Benedetto Lepori là Giáo sư tại Đại học Svizzera italiana ở Lugano, Thụy Sĩ và là Điều phối viên của dự án Đăng ký Giáo dục Đại học châu Âu (ETER – European Tertiary Education Register project) do Ủy ban châu Âu tài trợ. E-mail: blepori@usi.ch. Daniel Wagner-Schuster là Nghiên cứu viên tại Joanneum Rerearch, tham gia vào dự án ETER. E-mail: Daniel.Wagner-Schuster@joanneum.at. Báo cáo phân tích của ETER về Hệ thống đơn nhất và nhị phân trong Giáo dục đại học có thể tìm thấy tại https://www.eter-project.com/#/analytical-reports.
Tóm tắt: Một báo cáo được dự án Đăng ký Giáo dục Đại học châu Âu (ETER) công bố gần đây đã làm sáng tỏ những khác biệt mới trong cấu trúc của các hệ thống giáo dục đại học châu Âu. Mặc dù có thể phân chia thành hai loại hình phổ biến là hệ thống đơn và hệ thống kép, giáo dục đại học ở châu Âu cực kỳ thiếu đồng nhất trong khía cạnh phân phối sinh viên, ngành học và mức độ tham gia vào nghiên cứu.
Những trường như Đại học Cambridge, Học viện Cảnh sát Đức và Học viện Mỹ thuật Gdansk có điểm gì chung? Từ cái nhìn đầu tiên, chúng hoàn toàn khác nhau về nhiệm vụ cốt lõi, loại hình giáo dục và các môn học được giảng dạy. Tuy nhiên, bất chấp những khác biệt lớn, những trường nói trên vẫn có một số điểm tương đồng: cả ba trường này đều cung cấp văn bằng giáo dục bậc đại học và đều được nhận diện là một phần của cùng một hệ thống, thường được gắn nhãn là “hệ thống giáo dục đại học”. Các nhà cung cấp giáo dục ở bậc sau trung học phổ thông hoặc thậm chí ở bậc trung học đều cố gắng để được công nhận là những tổ chức giáo dục bậc cao hơn (cơ sở giáo dục đại học), với giả định rằng điều này mang lại lợi ích về vị thế, hấp dẫn được học viên và thu hút được nguồn lực từ các nhà tài trợ.
Những nhận xét này nêu bật sự phức tạp của những câu hỏi Giáo dục đại học là gì? Nó bao gồm những loại trường nào? Chúng ta có thể nhận diện các loại trường và chúng có phổ biến trong các hệ thống quốc gia hay không?
Trong bối cảnh châu Âu, những câu hỏi như vậy trở nên phức tạp hơn trong những thập kỷ qua do sự mở rộng và khác biệt hóa giáo dục đại học, từ cốt lõi là chỉ gồm những trường đại học định hướng nghiên cứu và đào tạo tiến sĩ trở thành một hệ thống đa dạng hơn nhiều. Ở một số quốc gia, những “trường đại học khu vực” được thành lập, trong khi các trường chuyên nghiệp ở bậc sau trung học, và thậm chí ở bậc trung học, ngày càng được tích hợp nhiều hơn vào giáo dục đại học. Thị trường hóa cũng mở ra không gian mới cho các đại học tư nhân, đặc biệt là ở những quốc gia thành viên mới của Liên minh châu Âu. Như kết quả của những động lực ấn tượng này, một nửa số đại học châu Âu có tên trong Sổ Đăng ký Giáo dục Đại học châu Âu được thành lập sau năm 1990.
Các quốc gia châu Âu đối phó với quá trình khác biệt hóa theo những cách khác nhau. Một số nước, như Đức và Hà Lan, thực hiện cải cách trên phạm vi rộng, tái cấu trúc giáo dục chuyên nghiệp thành khu vực thứ hai bao gồm các trường “cao đẳng” hoặc “trường đại học khoa học ứng dụng” (UAS – University of Applied Sciences), hình thành nên cái gọi là hệ thống “kép” hay “nhị phân”. Những quốc gia khác, chẳng hạn như Vương quốc Anh, quyết định mở rộng mác “trường đại học” cho cả giáo dục chuyên nghiệp, trong khi số khác cho phép các lực lượng thị trường tham gia vào cuộc chơi mà không can thiệp mạnh mẽ vào cấu trúc hệ thống.
Phân tích cấu trúc của hệ thống các cơ sở giáo dục đại học không chỉ là một chủ đề học thuật, mà còn được gắn liền với một số chủ đề cốt lõi về chính sách giáo dục đại học ở cấp quốc gia và châu Âu. Hầu hết các học giả sẽ đồng ý rằng một số mức độ khác biệt hóa là có lợi để đáp ứng những yêu cầu đa dạng như đạt được sự xuất sắc trong nghiên cứu quốc tế, mở rộng tiếp cận giáo dục đại học, đào tạo chuyên gia và thúc đẩy phát triển khu vực. Nhưng một vấn đề còn chưa rõ ràng là có nên tạo ra sự khác biệt bằng những chính sách can thiệp trực tiếp, như quy định các loại hình cơ sở giáo dục đại học – hay nên thông qua cạnh tranh thị trường.
Cung cấp bằng chứng thực nghiệm
Một vấn đề lớn trong cuộc tranh luận này là thiếu dữ liệu so sánh. Nhiều nghiên cứu đã đề xuất các loại hình trường đại học và/hoặc cấu trúc của các hệ thống giáo dục đại học, chủ yếu dựa trên quan sát và hiểu biết về các quốc gia khác nhau. Nhưng sự phân loại đơn giản theo tiêu chí đơn nhất hoặc nhị phân không phù hợp với sự phức tạp của những hệ thống giáo dục đại học quốc gia, trong hầu hết các trường hợp, không chỉ bao gồm một hoặc hai loại nói trên; ngoài ra, những hệ thống giáo dục đa dạng như hệ thống của Pháp, không thể xếp vào bất kỳ loại hình nào được đề xuất ở trên.
Một nghiên cứu mới được công bố bởi dự án Đăng ký Giáo dục Đại học Châu Âu (ETER) cung cấp một số hiểu biết hữu ích về vấn đề phức tạp này. ETER là một dự án được hỗ trợ bởi Ủy ban châu Âu, lần đầu tiên cung cấp một Hồ sơ đăng ký trường đại học hoàn chỉnh hợp lý ở châu Âu, thông tin mô tả và vị trí địa lý, cũng như dữ liệu về tài nguyên và hoạt động giáo dục và nghiên cứu được thu thập từ thống kê quốc gia (hiện tại của giai đoạn 2011-2016). Mặc dù có một số hạn chế về tính khả dụng và khả năng so sánh dữ liệu, đặc biệt là thông tin tài chính, ETER thể hiện sự tiến bộ chưa từng có về tính khả dụng của dữ liệu so sánh về cơ sở giáo dục đại học châu Âu.
Nghiên cứu cung cấp một phân tích so sánh cấu trúc của các hệ thống giáo dục đại học của tất cả các nước châu Âu. |
Dựa trên dữ liệu này, nghiên cứu cung cấp một phân tích so sánh cấu trúc của các hệ thống giáo dục đại học của tất cả các nước châu Âu. Nó được xây dựng dựa trên sự phân loại các cơ sở giáo dục đại học thành ba nhóm lớn: các trường đại học (đào tạo tiến sĩ), UAS và các tổ chức khác, như các trường nghệ thuật và âm nhạc. Nghiên cứu này cũng xem xét mức độ quan trọng của từng nhóm trường này từ khía cạnh số lượng sinh viên và thành phần sinh viên (theo bậc đào tạo và theo lĩnh vực đào tạo).
Nghiên cứu cho thấy một số kiểu mẫu, chẳng hạn như các đại học khoa học ứng dụng UAS có vai trò lớn hơn ở Bắc và Tây Âu so với các nước Nam và Đông Âu. Tuy nhiên, trong khi cách phân loại thông thường thành hệ thống đơn nhất và nhị phân vẫn có thể được áp dụng ở châu Âu, ở đây không có sự đồng nhất về phân bố và khác biệt hóa của các cơ sở giáo dục đại học. Ví dụ, 97% sinh viên ở Bulgaria đang theo học tại các trường đại học (Universities). Mặt khác, ở Hà Lan phần lớn thị trường giáo dục đại học (chủ yếu là chuyên nghiệp) được khai thác bởi các đại học khoa học ứng dụng UAS (chiếm 61% tổng số sinh viên). Latvia là một ví dụ khác về sự phân phối sinh viên, các trường khác, chẳng hạn như các học viện và các trường tư thục đào tạo chuyên nghiệp chiếm một thị phần khá lớn (34% tổng số sinh viên) so với các trường đại học và đại học khoa học ứng dụng. Báo cáo cũng cho thấy những khác biệt hệ thống về ngành đào tạo, các UAS và các cơ sở giáo dục đại học đào tạo chuyên sâu nhiều hơn các trường đại học. Về nghiên cứu, các trường đại học có nhiệm vụ nghiên cứu rõ ràng, trong khi đó, hoạt động này chỉ là một phần của các UAS và các tổ chức khác. Tám mươi chín phần trăm các trường đại học có tên trong hồ sơ dữ liệu của ETER đang thực hiện hoạt động nghiên cứu, điều này cũng đúng với 72% UAS và 33% các tổ chức khác.
Các động lực lịch sử, từ dữ liệu nghiên cứu về năm thành lập, cũng rất khác nhau theo từng thể loại cơ sở giáo dục đại học. Trong khi một số trường đại học ra đời từ thời Trung cổ và một số lượng lớn được thành lập vào những năm 1950 và 1960, hầu hết các UAS và nhiều trường khác được thành lập sau năm 1970, tạo thành làn sóng mở rộng giáo dục đại học thứ hai.
Để tiếp tục, nghiên cứu này sẽ được hoàn thiện bằng cách phát triển một bảng phân loại chi tiết hơn, có tính đến ba khía cạnh hoạt động về đào tạo, nghiên cứu và sứ mệnh thứ ba thể hiện qua những đặc điểm theo quy định (tên gọi chính thức và quyền cấp bằng tiến sĩ), sứ mệnh của trường , thông tin tự giới thiệu và hồ sơ hoạt động thực sự được ghi nhận. Điều này sẽ cho phép nhận định chính xác hơn về sự đa dạng của các hệ thống giáo dục đại học quốc gia ở châu Âu.