Karol Mark R. Yee là Học viên Tiến sĩ tại Đại học Cambridge, Vương quốc Anh, là Nghiên cứu viên cao cấp tại Đại học Philippines, và là Cộng tác viên của PROPHE. E-mail: kmry2@cam.ac.uk.
Tóm tắt: Giáo dục đại học tư thục ở Philippines là một trong những khu vực tư thục lớn nhất và lâu đời nhất thế giới – trên thực tế, gồm hai khu vực: vì lợi nhuận và phi lợi nhuận. Trong bối cảnh khu vực công lập liên tục mở rộng, học phí trong khu vực công bị bãi bỏ và thị trường giáo dục đại học mở cửa cho nước ngoài, các tổ chức tư nhân phải vật lộn với những thay đổi trong vai trò của họ. Bài viết này bàn về sự phát triển của các khu vực tư nhân, so sánh chúng với khu vực công và với nhau.
Sự nổi tiếng lâu đời của giáo dục đại học tư nhân ở Philippines và sự xuất hiện của hai khu vực tư thục khác nhau có nguồn gốc lịch sử lâu dài. Là kết quả của di sản thuộc địa Tây Ban Nha, các tổ chức giáo dục đại học tiên phong của Philippines được thành lập bởi các tổ chức công giáo, đầu tiên là Đại học Santo Tomas năm 1611 và Đại học Ateneo de Manila vào năm 1621. Trong thời kỳ Mỹ chiếm đóng, xuất hiện thêm các trường đại học công lập như Đại học Sư phạm Philippine (1901) và Đại học Philippines (1908), các đại học tư thục vì lợi nhuận như Đại học Quốc gia (1900) và Đại học Centro Escolar (1907), các trường phi lợi nhuận như Đại học Jose Rizal (1919); và các trường phi lợi nhuận Tin lành được thành lập bởi các nhà truyền giáo Mỹ, nổi bật nhất là Đại học Silliman (1901).
Để đáp ứng sự phát triển của các đại học tư thục, Luật Công ty (1906) và Luật Trường tư (1917) đã cung cấp khuôn khổ ban đầu cho việc thành lập và quản trị các trường tư. Do đó, chỉ trong vài năm sau khi Tây Ban Nha rút đi, giáo dục đại học Philippines đã có cấu trúc cơ bản tương tự như hiện nay: một khu vực tư nhân phong phú và đa dạng song song với khu vực công đang phát triển. Kể từ đó, hiến pháp Philippines đã có những quy định đối với giáo dục tư thục (1987). Tuy nhiên, những quy định này nhấn mạnh đến “vai trò bổ sung cho nhau của các trường công lập và tư thục”. “Bổ sung” vẫn là một chuẩn nguyên tắc thống nhất, ngụ ý về mối quan hệ hài hòa giữa công và tư, mỗi khu vực thực hiện vai trò phù hợp nhất của mình và tăng cường “lợi ích cho công chúng”. Tuy nhiên, trên thực tế, các cuộc tranh luận liên tục nảy sinh về việc vai trò nào thực sự vì lợi ích công chúng và vai trò nào phục vụ lợi ích “tư nhân”, trong sự hoài nghi rằng lợi nhuận được ưu tiên hơn chất lượng. Tính bổ sung song hành với sự cạnh tranh và xung đột mạnh mẽ.
Những thách thức trong việc đưa ra tiêu chuẩn và chính sách đối với một hệ thống “tư thục quá mức”
Khi khu vực tư thục mở rộng, các chính sách được hình thành thường là sự phản ứng trước những nhu cầu mới xuất hiện, đôi khi là để giải quyết những xung đột lợi ích. Năm 1982, luật pháp chỉ cho phép thành lập mới các trường đại học tư thục theo hình thức công ty phi cổ phần. Tuy nhiên, chính sách này đã chết yểu, luật năm 1994 một lần nữa cho phép thành lập các tổ chức giáo dục cổ phần, nhưng để đề phòng những tổ chức này trở thành “tư thục quá mức”, đồng thời áp dụng những biện pháp kiểm soát chặt chẽ, chỉ cho phép họ đào tạo những ngành học đòi hỏi nhiều vốn đầu tư, và không cho phép nhận bất kỳ hình thức trợ cấp trực tiếp nào từ chính phủ. Gần đây, việc tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các hình thức đại vì lợi nhuận (ví dụ: ABE International College, STI), sự gia nhập của các tập đoàn lớn trong nước (ví dụ, Ayala và PHINMA Corporation), và mối nghi ngờ liệu các tổ chức phi lợi nhuận hợp pháp có thực sự phi lợi nhuận hay không, đã thúc đẩy nhà nước đưa ra những quy định nhằm quản lý việc chuyển nhượng, sáp nhập và mua lại đại học, và xem xét tăng thuế đối với các đại học tư nhân vì lợi nhuận, đồng thời giảm những ưu đãi mà chính phủ hiện đang cấp cho các trường vì lợi nhuận.
Những quy định mang tính hạn chế cùng với việc giáo dục đại học công lập liên tục mở rộng, đã khiến khu vực tư thục thu hẹp nhanh chóng: từ chỗ chiếm khoảng 80% thị phần năm 1990 xuống 70% vào năm 2000, và chỉ còn 56% vào năm 2015 – tình trạng này diễn ra trước khi pháp luật năm 2017 bãi bỏ học phí ở khu vực công. Thậm chí chính sách công ở các cấp học khác cũng ảnh hưởng đến quy mô đại học tư; việc chương trình giáo dục trung học kéo dài thêm hai năm (thêm lớp 11 và 12) đã khiến nhiều cơ sở giáo dục đại học tư nhân lâm vào tình thế rủi ro vì đột ngột thiếu hụt đầu vào; năm 2018, tuyển sinh giảm 11% trên toàn quốc và 15% tại các trường tư.
Philippines vẫn là một cường quốc về giáo dục đại học tư thục với khu vực phi lợi nhuận rất mạnh mẽ |
Bất chấp tất cả những điều này Philippines vẫn là một cường quốc về giáo dục đại học tư thục với khu vực phi lợi nhuận rất mạnh mẽ trong số những quốc gia Đông Nam Á và những quốc gia châu Á khác có giáo dục đại học tư thục chiếm ưu thế. Được hỗ trợ đặc biệt bởi nền tảng công giáo mạnh mẽ, các trường phi lợi nhuận tiếp tục vượt trội so với các trường vì lợi nhuận về số lượng sinh viên, tương ứng 34% và 21% tổng số sinh viên của Philippines. Trong năm 2015, trong số 2388 trường đại học trong nước, 1262 trường được phân loại là phi lợi nhuận (53%), tiếp theo là 683 công lập (29%), và sau đó là 443 vì lợi nhuận (19%). Điều đáng chú ý là trong khu vực phi lợi nhuận các trường nhỏ (dưới 2000 sinh viên) chiếm đa số. Không có gì đáng ngạc nhiên, phần lớn các đại học vì lợi nhuận tập trung ở những khu vực đông dân nhất của đất nước: trong khu vực Greater Metro Manila, cũng như Cebu và Davao.
Thực tế và cải cách
Trong khi người Philippines chắc chắn vẫn tiếp tục tranh luận cả về thế nào là sự cân bằng thực tế và về việc công lập và tư thục nên bổ sung cho nhau và cạnh tranh thế nào, một thực tế rõ ràng là những khu vực này thực hiện những vai trò rất khác nhau. Dữ liệu về các chương trình đào tạo minh họa cho điều này; theo đó, đại học công lập phục vụ phần lớn nhu cầu đối với những chương trình đào tạo đắt tiền về nông nghiệp và khoa học tự nhiên, trong khi đại học tư nhân giới hạn ở những chương trình có chi phí thấp hơn và những ngành học trong lĩnh vực thương mại; các đại học vì lợi nhuận tập trung vào các ngành quản lý khách sạn và nhà hàng, du lịch và điều dưỡng, các trường phi lợi nhuận cung cấp các chương trình về nhân văn, mỹ thuật ứng dụng và khoa học xã hội.
Mối lo ngại lớn nhất là liệu lợi nhuận có mối quan hệ với chất lượng hay không. Tuy nhiên, nghiên cứu ban đầu cho thấy quan hệ giữa hai khía cạnh này có thể không đơn giản: dữ liệu từ các kỳ thi cấp bằng năm 2016 cho thấy sinh viên của những trường nhỏ, vì lợi nhuận trong khu vực tư nhân đạt điểm thấp nhất (mặc dù không nhiều), sinh viên của các trường lớn, phi lợi nhuận đạt điểm cao nhất, nhưng điểm số tương quan với quy mô của trường nhiều hơn là với hình thức pháp lý.
Theo báo cáo của một tổ chức uy tín là Ủy ban Quốc hội về Giáo dục (1991-1993) – báo cáo này mở đường cho việc tổ chức lại ngành giáo dục Philippines theo cấu trúc hiện tại – những cuộc thảo luận về giáo dục đại học nhấn mạnh đến sự tăng trưởng không có kế hoạch của các đại học công lập, điều này tạo ra sự cạnh tranh đáng kể đối với khu vực tư nhân lâu đời; và chỉ ra sự trùng lặp của các chương trình đào tạo. Tuy nhiên, cả hai vấn đề vẫn tồn tại đến ngày hôm nay. Ngoài ra, cộng thêm vào những thách thức dai dẳng là những thách thức mới nảy sinh từ những quy định luật pháp được ban hành gần đây. Đạo luật Giáo dục Đại học Chất lượng năm 2017 cung cấp những chương trình hỗ trợ tài chính chưa từng có cho sinh viên và Đạo luật Giáo dục Đại học Xuyên Quốc gia năm 2019 cho phép các đại học nước ngoài tham gia vào thị trường giáo dục Philippines. Những chính sách như vậy một lần nữa khơi mào những cuộc tranh luận về cái được cho là sự bổ sung lẫn nhau giữa các tổ chức công lập và tư thục. Người ta hy vọng rằng những cuộc tranh luận này sẽ tạo ra sự hiểu biết lớn hơn về khu vực tư nhân đa dạng, bao gồm cả về quy mô của nhóm vì lợi nhuận và phi lợi nhuận. Điều chắc chắn hơn là những thực tế phát triển và chính sách sẽ tiếp tục định hình giáo dục đại học tư thục vì lợi nhuận và phi lợi nhuận ở Philippines – và thử thách khả năng sống còn lâu dài của hai khu vực này.