Thay đổi vai trò hiệu trưởng đại học ở Kenya

Ishmael I. Munene là Giáo sư Khoa Lãnh đạo Giáo dục, Đại học Bắc Arizona, Hoa Kỳ. E-mail: Ishmael.Munene@nau.edu.

Tóm tắt: Trong các trường đại học công lập Kenya, hiệu trưởng là một vị trí mang tính hình thức. Tuy nhiên, nhiều người vẫn kỳ vọng rằng hiệu trưởng sẽ lãnh đạo các trường đại học đi theo những hướng cụ thể. Bối cảnh chính trị xã hội dẫn đến những thay đổi đối với vai trò hiệu trưởng trường đại học công lập ở Kenya cho thấy những mặt hạn chế khiến các hiệu trưởng khó thành công trong việc chuyển đổi các trường đại học.

Tiêu chí bổ nhiệm hiệu trưởng các trường đại học (University chancellor) ở Kenya luôn bị thay đổi, cho thấy chính phủ Kenya đã sử dụng vị trí này để ngăn cản quyền tự chủ và phá vỡ hệ thống chia sẻ quyền quản trị trong các trường đại học công. Mặc dù chính phủ nắm giữ ảnh hưởng thông qua tài trợ và bổ nhiệm người đứng đầu trường đại học, nhưng hiệu trưởng vẫn áp đặt một tầng kiểm soát và quản trị tinh tế đối với các định hướng chung của trường đại học. Những hiệu trưởng được chỉ định sẽ gửi thông điệp cụ thể về những hướng phát triển mà nhà nước mong muốn các trường đại học tuân theo, làm xói mòn quyền tự chủ và quyền ra quyết định đã được phân chia trong nội bộ. Mặc dù cuộc thảo luận này là về Kenya, nó có ý nghĩa toàn cầu vì sự cân bằng giữa tự chủ đại học và chính trị hóa là một vấn đề liên quan đến mọi quốc gia.

Theo truyền thống của Anh, hiệu trưởng trường đại học (chancellor) là người đứng đầu mang tính nghi thức. Người giữ danh hiệu này thường là một công dân nổi bật, một lãnh đạo doanh nghiệp hoặc lãnh tụ chính trị. Giữ quyền điều hành học thuật và quản trị trường đại học là phó hiệu trưởng (vice-chancellor). Là một thuộc địa cũ của Anh có trường đại học đầu tiên là chi nhánh của Đại học London, Kenya duy trì hình thức tổ chức này trong quản trị đại học. Hiệu trưởng của các trường đại học công lập là tỉnh trưởng hoặc người do ông ta chỉ định. Hiệu trưởng chủ trì các buổi lễ tốt nghiệp, có thể đưa ra lời khuyên cho hội đồng đại học để cải thiện hoạt động của trường đại học, và đưa ra khuyến nghị kiểm soát thanh tra trường.

Về lý thuyết hiệu trưởng là một vị trí mang tính nghi thức, nhưng trong thực tế các hiệu trưởng ở Kenya có thể và thậm chí được kỳ vọng sẽ chỉ đạo các trường đại học của họ đi theo những hướng phát triển cụ thể. Quyền lực này được nhấn mạnh trong ba giai đoạn thay đổi đặc trưng liên quan đến tiêu chí bổ nhiệm hiệu trưởng các trường đại học công lập ở đất nước này, cụ thể là Hiệu trưởng chính trị, Hiệu trưởng học thuật và Hiệu trưởng doanh nhân.

Hiệu trưởng chính trị

Hiệu trưởng chính trị được thừa nhận từ khi Kenya độc lập vào năm 1963 đến 2002, khi Tổng thống là hiệu trưởng của cả tám trường đại học công lập. Trong thời kỳ này, đảng chính trị Kỷ nguyên Độc lập nắm quyền, và cho đến năm 1992, Kenya là một quốc gia độc đảng chính trị, là nhà nước độc tài thực thi quyền thống trị trong cả lập pháp và tư pháp. Các tổ chức công đoàn và các hội nhóm phụ nữ cũng được đưa vào bộ máy chính trị nhà nước. Bất đồng chính trị phần lớn nảy sinh từ cộng đồng học thuật, những giáo sư và sinh viên lên tiếng phê phán nhà nước bị bỏ tù, bị lưu đày hoặc bị đuổi khỏi các trường đại học.

Hiệu trưởng- nguyên thủ quốc gia bổ nhiệm các thành viên hội đồng đại học và các phó hiệu trưởng, tất cả được lựa chọn trên cơ sở trung thành chính trị của họ đối với nhà nước. Các quản trị viên đại học này dẫn dắt trường đại học theo đường lối tư duy chính trị cụ thể, bao gồm sa thải những giảng viên có tiếng nói chính trị và trục xuất những sinh viên nghiêng về phe đối lập. Kiểm soát chính trị trong các trường đại học là mục tiêu của hiệu trưởng chính trị. Như quan sát của một học giả “sự phát triển của đại học… được hướng dẫn bởi các chỉ thị từ các ban bệ của Bộ Giáo dục hoặc Bộ Tài chính và Phát triển kinh tế, và từ hiệu trưởng của các trường đại học công lập”.

Hiệu trưởng học thuật

Năm 2003 chứng kiến sự thất bại chính trị của đảng Kỷ nguyên Độc lập cầm quyền. Điều này mở rộng không gian dân chủ với một nền tư pháp độc lập và cơ quan lập pháp tích cực. Người đứng đầu nhà nước mới từ chối làm hiệu trưởng của tất cả các trường đại học công lập, và theo quy định của luật về đại học công lập, đã bổ nhiệm những công dân nổi tiếng thay thế. Từ năm 2003 đến 2012, nguyên thủ quốc gia đã bổ nhiệm các cựu phó hiệu trưởng và người được ủy quyền của họ làm hiệu trưởng các trường đại học công lập. Những quyết định bổ nhiệm này diễn ra trong bối cảnh các trường đại học đối mặt với nhiều khó khăn: những thách thức trong quản trị và điều hành dẫn đến các cuộc đình công của sinh viên và giảng viên khiến cho hoạt động dạy và học bị gián đoạn; hạn chế trong tài chính và tài nguyên, bao gồm việc một số trường đại học không có khả năng tự tạo doanh thu nội bộ; và sự suy giảm tổng thể chất lượng học tập. Hơn nữa, các nhà tài trợ đa phương bên ngoài như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, các tổ chức từ thiện như Tổ chức Ford và Rockefeller yêu cầu thực hiện những cải cách cơ cấu để cải thiện quản trị, hiệu quả và trách nhiệm giải trình.

Đã có những kỳ vọng rằng các hiệu trưởng học thuật sẽ dẫn dắt các trường đại học chuyển đổi thành những tổ chức thịnh vượng trong bối cảnh của chủ nghĩa tân tự do. Điều này thất bại vì hai lý do. Thứ nhất, tầng lớp chính trị vẫn coi các trường đại học công là công cụ hợp pháp hóa chính trị. Các trường đại học công mở rộng mạnh mẽ trong giai đoạn này. Khoảng 70% (23 trường) trong số 33 trường đại học công lập hiện tại được thành lập trong năm học 2012-2013, bởi vì các nhóm dân tộc chính đều yêu cầu thành lập một trường đại học công trong khu vực của mình. Giải pháp chính trị không tính đến những hạn chế về nguồn lực và sự cần thiết ổn định hệ thống để nâng cao chất lượng. Thứ hai, các hiệu trưởng học thuật thiếu kinh nghiệm quản trị đại học trong bối cảnh phát triển đại học theo xu hướng tân tự do – tập trung vào việc tư nhân hóa và thương mại hóa các chương trình và dịch vụ đại học. Do đó các hiệu trưởng học thuật đã không thành công trong việc lãnh đạo trường đại học chuyển đổi.

Hiệu trưởng doanh nhân

Từ năm 2013 đến nay, các trường đại học công lập tiếp tục trải qua các cuộc khủng hoảng tài chính, quản lý và đổi mới ở mức độ chưa từng có, là những dấu hiệu báo trước về việc bổ nhiệm các hiệu trưởng doanh nhân. Hầu hết các trường đại học vẫn không thể tạo ra doanh thu bổ sung để bù đắp cho khoản trợ cấp chính phủ bị cắt giảm. Nhiều trường không còn khả năng tài chính và không thể thực hiện những nghĩa vụ tài chính cơ bản như thanh toán tiền lương và đóng góp vào quỹ hưu trí. Vào cuối năm 2019, nợ của các trường đại học công đạt mức 110 triệu đô la Mỹ. Trầm trọng không kém là sự bất minh về tài chính và nạn tham nhũng, điều này làm xói mòn thêm năng lực tài chính của các trường.

Những thách thức quản lý ngày càng hiện rõ.

Những thách thức quản lý ngày càng hiện rõ. Việc các trường đại học phải đóng cửa do các cuộc bãi khóa của sinh viên và giảng viên đã trở nên quá phổ biến. Hơn nữa, các trường đại học không thể phản ứng nhanh chóng trước khủng hoảng do bị mắc kẹt trong những thủ tục quan liêu, di sản của văn hóa quản lý trước đây vốn phụ thuộc hoàn toàn vào sự kiểm soát và nguồn kinh phí của nhà nước. Họ cũng thiếu sáng tạo, một ví dụ rõ ràng cho điều đó là sự thiếu vắng những khóa học liên ngành và ngành học khởi nghiệp trong các chương trình học thuật, và thiếu tư duy chiến lược cần thiết để nuôi dưỡng ý tưởng mới, tăng cường sáng tạo, khuyến khích hợp tác và thúc đẩy hòa nhập và đa dạng. Để khắc phục những thách thức này, từ năm 2013 các hiệu trưởng mới được bổ nhiệm chủ yếu là các chủ ngân hàng, doanh nhân, giám đốc điều hành của các tập đoàn và công ty bảo hiểm, các nhà công nghiệp và nhà từ thiện. Những hiệu trưởng doanh nhân này được kỳ vọng sẽ có các chỉ đạo cần thiết để các trường đại học chuyển đổi từ mô hình quản trị đại học sang văn hóa quản lý doanh nghiệp.

Các hiệu trưởng doanh nhân có thành công hơn các hiệu trưởng học thuật hay không vẫn là điều hoài nghi. Đặc thù của giáo dục đại học khác với kinh doanh và công nghiệp; kinh doanh được thúc đẩy bởi lợi nhuận, còn động lực của giáo dục đại học là tạo lập và phổ biến kiến thức. Văn hóa doanh nghiệp tập trung vào hiệu suất và giá trị, trong khi các trường đại học hướng đến hiệu quả và công bằng. Quản trị doanh nghiệp là từ trên xuống, trong khi các trường đại học đề cao hình thức chia sẻ quản trị. Ngoài ra, phần lớn các trường đại học có xu hướng chính trị, có khả năng tác động đến và bị tác động bởi chính trị quốc gia, trong khi các thực thể kinh doanh thường là phi chính trị. Trong những điều kiện tương phản này, rất ít khả năng các hiệu trưởng doanh nhân sẽ thành công trong việc chỉ đạo các trường đại học theo hướng cải cách mong muốn.

Thay vì loay hoay bên lề với các tiêu chí bổ nhiệm hiệu trưởng, chính phủ nên củng cố hệ thống quản trị đại học nội bộ thông qua hình thức phân chia trách nhiệm quản trị giữa các bên. Theo mô hình này, quản trị đại học được chia sẻ giữa một bên là hội đồng và các quản lý cấp cao, bên kia là giảng viên và sinh viên. Thông qua các đại diện của mình, sinh viên và giảng viên thực hiện trách nhiệm trong các lĩnh vực cụ thể của việc ra quyết định. Những lĩnh vực liên quan đến học thuật và đến sinh viên sẽ được hưởng lợi từ ý kiến đóng góp rộng rãi của giảng viên và sinh viên, trong khi tài chính và nhân sự được quản lý bởi các nhà quản trị. Mô hình này đảm bảo để tất cả các bên liên quan trong nội bộ trường đều tham gia vào việc lập kế hoạch và ra quyết định, do đó góp phần vào trách nhiệm giải trình.