Đo lường mức độ tiếp cận giáo dục đại học ở Ấn Độ

Pankaj Mittal là Tổng thư ký Hiệp hội các trường đại học Ấn độ, New Delhi, Ấn Độ. E-mail [email protected]. Bhushan Patwardhan là phó chủ tịch Ủy ban tài trợ đại học, New Delhi, Ấn Độ. E-mail: [email protected]. Bài viết này lấy dữ liệu từ nghiên cứu Đo lường Tiếp cận, Chất lượng và Mức độ phù hợp của Giáo dục Đại học, Tuần san Kinh tế & Chính trị, năm 2020. Hai tác giả gửi lời cảm ơn tới các đồng tác giả là Anjali Radkar, Anitha Kurup, và Ashwani Kharola.

Tóm tắt: Tỷ lệ nhập học hàng năm (GER) là một chỉ số được chấp nhận trên toàn cầu đo lường mức độ tiếp cận giáo dục đại học. Ấn Độ đã thông qua những chính sách nhằm thúc đẩy GER bằng cách mở rộng năng lực giáo dục đại học và khuyến khích những phương thức đào tạo từ xa và trực tuyến. Tuy nhiên, số lượng học sinh đủ điều kiện gia nhập giáo dục đại học còn thấp vẫn là yếu tố hạn chế chính. Tỷ lệ đủ điều kiện gia nhập (EER) là một chỉ báo thực tế.

GER (gross enrollment ratio) là tỷ lệ giữa số lượng sinh viên đại học và tổng dân số trong độ tuổi 18–23. GER cao cho thấy mức độ tham gia đại học cao. Theo dữ liệu năm 2017 của UNESCO, GER trong giáo dục đại học ở Ấn Độ chỉ ở mức 27,4 %, tương đối thấp so với mức trung bình toàn cầu (29%), và về cơ bản thấp hơn GER của những quốc gia có thu nhập cao hơn như Hoa Kỳ (88,2%), Đức (70,3%) và Vương quốc Anh (60%). Ngay cả khi so sánh với những nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp khác như Brazil (51,3%) và Trung Quốc (49,1%), tỷ lệ này vẫn là thấp. Trong bài viết này, chúng tôi thảo luận về tỷ lệ GER phù hợp đối với một quốc gia như Ấn Độ.

Vì sao GER của Ấn Độ thấp?

Ở Ấn Độ, điều kiện đủ cơ bản để ghi danh vào giáo dục đại học là tốt nghiệp lớp 12 bậc trung học. GER tương đối thấp trong giáo dục đại học ở Ấn Độ chủ yếu do thiếu những ứng cử viên đủ điều kiện. Sự thiếu hụt này chủ yếu là kết quả của việc đăng ký học thấp và tỷ lệ bỏ học cao ở cấp phổ thông. Một số yếu tố, bao gồm giới tính, ngôn ngữ giảng dạy và những trở ngại kinh tế xã hội là nguyên nhân dẫn đến việc số lượng học sinh trung học giảm dần. Sự thiếu hụt những ứng viên đủ điều kiện này là một điểm nghẽn lớn cản trở sự gia tăng GER trong giáo dục đại học.

Rõ ràng, điều này không thể giải quyết được bằng cách tăng số lượng trường cao đẳng hoặc đại học, hoặc bằng cách thúc đẩy giáo dục đại học thông qua phương thức từ xa hoặc trực tuyến. Để tăng số học sinh đủ điều kiện đăng ký vào những bậc học cao hơn, Ấn Độ cần tập trung vào việc tăng số lượng thanh thiếu niên tốt nghiệp trung học phổ thông. Khả năng đáp ứng nhu cầu, khả năng tiếp nhận, mức học phí hợp lý và chất lượng của giáo dục đại học và sự liên quan của nó đối với nhu cầu tuyển dụng cũng ảnh hưởng đáng kể đến GER. Nhiều quốc gia có khoảng cách lớn giữa tổng dân số trong nhóm tuổi 18–23 và số lượng ứng viên thực sự đủ điều kiện để vào giáo dục đại học cũng ở trong tình trạng tương tự. Đối với những quốc gia có thu nhập trung bình thấp hơn như Ấn Độ, GER có thể không phải là chỉ số thích hợp nhất để đo lường mức độ tiếp cận giáo dục đại học.

Tỷ lệ đủ điều kiện ghi danh (EER)

Để so sánh công bằng hơn giữa các nước có thu nhập cao hơn và thấp hơn, EER (Eligible Enrollment Ratio) có thể là chỉ báo thích hợp hơn. EER được định nghĩa là tỷ lệ giữa số lượng sinh viên đăng ký vào đại học và số lượng học sinh trong độ tuổi 18–23 đã tốt nghiệp lớp 12. EER là một phép đo hợp lý về đăng ký đại học vì nó tính đến thông số đủ điều kiện, do đó cải thiện độ chính xác của chỉ số.

Do hầu hết các quốc gia không có sẵn dữ liệu về số lượng học sinh đã học hết lớp 12 trong độ tuổi liên quan, chúng tôi sử dụng dữ liệu liên quan đến tỷ lệ hoàn thành (CR) cho nghiên cứu của chúng tôi để so sánh GER và EER (Đo lường mức độ tiếp cận, chất lượng và mức độ phù hợp trong Giáo dục đại học). Theo Viện Thống kê của UNESCO, CR được định nghĩa là số lượng cá nhân trong độ tuổi liên quan đã hoàn thành lớp cuối cấp của một trình độ học vấn nhất định, được biểu thị bằng phần trăm tổng dân số cùng nhóm tuổi. EER có thể được biểu thị theo công thức EER = GER/CR. Chúng tôi đã sử dụng công thức này để xác định EER của 10 quốc gia đại diện cho cả những nền kinh tế có thu nhập cao hơn và những nền kinh tế có thu nhập thấp/ trung bình, bao gồm Brazil, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan, Nam Phi, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.

So sánh GER và EER

Chúng tôi đã nghiên cứu dữ liệu do Viện Thống kê của UNESCO thu thập trong vòng 5 năm (2013–2017). Những dữ liệu nào để tính CR bị thiếu sẽ được tính toán bằng cách sử dụng công cụ dự báo kết hợp mô hình hồi quy tuyến tính. Khi so sánh EER của 10 quốc gia được chọn với GER tương ứng của họ, chúng tôi phát hiện ra rằng sự chênh lệch tuyệt đối về giá trị EER giữa những nước có thu nhập cao hơn và những nước có thu nhập trung bình thấp hơn nhỏ hơn nhiều so với sự cách biệt tương ứng về giá trị GER.

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy Ấn Độ (với EER 64,3%) cung cấp cơ hội tiếp cận giáo dục đại học tốt hơn Vương quốc Anh (EER 63,1%).

Một điều thú vị khác, chúng tôi cũng nhận thấy rằng mặc dù những quốc gia có thu nhập cao đều có chỉ số GER và EER cao – như Hoa Kỳ (GER 88,2%, EER 93,5%), Pháp (65,6%, 75,5%) và Vương quốc Anh (60,0%, 63,1%) – sự khác biệt giữa GER và EER của những quốc gia này là chưa đến 10%, đây là một dấu hiệu cho thấy hệ thống giáo dục tương đối ổn định và trưởng thành. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy Ấn Độ (với EER 64,3%) cung cấp cơ hội tiếp cận giáo dục đại học tốt hơn Vương quốc Anh (EER 63,1%). GER của Indonesia (36,4%) cao hơn của Ấn Độ, tuy nhiên, chỉ số EER (57,7%) lại thấp hơn. Pakistan xếp cuối cùng trong số những nước được chọn cả về GER (9,4%) và EER (43,3%). Ấn Độ đứng thứ tám về GER, nhưng xếp thứ sáu theo chỉ số EER. Sự khác biệt lớn giữa GER và EER cho thấy khoảng cách lớn giữa dân số cùng nhóm tuổi và số lượng cá nhân đủ điều kiện. Trong năm 2017, sự cách biệt giữa GER và EER ở Ấn Độ là 37,5 – cao nhất trong số những quốc gia được chọn nghiên cứu. Đây là một dấu hiệu cho thấy tình trạng tồi tệ của hệ thống trường học, còn trầm trọng hơn bởi tỷ lệ tiếp cận giáo dục đại học thấp. Đối với một quốc gia như Ấn Độ, EER cung cấp nhiều ước tính thực tế hơn: xem xét mức độ đủ điều kiện cùng với độ tuổi cho kết quả chính xác hơn khi đo lường mức độ tham gia vào giáo dục đại học.

Trong chính sách của bất kỳ quốc gia nào, điểm nổi bật là chất lượng giáo dục đại học. Những quốc gia có thu nhập cao hơn như Úc, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ tham gia hiệu quả vào nền kinh tế tri thức nhờ nền giáo dục chất lượng cao của họ tập trung vào việc đào tạo kỹ năng và quan tâm đến nhu cầu tuyển dụng. Những quốc gia này cũng thu hút được số lượng lớn sinh viên quốc tế – góp phần tăng thêm số lượng sinh viên đại học. Ngoài ra, với xu hướng hiện nay là tận dụng đào tạo liên tục đi đôi với những thay đổi nhanh chóng trong công nghệ và thị trường việc làm, lực lượng đang làm việc trên 23 tuổi chiếm tỷ lệ ngày càng tăng trong sinh viên đại học. Do đó, định nghĩa của GER, vốnđược gắn với một nhóm tuổi cụ thể, cần được xem xét lại.

Kết luận

Các quốc gia dù có thu nhập cao hơn hay thấp hơn nên được so sánh ngang bằng nhau. GER không phải là một chỉ số thích hợp để đo lường mức độ tiếp cận giáo dục đại học ở những quốc gia có thu nhập thấp hơn, nơi hệ thống trường học kém phát triển hơn và số lượng sinh viên quốc tế nhỏ. EER là một chỉ số phù hợp hơn, vì có tính đến sự mất cân đối ở đầu vào. Cần có nghiên cứu chuyên sâu hơn để tối ưu hóa EER như một chỉ số đo lường mức độ tiếp cận giáo dục đại học.