được hỗ trợ tài chính từ những quỹ nghiên cứu của Trung Quốc, trong đó có một quỹ nằm trong chương trình “tài năng nước ngoài” quan trọng của Trung Quốc.
Nhưng những hành động như vậy, bao gồm cả việc truy tố những nhà nghiên cứu Trung Quốc không thừa nhận có mối liên hệ quân sự, đã bị một số nhà nghiên cứu Hoa Kỳ chỉ trích. Họ nêu ra trường hợp những nhà nghiên cứu y khoa Trung Quốc bị nghi ngờ một cách mặc nhiên, đơn giản chỉ vì bệnh viện Trung Quốc – nơi họ làm việc – có một số liên kết với quân đội. Những tuyên bố gây tranh cãi liên quan đến gián điệp công nghiệp và quan ngại về những nghiên cứu có ứng dụng quân sự được đưa ra sau khi Hoa Kỳ từ chối cấp thị thực cho các nhà nghiên cứu Trung Quốc trong các lĩnh vực STEM, đặc biệt những người liên quan đến chính sách Made in China 2025 của Trung Quốc ưu tiên những lĩnh vực công nghệ cao quan trọng như CNTT, robot, công nghệ hàng không vũ trụ, vật liệu mới và công nghệ sinh học (liên quan đến nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn thì vấn đề hơi khác, bao gồm ngôn ngữ, các khung diễn giải và nhận thức khác nhau, cũng như sự kiểm duyệt và “Bức tường lửa vĩ đại” của Trung Quốc). Để đối phó với việc bị hủy visa, một số sinh viên Trung Quốc đã đăng trực tuyến một danh sách dường như chỉ bao gồm những tổ chức có liên kết với quân đội Trung Quốc.
Những hành động của Hoa Kỳ là một phần của cái gọi là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nay ngày càng được nhìn nhận là một cuộc chiến công nghệ, và thậm chí có thể là chiến tranh lạnh về ý thức hệ.
Những hạn chế đang lan rộng
Những hành động của Hoa Kỳ là một phần của cái gọi là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, nay ngày càng được nhìn nhận là một cuộc chiến công nghệ, và thậm chí có thể là chiến tranh lạnh về ý thức hệ. Những tham chiếu nghiên cứu trong tài liệu “Phương pháp tiếp cận chiến lược” năm 2020 của Nhà Trắng liệt kê hành vi chiếm đoạt công nghệ, ăn cắp tài sản trí tuệ, vi phạm bí mật và không khai báo những lợi ích nước ngoài. Nhưng những động thái nhằm hạn chế hợp tác nghiên cứu quốc tế đang lan rộng. Sự hợp tác lâu dài và thực chất của Liên minh châu Âu với các nhà nghiên cứu Trung Quốc gần đây đã bị Jean-Eric Pacquet – Tổng giám đốc Ủy ban châu Âu về nghiên cứu và đổi mới – thách thức khi ông cảnh báo Bắc Kinh thiếu minh bạch về dữ liệu khoa học và hạn chế hợp tác trong một số lĩnh vực khoa học mạnh nhất của Trung Quốc. Theo Pacquet, Liên minh châu Âu không còn tin rằng những mối liên kết khoa học với Trung Quốc là có đi có lại. Ông lập luận rằng, trong khi việc tiếp cận khoa học của châu Âu là tự do và cởi mở, thì việc tiếp cận Trung Quốc rất “cồng kềnh và đôi khi bị hạn chế một cách hình thức”. Những quan ngại như thế, gồm cả việc chuyển giao công nghệ bắt buộc, báo trước sẽ có một khung quy định nhằm xác định rõ hơn quan hệ đối tác của các trường đại học và tổ chức nghiên cứu châu Âu với Trung Quốc, bao gồm những vấn đề như an ninh quốc gia và quyền sở hữu trí tuệ. Cũng như với Hoa Kỳ, lập trường thay đổi về hợp tác nghiên cứu là một phần trong quá trình chuyển đổi rộng hơn của Liên minh châu Âu: từ việc coi Trung Quốc là đối tác chiến lược, chuyển sang coi Trung Quốc là đối thủ có hệ thống vào tháng 3 năm 2019.
Nhật Bản cũng đang cân nhắc kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các nhà nghiên cứu và nhà khoa học Trung Quốc, trong một nỗ lực ngăn chặn rò rỉ nghiên cứu công nghệ cao ở những lĩnh vực như điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo và sản xuất chất bán dẫn. Có những đề xuất hướng dẫn thắt chặt việc kiểm tra thị thực và yêu cầu các trường đại học và cơ sở nghiên cứu của Nhật Bản kê khai mọi thu nhập từ nghiên cứu nước ngoài. Tuy nhiên, trong năm 2017, Nhật Bản có 6313 nhà nghiên cứu quốc tế là người Trung Quốc (trong tổng số 39473), nhưng chưa rõ bao nhiêu người trong số họ có chuyên môn trong những lĩnh vực công nghệ cao, nhạy cảm. Ngoài ra, một số nhà khoa học Nhật Bản bày tỏ lo ngại rằng những biện pháp bảo vệ nghiên cứu nhạy cảm và tăng cường tính toàn vẹn của nghiên cứu không nên hạn chế khoa học mở và đổi mới, hay nỗ lực nghiên cứu quốc gia của Nhật Bản.
Giữa những tuyên bố về sự gia tăng can thiệp nước ngoài, Úc đã đề xuất một cuộc điều tra của quốc hội về ảnh hưởng nước ngoài. Cuộc điều tra đặc biệt chú trọng vào các trường đại học trong nước và liệt kê những mối quan ngại về hợp tác nghiên cứu. Mặc dù không có quốc gia nào được đề cập cụ thể, nhưng rõ ràng việc này là nhằm vào Trung Quốc. Sự kiện hai nhà nghiên cứu Trung Quốc nổi tiếng bị cho là mở rộng những nghiên cứu của Úc ở Trung Quốc trở thành những mục tiêu đầu tiên và bị hủy visa, đã không tạo niềm tin rằng một chiến lược tinh tế đang được áp dụng. Với sự tài trợ của Trung tâm Tương tác Toàn cầu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Viện Chính sách Chiến lược Úc đã xây dựng Chương trình Theo dõi các Trường đại học Quốc phòng vào năm 2019: một cơ sở dữ liệu về những cơ sở đào tạo Trung Quốc tham gia vào nghiên cứu khoa học và công nghệ có liên quan đến quân sự hoặc an ninh. Trang web này bao gồm các mục thông tin riêng lẻ về gần 100 trường đại học dân sự, 50 cơ sở đào tạo của Quân đội Giải phóng Nhân dân, 3 cơ sở đào tạo của Bộ Nội vụ và 12 tập đoàn công nghiệp quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước.
Khác với Hoa Kỳ: Liên minh châu Âu và châu Á
Hoa Kỳ đang gây sức ép buộc tất cả đồng minh của mình đi theo hướng kiềm chế Trung Quốc, kể cả trong hợp tác nghiên cứu. Nhật Bản có thể làm theo. Nhưng Trung Quốc vẫn muốn hợp tác quốc tế và rất ít bằng chứng cho thấy cả châu Âu hoặc phần lớn châu Á muốn giới hạn những lựa chọn của mình chặt chẽ như vậy. Ví dụ, chọn đứng về bên nào, sẽ rất mâu thuẫn với mong muốn lâu nay của ASEAN trong việc bảo vệ, tối đa hóa không gian vận động giữa hai siêu cường quốc ngày càng cạnh tranh và khó tính này. Không quốc gia thành viên ASEAN bày tỏ dấu hiệu về mong muốn hạn chế hợp tác nghiên cứu với Trung Quốc – đối tác tri thức lớn của nhiều hệ thống nghiên cứu trong ASEAN trên thực tế. Chẳng hạn ngay cả Việt Nam, với một lịch sử lâu dài và phức tạp trong quan hệ với Trung Quốc, cũng không có dấu hiệu muốn cắt giảm quan hệ nghiên cứu với nước láng giềng khổng lồ thường xuyên gây rắc rối cho mình. Ngoài ra, tại một số quốc gia trong ASEAN, các trường đại học và cơ sở nghiên cứu đang sử dụng một số lượng lớn nhân lực kỹ năng cao từ cộng đồng tri thức Trung Quốc.
Rủi ro
Những ví dụ trên cho thấy những quan ngại về an ninh quốc gia đang chi phối các quyết định về hợp tác nghiên cứu quốc tế. Nhưng kèm theo điều đó là những rủi ro. Đầu tiên là có thể đánh vỡ bình vì ném chuột. Rõ ràng là cần một sự tinh vi hơn trong việc phân biệt những dự án công nghệ cao nhạy cảm với nhiều dự án khác không gây rủi ro về an ninh quốc gia. Như Denis Simon, chuyên gia về sự trỗi dậy của nền khoa học Trung Quốc và là cựu giám đốc điều hành cao cấp tại Đại học Duke Kunshan ở Tô Châu, mới đây đã nói “Giả định về một âm mưu toàn diện là quá xa so với thực tế”.
Rủi ro thứ hai của cách tiếp cận quá phiến diện là nhiều nhà nghiên cứu thiên tài của Trung Quốc có thể quyết định không đến Hoa Kỳ hoặc những hệ thống khác có những hạn chế tương tự. Hoặc họ có thể rời khỏi Hoa Kỳ: Đã có bằng chứng đáng lo ngại cho thấy một số nhà nghiên cứu gốc Hoa đang rời đi. Những người khác chuyển hướng hợp tác nghiên cứu của mình sang Nhật Bản, Vương quốc Anh (tuy nhiên, quốc gia này gần đây đã công bố Đề án Công nghệ Phê duyệt Học thuật gồm những lệnh cấm có chọn lọc) hoặc châu Âu. Hiệu ứng này có thể là một chiến thắng cho Trung Quốc, nhưng là sự lỗ ròng đối với nghiên cứu của Hoa Kỳ, như một số nhà nghiên cứu Hoa Kỳ đã cảnh báo.
Rủi ro cuối cùng được cho là đáng lo ngại nhất: sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bản địa trong một số hệ thống trên thế giới. Việc nâng cao an ninh quốc gia liên quan tới những lo ngại về ngoại giao và học thuật có thể làm suy yếu mạng lưới nghiên cứu song phương và quốc tế đã được thiết lập tốt và ngày càng củng cố đầu ra kết quả nghiên cứu toàn cầu. Khi một phần ba công bố khoa học trên toàn thế giới hiện nay là kết quả của sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu từ ít nhất hai quốc gia, và khi Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai quốc gia cộng tác nhiều nhất trong những nghiên cứu đồng tác giả được công bố, việc loại trừ những đóng góp to lớn của Trung Quốc – nay đã là một trong những siêu cường về khoa học của thế giới – liệu có là hợp lý?