Khủng hoảng chồng khủng hoảng: người tị nạn và COVID-19

Hakan Ergin là Giảng viên tại Đại học Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ và là cựu Học giả sau Tiến sĩ tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế (CIHE), Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: hakan.ergin1@yahoo.com.

Tóm tắt: COVID-19 là một phép thử chưa từng có đối với giáo dục đại học. Tuy nhiên, điều không thay đổi là sinh viên tị nạn vẫn là nạn nhân. Những bất lợi của họ liên quan đến sức khỏe, tài chính và học thuật, khiến họ dễ bị tổn thương vì đại dịch hơn những sinh viên khác. Sự việc còn trầm trọng hơn do định kiến về mối liên hệ của virus này với yếu tố “ngoại lai” (otherness). Những người theo chủ nghĩa dân tộc và dân túy coi người tị nạn như những vật tế thần truyền bệnh. Điều này làm tăng thêm những khó khăn mà họ đang phải trải qua, và sau COVID-19, nó sẽ tiếp tục là mối đe dọa.

Không ai hoài nghi rằng cuộc khủng hoảng tị nạn là một trong những thách thức nặng nề nhất mà giáo dục đại học quốc tế từng phải đối mặt. Các trường đại học trên khắp thế giới đang có những vị khách bất ngờ gõ cửa và xin phép gia nhập. Các nhà hoạch định chính sách buộc phải cải cách thủ tục nhập học cho sinh viên quốc tế và xem xét đơn đăng ký từ những người tị nạn, những người thường xuyên không có bằng cấp chuyên môn cần thiết hoặc những giấy tờ xác nhận khác, chẳng hạn như bằng chứng về trình độ học thuật đã có và về khả năng sử dụng ngôn ngữ của nước chủ nhà.

Điều không tránh khỏi là, quá trình “quốc tế hóa bắt buộc” này đòi hỏi các trường đại học phải giải quyết những vấn đề nghiêm trọng: vướng vào những thủ tục quan liêu, phức tạp khi phải đánh giá trình độ chuyên môn (thường là chưa được hoàn thành) của người tị nạn, cung cấp hỗ trợ tài chính và giúp họ vượt qua những trải nghiệm đau thương, trong khi họ còn phải đối mặt với những căng thẳng xã hội do phải cạnh tranh với các ứng viên địa phương để tiếp cận giáo dục đại học. Trong khi các trường đại học trên thế giới đang vật lộn với những vấn đề này, thì đại dịch COVID-19 bùng phát khiến cho tình hình càng thêm tồi tệ. Những biện pháp quyết liệt đã được thực hiện để bảo vệ sinh viên quốc tế và giúp họ tiếp tục học tập từ xa trong đại dịch, nhưng do những bất lợi rõ ràng, phương án thay thế này khó áp dụng được cho người tị nạn.

Không có ngôi nhà hạnh phúc cho việc cách ly

Các trường đại học trên khắp thế giới dường như đang đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 theo cùng một cách. Họ tạm dừng các lớp học trực tiếp và thay vào đó bắt đầu giảng dạy trực tuyến, đóng cửa các cơ sở và yêu cầu sinh viên tự cô lập ở nhà cho đến khi có thông báo mới. Trong khi đó, sinh viên quốc tế ngay lập tức được khuyên trở về nước trước khi biên giới đóng cửa. Những biện pháp thiện chí nhằm bảo vệ sinh viên này rõ ràng rất đáng khen ngợi. Tuy nhiên, hầu hết sinh viên tị nạn không có những chỗ ở đảm bảo điều kiện cho việc cách ly. Do những bất lợi liên quan đến sức khỏe, tài chính và học tập, sinh viên tị nạn dễ bị lây nhiễm COVID-19 hơn so với các bạn đồng trang lứa.

Đầu tiên và quan trọng nhất, về mặt sức khỏe, sinh viên tị nạn có nguy cơ mắc bệnh lớn hơn những sinh viên khác. Trước khi có dịch bệnh, hầu hết họ được các trung tâm tư vấn của trường đại học nơi họ theo học cung cấp hỗ trợ tâm lý. Những dịch vụ yêu cầu sự tiếp xúc trực tiếp hiện đang bị đình chỉ, giống như những dịch vụ khác trong khuôn viên trường. Lợi ích của hỗ trợ tâm lý trực tuyến đang là một dấu hỏi đối với người tị nạn.

Trong thời kỳ hỗn loạn của đại dịch này, sinh viên tị nạn cũng bị thiệt thòi về tài chính. Đại đa số phải làm việc trong quá trình học, nhưng việc tạm ngưng các dịch vụ trong trường đại học đã dẫn đến việc tạm dừng những công việc trong khu vực trường. Bên ngoài trường, tình hình còn tồi tệ hơn. Suy thoái kinh tế do đại dịch và do việc áp đặt lệnh giới nghiêm đang tấn công những khu vực nơi hầu hết người tị nạn làm việc không chính thức, tước đi thu nhập khiêm tốn của họ. Tổ chức Y tế Thế giới đã nhiều lần khuyên rằng trong quá trình tự cách ly, mọi người nên đảm bảo dinh dưỡng tốt để tăng cường hệ thống miễn dịch để chống lại coronavirus. Thật không may, đối với những sinh viên tị nạn không có thu nhập thường xuyên đây là sự xa xỉ vượt quá khả năng chi trả.

Cuối cùng, những thách thức học thuật cũng làm gia tăng đáng kể những khó khăn mà sinh viên tị nạn phải đối mặt. Các trường đại học đang yêu cầu sinh viên quốc tế đăng ký các khóa học trực tuyến và hoàn thành chúng để được tiếp tục học tập. Tuy nhiên, để học tập trực tuyến hiệu quả cần có kết nối Wi-Fi tốt và một máy tính được trang bị camera và micro. Để đảm bảo tất cả sinh viên tham gia học trực tuyến, một số trường đại học trên thế giới đã triển khai một hình thức hỗ trợ tài chính mới cho sinh viên có nhu cầu. Đại học Boğaziçi ở Thổ Nhĩ Kỳ quyết định trả phí Internet trong hai tháng cho những sinh viên không đủ khả năng chi trả. Tương tự, Đại học Công nghệ Hoàng gia Melbourne (RMIT) tại Úc cam kết trả tới 1000 đô la Úc cho những sinh viên cần hỗ trợ tài chính, để giúp họ trang trải chi phí kết nối Internet, phần mềm, phần cứng, đăng ký và các tài liệu kỹ thuật số khác.

Những biện pháp hỗ trợ không phân biệt đối tượng này có thể giúp tăng số lượng sinh viên tị nạn tham gia vào các lớp học trực tuyến, nhưng được rất ít trường đại học thực hiện. Do đó, những yêu cầu của khóa học trực tuyến như điểm danh tham gia, thuyết trình trong lớp, bài tập và đánh giá tổng thể nên được thiết kế lại với sự cân nhắc đến hoàn cảnh đặc biệt của sinh viên tị nạn. Nếu không, giáo dục đại học trực tuyến sẽ không phải là một sân chơi bình đẳng.

Coronavirus bị quy kết có liên hệ với yếu tố “ngoại lai”

Phân biệt đối xử hậu COVID-19 đã rất gần

Sinh viên tị nạn đang phải đối mặt với một thách thức nghiêm trọng khác. Coronavirus bị quy kết có liên hệ với yếu tố “ngoại lai” (otherness). Các quốc gia đóng cửa biên giới để bảo vệ bản thân khỏi sự lây nhiễm có nguồn gốc “ngoại nhập”. Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi Coronavirus là virus Trung Quốc. Trong giai đoạn mà những thứ “ngoại lai” bị nghi ngờ, những người tị nạn, nhóm người xa lạ nhất trong xã hội, thu hút về mình sự chú ý tiêu cực. Những  trại tị nạn có ít trường hợp lây nhiễm COVID-19 trong những khu vực có thu nhập thấp bị các phương tiện truyền thông đưa tin là những nơi rất nguy hiểm, mặc dù số lượng các trường hợp lây nhiễm Coronavirus trong những thành phố lớn ở những nước có thu nhập cao thực tế lớn hơn nhiều. Viktor Orban, thủ tướng theo chủ nghĩa dân tộc của Hungary, tuyên bố rằng “có một mối liên hệ logic giữa di cư và Coronavirus vì cả hai lan truyền nhờ sự di chuyển”. Matteo Salvini, lãnh đạo phe đối lập dân túy của Ý, đổ lỗi cho người di cư châu Phi, khi lập luận rằng “sự hiện diện của virus đã được xác nhận ở châu Phi”, trong khi số lượng các trường hợp nhiễm bệnh ở Ý cao hơn đáng kể.

Trước khi COVID-19 bùng phát, sinh viên tị nạn đã không được chào đón, bị coi là gánh nặng tài chính cho ngân sách quốc gia và là đối thủ cạnh tranh với các ứng cử viên địa phương vào các trường đại học. Với cuộc khủng hoảng đại dịch hiện nay cùng với chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy ngày càng trầm trọng, sinh viên tị nạn dễ dàng bị biến thành vật tế thần, vì họ đã bị các phương tiện truyền thông bôi xấu như những người mang theo virus và gây nguy hại. Cách tốt nhất để chống lại quan niệm sai lầm này là nhắc nhở mọi người về những người tị nạn đang mạo hiểm cuộc sống của họ ở nước sở tại. Có nhiều trường hợp người tị nạn trước đây được đào tạo và có kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe ở nước họ, đang đề nghị được sử dụng chuyên môn của mình để chống lại đại dịch, nhưng bị cấm làm như vậy vì lý lịch của họ không được công nhận (tại Hoa Kỳ, những người nhập cư không có giấy tờ, làm việc trong hệ thống chăm sóc sức khỏe thậm chí còn bị đe dọa trục xuất).

Phân biệt đối xử không phải do đại dịch gây ra, mà do con người. Công bằng phải được giữ gìn trong giáo dục đại học quốc tế, và các cá nhân, các tin đồn hoặc ý thức hệ không được phép tước đi quyền được giáo dục của người tị nạn, đặc biệt trong thời kỳ căng thẳng cao này đối với toàn xã hội của chúng ta.