Tác động của COVID-19 đến giáo dục đại học nhìn từ quan điểm công bằng

Jamil Salmi là Chuyên gia Giáo dục đại học toàn cầu và là thành viên Nghiên cứu tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. Email: jsalmi@tertiaryeducation.org.

Tóm tắt: Những gián đoạn do đại dịch COVID-19 gây ra ảnh hưởng đến mọi quốc gia, cả giàu và nghèo, và sinh viên từ những nhóm thiểu số phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Ở những quốc gia có Internet chưa phổ biến và dung lượng băng thông thấp, cơ hội học tập trực tuyến bị hạn chế đáng kể. Các trường cao đẳng và đại học ở những quốc gia có thu nhập thấp phải vật lộn để triển khai những chương trình đào tạo từ xa có chất lượng, do thiếu những học giả có kinh nghiệm và thiếu nguồn lực.

Những gián đoạn do đại dịch COVID-19 gây ra ảnh hưởng đến mọi quốc gia, cả giàu và nghèo, và sinh viên từ những nhóm thiểu số phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Ở những quốc gia có Internet chưa phổ biến và dung lượng băng thông thấp, cơ hội học tập trực tuyến bị hạn chế đáng kể. Các trường cao đẳng và đại học ở những quốc gia có thu nhập thấp chật vật triển khai những chương trình đào tạo từ xa có chất lượng, do thiếu những học giả có kinh nghiệm và thiếu nguồn lực.

Hiệu ứng và phản ứng ngắn hạn

  • Đóng cửa và chuyển sang giáo dục trực tuyến: Các quốc gia và các trường đã không được chuẩn bị trước cho sự thay đổi với cùng mức độ. Các trường đại học và cao đẳng ở những nước đang phát triển phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng CNTT và thực trạng truy cập Internet.
  • Ảnh hưởng đến sinh viên: Sự xáo trộn do việc đóng cửa đột ngột các khu học xá và chuyển đổi nhanh chóng sang giáo dục trực tuyến đã làm gián đoạn cuộc sống của sinh viên trên toàn thế giới. Sinh viên từ những nhóm thiểu số bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề; họ phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế, khó khăn về kết nối và suy sụp tinh thần.
  • Đánh giá và thi cử: Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã phải vật lộn với những lựa chọn khó khăn về đánh giá thi cử trực tuyến và nguy cơ gian lận gia tăng.
  • Các trường đại học đang đối mặt với thách thức COVID-19: Một khía cạnh tích cực là phản ứng hào phóng của các trường đại học trên toàn thế giới trong việc đóng góp kiến ​​thức khoa học và nguồn lực của họ để chống lại đại dịch. Các trường đại học phát triển các xét nghiệm COVID-19 nhanh hơn và rẻ hơn, quyên góp thiết bị dư thừa để giúp các bệnh viện, và sản xuất vật tư y tế, thiết bị khử trùng và thuốc.

Hiệu quả lâu dài hơn

  • Mở cửa trở lại vào mùa thu: Ở những quốc gia nơi đại dịch vẫn đang hoành hành, những quyết định về việc mở cửa lại các trường học chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những cân nhắc về chính trị và kinh tế. Tại Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, việc không thừa nhận COVID-19 và mối đe dọa của những khó khăn kinh tế đang tới khiến nhiều cơ sở giáo dục đại học phải chấp nhận mạo hiểm với sức khỏe của sinh viên.
  • Học tập giảm sút và sinh viên rớt môn ngày càng tăng: Nhiều sinh viên sẽ không có đủ trải nghiệm học tập trong năm học 2019–2020. Bên cạnh tác động tiêu cực đến chất lượng của trải nghiệm giáo dục trong thời gian dịch COVID-19, những vấn đề sức khỏe tâm thần trong sinh viên cũng gia tăng.
  • Giảm nguồn lực, thay đổi nhu cầu, đóng cửa và tái cơ cấu: Cuộc khủng hoảng đã bộc lộ những điểm yếu trong cơ cấu của những mô hình tài chính hiện có của nhiều hệ thống và cơ sở giáo dục đại học. Đối với những cơ sở giáo dục đại học tư thục phụ thuộc hoàn toàn vào học phí và/hoặc sinh viên quốc tế, đây là một thử thách khắc nghiệt khả năng tồn tại về mặt tài chính. Một số lượng lớn sinh viên với nguồn lực hạn chế hoàn toàn có thể bỏ học đại học. Hậu quả có thể rất nghiêm trọng ở nhiều quốc gia thu nhập thấp – nơi có truyền thống phân bổ không đủ tài chính công cho giáo dục đại học, thường là dưới 0,5% GDP.
  • Ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu: Việc đóng cửa các phòng thí nghiệm và hạn chế đi lại có nghĩa là các nhà nghiên cứu không thể tiếp tục các thí nghiệm hoặc điều tra thực địa, trừ khi những công việc thí nghiệm và cộng tác có thể thực hiện từ xa. Một mối quan tâm ngày càng tăng đối với tất cả các trường đại học nghiên cứu là khả năng bị giảm kinh phí trong những năm tới, ngoại trừ những chương trình nghiên cứu liên quan trực tiếp đến COVID-19. Dữ liệu về năng suất nghiên cứu cho thấy các học giả nữ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, phản ánh sự lệch lạc trong phân chia lao động trong gia đình.

Những chính sách giảm nhẹ của quốc gia

  • Hỗ trợ tài chính: Một số quốc gia có thu nhập cao đã nhanh chóng phê duyệt những gói giải cứu kinh tế cho các trường cao đẳng, đại học và/hoặc sinh viên. Một số ít quốc gia có thu nhập thấp cũng cung cấp những gói hỗ trợ đáng kể.
  • Nâng cao năng lực kết nối và giáo dục trực tuyến: Nhiều quốc gia đã cố gắng tăng cường khả năng kết nối Internet cho các cơ sở giáo dục đại học và sinh viên. Các chính phủ ở châu Phi cận Sahara đã tăng cường dung năng băng thông rộng thông qua Mạng nghiên cứu và giáo dục quốc gia (NRENs).
  • Tính linh hoạt trong đảm bảo chất lượng và đánh giá: Biện pháp can thiệp thứ ba ở cấp quốc gia là những nỗ lực hướng đến sự áp dụng linh hoạt hơn những tiêu chí đảm bảo chất lượng và phương pháp đánh giá.

Chính sách giảm nhẹ của trường đại học

  • Những cách tiếp cận giáo dục sáng tạo: Bước đầu tiên nhằm giúp việc chuyển sang giáo dục trực tuyến dễ dàng hơn là cung cấp những khóa huấn luyện sử dụng nền tảng kỹ thuật số và áp dụng những kỹ thuật hiệu quả cho dạy và học trực tuyến. Những trường có đầy đủ các dịch vụ chức năng hỗ trợ dạy và học nhận thấy mình được chuẩn bị tốt hơn để hỗ trợ cộng đồng học thuật của trường. Sự nhất quán của chương trình giảng dạy, phương pháp sư phạm và phương pháp đánh giá chính là cốt lõi tạo nên thành công của trải nghiệm giáo dục trực tuyến. Cũng rất quan trọng là nhận thức rằng giảng dạy trực tuyến không phải là ghi hình một bài giảng truyền thống rồi đưa lên trang Web của tổ chức, mà là áp dụng những phương pháp sư phạm nhằm thu hút sinh viên tham gia vào những trải nghiệm giáo dục đầy hứng khởi. Cuối cùng, nhiều trường nhận thấy không thể bỏ qua việc tăng cường hệ thống hỗ trợ học tập và tâm lý cho những cá nhân sinh viên bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng sức khỏe và kinh tế, và đang chật vật thích nghi với giáo dục trực tuyến.
  • Quản trị vượt qua đại dịch: Cuộc khủng hoảng đã thử thách kỹ năng lãnh đạo của các hiệu trưởng trường cao đẳng và đại học theo cách chưa từng có, buộc họ phải đưa ra những quyết định nhanh chóng và quan trọng để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng học thuật và duy trì hoạt động liên tục của tổ chức. Bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng này là tầm quan trọng của việc truyền thông hiệu quả và thường xuyên để giải thích một cách trung thực và minh bạch những thách thức và những điều chưa biết do COVID-19 mang lại.

 

Cuộc khủng hoảng đã thử thách kỹ năng lãnh đạo của các hiệu trưởng trường cao đẳng và đại học theo cách chưa từng có.

 

  • Phát minh ra những mô hình hoạt động mới: Những cơ hội mới có thể nảy sinh từ thời kỳ hậu đại dịch. Các cơ sở giáo dục đại học có thể nghiêm túc cân nhắc việc tiếp nhận những người học trưởng thành như một phân khúc hợp pháp trong số sinh viên mục tiêu của họ. Việc áp dụng mô hình học tập suốt đời nhấn mạnh quyền ưu tiên của người học, công nhận những năng lực có được trong công việc và đáp ứng nhu cầu học tập của một nhóm khách hàng đa dạng hơn. Các cơ sở giáo dục đại học cũng có thể thành lập các liên minh đại học để cấp bằng chung, dạy các khóa học chung và thực hiện hợp tác nghiên cứu, kết hợp tài năng và nguồn lực tài chính của họ một cách hiệu quả hơn.
  • Những phản ứng tập trung vào bình đẳng: Một trong những nhiệm vụ ưu tiên của nhiều cơ sở giáo dục đại học ngay sau khi đóng cửa các hoạt động trong khuôn viên trường là làm giảm bớt những khó khăn của những sinh viên từ những gia đình có thu nhập thấp và từ những nhóm dễ bị tổn thương. Trợ giúp tài chính bao gồm những hình thức trợ cấp bổ sung, cho vay không lãi suất và tiếp cận các ngân hàng lương thực (food bank). Để thu hẹp khoảng cách về công nghệ số, nhiều trường đã tặng thiết bị cho sinh viên và cung cấp các gói Internet để truy cập trực tuyến.

Kết luận

Chưa bao giờ sức mạnh của các trường cao đẳng và đại học lại bị thử thách gay gắt như trong thời kỳ đại dịch hiện nay. Cuộc khủng hoảng y tế đã cho thấy khoảng cách công nghệ số và bất bình đẳng kinh tế là những thực tế khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực đối phó của sinh viên với cuộc khủng hoảng COVID-19.

Trong khi những trường đại học hàng đầu thế giới ít khả năng phải chịu những hậu quả bất lợi lâu dài, đối với nhiều tổ chức giáo dục đại học, sự tồn tại về tài chính sẽ là một thách thức nghiêm trọng. Hàng triệu sinh viên với nguồn lực hạn chế hoàn toàn có thể bỏ học đại học.

Đại dịch đã làm bộc lộ mức độ sâu sắc của sự phân chia công nghệ số và những bất bình đẳng kinh tế xã hội, khiến càng tăng thêm khoảng cách rõ rệt giữa các quốc gia, giữa các cơ sở giáo dục đại học và giữa sinh viên; do đó điều cần thiết là phải xem xét, ở cấp quốc gia và cấp tổ chức, những biện pháp tập trung vào việc đạt được sự công bằng trong giáo dục đại học cho sinh viên từ những gia đình có thu nhập thấp, cho sinh viên nữ và cho các dân tộc và chủng tộc thiểu số.