Monica Marquina là Giáo sư và là Nhà nghiên cứu về giáo dục đại học tại CONICET/UNTREF, Đại học de Buenos Aires, Argentina. E-mail: mmarquina@untref.edu.ar.
Tóm tắt: Trong giai đoạn cách ly vì COVID-19, xuất hiện những cuộc thảo luận cũ và mới liên quan đến giáo dục đại học ảo. Trong tình thế khẩn cấp hiện nay, Đại học Buenos Aires đã dời ngày khai giảng năm học từ tháng 4 đến tháng 6 vì lo ngại về chất lượng và trách nhiệm xã hội. Trong khi đó, đại đa số các tổ chức giáo dục đại học tiếp tục đảm bảo quyền được học tập bằng cách thực hiện giảng dạy từ xa.
Ngay từ đầu năm, Argentina, cũng như những quốc gia khác ở châu Mỹ, đã chứng kiến sự lây lan không ngừng của virus COVID-19 trên khắp châu Á và châu Âu. Trường hợp xác nhận nhiễm Coronavirus đầu tiên ở nước này được báo cáo vào ngày 3 tháng 3 và ca tử vong đầu tiên do virus là mười ngày sau đó. Vào ngày 20 tháng 3, chính phủ đã ban hành một nghị định yêu cầu “cách ly xã hội bắt buộc để phòng ngừa” đối với tất cả người dân, đình chỉ mọi hoạt động không thiết yếu cũng như tất cả phương tiện đi lại và vận chuyển trong nước và quốc tế, và đóng cửa biên giới quốc gia.
Các trường đại học đã trở thành những tổ chức tiên phong trong cuộc chiến chống lại COVID-19, hoạt động trong khuôn khổ sứ mệnh xã hội của họ theo nhiều cách. Chẳng hạn, các trường đại học tuyển dụng tình nguyện viên để hỗ trợ hành khách đến từ các chuyến bay quốc tế, những người bị bắt buộc cách ly kiểm dịch trong các khách sạn. Những tình nguyện viên này cũng giúp đóng gói những thực phẩm mà sinh viên thường tiêu thụ trong các phòng ăn miễn phí hoặc giá rẻ của trường đại học, và họ hỗ trợ những người già sống một mình. Nhiều tổ chức đang góp phần vào việc sản xuất những mặt hàng khan hiếm, chẳng hạn như cồn rửa tay và mặt nạ có cồn, và trong một số trường hợp, họ tham gia sản xuất mặt nạ phòng độc và điều hòa dùng cho bệnh viện. Các bệnh viện đại học cũng thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh.
Hầu hết các trường đại học đang chạy đua với thời gian để đảm bảo thiết lập các nền tảng ảo cho những khóa học đã lên lịch cho học kỳ đầu tiên của năm, hỗ trợ giảng viên và cân nhắc các lựa chọn để không sinh viên nào bị bỏ rơi vì lý do hạn chế phương tiện hoặc khả năng công nghệ. Một số trường trước đây đã triển khai các khóa học trực tuyến hoặc thậm chí đã tổ chức bảo vệ luận án trực tuyến.
Lợi thế của Argentina trong giáo dục từ xa
Argentina có một nền tảng khác biệt với các quốc gia khác trong khu vực, liên quan đến giáo dục đại học từ xa. Hình thức giáo dục này bắt đầu mở rộng với tốc độ nhanh vào đầu thế kỷ, với một số trường đại học đi tiên phong. Năm 2017, ngành đại học đã trưởng thành đủ mức để thống nhất khung pháp lý cho giáo dục từ xa, dựa trên các tiêu chuẩn chất lượng và thiết lập nền tảng giáo dục từ xa theo các điều khoản bình đẳng với giáo dục trực diện. Hội đồng các trường đại học, đại diện cho tất cả các tổ chức đại học trong nước, đã làm việc cùng với Văn phòng Chính sách Đại học (SPU) về khung quy định các yêu cầu chất lượng cho giáo dục từ xa. Kể từ đó, mỗi tổ chức cung cấp các chương trình giáo dục từ xa toàn phần hoặc một phần đều phải thiết lập hệ thống giáo dục từ xa riêng, và phải được SPU xác nhận dựa trên đánh giá đạt yêu cầu của Ủy ban quốc gia về Đánh giá và Công nhận Đại học. Ngoài ra, mỗi chương trình giáo dục từ xa này phải được đánh giá riêng. Quá trình này ngụ ý rằng những trường đại học cung cấp các chương trình giáo dục từ xa phải tự lập hồ sơ về cơ cấu chức năng, cơ sở hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực chuyên ngành, chiến lược đào tạo giảng viên và hoạt động nghiên cứu về loại hình giáo dục này.
Các trường đại học đã trở thành những tổ chức tiên phong trong cuộc chiến chống lại COVID-19, hoạt động trong khuôn khổ sứ mệnh xã hội của họ theo nhiều cách. |
Quy định này dành riêng cho các chương trình trực tuyến, mà tại hầu hết các trường đại học chỉ chiếm một phần nhỏ trong toàn bộ hoạt động học thuật. Mặc dù sẽ là một sai lầm nếu hy vọng rằng chỉ sau một đêm mọi khóa học cho học kỳ đầu tiên của năm 2020 có thể chuyển sang định dạng số, nhưng hệ thống trường đại học, không giống như các hệ thống trường tiểu học hoặc trung học, đã được chuẩn bị tốt ở cấp độ cơ cấu tổ chức để đối mặt với tình huống bất ngờ này. Rất nhiều kinh nghiệm về giáo dục từ xa hiện đang được tận dụng tối đa.
Tuy nhiên, cá nhân các giảng viên phải đối mặt với những thách thức nặng nề khi phải chuẩn bị các bài giảng ảo trong thời gian kỷ lục và được trường hỗ trợ ở những mức độ khác nhau. Đối với nhiều người, khối lượng công việc cần thực hiện là rất lớn, vì có ít thời gian chuẩn bị và thiếu kinh nghiệm sư phạm. Họ phải “vừa làm vừa học”. Đối với một số người, đây là một điều tốt, những người khác cảm thấy quá sức. Trong nhiều trường hợp, các nhà giáo dục có kinh nghiệm làm việc cùng với các giảng viên trẻ, kết hợp những loại kiến thức khác nhau.
Những lập luận mới phản đối giáo dục ảo
Sau quyết định kéo dài thời gian cách ly, các cuộc thảo luận cũ và mới bắt đầu xuất hiện, với những lập luận hoàn toàn mới phản đối giáo dục ảo, bên cạnh những lý lẽ truyền thống cho rằng việc dạy học mặt đối mặt là không thể thay thế. Điều kiện làm việc tại nhà của giảng viên hoặc sự thiếu kinh nghiệm là những lập luận được một số công đoàn viện dẫn để khẳng định rằng cách tốt nhất là chờ tình hình bình thường hóa thay vì giảng dạy với chất lượng thấp. Sự bất bình đẳng trong giáo dục qua trung gian công nghệ cũng là một lý lẽ phổ biến, vì nhiều sinh viên không có phương tiện để truy cập Internet.
Gần đây, Đại học Buenos Aires, một trong những trường đại học hàng đầu trong nước, cả về lịch sử, số lượng sinh viên và công nhận quốc tế, đã công bố lịch học mới, dời ngày bắt đầu học kỳ từ tháng Tư đến tháng Sáu. Mặc dù thừa nhận rằng mỗi khoa (trường) có thể thiết lập các phương thức ảo phù hợp với đặc điểm của các chương trình của mình, Đại học Buenos Aires đã thông qua một quy định theo đó việc tham dự các lớp học mặt-đối-mặt là lựa chọn duy nhất, viện dẫn trách nhiệm xã hội và mối quan tâm đến chất lượng. Trong khi đó, các trường đại học công và tư khác đã phê duyệt các lớp học ảo như một phương tiện để duy trì hoạt động học thuật trong suốt thời gian cách ly.
Điều quan trọng là mỗi trường đại học cần tập trung vào những việc có thể làm được, trong điều kiện và khả năng của mình, để đảm bảo quyền học tập, trong tình huống khi mọi thứ đều không còn như trước và điều quan trọng là phải duy trì được một hình thức học tập. Trong thời điểm cô lập bất ngờ, các trường đại học không được quyền vắng mặt. Nếu tiếp tục tiến về phía trước, nhiều khả năng xảy ra, và khi các hoạt động trở lại bình thường, một hạt giống thay đổi đã được gieo xuống. Sự thay đổi bắt nguồn từ kinh nghiệm của những nhân tố chính trong giai đoạn bất ngờ và đặc biệt này: sinh viên, giảng viên và các tổ chức.