COVID-19 và quốc tế hóa trong khu vực MENA

Giulia Marchesini là chuyên viên quan hệ đối tác cấp cao tại Trung tâm Hội nhập Địa Trung Hải (CMI), Ngân hàng Một Thế giới, Marseille, Pháp. E-mail:gmarchesini@worldbank.org.

Tóm tắt: Tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA), giáo dục đại học và quốc tế hóa đều đối mặt với nhiều thách thức. Giới trẻ bị từ chối tuyển dụng và mức độ thất nghiệp cao. Khu vực thiếu sự hấp dẫn. Báo cáo của Ngân hàng Một Thế giới/Trung tâm Hội nhập Địa Trung Hải (CMI) phân tích tình hình quốc tế hóa hiện nay của khu vực. Bản báo cáo nhận định rằng, trong bối cảnh COVID-19, quốc tế hóa trong nước là một điểm khởi đầu chính để MENA để bắt kịp chương trình quốc tế hóa.

Khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) có truyền thống học thuật lâu đời và phong phú, và trong những thập kỷ gần đây có sự gia tăng đáng kể số lượng tiếp cận, gia nhập đại học, và cả số lượng các cơ sở tổ giáo dục đại học. Tuy nhiên, khu vực này đang tụt hậu về mức độ quốc tế hóa. Theo Khảo sát quốc tế hóa giáo dục đại học gần đây nhất của Hiệp hội các trường Đại học Quốc tế (IAU), đối với các trường đại học trên toàn thế giới muốn phát triển quan hệ đối tác thì MENA là khu vực kém hấp dẫn nhất.

Bối cảnh khu vực

Giới trẻ trong MENA, đặc biệt những nhóm thiệt thòi, phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng trong tiếp cận giáo dục đại học và tỷ lệ thất nghiệp trong số họ rất cao. Đối với nhiều người, giáo dục đã không thực hiện được lời hứa chuẩn bị cho họ gia nhập thị trường lao động và đảm nhận vai trò tích cực trong đời sống chính trị và xã hội của quốc gia mình. Cuộc khủng hoảng COVID-19 có khả năng làm trầm trọng thêm những thách thức này. Do đó, cho đến nay các học viện bị đóng cửa, các khóa học bị hủy bỏ, và sinh viên quốc tế vẫn bị mắc kẹt. Ảnh hưởng dài hạn của đại dịch đối với giáo dục và sự dịch chuyển quốc tế, và suy thoái kinh tế dự kiến chắc chắn sẽ làm tăng thêm tác động. Điều này được đặt trong bối cảnh toàn cầu khi chủ nghĩa dân tộc và làn sóng phản đối người nhập cư lan rộng, có khả năng làm tăng áp lực buộc các chính phủ tiếp tục thắt chặt biên giới và hướng nội. Tuy nhiên, cũng chính cuộc khủng hoảng này đang cho thấy sự dịch chuyển là vô cùng thiết yếu đối với thế giới ngày nay.

Hai yếu tố tiên quyết đối với khu vực MENA: chuyển hướng mở cửa cho thế giới và đầu tư nghiêm túc vào nguồn vốn con người, bằng cách xem xét lại cách giáo dục các kỹ năng để trang bị cho giới trẻ trong khu vực hướng đến một thế giới toàn cầu hóa. Quốc tế hóa có thể giúp tiếp cận những mục tiêu này. Và hiện tại, cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể là cơ hội để MENA đầu tư vào quốc tế hóa trong nước, nơi có những lợi thế tương đối.

Mặc dù MENA có lịch sử phong phú về giáo dục đại học và trao đổi sinh viên, học giả và kiến thức, ngày nay khu vực này vẫn đang tụt hậu trong khía cạnh quốc tế hóa.

Tình trạng quốc tế hóa trong MENA

Mặc dù MENA có lịch sử phong phú về giáo dục đại học và trao đổi sinh viên, học giả và kiến thức, ngày nay khu vực này vẫn đang tụt hậu trong khía cạnh quốc tế hóa. Khi tìm kiếm phát triển quan hệ đối tác quốc tế, rất ít trường đại học trên thế giới coi MENA là một ưu tiên.

Khu vực này có số lượng rất lớn các chi nhánh đại học quốc tế (IBC), tuy nhiên tập trung chủ yếu ở các nước vùng Vịnh: Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) nằm trong số 5 quốc gia tiếp nhận IBC hàng đầu trên toàn thế giới. Trong số 6 trung tâm kết nối (hub) giáo dục được quốc tế công nhận, hai quốc gia này cũng dẫn đầu. Ngoài ra, còn có những bằng chứng đáng kể về việc quốc tế hóa các hoạt động trong nước, bao gồm quốc tế hóa chương trình giảng dạy và các trường hợp hợp tác quốc tế trong đào tạo trực tuyến (COIL). Những nỗ lực quốc tế hóa lớn hơn, bao gồm mô hình đối tác xuyên Địa Trung Hải, trong thập kỷ qua đã dẫn đến việc thiết lập một số trường đại học quốc tế ở các nước như Ai Cập, Jordan, Maroc và Tunisia.

Mức độ dịch chuyển của du học sinh, cả đi và đến MENA, tương đối cao. Tỷ lệ dịch chuyển đến khu vực cao gần gấp đôi mức trung bình của thế giới và tỷ lệ đi du học là đáng kể, cao hơn mức trung bình. Tuy nhiên, khi phân tích kỹ, một bức tranh có nhiều sắc thái hơn xuất hiện. Dịch chuyển trong khu vực chỉ liên quan đến một số ít quốc gia; đáng chú ý, ở UAE và Qatar, sinh viên quốc tế chỉ chiếm, theo thứ tự này, dưới một nửa và hơn một phần ba tổng số sinh viên, trong khi hầu hết những quốc gia MENA khác đều đạt – hoặc thấp hơn – mức trung bình thế giới. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, sự dịch chuyển từ bên ngoài đến khu vực đã phát triển ổn định và ở hầu hết các quốc gia MENA tuyển sinh quốc tế tăng nhanh hơn so với tuyển sinh trong nước – một số quốc gia có tốc độ nhanh hơn những quốc gia khác. Hầu hết các nước trong khu vực đều có thể được phân loại là những điểm đến “mới nổi” (các quốc gia vùng Vịnh và Maroc), nơi số lượng sinh viên nước ngoài đang gia tăng nhanh chóng, hoặc là những điểm đến “trưởng thành” (Ai Cập, Jordan và Lebanon), nơi cả tuyển sinh trong nước và nước ngoài đều phát triển ở mức vừa phải.

Tỷ lệ sinh viên ra nước ngoài du học cũng thể hiện một bức tranh hỗn hợp phân bổ theo vùng miền. Một số quốc gia vùng Vịnh và một số quốc gia khu vực các nước nói tiếng Ả rập (Mashreq) có tỷ lệ du học nước ngoài cao, trong khi con số này ở một số quốc gia ở Bắc Phi cũng rất đáng kể, như Maroc và Tunisia có số lượng du học nước ngoài lần lượt nhiều gấp đôi và gần gấp ba lần so với mức trung bình của thế giới. Phân tích dữ liệu nơi đi và nơi đến của du học sinh có thể giải thích mức độ hấp dẫn của khu vực: Chỉ hơn một nửa du học sinh đến là từ một quốc gia của chính khu vực, trong khi phần lớn và ngày càng tăng số lượng sinh viên đi du học ở những quốc gia bên ngoài khu vực.

COVID-19 và con đường phía trước

Để xây dựng các khuyến nghị chính sách thích hợp, một số yếu tố nhất định phải được thừa nhận.Thứ nhất, các nỗ lực quốc tế hóa sẽ chỉ có tác động đáng kể nếu là một phần của những cải cách rộng lớn hơn: giải quyết vấn đề quản trị thể chế, bao gồm quyền tự chủ, là then chốt, vì nếu không có điều này, quốc tế hóa khó có thể tiếp tục. Thứ hai, vấn đề bối cảnh: một số quốc gia vùng Vịnh thực sự tiên tiến về mức độ tập trung IBC và sự dịch chuyển sinh viên, nhưng do những khác biệt rất lớn về bối cảnh chính trị và kinh tế xã hội trong khu vực, những chiến lược phù hợp ở những quốc gia đó có thể không phù hợp ở những quốc gia khác. Thứ ba, nghiên cứu nhiều hơn về quốc tế hóa, cách thực hiện và lợi ích của nó, là cần thiết. Cuối cùng, đây là một khu vực mong manh, đầy xung đột, có nhiều người tị nạn và di dời. Quyền tiếp cận giáo dục đại học của người tị nạn là một vấn đề quan trọng, vì vậy một động thái hướng tới tăng cường quốc tế hóa trong khu vực cũng sẽ cần tập trung vào việc hòa nhập sinh viên và giảng viên tị nạn.

Quốc tế hóa cần trở thành một ưu tiên cao hơn, được lồng ghép vào các tổ chức và chính sách giáo dục đại học của chính phủ. Trong một thế giới hậu COVID-19, khi dịch chuyển bị hạn chế, nhiều thách thức kinh tế và những tác động rộng hơn, các cơ sở giáo dục đại học cần thay đổi và thích nghi một cách triệt để. Trước khi khủng hoảng xảy ra, cách tiếp cận tập trung hơn vào quốc tế hóa trong nước đã nổi bật như một điểm khởi đầu quan trọng, nhờ đem lại những lợi ích rõ ràng như tăng cường kỹ năng và cải thiện cơ hội được tuyển dụng — với chi phí tương đối thấp và dễ thực hiện. Ngày nay, những lợi ích này được kết hợp với những thay đổi do khủng hoảng. Tăng cường quốc tế hóa trong nước dường như phù hợp hơn bao giờ hết. Các trường đại học khu vực MENA có thể được hưởng lợi nếu họ chủ động nắm lấy cơ hội và thích ứng với tình trạng “bình thường mới” sau COVID-19 bằng cách áp dụng những mô hình học tập mới và sáng tạo. Một ví dụ sẽ là tận dụng việc chuyển sang học trực tuyến và thúc đẩy những yếu tố như du học ảo, phối hợp giảng dạy quốc tế, v.v… Trong bối cảnh hiện nay, nắm bắt cơ hội để tăng cường quốc tế hóa các hoạt động nội địa trong toàn khu vực có thể cho phép MENA thực sự tiến bộ trong quốc tế hóa và tiếp tục gặt hái những lợi ích của nó.