Chưa phải là niết bàn: hệ quả của cuộc bầu cử Hoa Kỳ đối với giáo dục đại học quốc tế

Philip G. Altbach là Giáo sư Nghiên cứu và là Thành viên xuất sắc tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế thuộc Boston College (CIHE), Hoa Kỳ. Email: altbach@bc.edu. Hans de Wit là giáo sư danh dự và là thành viên xuất sắc của CIHE. Email: dewitj@bc.edu.

Tóm tắt: Việc Donald Trump rời Nhà Trắng sẽ mang lại một số thay đổi tích cực và tức thì đối với bức tranh giáo dục đại học của Hoa Kỳ và quốc tế. Nhưng chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc mà Trump đại diện vẫn là một phần của thực tế ở Hoa Kỳ và ở nhiều quốc gia khác. Điều tốt nhất có thể nói được là giáo dục đại học quốc tế dưới thời Biden sẽ bớt thảm hại hơn dưới thời Trump, và chỉ riêng điều này, tự nó cũng đáng để vui mừng.

Phần lớn thế giới giáo dục đại học, ở Hoa Kỳ và rộng hơn nữa, vui mừng khôn xiết rằng Donald Trump sớm rời bỏ quyền lực. Sự ra đi của ông sẽ mang lại những thay đổi tích cực và tức thì, tác động đến cảnh quan nền giáo dục đại học Hoa Kỳ và quốc tế. Nhưng chủ nghĩa Trump còn lâu mới biến mất. Chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc mà Trump đại diện vẫn là một phần của thực tế ở Mỹ và ở nhiều quốc gia khác. Sự chia rẽ giữa một bên là những người phản đối quốc tế hóa, chống nhập cư và những người phủ nhận biến đổi khí hậu, và bên kia là những người ủng hộ sự hợp tác quốc tế để giúp giải quyết những thách thức chính ở địa phương và toàn cầu – đang gay gắt hơn bao giờ hết, cả ở Hoa Kỳ và ở phần còn lại của thế giới.

Những thay đổi nhanh chóng

Tất nhiên, trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump, cộng đồng giáo dục đại học Hoa Kỳ vẫn tham gia vào những hoạt động quốc tế, nhưng những chính sách và luận điệu của chính quyền Trump đã gây ra tác động nghiêm trọng.

Những chính sách có thể được đảo ngược nhanh chóng là những hạn chế về thị thực, những yếu tố của “Lệnh cấm Hồi giáo” có thể vẫn đang được thực hiện, những hạn chế về thời gian đối với thị thực sinh viên, những quy định cứng nhắc về Chương trình Đào tạo Tùy chọn (Optional Practical Trainin – OPT) và thị thực H-1B và những quy định khác. Những quy định liên quan đến bố trí công việc sau tốt nghiệp tiến sĩ sẽ quay lại với thông lệ truyền thống. Thủ tục để sinh viên tốt nghiệp người nước ngoài có thẻ xanh sẽ trở nên dễ dàng hơn. Và DACA (Chương trình Tạm hoãn Thi hành Lệnh trục xuất những người đến Hoa Kỳ từ Thơ ấu – Deferred Action
for Childhood Arrivals), dù không ảnh hưởng trực tiếp đến giáo dục đại học quốc tế nhưng cung cấp sự bảo vệ cho 643 ngàn người nhập cư, sẽ được khôi phục. Những chương trình trao đổi hiện tại như Fulbright, đang bị đe dọa và bị cắt giảm ngân sách, sẽ được an toàn. Hy vọng rằng, tình trạng chính trị hóa đảng phái trong các sáng kiến ​​quốc tế sẽ chấm dứt.

Nhìn chung, hầu hết những chính sách của chính phủ Hoa Kỳ liên quan đến giáo dục đại học quốc tế có lẽ sẽ trở lại với những quy tắc có trước thời Trump. Nhưng với cuộc khủng hoảng COVID-19 vẫn tiếp diễn và những gián đoạn kinh tế và tài khóa xảy ra sau đó, rất khó xuất hiện những sáng kiến ​​mới. Nhờ quyết tâm mạnh mẽ của Phó Tổng thống tương lai Kamala Harris, những vấn đề quan trọng về phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng trong giáo dục đại học, đặc biệt là những chính sách về du học và sinh viên quốc tế, sẽ nhận được sự quan tâm mới. Nhưng vì đây là những vấn đề mang tính hệ thống, khắc phục chúng sẽ không dễ dàng.

Xu hướng rộng hơn

Nhìn chung, quá trình chuyển đổi sang chính quyền của Tổng thống Biden ở Hoa Kỳ sẽ ngụ ý một sự thay đổi đáng kể theo hướng tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và giáo dục và sửa đổi một số biện pháp hà khắc đã ảnh hưởng đến sinh viên, giảng viên và quan hệ đối tác quốc tế. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu điều đó có thể sửa chữa những thiệt hại to lớn mà những biện pháp đó đã gây ra cho danh tiếng quốc tế của đất nước trong bốn năm qua hay không. Điều tốt nhất có thể nói được là giáo dục đại học quốc tế dưới thời Biden sẽ bớt thảm hại hơn so với thời Trump, và chỉ riêng điều này, tự nó, cũng đáng để vui mừng.