Tommy Shih là Cố vấn về chính sách tại Quỹ Quốc tế hóa Nghiên cứu và Giáo dục Đại học của Thụy Điển, và là Cố vấn cao cấp về chiến lược quốc tế hóa tại Đại học Lund. E-mail: tommy.shih@stint.se.
Tóm tắt: Những trường đại học đang nhắm tới hoạt động nghiên cứu phù hợp cần phải quốc tế hóa. Điều này tạo ra các cơ hội, nhưng cũng gây ra nhiều xung đột với các chuẩn mực và thực tiễn nghiên cứu. Để quốc tế hóa việc nghiên cứu một cách thích hợp cần có một bộ công cụ mới.
Trong thập kỷ qua, chiến lược của các trường đại học trên toàn thế giới dành nhiều sự quan tâm hơn cho quốc tế hóa. Quốc tế hóa hoạt động nghiên cứu là những hoạt động và quy trình tìm cách tích hợp khía cạnh toàn cầu nhằm nâng cao tác động và chất lượng của nghiên cứu. Kinh nghiệm cho thấy quốc tế hóa đã chứng tỏ có một số tác động tích cực đối với nghiên cứu, như năng suất và chất lượng tốt hơn, các phát minh được tăng cường phổ biến, các nguồn lực được tiếp cận rộng, các ý tưởng được chú trọng nuôi dưỡng và trao đổi. Mặc dù ai cũng thừa nhận rằng quốc tế hóa đã tạo ra giá trị gia tăng cho các tổ chức nghiên cứu và giáo dục đại học trong mỗi quốc gia, nhưng gần đây nó cũng trở thành mối quan tâm chiến lược ở cấp quốc gia và cấp trường, do tính đa dạng rộng lớn của những quốc gia đang tham gia vào những hoạt động khoa học cao cấp và chất lượng cao. Một số trong số này không được coi là những quốc gia có truyền thống khoa học mạnh.
Đặc biệt, Trung Quốc đang nổi bật giữa đám đông. Ngày nay, Trung Quốc là nước có số lượng công bố khoa học lớn nhất trên thế giới và là đối trọng của Hoa Kỳ và châu Âu trong nhiều lĩnh vực, cũng như về chất lượng. Trung Quốc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển nhiều hơn so với Liên minh châu Âu. Trung Quốc không phải là nước duy nhất gia tăng nhanh chóng số lượng đầu ra nghiên cứu. Các nước như Ấn Độ, Qatar, Pakistan, Ả Rập Saudi, Singapore, Hàn Quốc và một số quốc gia khác cũng nhanh chóng nâng cao năng lực khoa học cua mình. Những tiến bộ này thu hút sự chú ý của giới hàn lâm và chính khách ở châu Âu, và trở thành chủ đề của nhiều cuộc thảo luận cả ở tầm quốc gia lẫn đa phương.
Nhận thức ngày càng tăng ở châu Âu
Gần đây, các cơ quan quản lý đại học ở châu Âu đã phải nâng cao nhận thức và triển khai hành động trong nhiều lĩnh vực liên quan đến quốc tế hóa nghiên cứu, như quy định về kiểm soát xuất khẩu, các vấn đề an ninh quốc gia, quy định về dữ liệu, việc xuất khẩu những nghiên cứu phi đạo đức sang các nước kém phát triển… Không chỉ riêng Hoa Kỳ, những nước khác trên thế giới cũng có nhu cầu giải quyết những vấn đề này một cách có tổ chức. Tại Thụy Điển, các đại diện của giới hàn lâm, xã hội dân sự và chính phủ đều thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng về sự cần thiết thực hiện quốc tế hóa một cách có trách nhiệm. Bộ máy quản trị của các trường đại học đặc biệt chú trọng đến sự cần thiết đánh giá những thách thức và cơ hội liên quan đến hợp tác quốc tế. Nhu cầu này đặc biệt thích đáng khi xem xét hợp tác với các đối tác ở những quốc gia có hệ thống nghiên cứu đang phát triển nhanh chóng hoặc có tiền lệ tham nhũng hoặc vi phạm nhân quyền, hoặc những nước không được quản lý một cách dân chủ.
Gần đây, mạng lưới các trường đại học nghiên cứu chuyên sâu ở Thụy Điển gồm Đại học Lund, Viện Karolinska và Viện Công nghệ Hoàng gia KTH, cùng với Quỹ Quốc tế hóa Nghiên cứu và Giáo dục Đại học Thụy Điển, đã cùng làm việc để đưa ra những hướng dẫn quốc tế hóa có trách nhiệm và thúc đẩy các nhà nghiên cứu cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi tìm kiếm quan hệ hợp tác trong bối cảnh quốc tế. Hướng dẫn này đặc biệt chú trọng đến sự hợp tác với những quốc gia bị cai trị bởi một chính quyền độc tài, hoặc có hệ thống nghiên cứu phát triển quá nhanh. Trong những quan hệ hợp tác loại này, điều đặc biệt quan trọng là phải cân bằng lợi ích với những rủi ro liên quan đến công việc trong môi trường như vậy. Mặc dù sự hợp tác thường được hình thành giữa các cá nhân, nhưng ở đây chúng ta phải ý thức rằng hoạt động nghiên cứu được nhúng trong bối cảnh các trường với những chuẩn mực và quy định rất khác nhau. Một số rủi ro liên quan đến các lĩnh vực khác nhau đã được xác định. Qua trao đổi với các nghiên cứu viên, nhân viên hành chính và cán bộ quản lý đại học ở Thụy Điển, tôi nhận thấy họ quan tâm nhiều nhất đến những rủi ro thực tế đe dọa sự an toàn cá nhân của các đối tượng thử nghiệm hoặc nghiên cứu viên; việc chuyển những nghiên cứu phi đạo đức sang các nước kém phát triển; lưỡng dụng công nghệ; tự do học thuật bị hạn chế; nguy cơ bị tổn hại danh tiếng của các trường đại học hoặc nghiên cứu viên; và cảm giác tội lỗi (vì làm việc với các nhà nghiên cứu từ những nước nhất định).
Những rủi ro như thế tất nhiên không chỉ hiện diện trong quan hệ hợp tác với các nghiên cứu viên từ những quốc gia mới nổi về khoa học, chúng có thể liên quan đến việc hợp tác với các nghiên cứu viên từ những nước phương Tây có thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hệ thống nghiên cứu đôi khi đi kèm với sự chậm trễ trong quy định và thiếu kinh nghiệm trong xử lý, ví dụ, vi phạm đạo đức hoặc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hơn nữa, những quốc gia độc tài thường bị chỉ trích vì hạn chế tự do học thuật và thiếu tôn trọng quyền con người. Tuy nhiên, chỉ những điều kiện này không nên là lý do để hạn chế hợp tác khoa học toàn cầu, ngoại trừ những trường hợp rõ ràng, ví dụ sự hợp tác vi phạm đến nhân quyền, tự do học thuật bị ảnh hưởng hoặc đối tượng thử nghiệm bị nguy hiểm trực tiếp.
Giải pháp dài hạn phải là duy trì biên giới mở và tự do thực hiện khoa học – với các hoạt động nghiên cứu có trách nhiệm. |
Cách tiếp-cận-hướng-cấu-trúc
Giải pháp dài hạn phải là duy trì biên giới mở và tự do thực hiện khoa học – với các hoạt động nghiên cứu có trách nhiệm. Lịch sử cho thấy không thể thiếu điều này nếu muốn thúc đẩy khoa học vì lợi ích nhân loại và tìm giải pháp cho những thách thức toàn cầu. Tuy nhiên, không nên bỏ qua những thách thức hiển nhiên mà chúng ta đang phải đối mặt trong bối cảnh khoa học đa dạng hơn và ranh giới giữa khoa học, chính trị và kinh doanh mờ nhạt hơn. Ngày nay, quốc tế hóa cần phải được thực hiện theo cách có hiểu biết và trách nhiệm hơn – cả ở tầng cá nhân các nghiên cứu viên. Về mặt này, một số khía cạnh quan trọng mà mạng lưới các trường đại học Thụy Điển cần xem xét là: hợp tác với ai, vì sao và như thế nào; tính tự chủ của trường; bối cảnh văn hóa xã hội; bối cảnh pháp lý; và đạo đức trong nghiên cứu.
Các trường đại học và đội ngũ quản lý trường cần nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc thiết lập một môi trường thuận lợi, đầy đủ thông tin và cấu trúc rõ ràng để các nhà nghiên cứu tham gia vào hợp tác quốc tế. Cần một quy trình được thiết kế mạch lạc, sự hỗ trợ hành chính và các nguồn lực để xác định, đánh giá, xử lý và giám sát các cơ hội và rủi ro của hợp tác quốc tế. Thay vì lập ra các rào cản, các trường đại học cần tiến về phía trước bằng cách tăng cường sự hiểu biết và năng lực quản lý quốc tế hóa, nhằm giảm thiểu rủi ro và tăng thêm cơ hội để các bên hợp tác cùng được lợi.