Giáo sư William Locke là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học Melbourne tại Đại học Melbourne, Úc. E-mail: william.locke@unimelb.edu.au.
Tóm tắt: Các trường đại học của Úc dường như đang thể hiện rất tốt trong các bảng xếp hạng toàn cầu có ảnh hưởng nhất; ví dụ họ đã tăng gấp đôi số trường đại diện của họ trong tốp 100 Bảng Xếp hạng của Times Higher Education. Họ đã làm điều này thế nào, và đây là bước đột phá hay là một xu hướng dài hạn hơn? Quan trọng hơn, điều này có bền vững không, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng và chính phủ thể hiện thái độ mâu thuẫn đối với giáo dục đại học?
Một số phương tiện truyền thông gần đây chú ý đến hiện tượng các trường đại học Úc dường như gây ấn tượng trong các phiên bản gần đây của những bảng xếp hạng toàn cầu có ảnh hưởng nhất. Tạp chí Times Higher Education (THE) đưa tin rằng Úc đã tăng gấp đôi đại diện các trường đại học của họ trong tốp 100 so với năm trước. Hai trường khác cũng lọt vào tốp 200 trong bảng xếp hạng của THE năm nay (tổng cộng 11), và một trường lọt vào tốp 100 của Bảng Xếp hạng Thượng hải ARWU (tổng cộng 7). Những câu hỏi đặt ra là các trường đại học nào có cải thiện thứ hạng nhiều nhất, trong bảng xếp hạng nào, và cụ thể theo chỉ số nào, và đây là một bước đột phá hay là những xu hướng phức tạp hơn thế? Quan trọng hơn, vì sao điều này xảy ra đúng vào thời điểm này?
Những trường đại học nào và bảng xếp hạng nào?
Một điểm cần được làm rõ là chỉ một nhóm nhỏ những trường đại học Úc nổi tiếng nhất và chuyên sâu nghiên cứu xuất hiện trong nhóm thứ hạng cao của những bảng xếp hạng toàn cầu được quan tâm nhất. Vì vậy, hiệu suất của đa số bị che khuất khỏi tầm nhìn và hầu như không được các nhà báo và các nhà bình luận chú ý đến. Thậm chí trong số ít những trường ưu tú này, những trường liên tục xuất hiện trong bảng xếp hạng ngay từ đầu hầu như không thay đổi vị trí trong những năm gần đây. Trong bảng xếp hạng THE 2020, Đại học Melbourne vẫn giữ nguyên thứ hạng (32) như năm trước, Đại học Quốc gia Úc (ANU) (50) và Đại học Sydney (60) từng giảm xuống một bậc và Đại học Queensland tăng ba bậc (lên vị trí 66). Trong thực tế, những trường đại học đứng sau bốn trường hàng đầu này lại cải thiện được thứ hạng của họ nhiều nhất: Đại học New South Wales (UNSW) tăng 25 bậc lên vị trí 71 và Đại học Monash tăng thêm 9 bậc lên vị trí 75. Tuy nhiên, sự cải thiện thứ hạng đáng kể nhất của hai trường đại học này không phải là vào năm 2020 mà là vài năm trước: UNSW từ vị trí 173 giữa năm 2012 nhảy lên 85 năm 2013, Monash từ 178 năm 2011 lên 99 năm 2013. Cả hai đều bập bềnh lên xuống loanh quanh ở khoảng thứ hạng hiện tại trong bảy năm qua, nhưng những cú nhảy đó chỉ đủ sức gây chú ý để xuất hiện trong mục tin tức, mà không tạo thành xu hướng dài hạn.
UNSW và Monash lặp lại mức cải thiện tương tự trong hai bảng xếp hạng có ảnh hưởng khác là QS và ARWU. UNSW giữ vị trí 43 trong bảng xếp hạng QS 2020, thứ hạng cao nhất trường này đạt được từ trước đến nay; và Monash cũng đạt trần của mình vào năm 2021 ở vị trí 55. Trong bảng xếp hạng ARWU, Monash đã bỏ qua 18 bậc để chiếm vị trí 73; còn UNSW, liên tục cải thiện thứ hạng kể từ năm 2003, lần đầu tiên lọt vào tốp 100 (ở vị trí 94) vào năm 2019. Những thành công đáng chú ý khác được nhận thấy ở những trường đại học thứ hạng thấp, chẳng hạn như Canberra trong bảng THE (từ nhóm 251-300 lên vị trí 193) và trong QS (từ nhóm 601-650 hai năm trước lên 456); và Đại học Công nghệ Sydney (UTS) trong bảng xếp hạng QS (từ vị trí 160 hai năm trước lên 140), và trong bảng ARWU (từ nhóm 301- 400 chuyển lên nhóm 201-300).
Những chỉ số nào?
Những khía cạnh nào trong hoạt động của những trường đại học này giải thích cho sự thành công của họ? Trong bảng xếp hạng chính của THE, chỉ số mà các trường đại học Úc thể hiện tốt nhất là “diện mạo quốc tế” (sinh viên, nhân viên và hợp tác nghiên cứu), tiếp đến “Trích dẫn” và “Nghiên cứu” (danh tiếng, thu nhập và năng suất). Trong bảng xếp hạng QS, những chỉ số cao nhất từ trước đến nay là “Sinh viên quốc tế” và “Giảng viên quốc tế”, trong khi họ chỉ được xếp hạng trung bình ở các chỉ số “Học thuật”, “Đánh giá của Nhà tuyển dụng”, “Trích dẫn trung bình của giảng viên”. Cuối cùng, trong bảng ARWU, các trường đại học Úc đạt điểm cao nhất về số lượng công bố theo chỉ số trích dẫn và số lượng các nhà nghiên cứu được trích dẫn cao. Tuy nhiên, những trường đại học xếp hạng hàng đầu này bị đánh giá kém nhất theo chỉ số “Danh tiếng giảng dạy” và “Tỷ lệ sinh viên/giảng viên”. Ở Úc, chỉ có ANU, một trường đại học tương đối nhỏ theo tiêu chuẩn Úc và Đại học Bond (một trường tư thục rất nhỏ) có tỷ lệ sinh viên/giảng viên thấp hơn 20 trong bảng xếp hạng THE.
Vì sao họ làm tốt được như vậy?
Vậy thì, vì sao những trường đại học đặc biệt này của Úc thể hiện rất tốt trong bảng xếp hạng toàn cầu và điều gì giải thích cho những cải thiện gần đây của UNSW và Monash? Sẽ không ai ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng những trường đại học Úc có thứ hạng cao nhất đều mạnh nhất về mặt tài chính và cả lợi nhuận, như đồng nghiệp của tôi, Frank Larkins, xác nhận gần đây. Nghiên cứu của ông về các trường đại học mạnh nhất về mặt tài chính trong cả nước trong giai đoạn mười năm trước 2018 – ngoại trừ ANU do quy mô nhỏ hơn nhiều – xác định được năm trường có thành tích tốt nhất trong bảng xếp hạng toàn cầu (Melbourne, Sydney, Monash, UNSW, và Queensland). Cả 5 trường đều đạt được mức gia tăng doanh thu đáng kể từ năm 2009, nhưng với bốn trường đứng đầu (không bao gồm Queensland), điều này đặc biệt diễn ra từ khi họ triển khai hình thức tuyển sinh theo nhu cầu cho sinh viên trong nước năm 2008, và đẩy mạnh tuyển sinh quốc tế bậc sau đại học khi số lượng sinh viên trong nước bị giới hạn vào năm 2017. Doanh thu trung bình của năm trường đại học này, tính theo số lượng trung bình sinh viên toàn thời gian tương ứng, cao hơn khoảng 50% so với tất cả các trường đại học Úc.
Chính cách quản lý những nguồn tài chính này đã tạo ra sự khác biệt. Đặc biệt, trong giai đoạn mười năm này, UNSW đã tăng 75% tài sản cơ sở của mình (so với mức trung bình 40% của toàn bộ ngành giáo dục đại học của đất nước) và vốn chủ sở hữu cơ bản của nó bằng 70% (so với 31% đối với toàn ngành). Melbourne và Sydney có tài sản cơ sở lớn nhất, nhưng Monash đạt hiệu quả cao nhất trong số năm trường đại học có hiệu suất cao này trong việc khai thác tổng tài sản của mình.
Hiệu suất xếp hạng của những trường này liên quan nhiều đến việc quản lý các nguồn tài chính của họ. |
Tuy nhiên, những trường đại học này không tăng số lượng nhân viên của họ một cách tương xứng và, ngoài những nhà nghiên cứu nước ngoài được trích dẫn nhiều, họ chủ yếu tuyển dụng lực lượng giảng dạy theo thời vụ và nhân viên nghiệp vụ, những người nhận mức thù lao thấp hơn nhiều so với những học giả vừa giảng dạy vừa nghiên cứu. Do đó, cả 5 trường đại học nói trên đều có mức doanh thu bình quân tính theo số lượng nhân viên toàn thời gian (FTE – full-time equivalent) – bao gồm cả giảng viên thời vụ – cao hơn mức trung bình của toàn ngành; trong đó Monash có mức tăng cao nhất là 21%, so với 7% trung bình của tất cả các trường đại học.
Hiệu suất xếp hạng của những trường này liên quan nhiều đến việc quản lý các nguồn tài chính của họ. Tối đa hóa thu nhập bằng cách tuyển nhiều sinh viên quốc tế và sau đại học, và sử dụng nguồn thu nhập này để tài trợ cho nghiên cứu, bao gồm tuyển dụng các học giả nước ngoài được trích dẫn cao và cung cấp cho họ những điều kiện tốt nhất, dẫn đến việc cải thiện đầu ra. Nhờ vậy những trường đại học này cải thiện được điểm số của họ trong các chỉ số về tỷ lệ sinh viên quốc tế/giảng viên, kết quả nghiên cứu và mức độ ảnh hưởng – là những chỉ số góp phần củng cố hoặc cải thiện hiệu suất xếp hạng cao tổng thể.
Tuy nhiên, tăng trưởng doanh thu và tăng tỷ lệ FTE không theo kịp tốc độ tăng số lượng sinh viên, dẫn đến hậu quả là tỷ lệ sinh viên/giảng viên cao và danh tiếng giảng dạy khá khiêm tốn. Câu hỏi lớn đặt ra là liệu các trường đại học Úc có thể duy trì ổn định hiệu suất này – trong quản lý tài chính và vị trí xếp hạng – trong bối cảnh đại dịch COVID-19, không được chính phủ hỗ trợ và yếu thế về mặt địa chính trị hay không.