Đại dịch COVID-19 và giáo dục đại học Hàn Quốc: trong nguy có cơ?

Bawool Hong là Trợ lý nghiên cứu tại Viện nghiên cứu chính sách giáo dục đại học, Đại học Hàn Quốc. E-mail: bawoolhong@korea.ac.kr

Tóm tắt: Hàn Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Các trường đại học và các nhà hoạch định chính sách có thể chọn một trong hai cách nhìn nhận sự bùng phát dịch bệnh này: thuần túy là mối đe dọa hoặc là cơ hội để học những bài học dài hạn hơn trong việc quản lý quốc tế hóa và trao đổi sinh viên và khai thác các công nghệ trực tuyến.

Đại dịch COVID-19 hiện nay đang đặt ra một số thách thức đối với giáo dục đại học quốc tế. Trong thời đại quốc tế hóa nhanh chóng, các trường đại học cố gắng hợp tác toàn cầu, tích cực khuyến khích sinh viên du học nước ngoài và hình thành các cộng đồng học thuật quốc tế. Sự hợp tác này, đổi lại, khiến các trường đại học dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết trước các mối đe dọa từ bên ngoài.

Dịch bùng phát ở Hàn Quốc

Đó là trường hợp Hàn Quốc, nơi sự bùng phát Coronavirus đã tạo ra những thách thức chưa từng có cho hệ thống giáo dục đại học, những thách thức như vậy thậm chí chưa từng xảy ra trong dịch SARS 2002 và MERS 2015. Sau khi trường hợp nhiễm Coronavirus đầu tiên được xác định vào ngày 20 tháng 1, dịch bệnh đã lan truyền với tốc độ nhanh chóng gần như ngang bằng với Trung Quốc là nơi virus xuất hiện đầu tiên. Với hơn 160 ngàn sinh viên quốc tế đang học tập tại Hàn Quốc và hàng ngàn sinh viên đến đây theo những chương trình trao đổi hàng năm, Bộ giáo dục đã nhanh chóng hành động bằng cách ban hành quy định cách ly kiểm dịch nghiêm ngặt trong hai tuần đối với tất cả sinh viên quốc tế đến đây. Chính sách này hạn chế sinh viên trong các ký túc xá của họ và đưa ra những các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn virus lây lan giữa sinh viên địa phương. Các trường đại học nhanh chóng thực hiện bằng cách hủy bỏ tất cả các sự kiện lớn như lễ tốt nghiệp và khai giảng, và lùi việc bắt đầu học kỳ lại hai tuần. Ngoài ra, hầu hết các trường đại học buộc tất cả các lớp học phải được dạy trực tuyến trong hai tuần đầu tiên và đến nay việc giảng dạy tiếp tục được thực hiện trực tuyến vô thời hạn do những diễn biến phức tạp của coronavirus.

Do đó, bối cảnh đại học đã thay đổi mạnh mẽ. Trong khi bình thường, vào thời điểm này của năm, các trường đại học đón nhận sinh viên năm nhất vào học, và giảng viên và nhân viên trong trường chuẩn bị cho học kỳ mới, thì giờ đây các trường đại học dường như ngừng lại. Chỉ sau một đêm, các thị trấn đại học đã biến thành những thị trấn ma, hầu hết các cơ sở đại học ngừng hoạt động và sinh viên trong các chương trình trao đổi đang hủy bỏ những hoạt động và khóa học đã đăng ký để rời khỏi đất nước. Sinh viên quốc tế, từng được coi là một nguồn tuyển sinh mới (do số lượng sinh viên ở Hàn Quốc giảm) và như một cách để đa dạng hóa lực lượng sinh viên, hiện đang bị coi là mối đe dọa tiềm tàng đối với sự an toàn của trường, đặc biệt là những người trở về sau kỳ nghỉ đông từ những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề như Trung Quốc.

Giữa những thách thức chưa từng có này, một số điểm sáng bất ngờ đã xuất hiện trong hệ thống giáo dục đại học của Hàn Quốc.

Những thách thức chưa từng có, những thay đổi chưa từng có

Tuy nhiên, giữa những thách thức chưa từng có này, một số điểm sáng bất ngờ đã xuất hiện trong hệ thống giáo dục đại học của Hàn Quốc. Trong một thời gian ngắn, một cuộc cách mạng giáo dục đã nổ ra trong cách thức dạy và học, khi các giảng viên trên cả nước thử nghiệm những cách giảng dạy và tương tác mới với sinh viên, vì một lý do đơn giản là họ không được phép gặp mặt trực tiếp. Từ giảng viên trợ giảng bán thời gian cho đến các giáo sư cao cấp sắp nghỉ hưu, tất cả đều buộc phải thử áp dụng những công nghệ giáo dục mới và phương pháp giảng dạy sáng tạo. Ngay cả những giảng viên lâu năm luôn tin tưởng vào sự vượt trội của những trường học được xây dựng từ gạch và vữa và của hình thức giảng dạy trực tiếp, giờ đây cũng buộc phải thích nghi với thời thế thay đổi. Do đó, để giúp cho mọi thứ dễ dàng hơn, các trường đại học như Đại học Hàn Quốc ở Seoul đã tổ chức những cuộc hội thảo kéo dài hàng tuần cho tất cả giảng viên về cách truyền phát trực tiếp bài giảng, cách ghi hình trước các bài giảng và cách thực hiện giảng dạy thông qua các nền tảng trực tuyến.

Cán bộ nhân viên trong trường cũng phải đưa ra những cách thức sáng tạo để thực hiện những nhiệm vụ hành chính nhằm đối phó với diễn biến của dịch bệnh. Đại học Phụ nữ Ewha – trường đại học phụ nữ đầu tiên ở Hàn Quốc, gần đây đã trở thành tiêu đề quốc gia khi lần đầu tiên trong lịch sử lâu dài, đã tiến hành các buổi lễ tốt nghiệp và khai giảng trực tuyến thông qua YouTube phát trực tiếp cho tất cả sinh viên tốt nghiệp và sinh viên mới nhập trường. Đó là một thành công lớn với hơn 2000 phụ huynh và sinh viên tham dự và một chương trình bao gồm bài phát biểu của chủ tịch trường, chương trình trò chuyện trực tuyến và màn trình diễn chào mừng của các cựu sinh viên và giảng viên. Cũng có thể nhận thấy những thay đổi bắt buộc ở cấp chính phủ. Ngay từ buổi bình minh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các học giả và các nhà thực hành giáo dục đại học đã yêu cầu  chính phủ thay đổi những quy định và hạn chế lỗi thời đối với các tổ chức giáo dục đại học để họ có thể cạnh tranh trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, nhưng những yêu cầu này không được hoặc rất hiếm khi được đáp ứng. Tuy nhiên, khi Coronavirus bùng phát, các nhà hoạch định chính sách của Bộ Giáo dục buộc phải sửa đổi một chính sách trước đây ngăn cản các trường đại học cung cấp hơn 20% các giờ học trực tuyến.

Ngoài ra, mối đe dọa COVID-19 bất ngờ tạo nên sự đoàn kết mới giữa sinh viên trong nước và quốc tế, giữa các nhà quản trị đại học và các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương. Những sinh viên, nhà nghiên cứu và giáo sư người Trung Quốc tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) tại Daejeon gần đây đã giành được sự tán dương của khu vực và quốc gia vì những đóng góp của họ trong việc ngăn chặn Coronavirus. Ban đầu họ phát động quyên góp để hỗ trợ cho công tác phòng chống virus Coronavirus ở Trung Quốc, nhưng khi tình hình ở Hàn Quốc ngày càng xấu đi, thay vì chuyển về Trung quốc, nhóm đã quyết định gửi các khoản quyên góp và vật tư y tế đến thành phố Daegu, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Hàn Quốc, nơi phần lớn các trường hợp nhiễm Coronavirus được báo cáo. Ngoài ra, các trường đại học như Đại học Kyungsung ở Busan không chỉ giúp đỡ cho bệnh nhân, mà còn cho nhiều doanh nghiệp và cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng kinh tế bởi sự bùng phát của Coronavirus, bằng cách giảm tiền thuê những cơ sở vật chất thuộc trường.

Những bài học cho giáo dục đại học Hàn Quốc

Vào cuối ngày, các trường đại học và các nhà hoạch định chính sách của Hàn Quốc phải tự đặt ra cho mình câu hỏi: cần coi đại dịch toàn cầu không tránh khỏi này là gì? Thuần túy là một mối đe dọa, hay cũng là một yếu tố kích thích những thay đổi tích cực trong giáo dục đại học? Như Altbach và de Wit đề cập trong bài viết trên tờ University World News ngày 14 tháng 3 năm 2020, “cuộc khủng hoảng coronavirus là một tai họa nghiêm trọng đối với các xã hội, các cá nhân và với giáo dục đại học. Nhưng khủng hoảng cuối cùng cũng sẽ qua đi”. Và tôi đồng ý với những tác giả này rằng “các trường đại học trên toàn thế giới đang thực hiện một công việc ấn tượng là xử lý khủng hoảng trong những hoàn cảnh khó khăn, nhưng học những bài học dài hạn và hoạch định chiến lược hiệu quả vẫn không phải là thế mạnh của cộng đồng học thuật.” Do đó, các trường đại học và các nhà hoạch định chính sách của Hàn Quốc nên được khen ngợi vì những việc họ đã làm được cho đến nay và vì họ tiếp tục hành động thận trọng chống lại mối đe dọa; nhưng đồng thời, họ nên tận dụng cơ hội này để học những bài học dài hạn hơn trong việc quản lý  quốc tế hóa và trao đổi sinh viên và khai thác hợp lý các công nghệ giáo dục và giảng dạy trực tuyến.

Lời kết

Cần nói rằng, khi đang viết bài này, tôi thực sự hy vọng thế giới sẽ phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Coronavirus và tôi muốn gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến tất cả những quốc gia, tổ chức và người dân bị tàn phá bởi đại dịch này. Hơn nữa, tôi hy vọng rằng cộng đồng giáo dục đại học quốc tế, sau tai họa này, sẽ xuất hiện trong một hình thức đổi mới và mạnh mẽ hơn trước, và cùng hướng tới tương lai.