Xin Xu là nhà nghiên cứu sau tiến sỹ ESRC tại Khoa giáo dục, Trung tâm giáo dục đại học toàn cầu (CGHE), đại học Oxford. E-mail: xin.xu@education.ox.ac.uk. Bài báo này nằm trong khuôn khổ nghiên cứu được tài trợ bởi Economic and Social Research Council (Grant number ES/T006153/1).
Tóm tắt: Đại dịch Covid-19 đang làm biến đổi thế giới học thuật. Hợp tác và cạnh tranh quốc tế vẫn diễn ra trong đại dịch. Cộng đồng nghiên cứu toàn cầu đang thể hiện sự cởi mở, sự kiên cường và tính nhân văn. Tình trạng hạn chế dịch chuyển vừa làm tăng thêm những thách thức vừa tạo ra cơ hội thay đổi đối với các nhà nghiên cứu. Đại dịch cũng làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng, những vấn đề đạo đức và tác động của nghiên cứu. Suy ngẫm về những thay đổi đang diễn ra sẽ giúp chúng ta hình dung và xây dựng lại tương lai nghiên cứu toàn cầu.
Covid-19 đang định hình lại thế giới, bao gồm cả thế giới học thuật. Những gì chúng ta vẫn quen coi là “bình thường” đang mất dần và cần được tái định nghĩa. Bài báo này trình bày về ảnh hưởng của Covid-19 đến nghiên cứu toàn cầu, và đề xuất một định nghĩa mới về thế giới học thuật hậu Covid.
Những mạng lưới nghiên cứu: hợp tác và cạnh tranh
Những tổ chức nghiên cứu về COVID-19 phát triển nhanh chóng khắp nơi trên thế giới. Các tổ chức quốc tế, chính phủ, tạp chí khoa học và cơ quan tài trợ kêu gọi các nhà nghiên cứu hợp lực để giải quyết khủng hoảng. Những quan sát ban đầu cho thấy sự hợp tác xuyên biên giới, đa ngành, liên ngành và đa phương tiếp tục tồn tại.
Mặt khác, sự cạnh tranh và đối địch vẫn tồn tại. Cuộc chạy đua toàn cầu về vắc-xin COVID-19 là một ví dụ điển hình về tác động của sự cạnh tranh và cho thấy công việc nghiên cứu khoa học – theo đuổi kiến thức thuần túy đang bị thao túng bởi lợi ích cá nhân, lợi ích tổ chức, giá trị thương mại, lợi ích công cộng và các yếu tố địa chính trị. Đặc biệt, đại dịch làm trầm trọng thêm căng thẳng địa chính trị hiện có, dẫn đến sự hạn chế dịch chuyển học thuật và quan hệ đối tác giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai nhà sản xuất nghiên cứu có ảnh hưởng quan trọng toàn cầu. Vẫn chưa rõ liệu nghiên cứu ở Trung Quốc, Hoa Kỳ và các quốc gia khác sẽ được xác định lại theo hướng nào – toàn cầu hơn, hay ưu tiên khu vực, quốc gia hoặc địa phương.
Hệ sinh thái nghiên cứu: chủ nghĩa nhân văn và sự cởi mở
Đại dịch COVID-19 đang định hình lại hệ sinh thái nghiên cứu toàn cầu, xây dựng lại mối quan hệ giữa con người (các nhà nghiên cứu, người tham gia, các bên liên quan) và các yếu tố phi con người (kiến thức, tài nguyên, ấn phẩm,…).
Giới nghiên cứu đang thể hiện sự kiên cường, tinh thần đoàn kết và chủ nghĩa nhân văn. Tình trạng cách ly không đồng nghĩa với ngừng công việc. Đúng hơn, đây là giai đoạn thử thách đối với các học giả khi phải làm việc trong điều kiện hạn chế và bất ổn. Tuy vậy, hoạt động nghiên cứu vẫn tiếp tục trên toàn thế giới. Các học giả nhanh chóng thích nghi với việc chuyển hoàn toàn sang giảng dạy trực tuyến, họp hành trực tuyến và nghiên cứu trực tuyến. Nhiều người sẵn lòng hỗ trợ đồng nghiệp, người tham gia và sinh viên; thể hiện sự đoàn kết, lòng trắc ẩn và đồng cảm. Ngoài ra, văn hóa quản lý đang tạm thời nhường chỗ cho những thể hiện nhân văn, ưu tiên khía cạnh cuộc sống của các nhà nghiên cứu, hơn là “năng lực sản xuất nghiên cứu” của họ, chú trọng đến sự an toàn sức khỏe của họ hơn là hiệu suất và năng suất. Kỳ đánh giá nghiên cứu – chiếc đồng hồ báo hiệu kết thúc thời hạn hợp đồng (của các giáo sư nghiên cứu) trong các trường đại học Hoa kỳ được hoãn lại. Các cơ quan tài trợ điều chỉnh mở rộng và thay đổi kế hoạch dự án nghiên cứu, duy trì nhân lực nghiên cứu viên và sinh viên.
Trong khi các quốc gia đóng cửa biên giới, khoa học lại trở nên cởi mở hơn.
Trong khi các quốc gia đóng cửa biên giới, khoa học lại trở nên cởi mở hơn. Từ khi COVID-19 bùng nổ, ngày càng có nhiều cơ quan tài trợ, nhà xuất bản, tạp chí, tổ chức và các nhà nghiên cứu ủng hộ khoa học mở. Các ấn phẩm, khóa học, tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu được chia sẻ trực tuyến một cách tự do, công khai, nhanh chóng và rộng rãi. Những dữ liệu mở như vậy, bao gồm giải mã bộ gen, đã tạo điều kiện cho toàn thế giới sớm bắt tay vào nghiên cứu chẩn đoán và vắc xin chống COVID-19. Số lượng bản thảo liên quan đến Covid-19 tăng vọt, quy trình đánh giá ngang hàng được đẩy nhanh và quyền truy cập mở vào các ấn phẩm được tạm thời đặc cách miễn phí.
Cuộc sống nghiên cứu: hạn chế dịch chuyển và bất bình đẳng
Do việc dịch chuyển và kết nối trực tiếp bị hạn chế, thế giới học thuật đã chuyển sang hình thức dịch chuyển và kết nối trực tuyến. Điều này xác định lại khái niệm về hợp tác và đối tác quốc tế và cả cách tiếp cận. Nếu trước đây việc dịch chuyển con người và thiết bị giữa các quốc gia được coi trọng hơn, thì giờ đây các luồng dữ liệu, thông tin và kiến thức xuyên biên giới được quan tâm nhiều hơn. Các hội nghị và kế hoạch gặp gỡ bị hủy bỏ hoặc hoãn lại, nhiều cuộc họp được chuyển sang hình thức trực tuyến. Hoạt động trên không gian ảo thu hút nhiều thành phần tham gia hơn, tăng cơ hội tiếp cận, giảm chi phí và thân thiện với môi trường hơn, nhưng cũng gây ra những lo ngại về bình đẳng số, bảo mật và quyền riêng tư.
Đại dịch ảnh hưởng đến giới học thuật theo những mức độ khác nhau – họ chống chọi với cùng một cơn bão, nhưng trong những nơi trú ẩn không giống nhau. Số liệu thống kê của các tạp chí cho thấy tỷ lệ nộp bài của các nhà nghiên cứu nữ giảm đi. Nhóm các học giả da đen, châu Á và dân tộc thiểu số phải đối mặt với những đe dọa, tấn công hoặc phải cố gắng kiềm chế cảm xúc trước những biểu hiện phân biệt chủng tộc phát sinh liên quan đến COVID. Tài trợ bị cắt giảm và doanh thu thất thoát khiến nhu cầu tuyển dụng giảm theo, đặc biệt bất lợi đối với những nhà nghiên cứu không có hợp đồng dài hạn.
Bằng chứng mới xuất hiện cho thấy sự bất bình đẳng ngày càng trầm trọng trong giới học thuật, liên quan đến giới tính, chủng tộc, tôn giáo, dân tộc, tầng lớp xã hội, tình trạng sức khỏe, trách nhiệm chăm sóc gia đình, ngành, loại tổ chức, thâm niên, vị trí quản lý/giảng dạy, quốc gia và nơi sinh, quốc tịch và nơi cư trú. Sự bất bình đẳng có thể thấy được không chỉ trong dấu hiệu giảm sút năng suất nghiên cứu ở một số nhóm nhất định, mà trong tác động tiêu cực đến tình trạng tài chính ngắn hạn/dài hạn, đảm bảo việc làm, thăng tiến nghề nghiệp, sức khỏe thể chất và tinh thần của họ. Đại dịch tự nó không tạo ra sự bất bình đẳng mà chúng ta đang chứng kiến, nhưng làm trầm trọng thêm tình trạng này: ẩn sâu bên dưới phần nổi của tảng băng là sự bất công vẫn tồn tại từ trước và được thể chế hóa trong nghiên cứu toàn cầu, với những dấu ấn của chủ nghĩa quản lý, hiệu suất, sự phân biệt đối xử, thị trường hóa và chính trị hóa nghiên cứu. Chỉ xử lý những triệu chứng của bất bình đẳng là không đủ, điều cần làm là tái cấu trúc cả hệ thống.
Đạo đức và ảnh hưởng của nghiên cứu: chính trực và trách nhiệm
Thế giới khoa học phải đối mặt với những thách thức đạo đức mới hoặc nặng nề hơn. Do bị hạn chế dịch chuyển và tiếp xúc xã hội, các nhà nghiên cứu phải đổi mới và thích ứng với những phương pháp kỹ thuật số và tân tiến, điều này dẫn đến những quan ngại trong khía cạnh đạo đức. Cuộc chạy đua tốc độ giành nguồn tài trợ, dự án, hoạt động và ấn phẩm liên quan đến COVID đang đặt ra những câu hỏi về tính nghiêm ngặt, tính toàn vẹn, chất lượng, tác động, rủi ro và giá trị của nghiên cứu đối với cộng đồng nghiên cứu, người tham gia, nhà tài trợ và xã hội. Hơn nữa, việc nhấn mạnh vào “tính cấp thiết” còn làm giảm quan tâm tài trợ cho những ngành không liên quan trực tiếp đến COVID-19 (đặc biệt trong khoa học xã hội – nhân văn), trong khi những lĩnh vực nghiên cứu có tiềm năng tác động ngay lập tức sẽ chiếm ưu thế, được đón nhận hơn và được tài trợ tốt hơn.
Trong đại dịch, nghiên cứu đóng vai trò như tia sáng hy vọng. Bằng chứng khoa học được cho là ảnh hưởng lớn đến phản ứng của chính phủ và hành vi của công chúng. Tuy nhiên, câu hỏi là nghiên cứu có tác động xã hội tích cực đến mức nào, nghiên cứu được sử dụng và truyền đạt một cách có trách nhiệm và đáng tin cậy đến mức nào? Các chính phủ, các kênh truyền thông và các cộng đồng đưa ra những câu trả lời khác nhau. Diễn giải sai và sử dụng sai nghiên cứu vẫn xảy ra, chẳng hạn như dễ dãi sử dụng bản thảo chưa qua đánh giá ngang hàng, hoặc dùng làm bằng chứng “chắc chắn” cho một tuyên bố về chính sách.
Xác định tương lai của nghiên cứu toàn cầu
Chúng ta đang đứng trước ngã ba đường – quá khứ, hiện tại và tương lai. Chúng ta mang hành trang và kiến thức lịch sử vào cuộc khủng hoảng đại dịch. Đồng thời, những kinh nghiệm hiện tại của chúng ta cũng sẽ được ghi vào sử sách và được các thế hệ tương lai nhìn lại.
Tại thời điểm này, điều quan trọng là cần phản ánh những thay đổi đang diễn ra. Những thay đổi có thể là tạm thời, nhưng quyết định có hành động theo chúng hay không sẽ làm thay đổi tương lai. Ví dụ, văn hóa nhân văn và cởi mở sẽ chỉ là một “phiên bản giới hạn trong COVID” hay nó sẽ là một tiêu chuẩn mới? Sự bất động chỉ là tạm thời, nhưng tái định vị các mối quan hệ – với chính chúng ta và với những người khác – là việc lâu dài.
“Những tiêu chuẩn mới” sẽ ngụ ý gì đối với nghiên cứu toàn cầu? Những điều đang thay đổi có biến đổi mãi mãi không? Cụ thể hơn, khi chứng kiến nghiên cứu toàn cầu có thể cùng mang lại lợi ích cho nhân loại, làm thế nào để nghiên cứu được nhìn nhận là nhiều hơn một cuộc chơi có tổng bằng 0, là lợi ích chung toàn cầu? Với bằng chứng về những thay đổi tích cực tiềm năng, làm thế nào để duy trì những thay đổi đó và xây dựng một cộng đồng nghiên cứu toàn cầu cởi mở, bình đẳng, đạo đức, mạnh mẽ, bền vững, nhân văn, đa dạng và hợp tác, có trách nhiệm và đáng tin cậy?
Không có câu trả lời ngay lập tức hoặc dứt khoát cho những vấn đề này. Ngay lúc này cần một tầm nhìn dài hạn, cần hình thành những cấu trúc mới và sự đồng cam kết từ tất cả các học giả, các bên liên quan, các tổ chức và quốc gia trên thế giới.