Quan hệ Trung Quốc – toàn cầu: chiến tranh lạnh về giáo dục đại học?

Lizhou Wang là Trợ lý Nghiên cứu và là Nghiên cứu sinh tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. Email: wangliz@bc.edu. Wen Wen là Phó Giáo sư về Giáo dục đại học tại Viện Giáo dục và là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á, Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc. Email: wenwen@tsinghua.edu.cn.

Tóm tắt: Vào năm 2020, khi quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và nguy cơ ​​“chia tách” hay “Chiến tranh Lạnh mới” ngày càng xấu đi, giáo dục đại học luôn bị chỉ trích vì bản chất quốc tế của nó. Giáo dục đại học được hình thành dựa trên sự tồn tại của những phong trào và trao đổi toàn cầu mở và tự do cho phép các tổ chức và cá nhân tạo ra sản phẩm khoa học. Làm thế nào để giáo dục đại học giữ vững được vị trí của mình trong thời kỳ địa chính trị hỗn loạn này là vấn đề sống còn đối với tương lai của nó.

Có những dấu hiệu cho thấy chúng ta đang ở thời điểm quyết định trong mối quan hệ học thuật và khoa học giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Bài báo này trình bày những khía cạnh quan trọng của những diễn biến hiện tại. Trong khi những hoạt động trao đổi và hợp tác quốc tế giữa các sinh viên, học giả và nhà nghiên cứu đã đóng góp đáng kể vào hiểu biết đa văn hóa, sản xuất tri thức toàn cầu, nghiên cứu và xuất bản, thì tại thời điểm bài viết này ra đời, các mối quan hệ đang trở nên bấp bênh hơn. 

Loại trừ “ảnh hưởng” Trung Quốc trong các cơ sở đào tạo của Hoa Kỳ

Chính quyền của Tổng thống Trump đã áp đặt những hạn chế lên giáo dục và giao lưu quốc tế, thúc đẩy chương trình nghị sự về chống nhập cư và gián điệp nước ngoài. Trong đại dịch, Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ đã đưa ra một chính sách nhập cư mới khiến sinh viên quốc tế bị trục xuất nếu họ không đến trường học, mặc dù chính sách này đã bị hủy bỏ sau khi các cơ sở giáo dục đại học và tổng chưởng lý của 20 bang khởi kiện. Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đang lên kế hoạch giới hạn bốn năm đối với sinh viên quốc tế tại Hoa Kỳ, nhằm ngăn chặn các đối thủ nước ngoài khai thác môi trường giáo dục của đất nước.

Nhiều hành động nhắm vào các học giả và nghiên cứu viên Trung Quốc với lý do một số người có thể đã có được công nghệ, dữ liệu và tài sản trí tuệ nhạy cảm của Mỹ. Vào tháng 5, Tổng thống Donald Trump đã ký tuyên bố cấm những nghiên cứu sinh và sinh viên Trung Quốc có quan hệ với Quân Giải phóng Nhân dân nhập cảnh vào Hoa Kỳ, làm ảnh hưởng đến khoảng 3.000 đến 4.000 sinh viên. Ngay sau đó, Hoa Kỳ thu hồi visa của hơn 1.000 sinh viên và nghiên cứu viên Trung Quốc bị coi là những kẻ đe dọa an ninh. Ngoài ra, những sinh viên nhận tài trợ từ Hội đồng Học bổng Trung Quốc (CSC, một cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm trao đổi sinh viên và học giả quốc tế) ngày càng bị xem xét kỹ lưỡng tại các sân bay Hoa Kỳ. Sau khi học kỳ mùa thu bắt đầu, trường Đại học Bắc Texas đã chấm dứt chương trình trao đổi với 15 nhà nghiên cứu do CSC tài trợ và yêu cầu họ rời khỏi đất nước trong vòng 30 ngày. Hơn nữa, các quan chức liên bang đã chấm dứt chương trình trao đổi Fulbright ở Hồng Kông và Trung Quốc Đại lục, đồng thời cấm các nhà ngoại giao Trung Quốc đến thăm khuôn viên các trường đại học mà không có sự cho phép của chính phủ Hoa Kỳ.

Các trường đại học, bị nhiều quan chức chính quyền Trump coi là chiến trường quan trọng, bị thanh tra vì các phòng thí nghiệm của trường phát triển những công cụ quan trọng cho công nghệ Internet tương lai, y học, chiến tranh và kinh tế trong tương lai. Bộ Giáo dục Hoa Kỳ đã điều tra hơn một chục trường đại học, bao gồm Đại học Stanford và Đại học Fordham, về việc nhận quà tặng và hợp đồng nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc. Những cơ sở này phải nộp tài liệu về tất cả các hợp đồng và quà tặng nước ngoài từ thập kỷ trước; những thông tin trao đổi với tất cả nghiên cứu viên và học giả Trung Quốc được mời đến làm việc trong thời gian đó; và thông tin về bất kỳ mối liên hệ nào mà những người này từng có với chính phủ hoặc quân đội Trung Quốc – điều mà chính phủ, chứ không phải các trường đại học, sàng lọc trong quá trình xin thị thực. 

Vòng quanh thế giới

Chính phủ Úc được cho là đã tiến hành một cuộc điều tra ở phạm vi rộng về sự can thiệp nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Mối liên kết của các trường đại học với Trung Quốc – là kênh dẫn hàng tỷ đô la đổ vào lĩnh vực giáo dục đại học của Úc, chủ yếu thông qua học phí từ gần 150 ngàn sinh viên – chưa bao giờ bị giám sát chặt chẽ như vậy. Tại Canada, Cơ quan Tình báo An ninh Canada cảnh báo rằng Chương trình Ngàn Nhân tài của Trung Quốc đã sử dụng “những chiến thuật ăn mòn, được thực hiện nhằm thúc đẩy những mục tiêu kinh tế và chiến lược của các quốc gia thù địch”, và bày tỏ lo ngại về việc các giáo sư Canada tham gia vào chương trình này.

 

Brussels đang xây dựng một khuôn khổ chung nhằm xác định rõ hơn cách thức mà các trường đại học và tổ chức nghiên cứu châu Âu nên hợp tác với Trung Quốc, có cân nhắc những vấn đề an ninh và quyền sở hữu trí tuệ.

 

Các Viện Khổng Tử, những địa điểm quan trọng nhất cho việc trao đổi và xuất khẩu ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, đang bị đóng cửa trên toàn thế giới. Quốc hội Hoa Kỳ đã chặn không cho những trường đại học có Học viện Khổng Tử nhận những khoản tài trợ nhất định của Bộ Quốc phòng – một chiến lược lưỡng đảng khiến nhiều cơ sở đào tạo phải đóng cửa. Các trường đại học và trường công lập ở Bỉ, Đức và New South Wales ở Úc cũng chấm dứt quan hệ với các Viện Khổng Tử. Thụy Điển đã đóng cửa tất cả các Viện và Lớp học Khổng Tử.

Tại châu Âu, Tổng giám đốc nghiên cứu và đổi mới của Ủy ban châu Âu đã nêu quan ngại về mối quan hệ không cân bằng giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc, bao gồm dữ liệu mở, hợp tác nghiên cứu và trao đổi học thuật. Mặc dù vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác, Brussels đang xây dựng một khuôn khổ chung nhằm xác định rõ hơn cách thức mà các trường đại học và tổ chức nghiên cứu châu Âu nên hợp tác với Trung Quốc, có cân nhắc những vấn đề an ninh và quyền sở hữu trí tuệ.

Trong khi đó, ở Trung Quốc

Hơn bốn thập kỷ qua kể từ khi mở cửa, nền giáo dục đại học của Trung Quốc đã phát triển thịnh vượng thông qua việc hợp tác và trao đổi quốc tế. Các trường đại học nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc đang dẫn đầu trong các bảng xếp hạng toàn cầu. Các nhà khoa học Trung Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực STEM, đang tạo ra những nghiên cứu và công bố có tác động cao. Với gần 500 ngàn sinh viên quốc tế, Trung Quốc đã trở thành điểm đến du học lớn nhất châu Á.

Trong khi đó, những bất ổn địa chính trị toàn cầu gần đây và sự nhạy cảm về chính trị trong nước đã và đang ảnh hưởng đến các trường đại học Trung Quốc. Rào cản hiển nhiên đối với những nhà nghiên cứu và học giả Trung Quốc đi theo hướng sản xuất và trao đổi sản phẩm khoa học quốc tế là quyền tiếp cận thông tin. Trong khi mọi người trên thế giới đều tham gia vào những cuộc họp ảo qua Zoom, thì nền tảng này và những nền tảng nghiên cứu, truyền thông và mạng xã hội phổ biến khác như Google Scholar và YouTube lại không dễ dàng truy cập được ở Trung quốc Đại lục.

Từ năm 2016, nhằm nâng cao sức mạnh mềm và chất lượng học thuật tổng thể, Trung Quốc bắt đầu xây dựng “một hệ thống triết học và khoa học xã hội mang đặc trưng Trung Quốc”. Cải cách Đánh giá Nghiên cứu của Trung Quốc, được công bố vào mùa xuân năm 2020, dự kiến ​​sẽ chấm dứt sự sùng bái đối với Chỉ số Trích dẫn Khoa học và khuyến khích các học giả giải quyết những vấn đề của Trung Quốc trong bối cảnh riêng của họ bằng tiếng Trung. Trong khi đó, các học giả được khuyến khích “kể hay câu chuyện của Trung Quốc” với thế giới bên ngoài, bằng cách sử dụng ngôn từ học thuật với những đặc điểm của Trung Quốc thay vì “giải quyết những vấn đề Trung Quốc qua lăng kính của Mỹ”. Sáng kiến ​​này có thể thách thức hệ thống kiến ​​thức học thuật chủ yếu dùng tiếng Anh và tác động đến hợp tác quốc tế.

Nhiều học giả phương Tây dự đoán rằng vai trò lãnh đạo của Đảng được nâng cao trong các trường đại học, đặc biệt trong việc xây dựng đội ngũ nhân tài, nghiên cứu và chương trình giảng dạy – nhiều khả năng sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển các ngành khoa học của Trung Quốc. Trong khi đó, một số học giả Trung Quốc cho rằng đây là đặc điểm thống trị và nổi bật nhất của một trường đại học Trung Quốc, khiến nó trở thành “ý tưởng hoặc mô hình Trung quốc về một trường đại học”, nếu có một mô hình như vậy.

Hệ quả

Cuộc Chiến tranh Lạnh mới này có ảnh hưởng lan tỏa rõ ràng đến giáo dục đại học, tác động đến các cá nhân và tổ chức trên toàn thế giới. Trung Quốc từ lâu đã trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về số lượng sinh viên ra nước ngoài du học. Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, đã có hơn 360 ngàn sinh viên quốc tế người Trung Quốc trong năm 2018, trong đó 133,4 ngàn học chương trình sau đại học. 9 trong 10 sinh viên ở lại Hoa Kỳ sau khi lấy bằng tiến sĩ, trở thành nguồn cung cấp chính các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và giáo sư hàng đầu, đặc biệt trong các lĩnh vực STEM. Trong bối cảnh mối quan hệ Trung – Mỹ ngày càng xấu đi, dữ liệu khảo sát cho thấy trong sinh viên Trung Quốc mức độ sẵn sàng và tự tin để học tập ở Hoa Kỳ thấp hơn. Số lượng ứng viên quốc tế nộp đơn vào các chương trình tiến sĩ của nhiều khoa STEM bị sụt giảm.

Khi căng thẳng gia tăng, nhiều sinh viên muốn học tập, và làm việc sau khi tốt nghiệp ở những quốc gia có thái độ và chính sách thân thiện hơn, chẳng hạn như Canada, Vương quốc Anh và những nơi khác ở châu Âu. Một phân tích gần đây của Đại học Georgetown cho thấy sự gia tăng 75% số đơn đăng ký thành công của cư dân Hoa Kỳ vào các chương trình nhập cư có tay nghề cao của Canada kể từ năm 2017. Tất cả số tăng trưởng này có được là do những ứng viên không phải là công dân Hoa Kỳ, nhiều người trong số họ được đào tạo tại Hoa Kỳ.

Về phía các cơ sở đào tạo và các học giả, những thủ tục rườm rà trong việc nộp tài liệu và báo cáo về những ảnh hưởng của nước ngoài có thể ngăn cản họ xúc tiến và mời gọi hợp tác quốc tế. 

Tương lai mờ mịt

Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai quốc gia lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trong việc tạo ra tri thức. Sự hợp tác giữa hai quốc gia này thúc đẩy sự phát triển khoa học và giáo dục đại học toàn cầu. Mặc dù việc hợp tác với Trung Quốc được coi là có tổng bằng không, nhưng hợp tác khoa học quốc tế tạo ra kết quả có tổng dương. Bất kể môi trường chính trị và kinh tế bên ngoài như thế nào, các cơ sở giáo dục đại học nên giữ vững những giá trị cơ bản của tư duy tự do và phản biện và theo đuổi chân lý.