Roberta Malee Bassett phụ trách toàn cầu lĩnh vực giáo dục đại học thuộc Ngân hàng Thế giới. E-mail: rbassett@worldbank.org.
Tóm tắt: Trong nỗ lực đối phó với đại dịch COVID-19 – đóng cửa các cơ sở đào tạo để ngăn virus lây lan – các trường đại học trên thế giới đã chuyển hướng tập trung sang giảng dạy, và dành ít sự quan tâm hơn cho hoạt động nghiên cứu. Phản ứng này rất quan trọng trong bước đi ban đầu. Tuy nhiên, điều tiên quyết là các trường phải duy trì cam kết đối với một số giá trị cốt lõi trong giáo dục đại học – như công bằng và trách nhiệm xã hội – để đảm bảo sự ổn định trong và sau cuộc khủng hoảng.
Đến đầu tháng tư năm 2020, các trường đại học và các tổ chức giáo dục đại học khác ở 170 quốc gia và khu vực trên thế giới đã đóng cửa, và hơn 220 triệu sinh viên đại học – tương đương 13% tổng số sinh viên toàn cầu – đã phải ngừng hoặc bị gián đoạn học tập do COVID-19. Những gì chúng ta đang chứng kiến trên toàn cầu là tác động của đại dịch ở mọi khu vực và ảnh hưởng rõ rệt đến những quốc gia có thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Nhìn chung, hiệu ứng phát tán này phản ánh xu hướng lây lan của Coronavirus từ những quốc gia có thu nhập trung bình ở Đông Á đến châu Âu và Bắc Mỹ, và ở một mức độ thấp hơn, đến châu Mỹ La tinh. Khi virus lan sang các khu vực châu Phi và Nam Á, số lượng những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình bị ảnh hưởng đã tăng lên. Rất ít quốc gia tuyên bố cho đến hôm nay không bị tác động từ đại dịch. Giáo dục đại học trên toàn cầu đã bị ảnh hưởng theo cách chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II.
Trong lúc vội vã phản ứng trước mối đe dọa tức thời đối với sức khỏe và phúc lợi xã hội, cố gắng ngăn chặn virus lây lan bằng cách đóng cửa các cơ sở vật chất, các trường đại học trên thế giới đã chuyển hướng sự tập trung ban đầu sang giảng dạy, và dành ít sự quan tâm hơn cho hoạt động nghiên cứu. Những mối quan tâm chính ban đầu bao gồm: làm thế nào để dạy cho những người mà trường đại học có nghĩa vụ phải dạy? Làm thế nào để hỗ trợ nghiên cứu tiếp tục ở những nơi có thể nghiên cứu? Phản ứng này là hợp lý và quan trọng trong giai đoạn ban đầu. Tuy nhiên, điều quan trọng là những người có trách nhiệm phải suy nghĩ xa hơn những giải pháp tình thế đang được thực hiện là cung cấp đào tạo từ xa thông qua nhiều phương thức khác nhau. Đó là cần để mắt đến những giá trị cốt lõi của bất kỳ khu vực giáo dục đại học nào, để khi khủng hoảng qua đi, những giá trị cơ bản như công bằng, đảm bảo chất lượng, cân bằng giữa trách nhiệm và quyền tự chủ, tự do học thuật và trách nhiệm xã hội vẫn nằm trong sứ mệnh của mọi hệ thống giáo dục đại học.
Chuyện hoang đường về khả năng thích ứng kỹ thuật trong giáo dục đại học
Học trực tuyến và từ xa đã buộc đông đảo người học phải thích ứng với phương thức truyền tải thông tin, tác động mạnh mẽ đến cách thức và thái độ học tập của sinh viên. Nhưng sự mặc định ngầm trong động thái này, với giả định rằng mọi người đều có đủ trình độ năng lực kỹ thuật – đã khiến hàng triệu sinh viên thực tế không có bất kỳ hình thức học tập nào khi họ rời khỏi trường. Có một giả định hoang đường rằng sinh viên đại học và giáo dục đại học sẽ dễ dàng thích nghi hơn với môi trường học tập từ xa này, nhưng vì sao lại như vậy? Sinh viên đã ghi danh vào các trường đại học được trang bị đầy đủ công nghệ và cơ sở hạ tầng, nay họ về nhà trong cùng khu vực với những người hàng xóm từ thời tiểu học và trung học. Nếu ở những nơi họ sống không có Internet để cung cấp giáo dục từ xa cho học sinh tiểu học và trung học, thì cũng không thể có Internet cho sinh viên đại học. Hơn nữa, giáo dục đại học đòi hỏi những nỗ lực cá nhân to lớn, trong đó sinh viên phải xây dựng kế hoạch học tập phù hợp với yêu cầu của lĩnh vực nghiên cứu và sở trường của họ. Chương trình học tập như vậy rất khác với những lựa chọn học tập dành cho học sinh phổ thông mà đài phát thanh và truyền hình vẫn cung cấp.
Bất bình đẳng tăng lên khi dạy và học chuyển sang hình thức trực tuyến
Như đã thấy ở Ethiopia và Philippines, và những quốc gia như vậy đang tăng thêm, sinh viên phản đối tình trạng bất bình đẳng ngày càng trầm trọng hơn trong cơ hội tiếp cận công nghệ đào tạo từ xa. Những sinh viên không thể tiếp cận hoặc không đủ khả năng mua thiết bị công nghệ đang bị bỏ lại phía sau. Những sinh viên gặp khó khăn trong học tập đang bị bỏ lại phía sau. Những sinh viên khuyết tật đang bị bỏ lại phía sau. Những sinh viên đang dựa vào trường để có chỗ ở, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và giao lưu cộng đồng cũng thấy mình bị bỏ rơi và không còn chắc chắn về các khả năng có thể lựa chọn. Sinh viên đang làm việc cho trường hoặc nhận học bổng như nguồn thu nhập chính – đang phải đối mặt với khủng hoảng thu nhập. Những trường đại học nằm xa trung tâm đô thị vốn không có cơ sở hạ tầng đủ mạnh cũng đang bị bỏ lại phía sau. Những trường đại học có nhiệm vụ dạy những người gặp khó khăn trong học tập đang bị bỏ lại phía sau. Tình trạng bất bình đẳng này đã tồn tại từ trước đại dịch, giờ đây trở nên trầm trọng hơn, ảnh hưởng sâu sắc đến sự cố gắng của sinh viên và sự tồn tại của các trường đại học. Và điều này đang diễn ra trên toàn thế giới.
Rất ít cơ sở giáo dục đại học, kể cả những trường đại học giàu có và uy tín nhất, có sẵn kế hoạch khẩn cấp để thông báo và hướng dẫn về việc đóng cửa và chuyển sang hình thức dạy và học từ xa. Thậm chí còn ít hơn nữa những trường có sẵn kế hoạch cho một cuộc di tản hàng loạt ra khỏi khuôn viên trường. Lúc này là thời điểm tốt để các nhà lãnh đạo, trong khi đang phải trải qua thử thách, nghiên cứu từng bước phản ứng với đại dịch, để đánh giá và rút ra những bài học kinh nghiệm, những gì họ ước được biết trước và chuẩn bị trước thời hạn, những thông tin cần thiết để hỗ trợ giảng viên thực hiện tốt hơn công việc giảng dạy từ xa trong những ngày này và trong phần còn lại của năm học, để lập kế hoạch thích ứng trung hạn, và cuối cùng, để mở lại trường và nhanh chóng hồi phục để sẵn sàng đối mặt với những thách thức của việc đóng cửa trường trong tương lai. Những nỗ lực phân tích như vậy ngày hôm nay có thể cung cấp thông tin hữu ích giúp nhà trường hỗ trợ sinh viên tốt hơn trong ngày mai và trong tương lai.
Cho đến nay, hầu hết các phương pháp học tập trực tuyến đều không có những cơ sở bằng chứng có thể so sánh, cũng không chú trọng đến những kỹ năng cảm xúc xã hội vẫn được đào tạo thông qua hình thức học tập truyền thống. |
Chúng ta có thể học được gì từ khủng hoảng?
Khi đổi mới công nghệ, các nhà lãnh đạo giáo dục và các bên có liên quan cũng cần tìm kiếm và đưa ra những bằng chứng khoa học sư phạm, để đảm bảo rằng việc thúc đẩy thay đổi hình thức giảng dạy sang trực tuyến hoặc sang những nền tảng pha trộn giữa trực tuyến và trên lớp trong tương lai sẽ hứa hẹn phát triển kỹ năng học tập. Hệ quả của những thay đổi như vậy cần được nghiên cứu, để hiểu rõ những gì hiệu quả những gì không, và cho đối tượng nào. Cho đến nay, hầu hết các phương pháp học tập trực tuyến đều không có những cơ sở bằng chứng có thể so sánh, cũng không chú trọng đến những kỹ năng cảm xúc xã hội vẫn được đào tạo thông qua hình thức học tập truyền thống, và điều này đủ để cho thấy thúc đẩy đầu tư vào ngành khoa học về dạy và học là cần thiết.
Khi làm như vậy, và trong khi dẫn dắt các hệ thống giáo dục đại học vào thế giới hậu khủng hoảng, các nhà hoạch định chính sách và các nhà thực hành cần tập trung nỗ lực của họ vào những sinh viên dễ bị tổn thương nhất. Họ phải đảm bảo rằng các giải pháp dạy và học, giải pháp công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng và phương thức tài trợ quan tâm đến những sinh viên này, kết nối họ, hỗ trợ họ trong quá trình học tập và đạt được kết quả.