Nhật Bản: sụt giảm số lượng đăng ký mới vào các chương trình tiến sĩ – khủng hoảng đối với đổi mới

Yukiko Shimmi là Giảng viên cao cấp tại Trung tâm Học tập Toàn cầu, Học Viện vì sự Xuất sắc trong Giáo dục Đại học, Đại học Tohoku, Nhật Bản. Email: shimmi@tohoku.ac.jp.

Tóm tắt: Vì một số lý do, trong khi số lượng học viên tốt nghiệp tiến sĩ ngày càng tăng lên ở những nước hàng đầu, ở Nhật Bản số lượng đăng ký mới vào các chương trình đào tạo tiến sĩ đang giảm dần. Để mang lại sự đổi mới cho xã hội và ngành công nghiệp, Nhật Bản cần tăng cường sức hấp dẫn của các chương trình đào tạo tiến sĩ của mình bằng sự hỗ trợ ổn định và lâu dài.

Những người có bằng tiến sĩ được coi là động cơ thúc đẩy sự đổi mới, và ở những quốc gia hàng đầu số lượng tiến sĩ vẫn tiếp tục tăng lên. Dữ liệu của OECD cho thấy từ năm 2010 đến năm 2017, số lượng học viên tốt nghiệp các chương trình tiến sĩ hoặc trình độ tương đương ở Hoa Kỳ tăng từ 57.407 lên thành 71.042 và ở Vương quốc Anh từ 18.756 lên 28.143. Tuy nhiên, ở Nhật Bản số lượng này giảm nhẹ từ 15.867 xuống 15.674. Đáng nói hơn, tại Nhật Bản, số lượng đăng ký mới vào các chương trình đào tạo tiến sĩ đã giảm xuống so với đỉnh cao là 18.232 năm 2003, còn 14.976 vào năm 2019; theo khảo sát hàng năm của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT). Số lượng học viên tiến sĩ quốc tế – nhiều người đến từ các nước châu Á và đặc biệt là từ Trung Quốc – vẫn giữ nguyên mức là 2.643 và 2.664 trong hai năm này; tính theo tỷ lệ, đối tượng này tăng từ 14,5% lên 17,8%. Trong khi sự hiện diện của các nghiên cứu sinh tiến sĩ quốc tế ngày càng tăng tại các trường đại học Nhật Bản, các cơ sở giáo dục dường như không thể bù đắp được sự sụt giảm tổng thể số lượng nghiên cứu sinh tiến sĩ người Nhật.

Một trong những lý do giới trẻ Nhật không ưa chuộng các chương trình đào tạo tiến sĩ là bằng tiến sĩ không được coi là một ưu thế giúp tăng thêm cơ hội được tuyển dụng vào các công ty Nhật Bản.

Cơ sở và lý do tiềm năng

Một trong những lý do giới trẻ Nhật không ưa chuộng các chương trình đào tạo tiến sĩ là bằng tiến sĩ không được coi là một ưu thế giúp tăng thêm cơ hội được tuyển dụng vào các công ty Nhật Bản. Hơn nữa, mức lương trung bình của những người có bằng tiến sĩ thường không cao hơn những người có bằng thạc sĩ. Để thấy rõ hơn, ở Nhật Bản, cho đến đầu những năm 1990, mục đích chính của các chương trình tiến sĩ là đào tạo đội ngũ giảng viên tương lai và các nhà nghiên cứu làm việc trong các học viện. Sau năm 1991, năng lực của các trường đào tạo sau đại học mở rộng khoảng 2,5 lần nhằm đào tạo các chuyên gia có tay nghề cao. Tuy nhiên, theo truyền thống lâu đời, học viên tốt nghiệp các chương trình tiến sĩ đều được đào tạo để thực hiện những công việc học thuật, nên những kỹ năng được đào tạo cho mục đích này không phù hợp với sự kỳ vọng của các công ty Nhật Bản. Trong một cuộc khảo sát của Viện Khoa học Quốc gia và Chính sách Công nghệ (NISTEP) năm 2012, nhiều công ty Nhật Bản báo cáo rằng mặc dù những người tốt nghiệp bằng tiến sĩ có kiến ​​thức chuyên ngành, kiến thức và kỹ năng của họ khó phù hợp ngay với nhu cầu của công ty. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các nghiên cứu sinh tiến sĩ quốc tế muốn tìm việc tại các công ty Nhật Bản.

Ngoài ra, giới trẻ Nhật Bản không mặn mà với các chương trình đào tạo tiến sĩ vì những tiến sĩ mới tốt nghiệp thường khó có được công việc ổn định trong lĩnh vực học thuật. Tình hình này trở nên rõ ràng khi các trường đại học quốc gia Nhật Bản bị cắt giảm ngân sách vào năm 2003. Theo NISTEP, trong số những người nhận bằng tiến sĩ năm 2012, khoảng 60% tìm được việc làm tại các trường đại học hoặc các viện nghiên cứu công lập. Tuy nhiên, hơn 60% trong số đó làm việc ở những vị trí ngắn hạn, với 70% có hợp đồng dưới ba năm. Lương của nhân viên hợp đồng ngắn hạn thường thấp hơn lương của nhân viên có hợp đồng dài hạn hoặc tại các công ty tư nhân. Ngoài ra, hợp đồng ngắn hạn ngăn cản các nhà nghiên cứu trẻ lựa chọn hoặc tham gia vào những đề tài nghiên cứu đòi hỏi thời gian dài và sự gắn bó. Vấn đề này cũng ảnh hưởng đến các nghiên cứu sinh tiến sĩ quốc tế. Cũng theo báo cáo trên, nghiên cứu sinh tiến sĩ quốc tế có xu hướng tìm kiếm các công việc học thuật. Sau khi tốt nghiệp, hơn một nửa về nước làm việc.

Một lý do khác khiến giới trẻ Nhật Bản không theo học tiến sĩ là do tài chính hỗ trợ khá hạn chế. Ngược lại, một số nghiên cứu sinh tiến sĩ quốc tế nhận được học bổng MEXT để học tập ở Nhật Bản, và nhiều học viên tiến sĩ diện tự túc được được miễn giảm học phí. Theo báo cáo của MEXT năm 2014, gần 50% những người có bằng tiến sĩ không được hỗ trợ tài chính. Chương trình học bổng nghiên cứu quy mô nhất, của Hiệp hội Xúc tiến Khoa học Nhật Bản (JSPS), cung cấp 200 ngàn JPY mỗi tháng cho sinh viên tiến sĩ, tương đương khoảng 1900 đô la Mỹ; tuy nhiên, chỉ dưới 5% những người mới tham gia các chương trình tiến sĩ nhận được học bổng này. Ngoài ra, thu nhập từ công việc trợ lý nghiên cứu và trợ giảng tại các trường đại học Nhật Bản không đủ cho một mức sống tươm tất. Thực tế này có thể so sánh với tình hình ở Hoa Kỳ, nơi gần 80% học viên tiến sĩ chủ yếu sống bằng nguồn thu nhập từ công việc trợ lý nghiên cứu, trợ giảng, trợ cấp hoặc học bổng, theo Khảo sát về Đào tạo Tiến sĩ năm 2019.

Phản ứng của chính phủ

Như một cách để nâng cao sức hấp dẫn của các chương trình tiến sĩ ở Nhật Bản, MEXT đã tiến hành một dự án có tên là “Chương trình hàng đầu cho đào tạo tiến sĩ” từ năm 2011 đến năm 2019. Trong dự án này, 62 chương trình tiến sĩ kéo dài 5 năm tại 33 trường đại học đã nhận được tài trợ cạnh tranh để phát triển chương trình tiến sĩ nhằm đào tạo ra các nhà lãnh đạo được trang bị cả kiến thức chuyên ngành và tầm nhìn rộng lớn để làm việc toàn cầu trong lĩnh vực học thuật hoặc phi học thuật. Trong nhiều chương trình này, những chuyên gia từ các công ty tư nhân đã dạy một số khóa học và học viên được khuyến khích thực tập tại các công ty cũng như nghiên cứu ở nước ngoài. MEXT báo cáo rằng, tính đến tháng 3 năm 2018, 96,5% trong số 1.846 sinh viên trong dự án này đã tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Tỷ lệ này cao hơn tỷ lệ của tổng số những người nhận bằng tiến sĩ trong năm đó (72,1% trong tổng số 15.658 học viên tốt nghiệp). Hơn nữa, 42,6% học viên tốt nghiệp Dự án MEXT theo đuổi sự nghiệp phi học thuật, ví dụ trong các công ty hoặc các tổ chức chính phủ, cũng cao hơn tỷ lệ phần trăm chung (25,1%).

Mặc dù Chương trình Hàng đầu dường như đã thành công trong việc tăng mối liên kết giữa chương trình tiến sĩ và nghề nghiệp phi học thuật, một trong những vấn đề chính của các dự án gần đây của chính phủ là chúng có xu hướng bị giới hạn trong một thời hạn cố định. Vào thời điểm dự án Chương trình Hàng đầu kết thúc vào năm 2019, một dự án tương tự “Đào tạo sau đại học xuất sắc” được bắt đầu vào năm 2018. Tuy nhiên, đây cũng là một dự án có thời hạn cố định, về cơ bản kéo dài bảy năm. Cuối tháng 1 năm 2020, Hội đồng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới đã thảo luận những mục tiêu mới để nâng cao sức hấp dẫn của các chương trình tiến sĩ, bao gồm cả việc tăng mức hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu sinh. Vào tháng 12 năm 2020, có thông tin rằng MEXT nâng mức hỗ trợ lên 2.900.000 JPY (khoảng 28 ngàn USD) cho khoảng 7.000 học viên tiến sĩ (khoảng 10% tổng số nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Nhật Bản), mặc dù chi tiết của hỗ trợ này vẫn chưa được công bố. Cũng có thông tin rằng đây là chương trình hỗ trợ ổn định, chính là những gì Nhật Bản cần để nâng cao sức hấp dẫn của các chương trình tiến sĩ và mang lại sự đổi mới cho xã hội và ngành công nghiệp.