Thách thức trong thế giới biến đổi: các phân hiệu đại học từ Hoa Kỳ

Daniel C. Kent là nhà nghiên cứu giáo dục đại học làm việc tại Philadelphia, Hoa Kỳ. E-mail: danckent@gmail.com.

Tóm tắt: Số lượng các phân hiệu quốc tế của đại học Hoa Kỳ tăng nhanh trên khắp thế giới trong những thập kỷ gần đây. Nhiều cơ sở đã thành công, nhưng cũng không ít cơ sở đã thất bại. Mặc dù, với nhiều nhà quản trị tổ chức, các phân hiệu này có vẻ hứa hẹn, nhưng những người lãnh đạo nên biết rằng có vô số thách thức họ có thể gặp phải trong quá trình thành lập và tiếp tục những dự án mạo hiểm này, đặc biệt trong bối cảnh chuyển dịch toàn cầu hiện nay.

Từ khi Tạp chí Giáo dục Đại học Quốc tế phát hành một loạt bài viết về các phân hiệu quốc tế (International Branch Campus – IBC) lần đầu tiên vào năm 2010, loại hình giáo dục đại học độc đáo này liên tục phát triển và lớn mạnh với mức độ phức tạp. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, các IBC, cũng như mọi thứ về giáo dục đại học, phải đối mặt với những thách thức chưa từng có.

Việc các trường đại học Hoa Kỳ nỗ lực thành lập các phân hiệu quốc tế ở nhiều nước làm nổi bật sự hữu dụng của các cơ sở này trong nhiều khía cạnh: cung cấp nguồn doanh thu mới, là điểm du học nước ngoài cho sinh viên trong nước (nhờ đó giữ được doanh thu du học trước đây vẫn bị mất vào tay các đối thủ quốc tế), và tạo uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, nâng tầm ảnh hưởng và sự hiện diện quốc tế của trường mẹ. Theo dữ liệu năm 2017 của C-BERT theo dõi các IBC, các phân hiệu đại học của Hoa Kỳ chiếm gần một phần ba tổng số các phân hiệu quốc tế mở ra trên thế giới – tương xứng với sự nổi trội hiện nay của Hoa Kỳ về uy tín và nguồn lực giáo dục đại học quốc tế . Những quốc gia khác có nhiều cơ sở quốc tế là Vương quốc Anh và Pháp, tiếp theo là Nga.

Tuy nhiên theo dữ liệu của C-BERT, trong số gần 100 IBC mà các trường đại học Hoa Kỳ đã thành lập, 25 cơ sở đã thất bại và đóng cửa trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2015. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với những quốc gia khác cũng đứng hàng đầu về xuất khẩu IBC. Chỉ 4 trong số 42 cơ sở thuộc Vương quốc Anh bị thất bại và chỉ 1 trong số 28 cơ sở do các trường của Pháp thành lập phải đóng cửa.

Những thách thức và việc buộc đóng cửa

Thành lập IBC có vẻ rất hấp dẫn đối với những trường đại học quan tâm đến việc đa dạng hóa doanh thu và quốc tế hóa, đặc biệt đối với các cơ sở giáo dục đại học của Hoa Kỳ. Nhưng thường thì các nhà lãnh đạo giáo dục đại học Hoa Kỳ lại tính toán sai về những thách thức và cái giá có thể phải trả khi thành lập chúng, dẫn tới việc buộc phải đóng cửa. Và rất nhiều thách thức trong số này sẽ còn lớn hơn do cuộc khủng hoảng COVID-19 toàn cầu, đẩy các IBC đang phát triển hoặc những IBC không có nền tảng tài chính vững chắc vào tình trạng hiểm nghèo.

Thành lập các phân hiệu, tuy có vẻ sinh lợi cho trường chính, lại là một việc rất phức tạp.

Thách thức đầu tiên mà các IBC của các trường đại học Hoa Kỳ phải đối mặt là một thách thức mang tính thường trực: thành lập các phân hiệu, tuy có vẻ sinh lợi cho trường chính, lại là một việc rất phức tạp. Những trường đại học không có kinh nghiệm trong việc thành lập phân hiệu có thể bị bất ngờ trước thực tế phải đầu tư lớn về thời gian, tiền bạc, cơ sở hạ tầng và công sức. Những tính toán sai lầm này từng gây khó khăn cho nhiều trường như Cao đẳng Cộng đồng Qatar (CCQ), vốn được thành lập như phân hiệu của trường Cao đẳng Cộng đồng Houston (HCC). Theo báo cáo, CCQ đã không được quản lý tốt ngay từ đầu với việc khai trương và vận hành bởi các quản trị viên Hoa Kỳ vụng về. Trường không đạt được chứng nhận kiểm định, sự thay đổi lãnh đạo dẫn đến tình trạng hỗn loạn trong vài năm đầu, và thông tin sai lệch giữa các quan chức Qatar và HCC gây ra sự nhầm lẫn về những vấn đề cơ bản trong quản lý giáo dục. Từ đó, trường hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của địa phương, hiện vẫn đang hoạt động nhưng không phải như một phân hiệu quốc tế. HCC hiện chỉ tham gia vào hoạt động của CCQ trong vai trò tư vấn.

Giải quyết những thủ tục hành chính liên quan đến các cơ quan chính quyền nước ngoài cũng là loại trở ngại mà các nhà quản trị Hoa Kỳ không được chuẩn bị trước. Một ví dụ, để được chính quyền địa phương cấp chứng nhận kiểm định là một thách thức lớn đối với nhiều IBC, bởi vì quá trình xem xét này khác hẳn với các tiêu chuẩn kiểm định của Hoa Kỳ. Ngay cả sau khi được cơ quan Hoa Kỳ công nhận, phân hiệu của Viện Công nghệ New York ở Bahrain vẫn bị tổ chức kiểm định ở nước sở tại đánh giá kém. Phân hiệu này bị cấm tuyển sinh một năm cho chương trình kinh doanh, sau đó bị cấm tuyển sinh mới hoàn toàn, và do đó buộc phải ngừng hoạt động. Thậm chí với giả thiết đã kiểm định thành công và tuân thủ mọi quy định, nhiều hợp đồng IBC cho phép các chính phủ sở tại thay đổi ý định nhanh chóng. Mặc dù không vấp phải sự tranh cãi và báo chí rùm beng như nhiều vụ đóng cửa IBC khác, cơ sở đào tạo chương trình nha khoa của Đại học Boston tại Dubai đã phải kết thúc sau khi mới chỉ có lớp thứ hai tốt nghiệp. Chính quyền sở tại quyết định đặt trường này dưới sự kiểm soát hoàn toàn của địa phương, đổi tên thành “Trường Y Nha khoa Dubai” không liên kết với Đại học Boston.

Để cung cấp một chương trình giáo dục đại học có chất lượng tương đương với chương trình tại Hoa Kỳ, giảng viên uy tín và trải nghiệm sinh viên phù hợp đòi hỏi nhiều nỗ lực tốn kém, các trường chỉ có thể làm được điều đó nếu tuyển sinh được số lượng lớn và thường xuyên nhận được hỗ trợ tài chính cần thiết từ chính quyền địa phương. Sự lệ thuộc vào hai nguồn thu này càng trầm trọng do thiếu những nguồn vốn quan trọng mà hầu hết các trường đại học Hoa Kỳ thường có, dưới hình thức tài trợ nghiên cứu, vốn thành lập và đóng góp của cựu sinh viên. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi nhiều cơ sở trong số 25 phân hiệu không thành công của Hoa Kỳ đã bị đóng cửa do thiếu nguồn tài chính, hay do đặt mục tiêu số lượng tuyển sinh quá cao hoặc mất đi sự tài trợ cần thiết của chính phủ. Cơ sở Đại học George Mason ở Ras Al Kaimah, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, đối mặt với áp lực phải tuyển sinh rất chọn lọc để đảm bảo chất lượng đào tạo như của trường chính ở Virginia. Nhưng trường này chưa  từng thu hút được số lượng sinh viên lớn vừa đáp ứng tiêu chuẩn, vừa quan tâm đến các chương trình của trường – mức tuyển sinh cao nhất chỉ đạt 120 sinh viên vào các chương trình cấp bằng. Cơ sở này đóng cửa năm 2009, không có sinh viên nào tốt nghiệp, và với tổng số sinh viên và doanh thu học phí thấp hơn dự kiến. Năm năm tham gia vào hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, trường khách sạn của Đại học Nevada, Las Vegas ở Singapore dở sống dở chết khi chi phí của nó tăng lên đến mức tổ chức tài trợ địa phương phải hỗ trợ tài chính gấp đôi. Và Đại học La Verne Athens đã đóng cửa sau khi mất 40% sinh viên trong vòng 5 năm và trở thành lựa chọn giáo dục đại học đắt nhất ở Hy Lạp.

Một thế giới đang thay đổi sẽ kéo theo những biến động trong nền giáo dục đại học quốc tế và trong môi trường tồn tại của các IBC. Ngày càng nhiều chính phủ trên thế giới quay lại đường lối và chính sách tập trung dân tộc hẹp hòi, thù địch với các hệ tư tưởng và đôi khi với cả những phương pháp sư phạm nước ngoài. Trong xu hướng gia tăng chủ nghĩa dân tộc ở nhiều nước, hầu như không thể thành lập mới các phân hiệu đại học của Hoa Kỳ – và các cơ sở hiện tại có thể phải đối mặt với một môi trường thù địch khó lường.

Ngoài ra còn có mối đe dọa từ những thách thức không thể đoán trước ở quy mô toàn cầu, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng COVID-19 đang tiếp tục làm suy yếu phong trào toàn cầu hóa vốn đã èo uột. Và trong tình hình nhiều phân hiệu đang chuyển vốn về trường chính của họ thông qua các giao dịch sinh lợi với chính phủ nước ngoài, những gì đe dọa các phân hiệu cũng là mối đe dọa đối với những tổ chức thành lập ra chúng.

Nhìn về phía trước

Không có câu trả lời chắc chắc cho câu hỏi các phân hiệu của Hoa Kỳ sẽ tồn tại thế nào trong tương lai. Một số cơ sở đã thành công lớn, có số lượng sinh viên phát triển mạnh, đội ngũ giảng viên tích cực nghiên cứu và cơ sở tài chính vững chắc làm chỗ dựa, mang lại lợi ích trực tiếp cho các trường đại học mẹ cũng như cho quốc gia và khu vực mà họ đang hoạt động. Nhưng không phải trường nào mở rộng phạm vi hoạt động của mình bằng sự hiện diện thực tế ở nước ngoài cũng sẽ – hoặc đã – may mắn như vậy. Bởi vì thế giới đang bước vào một thời đại khá rối loạn và bất định, sẽ có những gợn sóng gây hiệu ứng quan trọng tác động tới cả xã hội dân sự. Giáo dục đại học, và đặc biệt là những trường đã đặt cơ sở ở nước ngoài, sẽ phải thích ứng để đối mặt với những thách thức này, hoặc có nguy cơ phải đóng cửa.