Philip G. Altbach là Giáo sư nghiên cứu, Giám đốc sáng lập; Hans de Wit là Giáo sư, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. E-mails: altbach@bc.edu và dewitj@bc.edu. Bài này đã được đăng trên University World News, một đối tác của IHE.
Tóm tắt: Khủng hoảng Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động du học toàn cầu, nghiêm trọng nhất là làm giảm số lượng du học sinh, đặc biệt là sinh viên Trung Quốc, cùng các hệ luỵ khác liên quan đến quốc tế hoá giáo dục đại học nói chung. Kết quả hoạt động của các trường đại học và các hệ thống đào tạo có tỷ lệ sinh viên quốc tế cao bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhiều khả năng những xu hướng lớn hơn trong những năm gần đây sẽ tiếp tục phát triển sau gián đoạn đáng kể do Covid-19.
Khủng hoảng Coronavirus làm đảo lộn giáo dục đại học, cùng các nền kinh tế và cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới. Các trường đại học đóng cửa, việc giảng dạy bị đình đốn hoặc chuyển sang trực tuyến. Các cuộc hội thảo, hội nghị bị hoãn. Đối với giáo dục đại học quốc tế, kỳ thi tuyển sinh đầu vào không được tổ chức, sinh viên quốc tế không thể đến quốc gia họ đang theo học hoặc không thể về nước. Các chương trình quốc tế bị huỷ, giảng viên được yêu cầu không đến những quốc gia bị ảnh hưởng, hoặc hoàn toàn không xuất cảnh. Những tác động tức thời và sự lo ngại ngày càng tăng khi Coronavirus lan ra nhiều quốc gia, ảnh hưởng đến nhiều người hơn.
Khủng hoảng Coronavirus ảnh hưởng đến giáo dục đại học như thế nào về trung hạn và lâu dài? Cơ bản là không lớn! Một số người nhìn thấy tác động tích cực bất ngờ đối với giáo dục đại học, đặc biệt là sự gia tăng dạy và học trực tuyến, giúp làm giảm lượng khí thải carbon, đa dạng hoá chính sách tuyển sinh quốc tế, giảm sự phụ thuộc vào một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc. Chúng tôi cho rằng, những thực tế và xu hướng chính của giáo dục đại học quốc tế nhiều khả năng vẫn tồn tại được, giáo dục đại học sẽ nhanh chóng trở lại tình trạng quen thuộc trước đây, nhưng có lẽ mức độ ổn định tài chính ở nhiều tổ chức và ở nhiều quốc gia sẽ còn thấp hơn so với hiện nay.
Du học
Không nghi ngờ gì nữa, du học toàn cầu sẽ bị suy giảm, đặc biệt là du học từ Trung quốc đến những quốc gia khác. Sự suy giảm này cũng đặt dấu chấm kết thúc một giai đoạn hai thập kỷ bùng nổ du học sinh từ Trung quốc. Do đó, nhiều khả năng trước mắt sẽ xảy ra sự sụt giảm mạnh, về lâu dài tốc độ sẽ chậm hơn, mặc dù Trung quốc vẫn là nguồn cung cấp du học sinh lớn nhất trong tương lai gần.
Khi khủng hoảng dịch bệnh chấm dứt, bức tranh du học toàn cầu sẽ thay đổi, như từng nhiều lần tái cấu trúc trước đây. Theo thời gian, đã có những thay đổi trong mô hình và xu hướng du học. Iran từng là quốc gia đứng đầu về số sinh viên du học, nay vai trò đó đã không còn. Brazil và Ả Rập Saudi suy giảm, trong khi Việt Nam và Ấn Độ đang nổi lên. Tương lai sẽ đến lượt châu Phi, chủ yếu từ Nigeria và Kenya. Mô hình điểm đến đang xoay dần từ châu Âu và Bắc Mỹ sang châu Á và Trung đông. Cũng có dự báo rằng số lượng tổng thể không tăng nhanh mà có thể còn giảm nhẹ, và những điểm đến hàng đầu có thể thay đổi. Hoa Kỳ, ngày càng ít được ưa chuộng có khả năng sẽ suy giảm. Nhưng nói chung du học quốc tế vẫn sẽ tiếp tục theo mô hình truyền thống.
Phụ thuộc tài chính vào sinh viên quốc tế
Một số quốc gia điểm đến, đặc biệt là Úc, tiếp theo là Vương quốc Anh, và một số trường hạng thấp ở Hoa Kỳ, ngày càng phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ sinh viên quốc tế, là nguồn thu quan trọng đối với sự tồn tại của họ. Xét cho cùng, giáo dục quốc tế là một ngành công nghiệp trị giá 300 tỷ USD toàn cầu. Đại dịch Cororavirus cho thấy sự phụ thuộc này là một vấn đề nghiêm trọng: nhiều khả năng những trường phụ thuộc vào nguồn thu từ sinh viên quốc tế sẽ đối mặt với những khó khăn tài chính. Khủng hoảng Covid-19 có thể báo hiệu rằng coi giáo dục quốc tế chủ yếu là một công cụ tạo thu nhập là một việc không đáng làm nhìn từ nhiều góc độ, nhưng hy vọng sẽ không xảy ra như vậy. Thực ra, chính phủ và các trường đại học có thể tăng gấp đôi nỗ lực tuyển sinh.
Khủng hoảng Covid-19 có thể báo hiệu rằng coi giáo dục quốc tế chủ yếu là một công cụ tạo thu nhập là một việc không đáng làm nhìn từ nhiều góc độ. |
Công nghệ có ảnh hưởng đến du học không?
Nhiều trường đại học đang giảng dạy trực tuyến vì phải đóng cửa các cơ sở ở nhiều nơi, và nhiều giai thoại thành công đã được ghi nhận. Điều thực sự ấn tượng là các trường đại học đã nhanh chóng chuyển tất cả, hoặc một phần chương trình học chính thức của họ lên Internet. Nhưng chúng tôi vẫn đôi chút hoài nghi về chất lượng giảng dạy và sự hài lòng của sinh viên trong hoàn cảnh mới. Phần lớn giảng viên không được đào tạo để thực hiện các khóa học từ xa, không có công nghệ thích hợp đảm bảo hoạt động dạy và học đạt chất lượng cao, và chương trình không được điều chỉnh phù hợp với Web. Chúng tôi biết điều này từ kinh nghiệm của chính mình trong những năm theo học chương trình đào tạo thạc sĩ giáo dục đại học quốc tế tại Boston College; xây dựng một môi trường học tập trực tuyến có tương tác và hiệu quả là hết sức khó khăn, do những hạn chế của công nghệ, sự thiếu kinh nghiệm và thiếu thiết bị phù hợp cho sinh viên và giảng viên. Có nhiều khía cạnh và thể thức cần tính đến: giảng dạy bất đồng bộ hay đồng bộ, cách quản lý thảo luận nhóm trực tuyến hiệu quả và cách tổ chức làm bài tập và bài kiểm tra trực tuyến. Đó mới chỉ là một vài vấn đề đáng chú ý nhất. Tất nhiên, dạy và học trực tuyến hiệu quả là một việc khả thi, nhưng cần thời gian chuẩn bị và sự hỗ trợ. Thực hiện chuyển đổi quá nhanh chắc chắn sẽ cho chất lượng thấp, và chất lượng sẽ còn thấp hơn trong bối cảnh hầu hết sinh viên không có đủ điều kiện/thiết bị cần thiết ở nhà, như kết nối Internet, không gian riêng để học tập. Vì vậy, không nên lý tưởng hóa sự dịch chuyển hiện tại sang trực tuyến!
Có quan điểm cho rằng đào tạo quốc tế cho sinh viên đại học/sau đại học sẽ chuyển dần sang và hoàn toàn trực tuyến trên Internet. Đã từng có dự đoán tương tự đối với giáo dục thường xuyên, nhưng thực tế diễn ra hết sức khiêm tốn. Hầu hết sinh viên quốc tế sẽ tiếp tục lựa chọn trải nghiệm học tập (trực tiếp trong các cơ sở) ở nước ngoài, nhằm tìm kiếm việc làm, tạm thời hoặc lâu dài, ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp.
Tác động đến du học
Hàng ngàn sinh viên đang tham gia những chương trình du học kéo dài một học kỳ hoặc ngắn hơn ở Bắc Mỹ và châu Âu đã phải trở về nước. Có thể trước mắt những chương trình loại này sẽ tạm bị gián đoạn, những về lâu dài sẽ không suy giảm. Dự đoán sẽ có sự gia tăng của xu hướng du học ngắn hạn (dưới 8 tuần) và đến những quốc gia “an toàn”. Như chúng ta đã thấy, Pháp và Tây Ban Nha đã phục hồi nhanh chóng sau những cuộc tấn công khủng bố, nước Ý cũng sẽ làm được như vậy.
Lập kế hoạch chiến lược
Rõ ràng là cuộc khủng hoảng Coronavirus đang gây ra những vấn đề nghiêm trọng đối với xã hội, với mỗi cá nhân, và giáo dục đại học. Nhưng cuối cùng khủng hoảng sẽ qua đi, và ít nhất trong các lĩnh vực quốc tế hóa giáo dục đại học, mọi thứ sẽ trở lại trạng thái status quo (nguyên trạng). Quốc tế hóa giáo dục và giảng dạy trực tuyến đang có nhiều vấn đề nghiêm trọng; bao gồm sự lệ thuộc quá nhiều của một số quốc gia vào nguồn thu từ du học sinh, vấn đề khí thải của hoạt động du học (xem bài của Laura E. Rumbley, Quốc tế hóa giáo dục đại học và tương lai của trái đất, IHE #100), tiêu chuẩn chất lượng, sự thiếu ổn định trong du học, và nhiều vấn đề khác.
Các trường đại học trên khắp thế giới đang quản lý cuộc khủng hoảng này một cách ấn tượng trong những hoàn cảnh khó khăn; mặc dầu vậy cộng đồng học thuật chưa thể hiện được khả năng học hỏi cho dài hạn cũng như lập kế hoạch chiến lược hữu hiệu. Liệu khủng hoảng Covid-19 có phải là hồi chuông cảnh tỉnh?