Simon Morris-Lange là Phó ban nghiên cứu, SVR Migration, Đức. E-mail: morris-lange@auss-migration.de. Cornelia Schu là Giám đốc quản lý tại SVR Migration. E-mail: schu@auss-migration.de.
Tóm tắt: Các trường đại học ở một số khu vực nhất định trong nước Đức đang phải đối mặt với những thử thách do số lượng tuyển sinh trong nước ngày càng giảm. Những trường đại học khác trên khắp nước Đức và ở những quốc gia châu Âu khác sẽ sớm gặp phải vấn đề tương tự. Các trường đại học và các đối tác của họ nên cung cấp cho sinh viên quốc tế những lựa chọn tiếp cận giáo dục đại học linh hoạt hơn, cũng như sự hỗ trợ liên quan trong quá trình học tập và chuyển tiếp từ học tập sang làm việc.
Các trường đại học tại Đức đang có số lượng sinh viên theo học lớn nhất từ trước đến nay. Nhưng những tài năng trẻ này phân bổ không đồng đều trên cả nước. Trong nghiên cứu gần đây của chúng tôi có tên Chống lại sự suy giảm nhân khẩu học – làm thế nào để các trường đại học Đức đang thiếu sinh viên có thể thu hút và giữ chân sinh viên quốc tế, chúng tôi nhận thấy 1/6 trong số 263 trường đại học công và đại học khoa học ứng dụng của Đức đang có số lượng sinh viên theo học ít hơn so với năm 2012. Nguyên nhân là sự thay đổi nhân khẩu học. Tỷ lệ sinh giảm và dân số suy giảm tại một số vùng của Đức cũng có nghĩa là ở một số khu vực số lượng sinh viên trong nước giảm đi. Nói cách khác, đó là lý do vì sao 41 trường đại học đang ngày càng ít sinh viên – và xu hướng này đang gia tăng. Sự suy thoái này làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt kỹ năng trong thị trường lao động Đức, điều này đã có thể cảm nhận được ở một số ngành, ví dụ ngành kỹ thuật cơ khí.
Tuyển sinh quốc tế
Những trường đại học của Đức đang bị giảm sút tuyển sinh phản ứng theo những cách khác nhau trước sự sụt giảm số lượng sinh viên trong nước. Trong số đó, 26 trường có số lượng sinh viên trong nước giảm đi, nhưng số lượng sinh viên quốc tế tăng lên. Trong những năm từ 2012 đến 2017, sự gia tăng số lượng sinh viên quốc tế tại những trường này đạt tỷ lệ ấn tượng là 42%. Và mặc dù sinh viên quốc tế vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số sinh viên ở những trường này (khoảng 12%), họ đang bù đắp cho số lượng sinh viên trong nước giảm sút. Trong tương lai, những sinh viên này cũng giúp các trường đại học tăng thêm sự hiện diện quốc tế của họ.
Dự báo dân số mới nhất chỉ ra rằng những trường đại học ở Đức bị giảm lượng tuyển sinh đang cho thấy trước những thách thức mà những trường khác ở Đức và ở các nước châu Âu sẽ phải đối mặt trong tương lai. Do đó, cách thức họ khắc phục vấn đề suy giảm số lượng sinh viên trong nước có thể sẽ giúp ích. Đó là lý do vì sao chúng tôi, tại SVR Migration, đã tiến hành nghiên cứu để tìm hiểu về những biện pháp những trường đại học bị giảm lượng tuyển sinh đang thực hiện nhằm thu hút sinh viên quốc tế, hỗ trợ họ trong quá trình học tập và giữ chân họ cho thị trường việc làm trong nước khi họ tốt nghiệp.
Những trường đại học ở Đức bị giảm lượng tuyển sinh đang cho thấy trước những thách thức mà những trường khác ở Đức và ở các nước châu Âu sẽ phải đối mặt trong tương lai. |
Những trường đại học đang bị thu hẹp của Đức thường ít tiếng tăm trên trường quốc tế và cũng ít được biết đến so với những trường hàng đầu hoặc những trường ở những đô thị lớn. Tuy nhiên, ngay cả những trường đại học đang bị thu hẹp cũng được hưởng lợi từ một thực tế là nền giáo dục đại học Đức được nhiều người coi là đáng ao ước, và học phí thấp hơn nhiều so với hầu hết các nước khác. Tuy nhiên, những cản trở mang tính hệ thống khiến những trường đại học này khó thu hút sinh viên quốc tế hơn: quy trình tuyển sinh tại các đại học Đức rất phức tạp, thị thực học tập thường được cấp khá muộn, và nhiều sinh viên tiềm năng phải tốn nhiều thời gian và tiền bạc để chứng minh rằng họ có đủ kỹ năng ngôn ngữ và học thuật cần thiết. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng những trường đại học này đang ngày càng khắc phục tốt hơn những rào cản nói trên. Họ tiếp cận sinh viên quốc tế tiềm năng tại những điểm dừng trên hành trình đến với nước Đức, ví dụ tại các trường ngoại ngữ trong nước Đức và các trường đại học/học viện đối tác ở nước ngoài, cũng như ngày càng tăng cường cách tiếp cận thông qua các phương tiện truyền thông xã hội và Internet.
Chương trình chuyển tiếp mới
Tuy nhiên, tuyển sinh chỉ là một phần của câu chuyện. Tỷ lệ sinh viên bỏ học cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Ở Đức, tỷ lệ thôi học trung bình của sinh viên quốc tế ở bậc đại học là 45% và ở bậc thạc sỹ là 29%. Tỷ lệ này cao hơn so với tỷ lệ thôi học của sinh viên Đức (lần lượt là 29% và 19%). Để giúp giảm tỷ lệ thôi học, những trường đại học có trong nghiên cứu của chúng tôi đã cung cấp các khoá dạy tiếng Đức, chương trình định hướng, và những hỗ trợ khác. Tuy nhiên, không phải mọi chương trình đều có những hình thức hỗ trợ này, hoặc chỉ những người chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ và hướng dẫn mới tiếp cận được. Rất nhiều sinh viên quốc tế phải sau một thời gian dài mới biết trường có những hình thức hỗ trợ nào, hoặc hoàn toàn không biết. Đây là lý do vì sao điểm thi kém và những dấu hiệu cảnh báo khác không được chú ý cho đến khi quá muộn. Các trường cao đẳng chuyển tiếp của Đức (Studienkollegs) từ trước tới nay vẫn chịu trách nhiệm triển khai các khoá học dự bị một năm cho sinh viên quốc tế. Bổ sung cho những khóa dự bị này, hiện nay một vài trường đại học đã giới thiệu những chương trình chuyển tiếp của riêng họ kéo dài một hoặc hai học kỳ. Những chương trình học chuyển tiếp lên đại học này ở Đức đã chứng tỏ là yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công học thuật. Tuy nhiên, cho đến nay, mới chỉ những trường đại học tại 5 trong số 16 bang được phép triển khai các chương trình chuyển tiếp, sử dụng các bài thi tích hợp đầu vào đại học (Brandenburg, Bremen, North Rhine-Westphalia, Saarland, và Thuringia). Và ngay cả những bang này cũng đang trong quá trình phát triển và thử nghiệm những chương trình chuyển tiếp tương ứng của từng bang.
Những lao động di cư tương lai
Sinh viên quốc tế ngày càng được coi không chỉ là sinh viên, mà còn là những người di cư lành nghề có thể giúp bù đắp sự thiếu hụt tài năng trong nền kinh tế nước Đức, đặc biệt là trong và xung quanh những thành phố nơi những trường đại học bị thu hẹp đang trú ngụ. Đó là lý do vì sao các trường đại học trong những thành phố này lại cung cấp sự hỗ trợ cho những người có ý định ở lại, một vài trường còn hợp tác với các tổ chức đối tác khu vực. Mục đích là để giúp đỡ sinh viên tốt nghiệp gia nhập thị trường việc làm ở Đức. Những trường đại học bị thu hẹp tạo cơ hội cho sinh viên quốc tế tham gia vào các hội thảo phát triển nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu của họ, và giúp họ tiếp xúc với các doanh nghiệp địa phương. Cho đến nay, hình thức hỗ trợ tùy chỉnh này vẫn nhận được tài trợ từ các dự án của chính phủ các bang, chính phủ liên bang Đức và của Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ nguồn tài trợ tạm thời này còn tiếp tục nữa không, khi mà ngân quỹ dành cho tài trợ tạm thời của chính phủ đã cạn kiệt.
Bài học cho lục địa già châu Âu
Những trường đại học bị thu hẹp của Đức đang đối mặt với những thử thách. Tuy nhiên, trong tương lai, những trường khác trên nước Đức và ở những quốc gia châu Âu khác cũng phải đương đầu với những vấn đề tương tự. Đó là lý do vì sao các trường đại học và đối tác của họ nên cung cấp cho sinh viên quốc tế những lựa chọn tiếp cận giáo dục đại học linh hoạt hơn, cũng như những hỗ trợ liên quan. Ngoài ra cần tạo điều kiện thuận lợi để họ chuyển đổi từ học tập sang công việc. Giai đoạn hai, bắt đầu từ tháng 4 năm 2020, của chương trình “Tích hợp người tị nạn trong các chương trình bằng cấp” (dành cho tất cả sinh viên quốc tế) của chính phủ Đức có thể được coi là một bước đi đúng hướng.