Tư thục đến mức nào là vừa? Giá trị và thực tại ở Đông Nam Á

Daniel C. Levy là Giáo sư Ưu tú (Distinguished Professor) của SUNY, làm việc tại Phòng Chính sách & Lãnh đạo Giáo dục Đại học Albany, đồng thời là Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Giáo dục Đại học Tư thục (PROPHE), có cột báo thường kỳ trên IHE. E-mail: dlevy@albany.edu.

Tóm tắt: Trong bối cảnh phát triển đáng kinh ngạc của giáo dục đại học tư trên toàn thế giới, một câu hỏi quan trọng được đặt ra là “Tư thục đến mức nào là vừa?”. Câu hỏi này cũng đề cập đến thị phần sinh viên đại học tư và bản chất của đại học tư. Một thước đo quan trọng về bản chất của đại học tư là vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận. Đông Nam Á nói chung, Philippines và Việt Nam nói riêng, là những minh họa trả lời cho câu hỏi chính “Tư thục đến mức nào là vừa?”, cũng như một số câu hỏi thú vị liên quan khác. Bài viết này bàn về việc ai và điều gì giữ vai trò quyết định dẫn đến những đáp án khác nhau trong các điều kiện khác nhau, đồng thời chỉ ra quan hệ căng thẳng cốt lõi giữa việc phải tuân thủ những quy chuẩn phiền phức vì sự hiện diện của tư nhân trong giáo dục đại học, và những lực lượng chính trị, kinh tế và xã hội thúc đẩy mạnh mẽ đại học tư, gồm cả đại học tư vì lợi nhuận. Bài viết có tính tổng quan khu vực dựa vào và đối chiếu hai trường hợp điển hình. Ở Đông Nam Á, Philippines chỉ đứng sau Indonesia về tổng số lượng sinh viên đại học và số lượng sinh viên tư thục; và giống như ở Indonesia, sinh viên tư thục ở Philippines chiếm đa số, đại học tư vì lợi nhuận chiếm tỷ lệ đáng kể. Thái Lan và Việt Nam cùng đứng ở vị trí tiếp theo về tổng số lượng sinh viên đại học, nhưng hai quốc gia này đều có tỷ lệ tư thục thấp. Quan điểm trước đây của Việt Nam là không chấp nhận bất kỳ hình thức tư thục nào. Tuy nhiên, điều đáng kinh ngạc là gần đây Việt Nam đã trở thành trường hợp độc nhất trên toàn cầu, không chỉ vì đã có hệ thống giáo dục đại học tư thục, mà còn vì hầu hết đại học tư ở Việt nam là vì lợi nhuận.

Chương trình nghiên cứu về giáo dục đại học tư thục (PROPHE – Program for Research on Private Higher Education) phân loại Đông Nam Á là tiểu vùng lớn thứ ba châu Á về giáo dục đại học, sau Nam Á và Đông Á, lớn hơn Trung/Tây Á. Tuy nhiên, có thể nói châu Á là khu vực lớn nhất thế giới về giáo dục đại học, trong đó Đông Nam Á có khoảng 18 triệu sinh viên (năm 2015), vượt qua số sinh viên của các khu vực không phải châu Á khác, ngoại trừ châu Âu. Ngoài ra, châu Á và Đông Nam Á có thị phần tư thục rất lớn (8 triệu sinh viên đại học tư), lớn hơn bất kỳ khu vực nào ngoài châu Á, ngoại trừ Mỹ Latinh. Trong khi đó, sự phát triểu của cả tiểu vùng và khu vực đều phù hợp với mô hình toàn cầu của thế kỷ mới – tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ tuyển sinh tư thục, tỷ trọng tư thục tương đối ổn định – toàn cầu ở mức hơn 30%, châu Á suýt soát 40% và Đông Nam Á vào khoảng 45%. Ngoài ra, mặc dù không có đủ dữ liệu quốc tế về đại học tư vì lợi nhuận, Đông Nam Á và châu Á có lẽ là tiểu vùng và vùng dẫn đầu trong khía cạnh này. Indonesia và Philippines dẫn đầu tiểu vùng về số sinh viên theo học đại học tư vì lợi nhuận, trong khi Việt Nam dẫn đầu thế giới về thị phần vì lợi nhuận của đại học tư. Tóm lại, liên quan đến đại học tư nói chung và đại học tư vì lợi nhuận nói riêng, quy mô của Đông Nam Á dường như đang mở rộng.

Khác biệt lớn trong tiểu vùng

Có những khác biệt lớn giữa 10 quốc gia Đông Nam Á, cũng như giữa các quốc gia châu Á và trên toàn thế giới. Philippines bước lên cùng hàng với Campuchia và Indonesia tạo thành nhóm 3 quốc gia có đại học tư chiếm đa số, trong khi thị phần đại học tư ở Malaysia bị thu hẹp. Bốn quốc gia này quyết định tỷ lệ đại học tư của khu vực, vì Indonesia và Philippines chiếm hơn một nửa số đại học tư trong tiểu vùng. Dù đứng ở vị trí kế tiếp, Việt Nam và Thái Lan có thị phần sinh viên đại học tư khá khiêm tốn, khoảng hơn 10% tổng số sinh viên quốc gia, gần đây có thêm Brunei lọt vào nhóm này; Myanmar là một trong số ít quốc gia trên thế giới vẫn duy trì nguyên tắc “không chấp nhận bất kỳ hình thức tư thục nào”. Lào và Singapore nằm ở khoảng giữa hai nhóm cao và thấp, gần với mức trung bình toàn cầu. Malaysia là ví dụ điển hình của tiểu vùng về tăng trưởng thị phần tư thục từ đầu thế kỷ 21; Việt Nam giữ tỷ trọng ổn định, còn Philippines bị suy giảm.

Ai quyết định “tư thục đến mức nào là vừa”?

Việt Nam là một điển hình cực đoan trong tiểu vùng và toàn cầu trong việc nhà nước quyết định tư thục bao nhiêu là vừa đủ, ít nhất là trong giai đoạn 1954-1989, và câu trả lời khi đó là không chấp nhận bất kỳ hình thức tư thục nào. Thoạt tiên đây là câu trả lời của miền Bắc Việt Nam ngay khi giành được độc lập từ Pháp, câu trả lời đó lan đến miền Nam khi miền Bắc chiến thắng vào năm 1975 và quốc hữu hóa toàn bộ đại học tư của miền Nam. Do đó, chúng ta có thể xem việc quốc hữu hóa năm 1975 là “cú quay ngoắt 180 độ” đầu tiên của Việt Nam do nhà nước định hướng (U-Turn là thuật ngữ được tác giả Quang Châu sử dụng trong bài viết tiếp theo trong số này). Chính quyền cũng là người quyết định cho lần quay ngoắt 180 độ thứ hai, khi cho phép mở trường “ngoài công lập” và đặt ra những quy định hạn chế, không cho phép các trường ngoài công lập này hình thành lợi nhuận. Sau đó, nhà nước cho phép và ban hành những điều khoản của cú quay ngoắt 180 độ khó tin tiếp theo để đại học tư Việt nam từ chỉ-phi-lợi-nhuận chuyển thành chỉ-vì-lợi-nhuận, qua mặt tất cả các quốc gia khác đang cho phép tồn tại song song cả hình thức vì lợi nhuận và phi lợi nhuận. Hiện nay, nhà nước đã quyết định cho phép đại học tư phi lợi nhuận hình thành bên cạnh vì lợi nhuận.

Như vậy, so với các quốc gia khác cùng trong tiểu vùng, và hầu hết trên thế giới, nhà nước Việt Nam giữ vai trò quyết định phạm vi của khu vực tư thục. Ban đầu, Việt Nam không chấp nhận bất kỳ hình thức tư thục nào, sau đó không chấp nhận tư thục vì lợi nhuận và trường tôn giáo, ngay cả đối với khu vực ngoài công lập; và hiện nay chấp nhận duy trì đại học tư phi lợi nhuận song song với đại học tư vì lợi nhuận, và mở rộng quyền tự chủ cho các đại học tư.

Ở Philippines, quy mô của khối tư thục được quyết định theo cách thức hoàn toàn khác. Quyết định bị chi phối bởi các lực lượng xã hội hùng mạnh, và sự can thiệp của chính quyền ở những mức độ khác nhau nhằm hạn chế hoặc tạo điều kiện cho các lực lượng tư nhân. Lịch sử đại học tư của Philippines – lâu đời hơn Việt Nam và hầu hết các tiểu vùng/khu vực khác – đóng vai trò then chốt. Giống với châu Mỹ Latinh hơn so với các quốc gia khác ở châu Á, chịu sự cai trị của chế độ thực dân Tây Ban Nha, do đó là công giáo, từ thế kỷ 16. Giống như ở Mỹ Latinh, các trường đại học của nhà thờ đều là trường bán công. Tuy nhiên, khác với Mỹ Latinh, khi sự cai trị của Tây Ban Nha kết thúc gần một thế kỷ sau đó và sau Chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ năm 1898, Philippines tiếp tục bị Mỹ cai trị (mặc dù là thành viên Khối thịnh vượng chung từ năm 1935), mà không có nền độc lập chính thức cho đến năm 1946.

Cả hai sự khác biệt này đã góp phần làm cho hầu hết các trường đại học thuộc địa Philippines trở thành trường tư nhân độc lập, trong khi phần lớn các trường ở Mỹ Latinh trở thành công lập. Sự cai trị của Hoa Kỳ góp phần thúc đẩy sự phát triển ban đầu của cả đại học tư công giáo và phi tôn giáo, bao gồm những trường vì lợi nhuận. Tóm lại, sau khi sự cai trị kéo dài của Tây Ban Nha giúp hình thành từ rất sớm khu vực đại học tư và đặc biệt là đại học tư công giáo, sự chiếm đóng của Hoa Kỳ đã kích thích phát triển một khu vực đa dạng hơn và định hướng kinh doanh, mở rộng quy mô cho khu vực “tư thục quá mức” ở Philippines. Do đó, các trường tư thục vì lợi nhuận và đại học tư quốc tế đều được thừa nhận trong phạm vi này. Trong khi nền độc lập của Việt Nam dẫn đến sự sụp đổ đại học tư, thì nền độc lập của Philippines sẵn sàng kế thừa một đại học tư quy mô lớn và đa dạng, bén rễ sâu trong xã hội, có những động lực mạnh mẽ, khó bị nhà nước kiểm soát, ngay cả khi một số quan chức muốn như vậy.

Ngoài ra, nhiều chính trị gia và gia đình họ, giống như ở Philippines và nhiều quốc gia khác, là chủ sở hữu hoặc có cổ phần trong các trường tư.

Tuy nhiên, bất chấp sự tương phản rất lớn giữa Philippines và Việt Nam trong việc các lực lượng xã hội và thị trường hay nhà nước quyết định quy mô của khu vực tư thục, hai quốc gia này cũng không nằm ngoài thực tế đương đại toàn cầu – các thế lực cạnh tranh giữ vai trò chính quyết định phạm vi. Do đó, ngay cả ở Philippines, những lo ngại về tiêu chuẩn và chính sách đồng nghĩa với cuộc đấu tranh liên tục giữa những quy định hiện tại và những đề xuất. Nhà nước Philippines cấm đại học tư vì lợi nhuận vào năm 1982, nhưng việc thúc đẩy những động lực ngoài công lập đã làm hồi sinh hợp pháp hình thức vì lợi nhuận vào năm 1994 bằng các quy định bổ sung. Đáng ngạc nhiên hơn, thậm chí Việt Nam cũng có đại học tư trên thực tế trước khi nhà nước ban hành văn bản hợp pháp hóa, và sau đó có đại học tư vì lợi nhuận trên thực tế trước khi nhà nước cuối cùng cũng nhận ra rằng công nhận chính thức hình thức này và thu thuế là lựa chọn tốt hơn. Ngoài ra, nhiều chính trị gia và gia đình họ, giống như ở Philippines và nhiều quốc gia khác, là chủ sở hữu hoặc có cổ phần trong các trường tư. Lợi ích cá nhân góp phần quyết định các chính sách quốc gia. Dù trước đây Việt nam có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc như cấm đại học tư hoạt động, nhiều năm sau đó đã cho phép mở đại học tư ở mức hạn chế và tiếp đến mở rộng hơn, và hiện nay Việt Nam cho phép các lực lượng tư nhân thâm nhập vào thị trường giáo dục đại học ngang hàng với các trường nhà nước (trong khi hình thức tư thục vì lợi nhuận chỉ cho phép thử nghiệm ở Trung Quốc).

Đông Nam Á sẽ tiếp tục là mặt trận chính định hình và quyết định quy mô đại học tư ở châu Á và toàn cầu. Đồng thời, Đông Nam Á cũng sẽ tiếp tục có những lời giải khác nhau cho bài toán tư thục đến mức nào là vừa, và ai có ảnh hưởng quyết định đến lời giải này trong mỗi quốc gia. Tuy nhiên, nhìn chung – và bất chấp những quy định thận trọng và hạn chế – các lực lượng kinh tế, xã hội và chính trị đã khiến Đông Nam Á có những đáp án tương đối thực tế cho bài toán tư thục đến mức nào là vừa.