Chuẩn đầu ra và niềm tin của công chúng vào giáo dục đại học

 Tia Loukkola là Giám đốc Phát triển tổ chức tại Hiệp hội Đại học châu Âu (EUA). E-mail: [email protected]. Helene Peterbauer là Chuyên gia về Chính sách và Dự án của EUA. E-mail: [email protected].

Tóm tắt: Chuẩn đầu ra ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong các khung trình độ và quy trình đảm bảo chất lượng, chúng nhằm mục tiêu đảm bảo và thúc đẩy lòng tin của công chúng vào các nhà cung cấp giáo dục. Tuy nhiên, trong bối cảnh giáo dục đại học được quốc tế hóa, câu hỏi đặt ra là liệu chuẩn học tập đầu ra có thể thực hiện được chức năng này ở quy mô toàn cầu hay không, và liệu có cách thức nào, và có nhu cầu xác minh kết quả học tập hay không.

Chuẩn học tập đầu ra là những tuyên bố về những gì người học cần đạt được và có thể làm được sau khi kết thúc quá trình hoặc trải nghiệm học tập. Trong các cơ sở giáo dục đại học, chuẩn học tập đầu ra sẽ định hướng việc xây dựng chương trình giảng dạy và cách thức giảng viên thực hiện công việc. Chúng phải phù hợp với các phương pháp sư phạm và phương pháp đánh giá, do đó đảm bảo các khía cạnh cốt lõi của trải nghiệm giáo dục đều hướng tới cùng kết quả và việc học tập của sinh viên. Trong cuộc khảo sát Xu hướng năm 2018 do Hiệp hội Đại học châu Âu (EUA) thực hiện, gần một nửa số người được hỏi cho biết việc dựa vào khái niệm chuẩn đầu ra ở mức độ nào đó đã thúc đẩy thay đổi phương pháp luận giảng dạy. Trong số những lợi ích thấy được có việc điều chỉnh nội dung khóa học và phương pháp đánh giá, và nâng cao nhận thức của sinh viên về mục tiêu học tập.

Không chỉ là phương tiện thúc đẩy việc học tập dựa trên kết quả, lấy người học làm trung tâm, chuẩn đầu ra còn có một mục tiêu cơ bản khác là đảm bảo và thúc đẩy lòng tin của công chúng vào các nhà cung cấp giáo dục. Chúng là công cụ để nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong giáo dục đại học và trong mối quan hệ với các bên liên quan, đặc biệt là xã hội, bởi vì họ cần được đảm bảo về giá trị gia tăng của ngành giáo dục đại học mà họ góp phần tài trợ. Nâng cao tính minh bạch được tin là sẽ giúp đạt được sự hiểu biết lẫn nhau và tính tương đồng giữa các quốc gia – đây chính là tư tưởng cơ bản thúc đẩy Tiến trình Bologna ở châu Âu. 

Không chỉ là phương tiện thúc đẩy việc học tập dựa trên kết quả, lấy người học làm trung tâm, chuẩn đầu ra còn có một mục tiêu cơ bản khác là đảm bảo và thúc đẩy lòng tin của công chúng vào các nhà cung cấp giáo dục.

Xác định chuẩn đầu ra (dự kiến)

Nhờ chức năng kép này, chuẩn đầu ra có vai trò quan trọng trong rất nhiều khung chương trình được phát triển trong hai thập kỷ qua với mục đích nâng cao lòng tin của công chúng vào giáo dục đại học. Ví dụ, chuẩn đầu ra là cốt lõi để xây dựng khung trình độ trên toàn thế giới. Trong mảng Giáo dục Đại học ở châu Âu, tất cả 48 quốc gia đều có khung trình độ quốc gia hoặc đang trong quá trình xây dựng. Do hợp tác giáo dục đại học trong khu vực ngày càng tăng, các khung trình độ (tham chiếu) của khu vực cũng đã xuất hiện. Ví dụ, đã có các khung trình độ khu vực ở châu Âu và ở Liên hiệp Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và một khung hiện đang được xây dựng ở châu Phi. Mục đích của những khung này là tăng cường tính minh bạch và tính tương đồng về bằng cấp bằng cách sử dụng chuẩn đầu ra làm bộ mô tả để tham chiếu về trình độ, bằng cấp khác nhau của một khung nhất định.

Triết lý cơ bản là tất cả các chương trình học tập phải được sắp xếp đúng theo khung trình độ quốc gia, để đảm bảo với công chúng rằng sinh viên tốt nghiệp có kiến ​​thức và kỹ năng của trình độ tương ứng trong khung. Khung cho phép những cá nhân và những bên liên quan bên ngoài ngành giáo dục “đọc” và hiểu được kiến ​​thức và kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp, và nhờ đó đánh giá được mức độ phù hợp với thị trường lao động, đây mới chỉ là một ví dụ. Các khung cũng cho phép so sánh trình độ giữa các hệ thống khác nhau và vì thế giúp việc dịch chuyển vì mục đích học tập và việc làm dễ dàng hơn. 

Xác minh chuẩn đầu ra (đã đạt được)

Nhưng liệu có hay không một phương pháp phổ biến, có thể chuyển giao được để xác minh sinh viên đã đạt được chuẩn đầu ra như chương trình đào tạo dự kiến, và phương pháp đó là phù hợp hay không? Một thập kỷ đã trôi qua kể từ khi OECD đưa ra Nghiên cứu khả thi về Đánh giá Kết quả Học tập trong Giáo dục Đại học (AHELO), nhằm xây dựng khung đánh giá quốc tế và các công cụ đo lường những gì mà một sinh viên tốt nghiệp (cao đẳng hoặc đại học) biết và có thể làm được. Một trong những điểm khởi đầu cho nghiên cứu rất cần thiết này là nhu cầu cung cấp dữ liệu so sánh quốc tế về hiệu quả của quá trình đào tạo đại học. Nhu cầu này chủ yếu được thúc đẩy bởi những yêu cầu về trách nhiệm giải trình và tính minh bạch cao hơn bên trong ngành giáo dục đại học, với trọng tâm là so sánh kết quả đầu ra của sinh viên ở các trình độ. Cuối cùng, nghiên cứu của AHELO đã chỉ ra một loạt các vấn đề có tính phương pháp luận, liên quan đến quan điểm toàn cầu về một công cụ đánh giá như vậy, nhưng kết quả là dự án bị bỏ dở và không có bất kỳ nỗ lực đáng kể nào từ đó.

Cũng với mục tiêu như vậy (tức tìm cách so sánh có chủ đích thành tích của sinh viên ở các quốc gia khác nhau), nhưng ở một góc độ khác so với dự án AHELO, dự án CALOHEE (Đo lường và So sánh Kết quả Đầu ra trong Giáo dục Đại học ở châu Âu) chú trọng vào các hồ sơ khác của trường và của chương trình về việc đánh giá. Dự án, do Viện Điều chỉnh Quốc tế điều phối, vẫn đang trong quá trình thực hiện; do đó kết quả và sự thành công của phương pháp luận này vẫn chưa rõ.

Vì tất cả những lý do này, rất ít, nếu không nói là không có, những bài kiểm tra tiêu chuẩn để đo lường kết quả đầu ra trong giáo dục đại học và cho phép so sánh. Tuy nhiên, có những cách tiếp cận khác để xác minh hiệu quả của giáo dục bằng cách sử dụng kết quả đầu ra học tập trong khi vẫn tôn trọng hồ sơ của từng trường và từng hệ thống. Ở châu Âu, bộ Tiêu chuẩn và Hướng dẫn của châu Âu (ESG) về Đảm bảo Chất lượng trong Khu vực Giáo dục Đại học châu Âu quy định các cơ sở giáo dục đại học phải đảm bảo chương trình của họ xác định chuẩn đầu ra (tiêu chuẩn 1.2) như một cơ sở để đánh giá sinh viên (tiêu chuẩn 1.3). Như vậy, khung này đã gắn kết quả đầu ra học tập và cách đánh giá thích hợp với hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ. Và cũng quy định các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm tự xác định chuẩn đầu ra cần đạt được và cách thực hiện. Và các cơ sở giáo dục có thể làm điều này theo những cách khác nhau. 

Tính tương đồng có quan trọng hơn trách nhiệm giải trình?

Mặc dù đều có chung một cách tiếp cận, chuẩn đầu ra hay phương pháp đánh giá không nhất thiết phải được tham chiếu theo một chuẩn mực nhất định, lại càng không thể giống nhau giữa các hệ thống giáo dục đại học khác nhau. Những nỗ lực ở quy mô lớn nhằm so sánh kết quả học tập đầu ra ở cấp độ quốc tế dù không thành công cũng không làm tổn hại đến chức năng minh bạch của khái niệm kết quả đầu ra học tập, bởi vì tính minh bạch không phủ nhận tính đa dạng. Kết quả đầu ra học tập tạo ra nhiều lợi ích cho các cơ sở giáo dục đại học (được thể hiện qua khảo sát Xu hướng năm 2018 của EUA) và cả các bên liên quan, và chúng có giá trị ở nhiều phương diện. Vì lý do đó, chúng là thành phần chính trong một loạt công cụ về sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của châu Âu.

Việc kết quả đầu ra học tập được xác định và đánh giá một cách phi tập trung như hiện nay đặt ra thách thức đối với những công cụ so sánh khác, chẳng hạn như thực hiện xếp hạng. Gần đây EUA đã lập bảng so sánh những chỉ số về chất lượng giáo dục được sử dụng trong các bảng xếp hạng đại học quốc tế, trong đó nêu rõ sự thiếu vắng những chỉ số liên quan đến kết quả học tập đầu ra hoặc chất lượng học tập ở tất cả các bảng xếp hạng. Phát hiện này trùng với kết luận chung của công trình nghiên cứu (trong đó bản đối chiếu này là một phần) là không có bước tiến đáng kể nào trong việc sử dụng các chỉ số về chất lượng hoặc hiệu quả giáo dục đại học trong thời gian gần đây. Điều này cho thấy không có công cụ nào có ý nghĩa, phù hợp cho tất cả để xác định và đánh giá kết quả đầu ra giáo dục đại học. Tuy nhiên, như đã nói, chuẩn đầu ra có thể thúc đẩy lòng tin của công chúng vào các cơ sở giáo dục đại học thông qua nhiều phương tiện khác.