Simon Marginson là giáo sư đại học Oxford, giám đốc Trung tâm Giáo dục đại học toàn cầu ESRC/OFSRE của Vương quốc Anh, lãnh đạo chương trình nghiên cứu với Trường Cao học Kinh tế ở Moscow, chủ biên của Higher Education. E-mail: simon.marginson@education.ox.ac.uk. Bài viết được tóm tắt từ chương 3 của nghiên cứu Thay đổi giáo dục đại học để thay đổi thế giới của Claire Callender, William Locke và Simon Marginson (2020). London: Bloomsbury. Số liệu trong bài được cập nhật hơn.
Tóm tắt: Từ khi có Internet, thế giới nghiên cứu nhanh chóng tăng trưởng cả về ngân sách và số bài báo. Hợp tác toàn cầu giữa các nhà nghiên cứu được mở rộng, nhiều quốc gia có thu nhập trung bình thấp đã hình thành hệ thống khoa học của riêng họ và gần một phần tư số bài báo là đồng tác giả với các nước phát triển. Các chương trình nghiên cứu hiện nay thường có mạng lưới toàn cầu, không thuộc hệ thống quốc gia. Lực lượng nghiên cứu trở nên đa dạng hơn, Trung Quốc và Đông Á, Ấn Độ, Iran, Brazil và một số nước khác, là những thế lực mới nổi.
Từ khi Internet ra đời vào năm 1990, các trường đại học và viện khoa học trên khắp thế giới nhanh chóng tham gia vào mô hình hợp tác nghiên cứu, lần đầu tiên xuất hiện theo hình thức mạng lưới; và khoa học toàn cầu phát triển với tốc độ chóng mặt. Thế giới nghiên cứu định hình 5 xu hướng đồng bộ và tương hỗ lẫn nhau, làm thay đổi quá trình hình thành và chia sẻ tri trức của xã hội loài người. Thứ nhất, tăng trưởng đầu tư vào nghiên cứu và xuất bản các nghiên cứu khoa học. Thứ hai, thêm nhiều quốc gia tích cực hình thành hệ thống nghiên cứu khoa học của riêng họ. Thứ ba, gia tăng tỷ lệ các công bố đồng tác giả quốc tế. Thứ tư, tỷ trọng ngày càng tăng của mạng lưới khoa học toàn cầu so với hệ thống quốc gia. Thứ năm, sức mạnh nghiên cứu hàng đầu không còn tập trung vào một số ít quốc gia mà phân bố ở nhiều nước hơn.
Dữ liệu của OECD cho thấy từ năm 1995 đến 2018, hầu hết các quốc gia đều tăng cường chi tiêu cho nghiên cứu. Thực chi ngân sách tăng hơn gấp đôi ở Hoa Kỳ, gần gấp đôi ở Đức và Vương quốc Anh, gấp 5,6 lần ở Hàn Quốc và 16,5 lần ở Trung Quốc. Chi tiêu gia tăng tập trung vào việc đào tạo tiến sĩ, tuyển dụng nghiên cứu viên và xuất bản các nghiên cứu khoa học. Từ năm 2000 đến 2015, số sinh viên tốt nghiệp tiến sĩ hàng năm tăng 2,9% ở Hoa Kỳ, 4,7% ở Ấn Độ và 10,9% ở Trung Quốc. Tổng số công bố trong Scopus tăng từ 1,072 triệu năm 2000 lên 2,556 triệu vào năm 2018, tăng trưởng 4,95% mỗi năm – một điều chưa từng xảy ra trong lịch sử.
Sự hợp tác giữa các nước đã giúp mở rộng mạng lưới và thúc đẩy sự phát triển của từng quốc gia.
Những quốc gia khoa học có thu nhập trung bình thấp
Hệ thống mạng lưới khoa học toàn cầu phát triển thành một kho kiến thức chung. Các nước có nhu cầu xây dựng năng lực khoa học quốc gia, bao gồm đào tạo tiến sĩ, có thể dễ dàng tiếp cận kho lưu trữ này. Sự hợp tác giữa các nước đã giúp mở rộng mạng lưới và thúc đẩy sự phát triển của từng quốc gia.
Năng lực khoa học mở rộng cho toàn thế giới. Riêng năm 2018, có 15 quốc gia công bố hơn 5000 bài báo khoa học, trong đó, số lượng xuất bản từ năm 2000 đến 2018 tăng nhanh hơn tốc độ trung bình của thế giới 4,95% mỗi năm. Trong số 15 quốc gia có nền khoa học phát triển nhanh, 9 nước có thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức trung bình của thế giới là 17.912 đô la Mỹ vào năm 2018 — nói cách khác, họ là những nước có thu nhập trung bình thấp. Vào năm 1987, 20 quốc gia giàu nhất hành tinh chiếm 90% số lượng công bố khoa học. Đến năm 2017, 32 quốc gia chiếm 90% tổng số công bố khoa học bao gồm cả những nước có thu nhập thấp, cho thấy quá trình đa dạng hóa năng lực khoa học toàn cầu.
Một cường quốc khoa học mới nổi là Indonesia, với dân số đông thứ tư thế giới, có 26.948 bài báo trên Scopus vào năm 2018. Sản lượng nghiên cứu hàng năm của Indonesia tăng đáng kinh ngạc, 26,4% từ năm 2000 đến năm 2018. Ấn Độ, hiện là nhà sản xuất khoa học lớn thứ ba sau Trung Quốc và Hoa Kỳ, xuất bản 135.788 bài báo trong năm 2018 và đạt mức tăng trưởng 10,7% /năm trong giai đoạn từ 2000 đến 2018. Những nước có hệ thống khoa học đang phát triển nhanh với hơn 5000 bài báo trong năm 2018 là Brazil, Colombia, Ai Cập, Maroc, Nigeria, Pakistan và Tunisia. Hoa Kỳ dẫn đầu về số lượng các bài báo được trích dẫn cao, tăng trưởng xuất bản khoa học của Trung Quốc là 13,6% mỗi năm từ 2000 đến 2018 và lần đầu tiên vượt qua tổng sản lượng nghiên cứu của Hoa Kỳ vào năm 2016.
Phát triển tổng thể của khoa học cũng gắn liền với sự tăng trưởng số lượng các “trường đại học đẳng cấp thế giới” với lượng bài xuất bản lớn. Bảng xếp hạng Leiden cho thấy trong khoảng 4 năm 2006–2009 và 2014–2017, số lượng trường đại học có hơn 5000 bài báo khoa học đã tăng từ 131 lên 215.
Hợp tác
Có lẽ dấu hiệu nổi bật nhất về sự thay đổi trong nghiên cứu toàn cầu là ngày càng có nhiều công bố đồng tác giả quốc tế. Năm 1970, những nghiên cứu loại này chỉ chiếm 1,9% trong danh sách Web of Science. Đến năm 2018, 22,5% số bài trong Scopus có đồng tác giả quốc tế. Tỷ lệ này rất cao ở châu Âu do chính sách ưu tiên tài trợ nghiên cứu cho các nhóm đa quốc gia: ví dụ 50,2% ở Ý, 61,7% ở Vương quốc Anh và 71,8% ở Thụy Sĩ. Tỷ lệ này ở Hoa Kỳ là 39,2%, cao hơn mức trung bình, nhưng thấp hơn ở Trung Quốc, Ấn Độ và Iran, là những nước có số lượng tác giả tiềm năng trong nước tăng rất nhanh.
Hợp tác quốc tế đặc biệt quan trọng trong những lĩnh vực cần chia sẻ chi phí thiết bị (như kính thiên văn, máy gia tốc) hoặc những vấn đề có bản chất toàn cầu (như biến đổi khí hậu, nước sạch, dịch bệnh). Vào năm 2016, 54% bài báo về thiên văn học có đồng tác giả quốc tế, trong khi khoa học xã hội chỉ có 15%.
Nghiên cứu về mạng lưới toàn cầu của Caroline Wagner, Loet Leydesdorff và các đồng nghiệp cho thấy sự hợp tác giữa các quốc gia được thúc đẩy không phải bởi chính sách khoa học quốc gia mà chủ yếu bởi sự cộng tác từ dưới lên giữa các nhà nghiên cứu. Mạng lưới này nhanh chóng lan rộng và thu nạp thêm những quốc gia và nhóm nghiên cứu mới. Những quốc gia mạnh nay không còn giữ vai trò gác cổng, bởi vì các nhà nghiên cứu trong những hệ thống mới nổi thường kết nối trực tiếp với nhau. Ngày càng nhiều chương trình khoa học được thống nhất ở cấp độ toàn cầu hơn là cấp độ quốc gia.
Nghiên cứu không phải là một sân chơi bình đẳng. Hoa Kỳ vẫn có vai trò mạnh nhất toàn cầu. Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu duy nhất, và những nghiên cứu sử dụng ngôn ngữ khác, đặc biệt trong khoa học xã hội và nhân văn, bị gạt ra ngoài lề ở cấp độ toàn cầu. Năng lực và thành tựu khoa học phân hóa rõ rệt bên trong và giữa các quốc gia. Tuy nhiên, sự phát triển và tính đa dạng của khoa học gắn liền với khả năng đa dạng hóa năng lực nghiên cứu.
Sự trỗi dậy của Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore, và sự tham gia của Nhật Bản là một thay đổi lớn. Đông Á rất mạnh về khoa học vật lý và kỹ thuật, mạnh về khoa học đời sống và y sinh. Trung Quốc hiện là số một về toán học và khoa học máy tính. Đại học Thanh Hoa cùng với MIT của Hoa Kỳ là hai trường đại học STEM hàng đầu trên thế giới. Vai trò của Ấn Độ, Iran và Brazil ngày càng quan trọng.
Tin tốt
Trong thời buổi khó khăn, hợp tác nghiên cứu toàn cầu là một tin tức tốt. Đây không phải là thị trường cá lớn nuốt cá bé. Các nhà nghiên cứu, dù cạnh tranh để đạt vị thế trong khoa học, vẫn dễ dàng hợp tác xuyên biên giới và tôn trọng lẫn nhau. Nghiên cứu toàn cầu hiện chưa bị cuốn vào vòng xoáy của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, đại dịch COVID-19 đã nâng cao giá trị chân thực của hợp tác toàn cầu và khoa học mở trong lĩnh vực y sinh học.
Hợp tác nghiên cứu xuyên biên giới vẫn được duy trì trong suốt đại dịch, ít bị tổn thương hơn so với du học. Mặc dù quy định cách ly xã hội khiến lợi ích từ các hội nghị, gặp gỡ và trao đổi nhân sự giữa các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm và viện nghiên cứu lớn bị hạn chế, hầu hết các hình thức hợp tác nghiên cứu vẫn được duy trì trực tuyến trong thời gian này.
Khi một quốc gia chống lại toàn cầu hóa và hệ thống chung, hợp tác thương mại và công nghệ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và khoa học cũng bị đe dọa. Nhiều khả năng mối quan hệ Mỹ – Trung trong nghiên cứu, bao gồm những cam kết chung và đào tạo du học sinh tiến sĩ, sẽ bị xáo trộn do tình hình địa chính trị – chiến tranh lạnh mới giữa hai nước. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu ở cả hai quốc gia Mỹ – Trung sẽ tiếp tục kết nối và hợp tác với nhau, họ sẽ tỏ ra mạnh hơn những gì chính quyền Trump mong muốn. Nếu nguồn lực hỗ trợ nghiên cứu được duy trì, kết quả và hợp tác nghiên cứu ở cấp độ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng.