Sứ mệnh giảng dạy và tính sư phạm tại các trường đại học châu Phi

Harris Andoh là nhà nghiên cứu thỉnh giảng viên và chuyên giá đánh giá chính sách giáo dục đại học tại Directorate of Research & Higher Degrees, Vaal University of Technology, Vanderbijlpark, Nam Phi, và tại the Science and Technology Policy Research Institute (STEPRI) of the Council for Scientific and Industrial Research (CSIR), Accra, Ghana. E-mail: andoharris@gmail.com.

Tóm tắt: Những khái niệm lý thuyết và phương pháp luận ứng dụng trong giảng dạy các môn học là trọng tâm sứ mệnh giảng dạy tại các trường đại học châu Phi. Tuy nhiên, đó là một lĩnh vực mà các trường đại học châu Phi mới chỉ đề cập lướt qua trong kế hoạch cấu trúc và định hướng của họ. Bài báo này đánh giá sứ mệnh thứ nhất của các trường đại học châu Phi – hoạt động giảng dạy và tình trạng đào tạo sư phạm của các học giả châu Phi. Ngoài ra bài báo cũng tìm hiểu liệu những chương trình và nỗ lực hiện tại đã đủ để giải quyết những vấn đề liên quan đến việc dạy và học hay chưa.

Khi mới bắt đầu thành lập vào những năm 1940, các trường đại học châu Phi được giao nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng. Vào đầu những năm 1970, hầu hết các trường đại học châu Phi tập trung vào giảng dạy nhiều hơn là những hoạt động cốt lõi khác như phục vụ cộng đồng và nghiên cứu. Mặc dù họ không bao giờ được coi là những “tổ chức chuyên giảng dạy” theo nghĩa truyền thống, rõ ràng là mô tả này phù hợp với họ cho đến cuối những năm 1980.

Trong những tuyên bố sứ mệnh, kế hoạch chiến lược và chính sách mới hơn của mình, một số ít trường đại học châu Phi đưa giảng dạy thành một nhiệm vụ cốt lõi. Ví dụ Đại học Eduardo Mondlane ở Mozambique tự tuyên bố mình là một “tổ chức chủ yếu giảng dạy”, Đại học Ghana tìm cách trở thành một tổ chức “giảng dạy chất lượng cao” và Đại học Ibadan ở Nigeria đề cập đến “việc dạy và học xuất sắc” như một sứ mệnh mới. Mặt khác, Đại học Namibia và Đại học Botswana đặt mục tiêu tập trung vào nghiên cứu xuyên quốc gia bên cạnh mục tiêu chất lượng giáo dục, trong khi Đại học Aswan, một trường đại học hàng đầu ở Ai Cập, thậm chí không đề cập đến việc giảng dạy trong tuyên bố sứ mệnh mới của mình.

Những chính sách mới và kế hoạch chiến lược của các trường đại học châu Phi rõ ràng thiếu chú trọng đến giảng dạy như một sứ mệnh cốt lõi và không đặt ra mục tiêu rõ ràng về việc phát triển phương pháp giảng dạy và kỹ năng của giảng viên. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả giảng dạy ở tất cả các cấp học, kỹ năng sư phạm là cần thiết để truyền đạt kiến thức cho sinh viên. Các trường đại học châu Phi càng sớm thừa nhận giảng dạy là sứ mệnh hàng đầu của họ, thì họ càng nhanh chóng thành công trong việc cải thiện cấu trúc giảng dạy của mình.

Những thách thức chính

Để tăng cường giảng dạy tốt trong các trường đại học châu Phi, cần xác định những thách thức chính liên quan đến chính sách giảng dạy và những điểm yếu của những nỗ lực sư phạm hiện tại. Các trường đại học châu Phi không hướng đến việc tăng cường giảng dạy những lý thuyết và khái niệm liên quan trong các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. Các giảng viên đại học tập trung vào việc thảo luận trong và ngoài lớp học về những khái niệm xã hội tổng quát, hơn là về những lý thuyết và khái niệm sư phạm. Thực tiễn giảng dạy và sư phạm ở các trường đại học châu Phi có một số thánh thức chính, bao gồm việc tuyển dụng nhân sự giảng dạy không có nền tảng giảng dạy hoặc không có bằng cấp chính thức về giảng dạy; thiếu đào tạo bắt buộc cho giảng viên như một phần của nhiệm vụ phát triển giảng dạy; và việc không có những chính sách giảng dạy để hướng dẫn các trường đại học cách nâng cao kỹ năng phát triển giảng dạy trong đội ngũ nhân viên của họ.

Việc phát triển kỹ năng của cán bộ giảng dạy tại các trường đại học châu Phi tập trung vào phương pháp nghiên cứu nhiều hơn là vào dạy và học. Chỉ ở Nam Phi, như hệ quả của lịch sử, chính phủ ưu tiên phân phối Trợ cấp Phát triển Giảng dạy (TDG) cho các trường đại học. Tuy nhiên, ở những nơi được tài trợ, loại hình và chất lượng đào tạo sư phạm cung cấp cho giảng viên vẫn không trang bị đủ cho họ những kỹ năng cần thiết cho công việc giảng dạy ở trình độ đại học.

Các chính sách giảng dạy sẽ hướng dẫn các trường đại học nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên. Một tìm kiếm trực tuyến về chính sách của các trường đại học ở châu Phi cho thấy chỉ có trường Đại học Stellenbosch ở Nam Phi có chính sách giảng dạy được áp dụng vào năm 2018, với mục đích góp phần đạt được Tầm nhìn và Khung chiến lược thể chế. Các trường đại học nổi tiếng khác như Đại học Ghana, Đại học Ibadan và Đại học Cape Town hoặc thiếu chính sách giảng dạy hoặc chưa công bố trực tuyến. Ngược lại, các trường đại học ở châu Âu nhấn mạnh tầm quan trọng của đội ngũ giảng viên có bằng cấp về giảng dạy.

Một tìm kiếm của Scopus về “sư phạm” và “châu Phi” cho thấy rằng, ngoài Nam Phi, quốc gia có 635 bài báo được xuất bản trong lĩnh vực này, Ghana, Kenya và một số nước châu Phi khác có trung bình 5 bài báo trong 30 năm qua. Nghiên cứu sâu hơn cho thấy 62% những ấn phẩm này chủ yếu về nghiên cứu giáo dục.

Những ví dụ này trong số những trường đại học nổi tiếng của châu Phi cho thấy những nỗ lực cải thiện phương pháp sư phạm đã không có tác động đáng kể.

Đại học Ibadan không cung cấp bất kỳ khóa đào tạo chính thức nào về kỹ năng sư phạm cho giảng viên của mình, mà thay vào đó, tổ chức những hội thảo về giảng dạy và học tập cho những cán bộ giảng dạy mới được tuyển dụng. Tại Đại học Ghana, chương trình đào tạo ban đầu cho nhân viên mới có một phần về giảng dạy. Đại học Khoa học và Công nghệ Kwame Nkrumah ở Ghana chỉ đào tạo kỹ năng sư phạm cho giảng viên khi có yêu cầu. Tại Đại học Cape Town, Chương trình Giảng viên Mới chỉ đào tạo những kỹ năng giảng dạy cơ bản cho giảng viên. Chương trình Phát triển Nhân lực Học thuật (ASD) của trường, bao gồm những sáng kiến cải tiến giảng dạy, còn nhắm đến mục tiêu phát triển văn hóa thực hành tư duy và liên tục học hỏi cho giảng viên. Đại học Công nghệ Tshwane ở Nam Phi hợp tác với Đại học Khoa học Ứng dụng Haaga Helia ở Phần Lan từ năm 2015 để cung cấp cho nhân viên văn bằng sau đại học về dạy nghề, và sau khi mở rộng được coi là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực này.

Những ví dụ này trong số những trường đại học nổi tiếng của châu Phi cho thấy những nỗ lực cải thiện phương pháp sư phạm đã không có tác động đáng kể. Để vượt qua những thách thức ở cấp độ tổ chức cũng như cấp độ cá nhân giảng viên, rõ ràng cần ưu tiên thực hiện những thay đổi cấu trúc sâu hơn trong sứ mệnh giảng dạy và chú trọng đến những chính sách giảng dạy và đào tạo sư phạm tập trung vào chất lượng. Giảng dạy tốt phải là kết quả của những phương pháp tiếp cận sư phạm đúng đắn và được chấp nhận bao gồm chủ nghĩa hành vi, chủ nghĩa kiến tạo và chủ nghĩa kiến tạo xã hội.

Con đường phía trước

Các trường đại học châu Phi cần thiết kế và thực hiện những kế hoạch cấu trúc nhằm cải thiện phương pháp giảng dạy và học tập. Đại học Ghana đã thực hiện một số nỗ lực, khi các cuộc thảo luận dẫn đến quyết định thành lập một trung tâm dạy và học, nhưng vẫn thiếu sự khẩn trương.

Cần một chính sách giảng dạy có cấu trúc tốt hơn để giải quyết những vấn đề lý thuyết chính như phi thực dân hóa chương trình giảng dạy, tính hòa nhập, điều chỉnh một số nội dung cụ thể của các môn học, và tăng cường giảng dạy những khái niệm lý thuyết, và những phương pháp tiếp cận sư phạm cần thiết để nâng cao chất lượng dạy và học. Chính sách giảng dạy cũng nên bao gồm những vấn đề quản lý như xem xét khối lượng giảng dạy là một tiêu chí để giảng viên thăng tiến, và việc đánh giá nên chú trọng đến chất lượng và kết quả giảng dạy và học tập hơn là thâm niên giảng dạy.

Các trường đại học châu Phi nên thừa nhận rằng giảng dạy khi không có đủ kỹ năng sư phạm ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập, và việc đào tạo sư phạm phù hợp và có hệ thống nên được đưa vào những kế hoạch chiến lược tương lai và những chương trình nghị sự về chuyển đổi của các trường đại học châu Phi. Đây là một thước đo quan trọng để theo đuổi thành công học thuật thực sự. Cuối cùng, như một phương tiện để theo dõi và đánh giá sự tiến bộ trong việc nâng cao trình độ sư phạm tại các trường đại học châu Phi, báo cáo giảng dạy và học tập hàng năm cho hội đồng quản trị trường đại học hoặc cho cơ quan quản lý nên cung cấp thông tin về những hoạt động được giảng viên thực hiện để đạt được bằng cấp chính thức về giảng dạy.