Hòa nhập khi du học: các chương trình trao đổi hỗ trợ sinh viên

Mary MacKenty là ứng viên tiến sĩ tại Universidad Autónomade Madrid. E-mail: [email protected].

Tóm tắt: Bài báo này nêu ra một cách nhìn về những thách thức và lợi thế của các chương trình trao đổi du học Mỹ. Câu hỏi đặt ra là nếu những chương trình trao đổi sinh viên được hỗ trợ tốt hơn thì có giúp sinh viên hòa nhập tốt hơn khi học tập ở nước ngoài hay không.

Những trang web du học của các trường đại học thường phủ đầy hình ảnh những nhóm sinh viên trẻ trước các địa danh quốc tế quan trọng. Hiếm khi họ được mô tả đang thực sự “du học” cùng với sinh viên bản địa tại một trường đại học bản xứ. Hầu hết sinh viên Hoa Kỳ đi theo những chương trình “tách biệt” hoặc “kết hợp” được vận hành bởi các tổ chức giáo dục đại học Hoa Kỳ và các nhà cung cấp bên thứ ba – là người tổ chức các hoạt động học thuật (chủ yếu là nội bộ), việc đi lại, chỗ ở và các hoạt động ngoại khóa. Những chương trình trao đổi độc lập hơn lại ít được khai thác nhất, mặc dù ít tốn kém nhất. Nếu coi chi phí là một trong những nguyên nhân chính ngăn cản du học sinh hòa nhập, vì sao các trường đại học không cải thiện lợi thế của các chương trình trao đổi sinh viên?

Vậy vì sao sinh viên Mỹ phải trả nhiều tiền hơn để tham gia một chương trình trao đổi du học do  trường tổ chức?

Những thỏa thuận trao đổi cho phép sinh viên Hoa Kỳ đăng ký học trực tiếp tại một trường đối tác trong khi vẫn trả học phí tại trường đại học quê hương của họ và vẫn nhận được sự hỗ trợ tài chính. Sinh viên có thể tự lo liệu các chuyến bay và chỗ ở của họ và do đó không phải trả thêm phí chương trình. Trong thực tế, các chương trình trao đổi rất phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới; Chương trình Erasmus ở châu Âu được biết đến nhiều nhất. Các tổ chức chủ nhà tự hào có thể cung cấp nhiều lựa chọn học thuật giúp thúc đẩy sự hòa nhập cho những nhóm sinh viên dân tộc khác hoặc thiểu số. Các chương trình trao đổi cũng mở cửa cho sinh viên thế hệ thứ hai, những người có thể đã có đủ những kỹ năng ngôn ngữ cần thiết. Cuối cùng, những chương trình này được thực hiện bởi nhiều trường đại học ở những vị trí địa lý khác nhau, điều này cho phép sinh viên có sự lựa chọn đa dạng hơn.

Vậy vì sao sinh viên Mỹ phải trả nhiều tiền hơn để tham gia một chương trình trao đổi du học do trường tổ chức? Có phải đó là cách dễ nhất đảm bảo chuyển đổi tín chỉ? Có phải do các chương trình trao đổi sinh viên rất khó thực hiện, cả về mặt hậu cần và học thuật? Có phải thế giới quan dân tộc của Hoa Kỳ đã tạo ra một nhận thức rằng chất lượng giáo dục đại học ở nước ngoài thấp hơn, không xứng với học phí tại quê nhà? Hoặc, có lẽ đó là hình ảnh đã được tiếp thị khiến sinh viên nhìn nhận các chương trình trao đổi sinh viên là cách duy nhất để du học? Mặc dù khái niệm về du học được xã hội chấp nhận này có thể tiện lợi đối với cả sinh viên và trường đại học, một hậu quả đáng tiếc là nó tạo ra những “bong bóng” Hoa Kỳ làm hạn chế sự tương tác với môi trường địa phương. Không phải mục tiêu ra nước ngoài là để đắm mình trong một nền văn hóa khác và phát triển từ sự va chạm với những thách thức mà nó mang lại, hơn là tránh né khỏi sự những khác biệt văn hóa hay sao? Với những bất ổn hiện tại xung quanh tác động của COVID-19 đối với du học ở nước ngoài, việc hủy bỏ đăng ký có thể khiến các chương trình trao đổi trở nên thiếu bền vững. Có lẽ nên xem xét kỹ hơn các chương trình trao đổi, cả về cơ hội mà chúng mang lại và những thách thức mà chúng đặt ra, như một giải pháp thay thế khả thi để tăng cường hòa nhập vào tương lai không chắc chắn phía trước.

Hòa mình sâu hơn vào văn hóa

Thông thường, các nhà nghiên cứu và thực hành trong lĩnh vực này lo ngại về việc du học sinh thiếu hoạt động học tập ngôn ngữ và liên văn hóa, ít nhất một phần do thiếu sự hòa mình vào văn hóa. Các chương trình trao đổi sinh viên đều khuyến khích sự tương tác với văn hóa địa phương thông qua việc lưu trú tại nhà dân địa phương, hoạt động thực tập, tình nguyện, trao đổi ngôn ngữ và các khóa học hỗ trợ liên văn hóa và/ hoặc toàn cầu. Tuy nhiên, khuyến khích sinh viên kết bạn với sinh viên bản địa vẫn là một việc khó vì các em ưa thích dành thời gian nói chuyện bằng tiếng Anh với các bạn đồng hương hơn. Cấu trúc của các chương trình vẫn bao bọc sinh viên bằng cách đặt họ vào trung tâm tiện nghi kiểu Hoa Kỳ, trong khi các chương trình trao đổi thách thức họ học cách định hướng trong môi trường nước ngoài bằng cách tương tác với người dân và tổ chức địa phương.

Sinh viên đi du học theo các chương trình trao đổi phải tự tổ chức lịch học tập, kế hoạch di chuyển, nhà ở và đời sống xã hội của mình. Việc thiếu sự hỗ trợ tại chỗ của đại diện chương trình buộc sinh viên giao tiếp với nhân sự của tổ chức chủ nhà để sắp xếp mọi vấn đề liên quan đến thời gian du học của họ. Các tổ chức chủ nhà cũng cung cấp những định hướng, vì vậy những người họ tiếp xúc đầu tiên là sinh viên bản địa và quốc tế chứ không phải là các đối tác Hoa Kỳ. Sinh viên tham gia các lớp học cùng với sinh viên địa phương, có thêm cơ hội giao tiếp xã hội và khám phá những quan điểm mới. Trải nghiệm học tập trong môi trường mới giúp họ phát triển những kỹ năng xuyên suốt như khả năng thích ứng, tính linh hoạt và khả năng làm việc nhóm đa văn hóa, đều là những năng lực đáng giá trong môi trường làm việc thế kỷ XXI. Họ không nhất thiết phải sống trong các gia đình bản xứ; tuy nhiên, có thể ở chung với sinh viên bản địa trong ký túc xá hoặc căn hộ. Sinh viên học tập thông qua những kinh nghiệm giải quyết vấn đề ở một quốc gia khác, điều này giúp tăng thêm sự tự tin và tính độc lập. Sự hòa mình vào văn hóa sâu sắc hơn mang lại nhiều cơ hội học tập liên văn hóa, ngôn ngữ và học thuật hơn.

Quá nhiều thách thức?

Tuy nhiên, có vài lý do khiến các chương trình trao đổi sinh viên rất phổ biến. Những chương trình này đảm bảo các vấn đề hậu cần sẽ diễn ra suôn sẻ và cung cấp sự hỗ trợ tinh thần cho những người bị sốc văn hóa cũng như sự hỗ trợ thiết thực cho bất kỳ vấn đề nào phát sinh. Ngoài ra, đối với những sinh viên đăng ký vào một số khóa học địa phương, chương trình duy trì danh sách những khóa học đã được phê duyệt mà những sinh viên đi trước đã thành công. Người ta có thể nghĩ rằng sinh viên nên yêu cầu những hỗ trợ này bởi vì hầu hết các chương trình đang tính phí hỗ trợ; tuy nhiên, chúng tôi cho rằng sẽ là khôn ngoan nếu tìm hiểu kỹ hỗ trợ nào thực sự cần thiết và ngoài ra, chúng được cung cấp bởi trường ở quê nhà hay trường chủ nhà.

Trong trường hợp liên quan đến vấn đề hậu cần, nếu chúng ta cho rằng sinh viên đủ độc lập để tự tổ chức các chuyến du lịch giải trí cho mình, chắc chắn với công nghệ ngày nay những chủ nhân tương lai của thế kỷ 21 có thể sắp xếp chuyến đi và chỗ ở cho thời gian du học của họ bằng cách trực tuyến. Các tổ chức chủ nhà cũng cung cấp cho sinh viên thông tin hậu cần cụ thể về thành phố của họ. Mặt khác, việc tư vấn học tập và đảm bảo công nhận tín chỉ là một thách thức lớn hơn. Ở trường đại học quê nhà, các cố vấn phải quản lý quá nhiều thỏa thuận hợp tác khiến họ khó có được sự hiểu biết sâu sắc về sự phức tạp của hệ thống học thuật, chương trình cấp bằng và các khóa học cụ thể của từng trường đại học đối tác. Các tổ chức chủ nhà có thể không cung cấp tư vấn rộng hơn những khóa học đã có trong danh sách và thời khóa biểu. Điều này có thể dẫn đến việc sinh viên đăng ký những khóa học không tương thích với nền tảng học vấn của họ chỉ để được chấp thuận tín chỉ. Cuối cùng, sự hỗ trợ cho việc hội nhập văn hóa và xã hội của sinh viên trao đổi đã được cải thiện tại các tổ chức chủ nhà thông qua sự phổ biến của các chương trình kết bạn và cung cấp các khóa học lịch sử và văn hóa địa phương; tuy nhiên, vẫn không có nhân sự hỗ trợ tại chỗ 24/24.

Cung cấp hỗ trợ cho các chương trình trao đổi

Các chương trình trao đổi có tiềm năng cải thiện sự hòa nhập của du học sinh. Tuy nhiên, cần hỗ trợ nhiều hơn để vượt qua những thách thức trong học tập và văn hóa. Cần có thêm thông tin về chương trình học của các tổ chức chủ nhà để đảm bảo sinh viên đăng ký vào những lớp học phù hợp về học thuật cho phép họ thành công. Các tổ chức phải nhận thức được văn hóa học thuật của chính họ để truyền tải chúng đến các đối tác một cách thích hợp. Những khóa học thiết kế để chuẩn bị cho việc học tập liên văn hóa trong thời gian du học nên được điều chỉnh phù hợp với các chương trình trao đổi sinh viên bằng cách truyền đạt chúng trực tuyến trong học kỳ. Sẽ là một việc thích hợp nếu có thêm những mô-đun liên quan đến sự khác biệt văn hóa trong môi trường học tập, tạo ra một không gian để sinh viên phản ánh về trải nghiệm học tập trực tiếp của họ. Cũng cần nghiên cứu thêm về những thách thức cụ thể đối với du học sinh theo chương trình trao đổi để cải thiện trải nghiệm của họ. Cuối cùng, cần có sự thay đổi trong nhận thức về những gì cấu thành nên một chương trình du học Mỹ ngoài mô hình nhà cung cấp dịch vụ, nếu chúng ta muốn quảng bá thành công các chương trình trao đổi như một lựa chọn khả thi, tiết kiệm chi phí, hòa nhập văn hóa cho du học.