Laura E. Rumbley là Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu & Phát triển Tri thức, Hiệp hội Giáo dục Quốc tế châu Âu (EAIE). E-mail: rumbley@eaie.org.
Tóm tắt: Những khảo sát gần đây về ảnh hưởng của COVID-19 đối với các chương trình và hoạt động giáo dục quốc tế ở Châu Âu và Bắc Mỹ cung cấp những hiểu biết quan trọng, sâu sắc về những thách thức cũng như phản ứng mà ngành này đã thực hiện. Hoạt động du học, tính linh hoạt và sự chăm sóc nổi lên như những chủ đề chính tạo nên khung cảnh hiện tại và triển vọng tương lai.
Khi chúng ta bước vào quý II của năm 2020, những biến động do đại dịch COVID-19 gây ra vừa đáng báo động vừa khó xử lý.
Một số khảo sát tầm quốc gia và khu vực giúp hình thành những thông tin cơ sở. |
Giáo dục đại học bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình này, đặc biệt là những chương trình và hoạt động mang tính quốc tế hóa của các trường, do phụ thuộc nhiều vào việc đi lại và tham gia trực tiếp của sinh viên, giảng viên và cán bộ để tăng lợi ích cốt lõi. Khủng hoảng COVID-19 lan rộng nhanh chóng khiến khó nắm bắt được những biến động mà quốc tế hóa trong giáo đại học đang phải trải qua trên phạm vi rộng. Tuy nhiên, một số khảo sát tầm quốc gia và khu vực giúp hình thành những thông tin cơ sở. Những phát hiện sơ bộ này đang dần làm sáng tỏ những tác động tức thời và những phản ứng đang được thực hiện. Chúng khiến bộc lộ những lỗ hổng trong nguồn lực và trong mức độ các trường đại học sẵn sàng đối phó với tình trạng khủng hoảng như vậy. Quan trọng hơn, chúng cũng cung cấp nền tảng để hiểu điều gì là quan trọng nhất khi chúng ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng này: duy trì hoạt động du học; đảm bảo mức độ linh hoạt cao nhất nhằm đối phó với sự gián đoạn; và nuôi dưỡng quan niệm chăm sóc như một giá trị cốt lõi trong công việc của chúng ta.
Hoạt động du học: tình hình nghiêm trọng
Hiệp hội châu Âu về Giáo dục Quốc tế (EAIE) đã tiến hành một cuộc khảo sát từ 19/2 đến 6/3 năm 2020, với những cá nhân làm việc trong các tổ chức giáo dục đại học tại khu vực giáo dục đại học châu Âu (EHEA). Mục tiêu là tìm hiểu xem sự bùng phát dịch bệnh (khi đó chưa được Tổ chức Y tế Thế giới coi là đại dịch) đã ảnh hưởng thế nào đến những chương trình và hoạt động mang tính quốc tế hóa của các trường thành viên trong EHEA. Cùng với những nội dung khác, cuộc khảo sát cũng tìm hiểu cách thức những cơ sở giáo dục đại học của những người tham gia khảo sát lựa chọn hành động phản ứng trước dịch bệnh, cách họ xác định những nhu cầu cấp bách nhất của mình trong tình hình hiện tại, và những tính toán nào phát sinh từ cuộc khủng hoảng này được coi là quan trọng nhất về trung hạn và dài hạn.
Cùng trong khoảng thời gian đó (tháng 2 – 3 năm 2020), Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) đã tiến hành khảo sát về hiệu ứng của COVID-1 tại các cơ sở giáo dục đại học Hoa Kỳ, và Cục Giáo dục Quốc tế Canada (CBIE) cũng làm như vậy trong các cơ sở đào tạo ở Canada.
Trong cả ba cuộc khảo sát, du học nổi lên là hoạt động quốc tế hóa chủ chốt gánh chịu tổn thất nặng nề do cuộc khủng hoảng COVID-19. Ví dụ ở châu Âu, phần lớn số người được hỏi (từ 51 đến 57%) cho rằng ảnh hưởng của COVID-19 đến hoạt động du học – từ nước khác đến và đi nước khác, của cả sinh viên và cán bộ giảng viên – là khá lớn. Ngoài ra, 15 đến 21% nhận thấy ảnh hưởng này là “rất lớn”. Theo những người được khảo sát ở Mỹ thì có đến 94% chương trình du học đến Trung Quốc đã bị hoãn lại hoặc hủy bỏ. Khoảng 70% người tham gia khảo sát CBIE đã chỉ ra rằng việc gửi sinh viên và các đoàn công tác, du lịch ra nước ngoài nằm trong những hoạt động giáo dục quốc tế bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi COVID-19. Tiếp nhận du học sinh và các đoàn công tác từ các nước khác đến nằm trong TOP 4 hoạt động bị ảnh hưởng nhiều nhất theo kết quả khảo sát của Canada.
Du học cũng là một trong những mối quan tâm hàng đầu trong tương lai. Gần 80% người được hỏi ở Canada cho rằng những hoạt động liên quan đến du học là một trong “những mối quan tâm chính của trường trong 6 đến 12 tháng tới”. Ở châu Âu, 291 cá nhân (trong tổng số 805 người tham gia khảo sát) đã trả lời một câu hỏi mở, tùy chọn về những mối quan tâm trong tương lai, trong số đó khoảng 45% bày tỏ sự lo ngại về triển vọng tương lai của hoạt động gửi sinh viên ra nước ngoài du học, và 40% có suy nghĩ tương tự về triển vọng tương lai của du học đến từ nước ngoài.
Tốc độ phát triển nhanh chóng của đại dịch COVID-19 cho thấy bức tranh du học ngày hôm nay, chưa đầy hai tháng sau khi những cuộc khảo sát này được thực hiện, đã hoàn toàn khác – và ảm đạm hơn. Không ai dám chắc chắn về mức độ ảnh hưởng của COVID-19 đến các cơ hội du học trong năm học tới, và điều này có lẽ sẽ là yếu tố chính để các tổ chức đào tạo của châu Âu và Bắc Mỹ xem xét điều chỉnh và lên kế hoạch cho giai đoạn tới.
Tính linh hoạt: thành phần cốt yếu
Một phát hiện quan trọng khác của các cuộc khảo sát gần đây ở châu Âu, Mỹ, và Canada liên quan đến nhu cầu và những nỗ lực hết sức của các tổ chức giáo dục để phản ứng kịp thời, hiệu quả trước cuộc khủng hoảng. Ví dụ, nghiên cứu của EAIE thấy rằng gần 60% tổ chức của những người được hỏi đã tích cực triển khai kế hoạch đối phó COVID-19 và 14% đang trong quá trình xây dựng một kế hoạch như vậy. Tại Canada, 45% số người trả lời cho rằng tổ chức của họ đang thực hiện kế hoạch đối phó, trong khi hơn 43% cho biết đang xây dựng kế hoạch.
Ngoài việc tìm hiểu các tổ chức giáo dục có sẵn hay không một kế hoạch chính thức đối phó khủng hoảng, các cuộc khảo sát cũng làm sáng tỏ một số hành động cụ thể mà các tổ chức đang cố gắng thực hiện để đáp ứng nhu cầu của các thành phần. Những nỗ lực truyền thông và phổ biến thông tin là loạt hành động quan trọng – nếu không nói là chủ yếu – ở cả Bắc Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, mong muốn tiếp cận những thông tin diễn biến mới nhất, cũng như những ví dụ thực hành tốt, là điều hiển nhiên. Chờ đợi cũng là một lựa chọn: khảo sát của IIE (tập trung vào những ảnh hưởng liên quan đến các chương trình Trung Quốc và sinh viên Trung Quốc) đã phát hiện ra rằng “khoảng một phần năm số trường (20%) cho biết họ hiện không có kế hoạch tuyển sinh thay thế, và rất nhiều trong số những cơ sở giáo dục đại học này nói rằng họ đang chờ xem tình hình thay đổi thế nào”.
Tuy nhiên, với việc đóng cửa nhiều biên giới quốc gia và áp đặt hàng loạt lệnh hạn chế đi lại sau khi những khảo sát này được thực hiện, các tổ chức đã hành động nhiều hơn là chỉ chờ-và-xem trong nhiều quý. Ví dụ, việc hàng loạt trường khắp châu Âu và Bắc Mỹ chuyển hoạt động dạy và học sang các nền tảng trực tuyến trong những tuần gần đây cho thấy tính linh hoạt đã giành được vị trí trung tâm. Tất nhiên, tác động của những quyết định này đối với “trải nghiệm quốc tế” của sinh viên và cán bộ (chưa nói đến hệ quả về mặt quản lý, ví dụ, của những việc như thanh toán trợ cấp đi lại của chương trình Erasmus) sẽ đòi hỏi phải chú trọng rất nhiều vào mức độ “linh hoạt” có thể của các tổ chức và cơ chế hợp tác quốc tế.
Chăm sóc: lạt mềm buộc chặt
Cộng đồng giáo dục quốc tế – ở châu Âu, Bắc Mỹ và những nơi khác – vượt qua được cơn bão do đại dịch COVID-19 gây ra hay không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố; đầu tiên và quan trọng nhất, có lẽ là khả năng đặt sự “chăm sóc” vào trọng tâm của mọi nỗ lực. Việc EAIE, IIE và CBIE thu thập được thông tin trả lời khảo sát từ gần 1000 trường khác nhau ở cả hai khu vực vào thời điểm khi những người trả lời khảo sát đang phải chịu những căng thẳng trong công việc (có thể cả căng thẳng cá nhân) nói lên sự nghiêm túc của các chuyên gia giáo dục quốc tế châu Âu và Bắc Mỹ trong việc nắm bắt tình hình. Đây là một mong muốn đích thực nhằm kết nối và tổng hợp thông tin và trí tuệ chung.
Những nỗ lực đã thực hiện cũng cho thấy sự “chăm sóc” – trong hình thức những hoạt động đảm bảo sự an toàn và sức khỏe cho sinh viên và cán bộ giảng viên, giữ quan hệ tốt đẹp các đối tác, nhằm chuyển tải thông điệp vừa chính xác vừa khiến vững tâm… – đang thông tin tích cực về những cách tiếp cận với tình hình phức tạp này. Thiệt hại về người trong đại dịch này là rất lớn, cho nên những phản ứng thông minh, nhưng đồng thời nhạy cảm, dường như sẽ là hiệu quả nhất để duy trì lĩnh vực này.
Trong tương lai, dữ liệu của những ngày đầu do những cuộc khảo sát gần đây cung cấp sẽ có vai trò quan trọng như một chuẩn đối chiếu để đánh giá những tiến triển tiếp theo và cân nhắc kỹ những biện pháp phù hợp nhằm đối phó với khủng hoảng.