Tình trạng kỳ thị người da đen và phân biệt chủng tộc trong giáo dục đại học quốc tế

Gerardo Blanco là phó giám đốc của Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế (CIHE) tại Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: gerardo.blanco@bc.edu. Philip G. Altbach là giáo sư nghiên cứu và giám đốc sáng lập của CIHE. E-mail: altbach@bc.edu. Hans de Wit là giám đốc của CIHE. E-mail: dewit@bc.edu.

Tóm tắt: Phân biệt chủng tộc tác động tiêu cực đến mọi khía cạnh của giáo dục đại học quốc tế. Anti-Blackness (sự kỳ thị người da đen) là một hiện tượng mang tính lịch sử và diễn ra trên phạm vi toàn cầu, nhưng chính sự thức tỉnh về chủng tộc hiện nay lại tạo cơ hội quan trọng cho giáo dục đại học trên toàn thế giới. Các học giả và chuyên gia quốc tế hóa nên tham gia tích cực vào các phong trào toàn cầu vì sự công bằng chủng tộc.

COVID-19 không phải là rắc rối duy nhất hiện đang ảnh hưởng đến giáo dục đại học. Năm 2020 là năm cho thấy sự thức tỉnh về thực trạng phân biệt chủng tộc, đặc biệt về xu thế cực đoan tồi tệ của chủ nghĩa kỳ thị người da đen. Những tiêu đề báo chí thế giới về phản ứng kém cỏi của Hoa kỳ trước COVID-19 nhanh chóng được nối tiếp bởi tin tức về tình trạng bất ổn dân sự ở các thành phố lớn, phản ứng trước vụ giết hại George Floyd, Breonna Taylor và nhiều người Mỹ da đen khác dưới bàn tay của cảnh sát. Phong trào bắt đầu trong phạm vi hẹp như một phản ứng trước sự tàn bạo của cảnh sát Hoa Kỳ, đã lan rộng toàn cầu, thu hút sự chú ý đến những biểu hiện mang tính hệ thống của việc phân biệt đối xử, ngược đãi – và đặc biệt là sự kỳ thị người da đen – không chỉ ở Hoa Kỳ, mà trên khắp thế giới.

Những dữ liệu sẵn có cho thấy đây là vấn đề có quy mô lớn trong quốc tế hóa giáo dục đại học. Theo dữ liệu của Open Doors, trong số hơn 340 ngàn sinh viên Hoa Kỳ ở nước ngoài, khoảng 17 ngàn hoặc 5% chọn điểm đến là những quốc gia châu Phi cận Sahara hoặc những nước Caribe với cư dân đa số là người da đen. Sinh viên từ những khu vực này chiếm khoảng 47 ngàn hoặc 4% trong số gần 1,1 triệu sinh viên quốc tế tại Hoa Kỳ. Dữ liệu từ NAFSA (Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế) về năm học 2017–2018 cho thấy sinh viên da đen chiếm 6% sinh viên Hoa Kỳ ở nước ngoài, mặc dù họ chiếm 13% số sinh viên nhập học của các trường Hoa Kỳ. Như vậy, sinh viên người da đen chiếm một tỷ lệ rất thấp trong mọi khía cạnh của quá trình quốc tế hóa. Cuộc khủng hoảng này nên được coi là một cơ hội để xem xét những phức tạp tiềm ẩn và những thiếu sót của giáo dục đại học quốc tế, và để tìm kiếm cách thức có thể giúp các chuyên gia quốc tế hóa trở thành đồng minh vì sự công bằng chủng tộc.

Sự kỳ thị người da đen trên toàn cầu

Black Lives Matter (cuộc sống người da đen là đáng giá) đã nổi lên như một hiện tượng toàn cầu và sinh viên các trường đại học trên khắp thế giới – thường là một lực lượng quan trọng trong các phong trào thanh niên – đang ở tuyến đầu. Ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới, sinh viên chống lại những trường đại học đã vinh danh những nhà tài trợ và những nhân vật lịch sử nổi bật có quan hệ với chế độ nô lệ và chủ nghĩa thực dân, coi đó là sự đồng lõa với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc – cũng như phản đối mọi chính sách phân biệt chủng tộc.

Những lời kêu gọi phá bỏ những tượng đài và những cái tên liên quan đến Liên minh miền Nam trong các học xá tại Hoa Kỳ đã châm ngòi cho những phong trào như kêu gọi loại bỏ những tài liệu tham khảo về Cecil Rhodes khỏi các cơ sở giáo dục đại học của Nam Phi và Anh cũng như trên khắp các quốc gia thuộc khối Thịnh vượng chung. Ở Mỹ Latinh, di sản của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đan xen nhau. Trong toàn khu vực, sự phân loại chủng tộc đã xuất hiện trong thời kỳ thuộc địa của Tây Ban Nha dựa trên thành phần chủng tộc của mỗi người, tỷ lệ pha trộn Tây Ban Nha-châu Âu, người bản địa hoặc nguồn gốc nô lệ gốc Phi — và tất nhiên hệ thống phân loại này cũng phản ánh trong khu vực nhỏ hơn là giáo dục đại học. Không đáng ngạc nhiên khi các nhóm da đen hoặc chủ yếu là da đen nằm ở dưới đáy của kim tự tháp xã hội. Mặc dù hệ thống này đã bị bãi bỏ khi phong trào độc lập diễn ra trong khu vực, cấu trúc xã hội đã bén rễ sâu trong nhận thức này vẫn còn nhiều ảnh hưởng. Phong trào Black Lives Matter trong khu vực cũng đặt ra câu hỏi về vai trò của những nhà thực dân lỗi lạc – chẳng hạn như Columbus và Pizarro và di sản của họ – thường được tưởng nhớ công khai, đặc biệt là trong các môi trường giáo dục.

Brazil đưa ra một ví dụ quan trọng, nơi phong trào Black Lives Matter/Vidas Negras Importam đã gây được tiếng vang sâu sắc. Đất nước này bị đô hộ bởi người Bồ Đào Nha, những người tình cờ cũng nằm trong số các cường quốc châu Âu đầu tiên định cư ở Tây Phi, và đóng vai trò chủ chốt trong việc buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương. Đây là quốc gia cuối cùng ở châu Mỹ xóa bỏ chế độ nô lệ. Hệ thống chỉ tiêu nhập học đại học công gây nhiều tranh cãi cho thấy giải quyết di sản của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là một việc vô cùng phức tạp.

Thật không may, sự kỳ thị người da đen ngày nay vẫn rất phổ biến. Giữa giai đoạn COVID-19 lan rộng ở Trung Quốc, thông tin sai lệch cho rằng công nhân da đen nhập cư khiến dịch bệnh lây lan đã dẫn đến việc các doanh nghiệp và nhà hàng đưa ra lệnh cấm đối với người da đen. Cũng có báo cáo về sự phân biệt đối xử với sinh viên da đen đến từ châu Phi trong khuôn viên các trường đại học Trung Quốc. Những ví dụ tương tự về sự kỳ thị người châu Phi cũng xảy ra ở Ấn Độ.

Phân biệt chủng tộc không chỉ giới hạn ở việc kỳ thị người da đen. Hãy nhớ lại những phản ứng chống người Trung Quốc và người châu Á ở châu Âu và Hoa Kỳ, cũng như trong giáo dục đại học khi bắt đầu đại dịch. Đã có những phản ứng chống lại người nhập cư và người tị nạn châu Mỹ Latinh ở Hoa Kỳ, và chống lại người nhập cư và người tị nạn Hồi giáo ở châu Âu – chủ yếu liên quan đến việc hạn chế tiếp cận giáo dục đại học và gia nhập lực lượng lao động học thuật. Và đây chỉ là những ví dụ gần đây về phân biệt chủng tộc trong giáo dục đại học.

Còn nhiều việc phải làm để chấm dứt sự kỳ thị người da đen, nhưng một bước cần thiết là phải nhận biết được mức độ sự phân biệt chủng tộc ngấm sâu trong giáo dục đại học ở Hoa Kỳ và những nơi khác. 

Không thể bỏ qua vai trò của các trường đại học trong việc hỗ trợ và củng cố chủ nghĩa thực dân trên khắp các khu vực thuộc địa của châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh, và trong nhiều trường hợp có liên quan đến nạn phân biệt chủng tộc. Những trường đại học do chính quyền thuộc địa thành lập trước đây đào tạo ra công chức để phục vụ chính quyền — và tất nhiên đã thiết kế một chương trình giảng dạy với những đặc tính ủng hộ tư tưởng thuộc địa. Không có gì ngạc nhiên khi chính Cecil Rhodes đã hiến tặng đất để xây dựng trường Đại học Cape Town. Tuy nhiên, cuối cùng, chính những trường đại học thuộc địa đó lại đào tạo ra một thế hệ thanh niên lật đổ trật tự thuộc địa.

Vấn đề địa phương và toàn cầu

Còn nhiều việc phải làm để chấm dứt sự kỳ thị người da đen, nhưng một bước cần thiết là phải nhận biết được mức độ sự phân biệt chủng tộc ngấm sâu trong giáo dục đại học ở Hoa Kỳ và những nơi khác. Nhiều người đã thừa nhận và chỉ trích nó, nhưng trên thực tế, hệ thống giáo dục đại học đã quen với sự hiện diện này mà không có hành động chống lại nó. Trong các nghiên cứu và chính sách về giáo dục đại học, phân biệt chủng tộc và quốc tế hóa được xem là hai vấn đề khác nhau, một mang tính quốc gia và một mang tính quốc tế. Chúng ta phải thay đổi cách nhìn này: cả hai đều mang tính địa phương và tính toàn cầu, như đã được làm rõ trong những bài viết khác của số này.

Điều quan trọng là phải chống lại tình trạng sự kỳ thị người da đen và phân biệt chủng tộc tác động đến mọi khía cạnh công việc của chúng ta, từ tuyển sinh đến giáo dục ở nước ngoài, từ những trải nghiệm mà chúng ta cung cấp cho sinh viên và học giả quốc tế người da đen, đến công việc học thuật và các chính sách.