Sinh viên Trung Quốc hoãn kế hoạch du học Mỹ

Xiaofeng Wan là Phó Giám đốc tuyển sinh và Điều phối viên tuyển sinh quốc tế của Đại học Amherst, Amherst, Hoa Kỳ. Email: xwan@amherst.edu.

Tóm tắt: Hoa Kỳ đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể số lượng du học sinh từ Trung Quốc trong các cơ sở đại học của họ trong hơn mười năm qua. Tuy nhiên, đại dịch đang hoành hành khắp nước Mỹ, cùng với chính sách thị thực thù địch đối với sinh viên Trung Quốc và luận điệu bài ngoại của chính quyền Trump có thể làm đảo ngược xu hướng này. Các gia đình Trung Quốc vẫn quan tâm đến du học Mỹ, nhưng xu hướng đảo chiều sẽ có tác động lâu dài.

Hoa Kỳ đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể số lượng du học sinh từ Trung Quốc trong các cơ sở đại học của họ trong hơn mười năm qua. Theo Viện Giáo dục quốc tế (IIE), trong niên khoá 2018-2019 các trường đại học Mỹ có khoảng 370 ngàn du học sinh Trung Quốc theo học, chiếm một phần ba tổng số sinh viên quốc tế. Theo Bộ Thương mại, năm 2018 du học sinh Trung Quốc đã đóng góp 15 tỷ đô la vào nền kinh tế Mỹ, tạo ra hàng ngàn công việc mới. Nhưng điều này có thể sớm thay đổi.

Theo báo cáo nghiên cứu số tháng Sáu của ChinaICAC – Viện Tư vấn Du học của Trung Quốc – 36% học sinh được khảo sát cho biết họ đã hoàn toàn gạt bỏ kế hoạch du học Mỹ. Trong số những lý do, 85% chỉ ra mối lo ngại chính của họ là những rủi ro tiềm ẩn về sức khoẻ ở Mỹ. Gần một nửa lo ngại về chính sách visa bất ổn và chủ nghĩa bài châu Á.

Ngày 28 tháng 5, Tổng thống Trump ký tuyên bố cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với những sinh viên sau đại học và nghiên cứu viên có liên hệ với quân đội Trung Quốc, viện lý do ngăn chặn mất cắp tài sản trí tuệ và công nghệ. Tính đến ngày 8 tháng 9 năm 2020, chính quyền Mỹ đã thu hồi hơn 1.000 visa của những công dân Trung Quốc bị coi là không đủ điều kiện thị thực dựa vào tuyên bố này. Động thái này làm tăng thêm nỗi lo lắng trong sinh viên Trung Quốc, rằng họ phải đối mặt với điều kiện visa gắt gao hơn nếu chọn học chuyên ngành STEM, và có khả năng bị phí phạm nhiều năm chuẩn bị. Khi quan hệ Trung – Mỹ tiếp tục xấu đi, những lo ngại về những chính sách thù địch hơn đối với sinh viên Trung Quốc và về việc họ bị sử dụng như những con tốt chính trị càng khiến các gia đình Trung Quốc lo lắng.

 

Theo báo cáo nghiên cứu số tháng Sáu của ChinaICAC – Viện Tư vấn Du học của Trung Quốc – 36% học sinh được khảo sát cho biết họ đã hoàn toàn gạt bỏ kế hoạch du học Mỹ.

 

Sau đó, đại dịch hoành hành khắp nước Mỹ, làm bùng lên những cuộc tấn công phân biệt chủng tộc, bằng cả lời nói và hành động bạo lực, nhằm vào người châu Á, được cổ vũ bởi chính tổng thống Mỹ, người luôn gọi COVID-19 là “Virus Trung Quốc”. Đây là những yếu tố gây lo lắng sâu sắc cho phụ huynh Trung Quốc khi cân nhắc những thứ được và mất nếu gửi con cái, phần đông là con một, du học xa nửa vòng trái đất.

Chưa phải là điều tồi tệ nhất

Frances Zhang, giám đốc tuyển sinh Học viện WLSA Thượng Hải, nhận định về những tác động tiềm tàng của xu hướng các trường đại học Mỹ giảm tuyển sinh từ Trung Quốc: “Mùa đông đang đến. Sẽ tác động chậm đến số lượng sinh viên Trung quốc nộp đơn vào các trường đại học Mỹ. Sự suy giảm thực sự sẽ thể hiện trong vòng hai hoặc 3 năm tới, khi những học sinh đang học lớp 9 và lớp 10 bước vào ngưỡng cửa đại học”.

Số liệu mới đây cho thấy số lượng học sinh tham gia zhongkao (kỳ thi đầu vào trung học Trung Quốc) tăng 20% ở Bắc Kinh và 15% ở Thượng Hải. Trong khi đó nhiều chương trình quốc tế trong các trường trung học công lập cũng như tư thục trên toàn quốc báo cáo không đạt chỉ tiêu tuyển sinh, thậm chí rất lâu sau mùa tuyển sinh.

Trong một hội thảo gần đây của Amherst, Williams và Yale với các hiệu trưởng trung học, hiệu trưởng một trường trung học công lập danh tiếng ở Tây An – đô thị của Thiểm Tây, miền tây Trung Quốc – đã than thở rằng chương trình quốc tế của họ chỉ đạt 40% chỉ tiêu tuyển sinh, và để giữ chân số học sinh này, nhà trường phải đưa các môn gaokao vào chương trình giảng dạy để học sinh đủ điều kiện thi vào các trường đại học Trung Quốc, đây là một động thái chưa từng có. Do phụ huynh đe dọa sẽ chuyển con cái họ sang trường khác nếu không làm như vậy.

Một công bố chính thức mới đây của Trung Quốc cho thấy lần đầu tiên UK vượt qua US trở thành điểm đến du học hàng đầu của sinh viên Trung Quốc. Tuy nhiên ngay cả những trường cung cấp chương trình tú tài A-Level độc quyền, và gửi hầu hết học sinh tố nghiệp của họ đến các trường đại học UK cũng trong tình trạng suy giảm chung. Một chi nhánh trường trung học chọn lọc dạy bằng tiếng Anh ở tỉnh Giang Tô miền Nam Trung Quốc đã chứng kiến tỷ lệ tuyển sinh giảm 50% trong năm học này.

Hoa Kỳ còn chào đón sinh viên quốc tế không?

Một trong những mối lo ngại chính của các gia đình Trung Quốc là Hoa Kỳ nói chung không còn chào đón họ nữa. Khác biệt về chính trị và văn hóa có thể là nguyên nhân gây ra tâm lý này, khi nhiều gia đình Trung Quốc liên kết luận điệu bài ngoại của chính quyền Trump với dư luận/thái độ của xã hội Mỹ đối với giáo dục đại học.

Vụ kiện gần đây chống lại quy định mới của cục Thuế quan và Nhập cư Hoa Kỳ cấm nhập cảnh những sinh viên quốc tế chỉ tham gia học trực tuyến, với nguyên đơn là trường Harvard và MIT – cho thấy chính phủ Hoa Kỳ không có toàn quyền kiểm soát thái độ của các trường đại học đối với du học sinh. Bản thân vụ kiện và chiến thắng của các trường thể hiện sự trái ngược với những quy định của hệ thống.

Thêm vào đó, những thông tin sai lệch tràn lan trên mạng xã hội – WeChat và Weibo, xung quanh việc tuyển sinh đại học và tương lai của mối quan hệ Trung – Mỹ, càng làm gia tăng lo lắng trong các gia đình Trung Quốc – liệu có khôn ngoan không khi lựa chọn du học Hoa Kỳ. “Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều thông tin trực tiếp từ các trường đại học đến với các gia đình Trung Quốc, nhằm thuyết phục phụ huynh rằng đại học Mỹ vẫn chào đón con em họ và để họ không dễ bị kích động bởi những thông tin sai lệch trên mạng xã hội”, Hiệu trưởng của một trong những trường trung học công lập uy tín nhất ở Bắc Kinh cho biết tại một hội thảo các hiệu trưởng gần đây.

Triển vọng trong tương lai

Có một điều chắc chắn là các gia đình Trung Quốc vẫn thấy giá trị của việc gửi con cái đi du học Mỹ vì những tư tưởng và cơ hội hàng đầu mà nền giáo dục đại học Hoa Kỳ đại diện và cung cấp. Mặc dù tác động của cuộc khủng hoảng chính trị và dịch bệnh hiện nay có vẻ nghiêm trọng và sẽ còn kéo dài, nhưng mong muốn của các gia đình Trung Quốc cho con cái thụ hưởng một nền giáo dục tốt nhất sẽ vẫn không thay đổi.

Những phân tích trên cho thấy công tác tuyển sinh từ Trung Quốc trong vài năm tới đặt ra nhiều thách thức hơn bao giờ hết. Kiểm soát tốt đại dịch chính là chìa khóa để khôi phục lại lòng tin của họ vào Hoa Kỳ. Trong trường hợp thiếu vắng sự lãnh đạo ở cấp quốc gia nhằm kiểm soát sự lây lan của virus và thu nhận nhân tài từ nước ngoài, giáo dục đại học phải đảm nhận nhiều công việc hơn. Phụ huynh sẽ không quan tâm đến việc chúng ta cung cấp được bao nhiêu tài nguyên, trước khi biết được chúng ta quan tâm đến lợi ích và an toàn của con cái họ như thế nào, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch toàn cầu. Là đầu mối liên hệ đầu tiên, cán bộ tuyển sinh có vai trò quan trọng thể hiện lập trường hoan nghênh và cam kết của trường hỗ trợ trực tiếp sinh viên quốc tế, loại trừ những thông tin lệch lạc, xóa bỏ những nghi ngờ và quan niệm sai lầm về việc học tập tại Hoa Kỳ – để sinh viên Trung Quốc không chỉ muốn đến Hoa Kỳ như trước đây, tôi tin là họ sẽ đến, mà còn thành đạt trong các học xá đại học và ngoài xã hội, nhờ vào phẩm hạnh và sự hỗ trợ.