Việt Nam: trường hợp duy nhất độc quyền vì lợi nhuận

Quang Chau là Học viên Tiến sĩ tại Khoa Chính sách & Lãnh đạo Giáo dục, Đại học Albany, Hoa Kỳ. E-mail: qchau@albany.edu.

Tóm tắt: Năm 2006, nhà nước Việt Nam đưa ra một chính sách có một không hai trong giáo dục đại học tư thục toàn cầu (đại học tư), theo đó tất cả các trường đại học tư nhân phi lợi nhuận bị buộc chuyển đổi thành vì lợi nhuận. Quyết định có hiệu lực ngược đời này đã thừa nhận một thực tế rộng rãi rằng các tổ chức phi lợi nhuận trên thực tế đang dành lợi nhuận cho chủ sở hữu. Nhà nước gần đây đã hợp pháp hóa hình thức phi lợi nhuận, nhưng nhiều nhà phê bình tỏ ra hoài nghi về việc hình thức phi lợi nhuận mới nổi này sẽ phi lợi nhuận đến mức nào.

Mặc dù là một nhà nước Cộng sản trong lịch sử từng phản đối sở hữu tư nhân, Việt Nam đã phát triển giáo dục đại học tư nhân đáng kể. Nghịch lý rõ ràng còn đi xa hơn: đại học tư ở Việt Nam đã trở thành một khu vực hầu như hoàn toàn vì lợi nhuận.

Sự xuất hiện của đại học tư trong một nhà nước cộng sản

Khó mà hình dung được một nghịch lý như vậy vào thời kỳ khởi đầu của chủ nghĩa cộng sản. Khi mới độc lập vào năm 1954, Bắc Việt Nam (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) không cho phép tồn tại đại học tư nhân. Khi chế độ Nam Việt Nam sụp đổ, khu vực đại học tư gồm 11 trường và khoảng 30 ngàn sinh viên (1/5 tổng số sinh viên) đã bị quốc hữu hóa. Mặc dù ban đầu không lường trước được sự tái xuất hiện của đại học tư vào cuối những năm 1980, nhà nước đã nhanh chóng áp đặt sự kiểm soát của mình đối với khu vực mới nổi này. Trong khi nhà nước bận rộn thực hiện những cải cách tài chính trong khu vực công, một nhóm các nhà toán học Việt Nam đã đề xuất thành lập trung tâm giáo dục đại học phi chính phủ đầu tiên là Thăng Long. Cuối cùng nhà nước cũng cấp phép cho trung tâm như một dự án thí điểm được quản lý chặt chẽ.

Tư thục, theo nghĩa đen thường được nhà nước và xã hội hiểu (như ở hầu hết các quốc gia), có nghĩa là kinh doanh. Vì thế, nhà nước, dù cuối cùng chấp nhận hợp pháp hóa đại học tư vào đầu những năm 1990, đã không dùng thuật ngữ “tư thục” và thay vào đó, chấp nhận sử dụng thuật ngữ “ngoài công lập”, bao gồm các tổ chức giáo dục “dân lập” và các tổ chức “bán công” – đều bị luật pháp cấm chia lợi nhuận, và do đó phù hợp với định nghĩa chính thức trên toàn cầu về phi lợi nhuận. Tuy nhiên khi đó không một tài liệu pháp lý nào đưa ra định nghĩa thế nào là đại học tư phi lợi nhuận.

Hình thức ngoài công lập mới nổi thách thức nghiêm trọng các nguyên tắc quy hoạch tập trung do các nhà hoạch định chính sách đặt ra.

Quay ngoắt 180 độ thành vì lợi nhuận

Tuy nhiên, hình thức ngoài công lập mới nổi thách thức nghiêm trọng các nguyên tắc quy hoạch tập trung do các nhà hoạch định chính sách của đặt ra. Nhà nước không nhận được thứ họ đã lập kế hoạch để thực hiện. Bởi vì những quy định pháp lý về phân chia lợi nhuận không được giải thích rõ ràng và không nhất quán giữa các cơ quan nhà nước, nhiều trường đại học dân lập vẫn tìm ra cách chia lợi nhuận của trường cho các cổ đông. Vượt ra ngoài mọi kế hoạch tổng thể của nhà nước, một bước ngoặt độc đáo nhưng chưa rõ ràng đang rụt rè hình thành.

Vào giữa những năm 2000, thừa nhận một thực tế phổ biến là các trường đại học ngoài công lập vẫn phân chia lợi nhuận, thuật ngữ “tư thục” đã được chấp nhận và được thông qua chính thức trong các văn bản pháp lý, đồng bộ với thị trường kinh tế rộng lớn hơn. Tuy nhiên, vì những lý do chưa được hiểu đầy đủ (và bất chấp sự phản đối của nhiều chuyên gia và các nhà tư vấn chính sách), nhà nước đã đi xa hơn và buộc tất cả các trường đại học dân lập phải chuyển thành tư thục và hoạt động theo mô hình vì lợi nhuận. Với bước quay ngoắt 180 độ này, luật pháp đã buộc toàn bộ khu vực đại học tư của Việt Nam chuyển thành vì lợi nhuận. Một số trường đại học cố gắng duy trì hình thức dân lập và một số trường tư mới thành lập tự nguyện tuân theo nguyên tắc không phân chia lợi nhuận, nhưng tất cả đều vướng những ràng buộc pháp lý.

Độc quyền vì lợi nhuận trông thế nào?

Hiện tại, khu vực đại học tư ở Việt Nam có hơn 267 ngàn sinh viên tại 65 trường, chiếm khoảng 15% tổng số sinh viên, thị phần của các trường cao đẳng/trung tâm đào tạo gần gấp đôi như vậy. Nhìn chung, phần lớn sinh viên đại học tư theo học các chương trình kinh doanh, công nghệ thông tin và ngoại ngữ, trong khi chỉ một số ít các trường tư cung cấp chương trình đào tạo trong những lĩnh vực khác. Đây cũng là xu hướng phổ biến trong khối đại học tư vì lợi nhuận trên toàn thế giới.

Các tập đoàn vì lợi nhuận hiện sở hữu nhiều trường đại học tư. Một số tập đoàn, chẳng hạn như Phenikaa, có xu hướng biến các trường đại học liên kết với họ thành những trung tâm riêng phục vụ nhu cầu nội bộ, nhằm đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu và phát triển. Những tập đoàn khác, chẳng hạn như Nguyễn Hoàng, coi giáo dục là lĩnh vực kinh doanh chính của họ, đang tích cực mua lại nhiều trường đại học tư.

Có phải các trường phi lợi nhuận xuất hiện trở lại?

Luật Giáo dục Đại học năm 2012 lần đầu tiên công nhận rõ ràng cả đại học tư vì lợi nhuận và phi lợi nhuận tại Việt Nam. Mặc dù khái niệm về đại học tư phi lợi nhuận đã được thảo luận trong giai đoạn chuyển sang vì lợi nhuận, phải mất vài năm các nhà hoạch định chính sách quan trọng mới hiểu và cuối cùng chấp nhận nó. Luật Giáo dục Đại học hiện hành (2018) định nghĩa đại học phi lợi nhuận là những trường không chia lợi nhuận của họ cho các cổ đông.

Tuy nhiên, gần như tất cả các đại học tư ở Việt Nam vẫn là vì lợi nhuận. Không một trường đại học vì lợi nhuận nào chuyển đổi thành công thành phi lợi nhuận, mặc dù một số trường đã thử. Các trường đại học phi lợi nhuận duy nhất hiện tại đều được thành lập mới, như một trường của tập đoàn tư nhân khổng lồ Vingroup, hoặc đại học Fulbright Việt Nam được thành lập nhờ sự hậu thuẫn chính trị và hỗ trợ tài chính to lớn từ chính phủ Hoa Kỳ.

Việc đại học tư phi lợi nhuận có phát triển thành một hình thức chính thống ở Việt Nam hay không làm dấy lên những cuộc tranh luận –  và thường là những hoài nghi –  giữa các nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách đã nghỉ hưu. Nhà nước chưa hợp pháp hóa “danh tính” của những tổ chức tư nhân có đặc trưng là phi lợi nhuận và chủ yếu được thành lập bởi các hiệp hội tôn giáo. Ngược lại, những trường đại học tư thục trực thuộc các tập đoàn kinh tế tư nhân như Tân Tạo, Vin và FLC lại tỏ ra hăng hái nhất thể hiện mình là tổ chức phi lợi nhuận. Một số nhà phê bình cho rằng những chính sách khuyến khích (ví dụ, khấu trừ và miễn thuế) hỗ trợ cho những trường tư thục phi lợi nhuận “thực sự hơn” – vẫn còn mù mờ, và do đó bị thao túng bởi những trường được đầu tư lớn để thu lợi tài chính. Nhiều chuyên gia cũng nghi ngờ khả năng thu hút tài trợ của các tổ chức phi lợi nhuận, vì những chính sách hiện tại chưa dành nhiều ưu đãi cho các nhà tài trợ và các nhà từ thiện tiềm năng. Giống như phiên bản năm 2012, Luật Giáo dục Đại học hiện tại có xu hướng hình dung các tổ chức phi lợi nhuận là những thực thể được thành lập bởi những nhà đầu tư sẽ từ chối nhận cổ tức của họ. Tuy nhiên, những nhà đầu tư này vẫn được phép giữ vai trò quyết định quan trọng trong hội đồng của trường đại học và do đó vẫn có cơ hội kiếm được những lợi ích tài chính, trong khi sự tham gia của họ vào hội đồng trường có thể khiến các nhà hảo tâm ngần ngại vì không tin tưởng rằng khoản đóng góp của họ sẽ được sử dụng đúng đắn.

Mặc dù sự xuất hiện của đại học tư ở Việt Nam và việc quay ngoắt 180 độ sang hình thức vì lợi nhuận đều là những  bất ngờ kéo theo những thay đổi khó đoán trong quan hệ giữa các lực lượng thị trường và kiểm soát nhà nước, tương lai gần có vẻ dễ đoán hơn. Khu vực đại học tư có thể tiếp tục phát triển và chủ yếu theo hình thức vì lợi nhuận, trừ khi và cho đến khi nhà nước hợp pháp hóa sự tham gia của các hiệp hội xã hội dân sự – đặc biệt là tôn giáo – vào giáo dục đại học.