Quy mô các trường đại học ở Thổ Nhĩ Kỳ

Oğuz Esen là Giáo sư kinh tế và là Cựu Hiệu trưởng của Đại học Kinh tế İzmir, İzmir, Thổ Nhĩ Kỳ. E-mail: oguz.esen@ieu.edu.tr.

Tóm tắt: Trong những năm gần đây, giáo dục đại học áp dụng rộng rãi phương thức sáp nhập và hợp nhất để tạo ra những trường đại học mạnh hơn, cạnh tranh hơn trong quá trình chuyển đổi từ đại chúng sang phổ cập. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này ở Thổ Nhĩ Kỳ lại đi theo hướng ngược lại. Ban đầu, một số trường đại học công lập chuyên sâu, quy mô nhỏ được thành lập, và gần đây những trường đại học mới được thành lập bằng cách chia tách những trường đại học quy mô lớn đã có. Mô hình phổ cập đòi hỏi một tầm nhìn toàn diện hơn.

Năm 2018, 15 trường đại học công lập mới được thành lập tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thoạt nhìn, dường như đây là một làn sóng mở rộng giáo dục đại học mới, như chúng ta vẫn chứng kiến từ những năm 1980. Có ba yếu tố khiến chính sách này thu hút sự chú ý. Đầu tiên là việc các trường đại học công được thành lập bằng cách tách khỏi những trường đang có, đó là trường hợp của 14 trong số 15 trường mới. Thứ hai, bước phát triển này diễn ra đồng thời với những xu hướng gần đây ở các nhóm nước có thu nhập cao, thu nhập thấp và thu nhập trung bình nhằm tái tổ chức và tái cấu trúc hệ thống giáo dục đại học của họ, thông qua sáp nhập và hợp nhất trong quá trình chuyển đổi từ đại chúng sang phổ cập; nói cách khác, giáo dục đại học của Thổ Nhĩ Kỳ đang đi ngược với xu hướng thế giới. Trong hoạt động tái cấu trúc quy mô lớn này, việc chia tách các trường làm ảnh hưởng đến 1/3 số sinh viên đang học đại học chính quy. Yếu tố cuối cùng là – theo tôi biết – ngày nay không quốc gia nào khác tiến hành một hoạt động có quy mô đáng kể như vậy.

Thổ Nhĩ Kỳ có hệ thống giáo dục đại học lớn thứ sáu trên thế giới, với 7,8 triệu sinh viên trong năm 2019, 129 trường đại học công lập và 73 trường tư thục phi lợi nhuận. Các trường đại học tư thục quy mô nhỏ hơn chiếm khoảng 15% tổng số sinh viên theo học trực tiếp. Một số trường đại học tư thục uy tín đạt được những tiêu chuẩn đủ mức cạnh tranh với các trường đại học công lập lâu đời, nhưng phần lớn vẫn giữ vai trò là những tổ chức “hấp thụ nhu cầu”. Kinh nghiệm của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mở rộng giáo dục đại học quá nhanh trong khi thiếu tầm nhìn rộng hơn cung cấp một vài gợi ý cho những quốc gia đang đối mặt với những thách thức tương tự.

Thổ Nhĩ Kỳ có hệ thống giáo dục đại học lớn thứ sáu trên thế giới, với 7,8 triệu sinh viên trong năm 2019.

Mở rộng nhanh chóng

Vào những năm 1980, giáo dục đại học Thổ Nhĩ Kỳ có thể được mô tả như một hệ thống tinh hoa, với vài cơ sở giáo dục đại học và tỷ lệ học đại học (GER – Gross Enrolment Rate) dưới 10%. GER đã vượt qua ngưỡng 15% vào năm 1992 và đạt 50% vào năm 2010. Giáo dục từ xa đóng góp phần lớn vào sự mở rộng to lớn này. Tỷ lệ học từ xa liên tục tăng, từ 11% vào giữa những năm 1980 lên 51% vào năm 2019, tăng trung bình khoảng 40% trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, ngay cả khi không tính đến giáo dục từ xa, tốc độ mở rộng giáo dục đại học vẫn rất đáng chú ý.

Hệ thống giáo dục đại học Thổ Nhĩ Kỳ được tổ chức lại một cách triệt để ngay trước khi chuyển từ tinh hoa sang giáo dục đại học đại chúng. Chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi này là hai bước phát triển rất quan trọng. Năm 1981, tương đối sớm so với nhiều quốc gia khác, Hội đồng Giáo dục Đại học được thành lập như một cơ quan tự trị chịu trách nhiệm giám sát mọi cơ sở giáo dục đại học. Thứ hai, sau khi bãi bỏ hệ thống nhị phân – phân biệt các trường đại học với các học viện, trường đào tạo giáo viên và nhạc viện – một số tổ chức loại thứ hai được sáp nhập để thành lập các trường đại học, trong khi những số khác được chuyển đổi thành các khoa (viện) và trực thuộc các trường đại học trong khu vực; tám trường đại học mới được thành lập. Bước phát triển này dẫn đến sự xuất hiện của những trường đại học toàn diện hơn, phù hợp với xu hướng đang thống trị toàn cầu là chuyển đổi từ tinh hoa sang giáo dục đại học đại chúng.

Trước những năm 1980, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có một vài trường đại học, và đều nằm ở các thành phố chính, chi nhánh của họ ở những khu vực khác là những khoa và trường dạy nghề được chính quyền địa phương cho phép hoạt động. Năm 1992, 23 trường đại học công lập mới được thành lập, và GER tăng lên như đã đề cập ở trên. Trong làn sóng mở rộng thứ hai này, một chiến lược khác được đưa ra: Chính phủ tổ chức lại những khoa và trường dạy nghề đang trực thuộc các trường đại học, để hình thành những tổ chức mới, hoàn toàn độc lập ở mỗi thành phố.

Chuyển từ đại chúng sang phổ cập

Đầu những năm 2000, vấn đề trọng tâm trong giáo dục đại học của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là cơ hội tiếp cận đại học của thanh niên. Khi lên nắm quyền vào năm 2002, Đảng Công lý và Phát triển đặt ra mục tiêu thành lập ít nhất một trường đại học công ở mỗi tỉnh. Vào thời điểm đó, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có 53 trường đại học công lập cho 81 tỉnh. Trong làn sóng mở rộng thứ ba ở giai đoạn 2006-2008, chính phủ đã thành lập 39 trường đại học công mới, tăng khu vực công lên thành 94 trường. Những trường đại học mới được đặt tại những thành phố tương đối nhỏ và kém phát triển. Điều này tạo ra một thách thức mới vì sự thiếu hụt giảng viên nói chung và khó tuyển dụng được giảng viên chất lượng cao cho những địa điểm kém phát triển. Làn sóng mở rộng này dẫn đến sự gia tăng 17% tổng năng lực giáo dục đại học.

Tiến trình Bologna diễn ra đồng thời với sự chuyển đổi của giáo dục đại học Thổ Nhĩ Kỳ sang phổ cập. Tất cả các trường đại học công và tư hiện nay đều có chương trình giảng dạy phù hợp với mục tiêu của Bologna. Tiến trình Bologna cải thiện một số vấn đề chất lượng mới nảy sinh do sự mở rộng nhanh chóng. Tuy nhiên, trái với nhu cầu phổ cập tiếp cận, 20 trường đại học công mới thành lập, quy mô nhỏ, chuyên ngành – tập trung vào các lĩnh vực như: Mỹ thuật, Âm nhạc, Y tế, Khoa học Hồi giáo, Khoa học Xã hội và Khoa học Kỹ thuật và Ứng dụng – chỉ giúp tăng tỷ lệ sinh viên đại học thêm 3%.

Tạm biệt mở rộng nhanh chóng, hoan nghênh hợp nhất

Năm 2018, 14 trường đại học mới ra đời bằng cách chia tách những trường đại học đang có đã mở ra một kỷ nguyên mới. Điều này làm tăng số lượng các trường đại học, nhưng năng lực tổng thể của ngành tăng không đáng kể. Lý do đằng sau chính sách này là gì? Những biện pháp này nhằm giải quyết những vấn đề nào?

Câu trả lời đầu tiên xuất hiện trong đầu là để quản lý hiệu quả; những trường đại học có quy mô nhỏ dễ quản lý hơn. Tuy nhiên, điều này không đúng với các trường đại học Thổ Nhĩ Kỳ, bởi vì số lượng sinh viên trung bình, tính cả các trường đại học tư, chỉ ở mức 19 ngàn sinh viên một trường. Trong ba thập kỷ, số lượng sinh viên học tập trực tiếp tăng gấp chín lần, nhưng quy mô của các trường đại học chỉ tăng 1,4 lần.

Nghiên cứu các trường hợp sáp nhập trong giáo dục đại học đã chỉ ra rằng quy mô lớn hơn mang lại nhiều lợi thế kinh tế, như hiệu quả về chi phí, tăng chất lượng nghiên cứu, mở rộng nguồn tài năng và cải thiện danh tiếng trong nước và quốc tế. Do đó, không rõ việc chia tách các tổ chức giáo dục đại học Thổ Nhĩ Kỳ thành các đơn vị nhỏ hơn có thể tăng hiệu quả hoặc chất lượng của hệ thống, hoặc cải thiện danh tiếng và khả năng cạnh tranh của nó theo cách nào.

Một số dấu hiệu cho thấy trong 5 năm qua, việc mở rộng tuyển sinh đã bắt đầu chậm lại. Có thể sự giảm sút này sẽ là vĩnh viễn, chủ yếu là do sự suy giảm tăng trưởng dân số ở độ tuổi đại học. Nếu đúng như vậy, một thời kỳ hợp nhất kéo dài đang chờ đợi hệ thống giáo dục đại học Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày nay, giáo dục đại học Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng ở ngã ba đường. Con đường phổ cập tiếp cận đòi hỏi một tầm nhìn toàn diện hơn để đảm bảo các trường đại học mạnh hơn, cạnh tranh hơn thông qua hợp nhất, cải cách chương trình giảng dạy bao gồm giáo dục đại cương và cải thiện giáo dục trung học để tạo sự liên kết chặt chẽ hơn với giáo dục đại học.