Giảng dạy trong các trường đại học Trung Quốc thời Covid-19 biện pháp tạm thời hay mô hình thử nghiệm?

Bie Dunrong là Giáo sư, Trưởng khoa tại Học viện Giáo dục, Đại học Tây An, Trung Quốc. E-mail:yy241504@foxmail.com. Liu Jin là PGiáo sư Trường Xã hội và Nhân văn thuộc Học viện Công nghệ Bắc Kinh, Trung Quốc. E-mail: liujinedu@bit.edu.cn.

Tóm tắt: Dạy trực tuyến không phải là một tính năng mới ở các trường đại học/cao đẳng Trung Quốc. Tuy nhiên, trong đại dịch Covid-19, giảng dạy trực tuyến đã trở thành phương thức chính và được áp dụng rộng rãi trong các trường đại học. Tỷ lệ sinh viên tham gia và mức độ tương tác với giảng viên rất cao. Sau cuộc khủng hoảng, những ảnh hưởng của thí nghiệm quy mô lớn này sẽ biến mất, hay một số kinh nghiệm và thực tiễn sẽ được giữ lại và tích hợp vào mô hình giảng dạy trên lớp truyền thống?

Nghỉ đông là kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất trong năm ở Trung Quốc; đó là khoảng thời gian mà giảng viên, sinh viên thường về nhà đón Tết Nguyên Đán với gia đình. Dịch Covid-19 bùng phát trong năm nay đã phá vỡ mọi kế hoạch nghỉ lễ. Để ngăn chặn dịch bệnh, các trường đại học đóng cửa các cơ sở, giảng viên và sinh viên không thể quay lại trường làm việc/học tập. Các trường phải dựa vào công nghệ thông tin và truyền thông và phát triển giảng dạy trực tuyến để cố gắng đảm bảo tiến độ của học kỳ mùa xuân.

Học trực tuyến quy mô lớn

Dạy trực tuyến không phải là tính năng mới ở các đại học/cao đẳng Trung Quốc, trước đây hình thức này được phát triển nhằm hỗ trợ việc giảng dạy trên lớp. Khi dịch Covid-19 bùng phát, trực tuyến trở thành hình thức dạy học chính và được áp dụng khắp các trường đại học, cao đẳng. Trung Quốc có hệ thống giáo dục đại học lớn nhất thế giới với 2688 trường đại học/cao đẳng và hơn 30 triệu sinh viên (số liệu của Bộ Giáo dục, năm 2019). Sau kỳ nghỉ Tết, các trường gấp rút thay đổi kế hoạch giảng dạy để thích ứng với tình hình các cơ sở phải đóng cửa. Giảng viên được đào tạo qua mạng để làm quen với những yêu cầu của giảng dạy trực tuyến và tổ chức các khóa học của họ phù hợp với phương thức dạy học mới.

Có ba dạng thức giảng dạy trực tuyến cơ bản, gồm MOOC, ORIT (online real-time interactive teaching – giảng dạy trực tuyến tương tác thời gian thực), và dạy qua video. ORIT là phương pháp mới nhất. Dạy học trực tuyến đang được triển khai trên quy mô đại trà. Đa số giảng viên đều thiếu kinh nghiệm, nhưng họ đã vào cuộc hết sức nhiệt tình trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Một số giảng viên nước ngoài không thể trở lại trường theo lịch trình sau kỳ nghỉ cũng cố gắng khắc phục sự chênh lệch múi giờ và thực hiện việc giảng dạy từ nước họ qua Internet. Hầu hết các môn lý thuyết đều được giảng dạy trực tuyến, các môn thực hành và thử nghiệm thì không. Ví dụ, Đại học Hạ Môn đang giảng dạy trực tuyến 3485 khóa học. Mặc dù chưa có khảo sát nào về chất lượng giảng dạy, đây là một hiện tượng thực nghiệm có ý nghĩa lớn cấp quốc gia, giúp duy trì tiến độ giảng dạy ở cấp độ cơ bản, trong hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19.

Sinh viên tham gia học với tỷ lệ rất cao. Từ nhà họ ở khắp nơi trên đất nước, sinh viên truy cập cùng lúc vào lớp học trực tuyến, tương tác với giảng viên và bạn cùng lớp về các nội dung học tập. Thống kê cho thấy tỷ lệ trung bình sinh viên tham gia trong tuần đầu tiên là trên 85% và điều đáng ngạc nhiên là sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên diễn ra thường xuyên hơn bao giờ hết. Một lý do có thể giải thích điều đó là cảm giác mới lạ và sinh viên đánh giá cao phương tiện mới, vì nó thúc đẩy kết nối mạng; ngoài ra, một lý do khác là kỷ luật nghiêm ngặt.

Dạy học trực tuyến cần nhiều hỗ trợ kỹ thuật. Các trường không có thời gian để huy động và chuẩn bị; số lượng giảng viên đông, sinh viên ở rải rác khắp cả nước. Do đó, khó hình dung được rằng việc dạy và học trực tuyến có thể tiến hành trơn tru nếu không có sự hỗ trợ kỹ thuật hiệu quả từ các trung tâm công nghệ giáo dục hiện đại của trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp công nghệ giáo dục, như nền tảng MOOC của Đại học Trung Quốc, Wisdom Tree, Online School, Rain Classroom, Tencent Class, v.v.. cũng góp phần hỗ trợ công nghệ và tài nguyên giảng dạy trực tuyến.

Thí nghiệm giảng dạy trực tuyến quy mô lớn của giáo dục đại học phải chăng đã thành công? Vẫn còn quá sớm để khẳng định điều này, trong khi giảng viên vẫn chưa đủ thành thạo và vì nhiều lý do khác nhau, khoảng 15% sinh viên đã không tham gia. Tuy nhiên, không có gì phải nghi ngờ, đây là một sáng kiến quan trọng trong tình huống khẩn cấp, sẽ tác động đáng kể đến sự phát triển của giáo dục đại học trong tương lai sau đại dịch COVID-19.

Mô hình pha trộn

Cuối cùng dịch Covid-19 cũng sẽ qua đi, hoạt động của các trường đại học/cao đẳng sẽ trở lại bình thường. Những ảnh hưởng của thí nghiệm quy mô lớn này sẽ biến mất, hay một số kinh nghiệm và thực tiễn sẽ được giữ lại và tích hợp vào mô hình giảng dạy trên lớp truyền thống? Câu hỏi này đáng được xem xét. Thí nghiệm này không chỉ có giá trị trong việc khắc phục sự gián đoạn học tập trong thời gian các cơ sở đóng cửa, mà còn trong việc áp dụng những ý tưởng, phương pháp và kỹ thuật giảng dạy mới để cải thiện hoạt động giảng dạy trực tiếp tại trường.

Những ảnh hưởng của thí nghiệm quy mô lớn này sẽ biến mất, hay một số kinh nghiệm và thực tiễn sẽ được giữ lại và tích hợp vào mô hình giảng dạy trên lớp truyền thống?

Việc học tập cùng lúc diễn ra rải rác ở nhiều nơi giúp các trường đại học/cao đẳng mở rộng phạm vi của mình. Từ việc không ở cùng trong một không gian, giảng viên và sinh viên đang xây dựng một loại cộng đồng học tập mới trên Internet. Lợi thế của điều này là lớp học trực tuyến mở rộng ra bên ngoài giới hạn vật lý của cơ sở, cho phép các trường tuyển sinh nhiều hơn. Năm 2019, tỷ lệ sinh viên đại học Trung Quốc là 51,6%, thấp hơn nhiều so với những nước có thu nhập cao. Trong khi đó, số lượng sinh viên trung bình đã lên tới 11260 sinh viên/trường. Rõ ràng, với nhu cầu học đại học đang tăng lên, không gian học tập truyền thống trở thành một yếu tố hạn chế. Dạy và học trực tuyến quy mô lớn, hướng đến phục vụ một bộ phận sinh viên phân tán, sẽ góp phần tạo ra thêm những cơ hội tiếp cận giáo dục đại học.

Tương tác trực tuyến giúp bù đắp cho việc thiếu giao tiếp trong lớp học truyền thống. Một số nghiên cứu cho thấy sinh viên ở các nước Đông Á có xu hướng ít phát biểu trong lớp học và ít tương tác với giảng viên. Nhưng trong bối cảnh giảng dạy trực tuyến quy mô lớn, sinh viên sẵn sàng tương tác nhiều hơn, có thể vì họ cảm thấy dễ dàng hơn, từ khoảng cách xa, thể hiện bản thân trong môi trường ảo. Trong quá trình giảng dạy thường xuyên tại trường, giảng viên có thể mở những kênh tương tác trực tuyến bên ngoài lớp học, cung cấp thêm cơ hội giao tiếp cho sinh viên, và trả lời mọi câu hỏi liên quan đến việc học tập. Dạy trực tuyến và các kênh tương tác trực tuyến mở có lợi cho việc kích thích và nuôi dưỡng tính tự chủ của sinh viên, khuyến khích họ phát triển ý thức làm chủ và sự chủ động trong học tập.

Hợp tác nhà trường – doanh nghiệp giúp phát triển một mô hình giáo dục toàn diện cho sinh viên. Trong bối cảnh thử nghiệm giảng dạy trực tuyến quy mô lớn trong thời đại dịch COVID-19, hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp  đóng một vai trò quan trọng, công nghệ và dịch vụ của các doanh nghiệp công nghệ giáo dục đã giành được sự tin tưởng của các trường. Tài nguyên giảng dạy của các doanh nghiệp công nghệ giáo dục có thể bù đắp cho sự thiếu hụt giảng viên và tài nguyên giảng dạy. Bằng cách tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp liên quan, các trường đại học/cao đẳng có thể cung cấp nguồn tài nguyên giảng dạy phong phú hơn, toàn diện, cá nhân hóa và chất lượng cao hơn cho sinh viên của mình, bao gồm các khóa học, tài liệu học tập, nền tảng giao tiếp tương tác, và một thứ hơn nữa là vượt ra ngoài giới hạn của các cơ sở truyền thống.