Đào tạo tiến sĩ ở châu Phi: những thách thức về nguồn lực

Wondwosen Tamrat là Giáo sư cộng tác, Chủ tịch sáng lập của Đại học St. Mary, Ethiopia, và là thành viên của PROPHE. Ông điều phối phân nhóm giáo dục đại học tư thục trong Ủy ban Chiến lược Giáo dục lục địa châu Phi thuộc Hiệp hội châu Phi (CESA). E-mail: [email protected] hoặc [email protected]. Getnet Tizazu Fetene là Trợ lý Giáo sư ngành Xã hội học Giáo dục tại khoa Lập kế hoạch & Quản lý giáo dục, Đại học Addis Ababa, Ethiopia. E-mail:[email protected].

Tóm tắt: Bài báo này phân tích việc đào tạo tiến sĩ ở Ethiopia và những tác động của nó đối với giáo dục đại học châu Phi. Mặc dù đào tạo tiến sĩ được cho là sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng giáo dục đại học, nhiều quốc gia châu Phi vẫn đang rất thiếu nguồn lực để thực hiện các chương trình đào tạo tiến sĩ. Họ vẫn cần tập trung nhiều nỗ lực hơn cho việc xây dựng năng lực tổ chức và tận dụng những nguồn lực cần thiết để vận hành thành công các chương trình đào tạo tiến sĩ.

Các nghiên cứu tiến sĩ đóng góp nhiều vào sự tiến bộ của tri thức, điều này được thừa nhận rộng rãi. Ở lục địa châu Phi, do có vai trò quan trọng và tiềm năng đóng góp cho phát triển kinh tế và khoa học, đào tạo tiến sĩ được đặc biệt chú trọng. Do đó, mối liên hệ giữa nghiên cứu tiến sĩ và nghiên cứu vì sự phát triển của châu Phi luôn được nhấn mạnh trong các bài diễn thuyết trước công chúng, trong định hướng chính sách và các kế hoạch mở rộng chương trình. Có giả định rằng xây dựng năng lực nghiên cứu và tăng cường phát triển kinh tế trên lục địa có thể thực hiện được bằng cách hỗ trợ các cơ sở giáo dục cung cấp các chương trình sau đại học, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ.

Giả định cơ bản này dường như được chia sẻ trên toàn châu lục, đồng thời tầm quan trọng của các chương trình đào tạo tiến sĩ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường đại học châu Phi cũng được thừa nhận. Vế thứ hai của giả định này được quyết định bởi nhu cầu nâng cấp trình độ học vấn của giảng viên trong những lĩnh vực đang thiếu hụt trầm trọng tại nhiều trường đại học trên khắp lục địa. Tuy nhiên, mặc dù việc mở rộng các chương trình đào tạo tiến sĩ ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm, thực tế nghiên cứu tiến sĩ ở châu Phi và ở những nước có thu nhập thấp hơn nói chung vẫn chật vật và đứng trước vô số thách thức.

Trong một nghiên cứu gần đây do chúng tôi thực hiện nhằm xem xét quan điểm của sinh viên tiến sĩ về những chương trình hỗ trợ và những nguồn lực được triển khai để thực hiện các chương trình đào tạo tiến sĩ, vấn đề tài trợ và nguồn lực nổi lên là hai yếu tố quan trọng nhất cản trở sự tiến bộ và thành công của chương trình đào tạo tiến sĩ tại Đại học Addis Ababa – trường đại học hàng đầu của Ethiopia và là nơi cung cấp tiến sĩ chính.

Nguồn lực sẵn có

Nghiên cứu cho thấy các học viên tiến sĩ không hài lòng với cơ sở vật chất thiếu thốn và kém chất lượng, bao gồm các thiết bị CNTT và máy tính, không gian làm việc hoặc học tập cá nhân, tài nguyên thư viện và tài nguyên điện tử phục vụ nghiên cứu cũng như dịch vụ thư viện, chất lượng của thư viện, và sự thiếu thốn phòng thí nghiệm, phòng khám hoặc những cơ sở vật chất liên quan.

Đánh giá chung của các nghiên cứu sinh tiến sĩ về mức độ đầy đủ của cơ sở vật chất là rất thấp và đáng lo ngại. Về những danh mục xác định cụ thể, sự sẵn có phòng thí nghiệm, phòng khám, phòng thu âm hoặc các cơ sở vật chất khác được xếp hạng trung bình là 1,65 (độ lệch chuẩn [SD]=0,99), thấp hơn điểm trung bình của thang điểm 5; và sự sẵn có không gian làm việc hoặc học tập cá nhân được xếp hạng 1,91 (SD=1,13). Rõ ràng là có mức độ nhất quán cao trong nhận định của các nghiên cứu sinh về sự thiếu thốn các nguồn lực, điều chắc chắn đang ảnh hưởng tiêu cực đến sự thành công của hành trình nghiên cứu tiến sĩ của họ.

Chúng tôi nhận thấy kết quả của chúng tôi tương đồng với những nghiên cứu địa phương trước đó, những nơi có cơ sở vật chất và nguồn lực nghèo nàn, thiếu phòng thí nghiệm và tài liệu học tập, thiếu văn phòng hoặc không gian làm việc cho các nghiên cứu sinh, và những thiếu thốn liên quan được coi là những thách thức lớn đối với những chương trình sau đại học tại hầu hết các trường đại học Ethiopia. Điều này cũng đúng với nhiều quốc gia châu Phi, nơi việc mở rộng đào tạo tiến sĩ không đi kèm với sự cải thiện tương ứng cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết để vận hành thành công các chương trình đào tạo tiến sĩ.

Hỗ trợ tài chính

Việc tài trợ cho các nghiên cứu tiến sĩ ở nhiều nước châu Phi đã nhiều lần được xác định là một yếu tố kích thích quan trọng – hoặc là rào cản. Trong phạm vi của nghiên cứu này, các nghiên cứu sinh tiến sĩ đánh giá sự hỗ trợ tài chính và những chương trình hỗ trợ liên quan dành cho các trường đại học là nghèo nàn. Tính theo thang điểm 5, đánh giá của các nghiên cứu sinh tiến sĩ giao động trong khoảng điểm trung bình từ 1,18 (SD=0,68) đến 2,53 (SD=1,13). Sự sẵn có của nguồn tài chính hỗ trợ cho việc tham gia các hội nghị hoặc hội thảo – là hạng mục được đánh giá thấp nhất, hơn 92% những người được hỏi cho biết họ nhận được rất ít hỗ trợ. Đây là một nguyên nhân đáng lo ngại, vì điều này không chỉ hạn chế sự thành công của quá trình nghiên cứu tiến sĩ mà còn có thể hạn chế cơ hội phát triển năng lực và kỹ năng nghiên cứu của các học viên tiến sĩ.

Những thách thức tài chính mà các học viên tiến sĩ phải đối mặt dường như là một đặc điểm chung và nổi bật của cả hệ thống. Hầu hết các chương trình thường được triển khai mà không có sự chuẩn bị cần thiết và không có đủ nguồn lực. Về ngân sách dành cho đào tạo tiến sĩ, số tiền Đại học Addis Ababa được phân bổ cho đến gần đây là 25.000 ETB (781,23 USD) cho mỗi học viên. Nhận thức được chi phí đắt đỏ liên quan đến việc thực hiện đào tạo tiến sĩ, trường đại học này đã buộc phải hỗ trợ bổ sung bằng cách sử dụng nguồn tiền từ thu nhập nội bộ của mình và nguồn vốn bên ngoài nhận được từ các đối tác phát triển quốc tế.

 

Những thách thức tài chính mà các học viên tiến sĩ phải đối mặt dường như là một đặc điểm chung và nổi bật của cả hệ thống.

Nghiên cứu tiếp tục chỉ ra rằng mức tăng gần đây của ngân sách nghiên cứu lên 45.000 ETB (1.406,25 USD) cho nghiên cứu sinh ngành xã hội và nhân văn và 60.000 ETB (1.875,00 USD) cho nghiên cứu sinh khoa học và công nghệ, vẫn được coi là không đạt yêu cầu trong mắt các nghiên cứu sinh. Một nghiên cứu sinh đã chỉ trích sự bất cập của kế hoạch tài trợ như sau: “Khi các ứng viên tiến sĩ được khuyến khích thực hiện những nghiên cứu có ích cho đất nước, họ cần được hỗ trợ tài chính đầy đủ. Tuy nhiên, nguồn hỗ trợ tài chính hiện nay là rất thấp. Nếu cho biết từ kinh nghiệm của tôi, số tiền hỗ trợ tôi nhận được không đủ để trả cho chi phí đi lại. Ở những nơi thiếu an ninh, bạn cần đi máy bay. Ngân sách hỗ trợ thậm chí không bao gồm điều đó. Và những người liên quan biết rõ rằng như vậy là bất cập. Tôi nghĩ rằng Chính phủ nhận thức được điều đó. Vấn đề là họ không coi trọng vấn đề và không làm gì để cải thiện tình hình”.

Điều đáng lo ngại hơn nảy sinh từ những khó khăn tài chính mà các học viên tiến sĩ phải đối mặt là thực tế rằng sự eo hẹp tài chính hiện tại đang buộc họ đi trệch trọng tâm nghiên cứu của mình và thỏa hiệp với chất lượng thấp của đầu ra nghiên cứu. Một ứng viên tiến sĩ nhận xét: “Bởi vì họ biết họ sẽ chỉ được nhận một số tiền hạn chế từ trường đại học, các nghiên cứu sinh tiến sĩ cố gắng để đề tài luận văn của họ phù hợp với sứ mệnh và hoạt động của một số tổ chức phi Chính phủ nhất định, nhằm mục đích được nhận một vài khoản trợ cấp. Điều đó có nghĩa là các học viên tiến sĩ không nghiên cứu về những vấn đề mà họ quan tâm cũng như những nội dung nhằm giải quyết các vấn đề quốc gia. Họ thực hiện nghiên cứu để nhận được một số lợi ích tài chính từ quỹ tài trợ nghiên cứu bằng cách gắn đề tài của họ với những mối quan tâm của những tổ chức tài trợ tiềm năng”.

Đây là một dấu hiệu cho thấy những thách thức tài chính của trường đại học đang đe dọa mục tiêu tăng năng suất nghiên cứu và tăng cường phát triển kinh tế thông qua đào tạo tiến sĩ vốn được coi là những lý do chính để triển khai các chương trình đào tạo tiến sĩ. Các kết quả nghiên cứu ở cấp khu vực cũng cho thấy bức tranh tương tự. Phần lớn các nước châu Phi chi tiêu rất ít cho nghiên cứu, đổi mới và phát triển, vốn là yếu tố tác động trực tiếp đến việc mở rộng các chương trình đào tạo tiến sĩ và thúc đẩy chất lượng đầu ra.

Kết luận

Trong hoàn cảnh đó, có thể đoán trước rằng cả quá trình đào tạo tiến sĩ cũng như chất lượng đầu ra nghiên cứu ở Ethiopia đều không giúp quốc gia đạt được mục tiêu của các chương trình tiến sĩ, trừ khi những cải tiến đáng kể được thực hiện để điều chỉnh cả định hướng quốc gia và các nguồn lực và cơ chế hỗ trợ. Điều tương tự cũng đúng với nhiều hệ thống giáo dục đại học trên lục địa, nơi mặc dù có những nỗ lực khuyến khích mở rộng đào tạo tiến sĩ, lại rất thiếu sự quan tâm đến việc thực hiện những yêu cầu cần thiết để vận hành thành công các chương trình đào tạo tiến sĩ. Những nỗ lực trong tương lai nên tập trung vào giải quyết những hạn chế hiện có, thay vì mở thêm những chương trình tiến sĩ mới mà không có kế hoạch tài chính phù hợp.