Marcelo Knobel là Hiệu trưởng của Universidade Estadual de Campinas (Unicamp) và là Giáo sư toàn thời gian tại Viện Vật lý Gleb Wataghin, Unicamp, Brazil. Email: knobel@ifi.unicamp.br. Fernanda Leal là Trợ lý Điều hành cho Hiệu trưởng Phát triển nhân lực và Quản lý tại Universidade Federal de Santa Catarina (UFSC), Brazil, và là cựu Học giả thỉnh giảng tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế (CIHE), Boston College, Hoa Kỳ. Email: fernanda.leal@ufsc.br.
Tóm tắt: Tiếp tục bàn về những thay đổi chính sách quan trọng trong giáo dục đại học ở Brazil từ khi Tổng thống Bolsonaro nhậm chức vào tháng 1 năm 2019, trong bài viết này chúng tôi trình bày về cái gọi là “niên đại của những bi kịch “, đưa ra một đánh giá tổng quan về những sự kiện diễn ra từ tháng 9 năm 2019. Những sự kiện này cho thấy cách thức các chính sách liên bang đang đe dọa quyền tự chủ đại học, mặc dù khu vực giáo dục đại học công lập đã chứng tỏ vai trò nền tảng của mình trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID- 19 hiện tại.
Trong các bài viết trước, chúng tôi đã tóm tắt những thay đổi chính sách quan trọng trong giáo dục đại học Brazil kể từ khi Tổng thống Jair Bolsonaro nhậm chức vào tháng 1 năm 2019. Về cơ bản, chúng tôi đề cập đến những bất ổn, những mâu thuẫn và trở ngại mà lĩnh vực này phải đối mặt: hạn chế ngân sách dành cho các cơ sở khoa học và giáo dục đại học công lập; sự thiên vị ý thức hệ của Tổng thống chống lại khoa học nhân văn; và chương trình “Future-se”, một đề xuất từ Bộ Giáo dục với quan điểm tân tự do, nhằm tăng quyền tự chủ tài chính của các đại học công/ liên bang – đồng thời tăng cường những cơ chế để kiểm soát chúng.
Tiếp tục xem xét chủ đề này, bài viết này của chúng tôi trình bày về cái gọi là “niên đại của những bi kịch”, như một đánh giá tổng quan về những sự kiện xảy ra trong giáo dục đại học Brazil từ tháng 9 năm 2019. Những sự kiện này cho thấy cách thức các chính sách liên bang đang đe dọa quyền tự chủ đại học, mặc dù khu vực giáo dục đại học công lập đã chứng tỏ vai trò nền tảng của mình trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID- 19 hiện tại.
Thêm những bất ổn, mâu thuẫn và phản ứng
Một trong những tác động đáng chú ý của những chính sách của Bolsonaro đối với giáo dục đại học là sự bất ổn định của ngành. Nhiều biện pháp của ông được áp dụng mà không có bất kỳ cuộc đối thoại nào với các trường đại học và các hiệp hội đại diện, dẫn đến sự phản kháng mạnh mẽ và những sáng kiến bị hủy bỏ hoặc trì hoãn.
Bộ trưởng giáo dục thứ ba trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông bị thay thế vào tháng 7 năm 2020. Bộ trưởng thứ hai, Abraham Weintraub, là người giữ vị trí lâu nhất (từ tháng 4 năm 2019 đến tháng 6 năm 2020) đã để lại một di sản rất tiêu cực. Do lập trường tư tưởng và thái độ thù địch với các trường đại học và học viện công lập, Weintraub đã phải từ chức. Những động thái gây tranh cãi của ông ta đi xa đến mức Tổng thống không thể biện minh cho việc giữ ông ta ở vị trí đó. Có lẽ một trong những khoảnh khắc nghiêm trọng nhất là khi Weintraub xuất hiện trong một cuộc biểu tình nhỏ ủng hộ chính phủ vào tháng 6 năm 2020, ngay giữa thời gian đang diễn ra một trong những thảm họa sức khỏe cộng đồng tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại, mà không mang khẩu trang. Ông ta chào những người biểu tình và tuyên bố: “Tôi không muốn có thêm những nhà xã hội học hoặc nhà nhân loại học. Tôi không muốn dùng tiền của mình để có thêm các triết gia”.
Nhà kinh tế học Carlos Alberto Decotelli được đề cử thay thế. Tuy nhiên, do một số chi tiết không rõ ràng về trình độ học thuật, bao gồm thông tin không chính xác và việc ông từng bị cáo buộc đạo văn, ông đã không được bổ nhiệm. Vào tháng 7, linh mục Trưởng lão Milton Ribeiro đảm nhận chức vụ bộ trưởng, gây ra những lo ngại mới sau những phát biểu như cho rằng đồng tính luyến ái là hệ quả của giáo dục và các giá trị đạo đức. Nói chung, bộ trưởng mới cố gắng hết sức để không thu hút sự chú ý của dư luận, nhưng, thật không may, tình hình đối với giáo dục đại học và khoa học vẫn không được cải thiện.
Thêm những hạn chế ngân sách
Ngân sách dành cho các trường đại học công lập và tài trợ khoa học tiếp tục bị cắt giảm và mức cắt giảm vào năm 2021 dự kiến sẽ còn lớn hơn. Vào đầu năm 2020, cơ quan liên bang Capes đã công bố một mô hình mới cấp học bổng nghiên cứu cho sinh viên sau đại học, ưu tiên các lĩnh vực công nghệ. Tương tự, cơ quan liên bang CNPq đã loại trừ các ngành khoa học xã hội và nhân văn khỏi các dự án nghiên cứu ưu tiên được tài trợ từ năm 2020 đến 2023. Điều này được biện minh là vì lợi ích của việc “thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước”.
Capes và CNPq đều là những cơ quan chính tài trợ học bổng nghiên cứu ở Brazil. Capes cũng chịu trách nhiệm đánh giá và công nhận các chương trình sau đại học, do đó việc chỉ tài trợ nghiên cứu cho một số “lĩnh vực ưu tiên” có thể gây rủi ro cho sự phát triển của nhiều lĩnh vực và tự do học thuật, và dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với tư duy phản biện.
Những hạn chế ngân sách sẽ còn trầm trọng hơn, bởi vì các đại học liên bang dự kiến phải đối mặt với khoản cắt giảm thêm 18% (tương ứng với khoảng 185 triệu USD) các chi phí linh hoạt (trả lương, đầu tư và hỗ trợ sinh viên) vào năm 2021. Tình hình này sẽ trở nên tồi tệ hơn khi một dự án phân bổ lại khoảng 260 triệu USD từ Bộ Giáo dục sang cho các bộ cơ sở hạ tầng và phát triển khu vực được phê duyệt vào tháng 11. Điều này, theo lập luận của các hiệp hội các đại học liên bang, sẽ gây tổn hại cho những hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và những hoạt động mở rộng tiếp cận cộng đồng, và như vậy tác động trực tiếp đến xã hội Brazil.
Mối đe dọa khác đối với quyền tự chủ quản trị
Sau khi đa số các đại học liên bang từ chối “Future-se”, chính phủ đã tìm kiếm những cách mới để can thiệp vào công việc quản trị của họ. Tháng 6 năm ngoái, Tổng thống công bố một biện pháp tạm thời, theo đó, khi nhiệm kỳ bốn năm của một hiệu trưởng kết thúc trong thời gian đại dịch COVID-19, Bộ Giáo dục sẽ chỉ định người kế nhiệm, bỏ qua truyền thống lâu đời là lãnh đạo các trường đại học được bầu ra bởi các giảng viên, quản trị viên và sinh viên. Do chính phủ liên bang vẫn rất ít quan tâm đến đại dịch COVID-19, biện pháp này dường như là một cách để can thiệp vào quyền tự chủ của các trường đại học. Thật vậy, ý kiến khẳng định rằng trong thời gian đại dịch không thể tổ chức bỏ phiếu bầu lãnh đạo mới là hoàn toàn vô lý, bởi vì hầu hết các hoạt động vẫn đang được tiến hành từ xa và công nghệ hiện nay giúp cho việc bỏ phiếu từ xa trở nên khả thi và an toàn. May mắn thay, thượng viện đã bác bỏ quyết định này, vì nó trái với hiến pháp Brazil.
Theo hiến pháp, quá trình này bắt đầu bằng một cuộc bỏ phiếu nội bộ của trường. Sau đó Hội đồng trường đại học sẽ gửi cho Tổng thống danh sách đề cử gồm ba người nhận được nhiều phiếu bầu nhất. Từ khi Brazil khôi phục lại chế độ dân chủ, thực tế diễn ra là Tổng thống bổ nhiệm ứng viên đứng đầu danh sách, tôn trọng sự lựa chọn của cộng đồng trường đại học. Từ năm 2019, Bolsonaro đã bổ nhiệm các hiệu trưởng sau 27 cuộc bầu cử đại học, nhưng 10 lần trong số đó ông bỏ qua sự lựa chọn của các trường. Trong một số trường hợp, ứng cử viên được Tổng thống bổ nhiệm thậm chí còn không có tên trong danh sách đề cử từ trường. Mặc dù không bắt buộc, nhưng việc chấp nhận đề cử của cộng đồng học thuật là một biểu hiện quan trọng về sự tôn trọng quyền tự chủ và tính hợp pháp của những thể chế từng chịu đựng tình trạng thiếu dân chủ dưới chế độ độc tài quân phiệt. Trao quyền quản lý một trường đại học phức hợp cho một cá nhân không được đa số cộng đồng lựa chọn chỉ làm sự căng thẳng trong môi trường học thuật thêm trầm trọng.
Tiếng nói chung của họ là một đối trọng cần thiết bác bỏ những ý kiến phủ nhận mức độ nghiêm trọng của virus và ý kiến cho rằng “khoa học là viễn tưởng” – như cách chính quyền Bolsonaro vẫn tuyên truyền.
Một mối lo ngại khác là ý định của chính phủ liên bang trong việc mở rộng vĩnh viễn mô hình đào tạo từ xa tại các đại học liên bang. Vào tháng 10, Tổng thống đã lập hai nhóm công tác để trình bày những chiến lược theo nội dung này. Đại dịch COVID-19 đã khiến các trường đại học phải tìm cách triển khai hình thức học tập từ xa như một biện pháp khẩn cấp. Tuy nhiên, những nội dung như chất lượng và cơ hội tiếp cận công nghệ của sinh viên cần được các trường đại học và các cơ quan đại diện giải quyết và thảo luận rộng rãi. Do các đại học công đã mở rộng đối tượng tiếp cận giáo dục đại học trong những năm gần đây, nhiều sinh viên từ những gia đình có thu nhập thấp đã đăng ký theo học. Rủi ro của sự bất bình đẳng kỹ thuật số như hệ quả của việc mở rộng lâu dài mô hình đào tạo từ xa không nên bị coi thường. Trước khi thử thực hiện một thay đổi lớn như vậy, các trường đại học phải có khả năng đánh giá và giảm thiểu tác động tiềm tàng của nó trong khía cạnh tiếp cận và chất lượng.
Nghịch lý thay, bất chấp tất cả những bi kịch mà hệ thống giáo dục đại học công phải trải qua, thời điểm hiện tại có thể được coi là cơ hội để các trường đại học củng cố giá trị của họ đối với xã hội bằng cách đến gần hơn với những cộng đồng xung quanh họ. Sau nhiều năm tấn công không ngừng vào giới học thuật, khi đại dịch lan rộng, các phương tiện truyền thông đã dành nhiều không gian hơn để tiếng nói của các giảng viên được lắng nghe và nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu trong việc giải quyết những vấn đề công cộng quan trọng như chống lại virus. Các đại học công lập có công trong 95% nghiên cứu của đất nước và tiếng nói chung của họ là một đối trọng cần thiết bác bỏ những ý kiến phủ nhận mức độ nghiêm trọng của virus và ý kiến cho rằng “khoa học là viễn tưởng” – như cách chính quyền Bolsonaro vẫn tuyên truyền. Những cố gắng bịt miệng giới học thuật và kiểm soát các trường đại học đang gây tổn hại cho nền dân chủ, sự phát triển và phúc lợi xã hội trên cả nước và phá hủy những thành tựu đạt được từ quyền tự chủ đại học và tự do học thuật trên toàn thế giới.