COVID-19 gây ra những hậu quả nào đối với giáo dục đại học ở châu Phi?

Goolam Mohamedbhai là cựu Tổng thư ký Hiệp hội các trường đại học châu Phi và là cựu PHiệu trưởng Đại học Mauritius. E-mail: g_t_mobhai@yahoo.co.uk.

Bài viết này trước đây đã được đăng trên tờ World University News, đối tác của IHE.

Tóm tắt: COVID-19 sẽ có những hậu quả nghiêm trọng đối với giáo dục đại học ở châu Phi. Nó sẽ làm phát sinh sự bất bình đẳng do sử dụng CNTT-TT, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, gây ảnh hưởng đến việc tài trợ coh hoạt động nghiên cứu, làm trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp sau khi tốt nghiệp và khiến các trường tư nhân gặp rủi ro. Hành động khẩn cấp là cần thiết ở cấp độ của mỗi quốc gia để sẵn sàng khi khủng hoảng kết thúc – nếu không sự phục hồi của ngành có thể quá chậm và quá muộn.

COVID-19 ảnh hưởng đến mọi khu vực ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới và hậu quả của nó sẽ còn cảm nhận được trong nhiều năm tới. Vào thời điểm những nỗ lực to lớn đang được thực hiện để chuyển đổi và cải thiện giáo dục đại học ở châu Phi, một mối nguy hiểm như COVID-19 sẽ gây bất ổn cho ngành, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Bài viết này nhấn mạnh một số hậu quả này, để giúp các nhà lãnh đạo của các tổ chức giáo dục đại học, các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan khác suy ngẫm về chúng và chuẩn bị tốt hơn để ứng phó.

Bất bình đẳng

Là một phần trong các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của virus, các quốc gia châu Phi không có lựa chọn nào khác ngoài việc đóng cửa các tổ chức giáo dục đại học (HEI). Và các HEI không có lựa chọn nào khác ngoài sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) để cung cấp trực tuyến các chương trình học tập cho sinh viên từ khoảng cách xa. Nhưng quá trình này đã tạo ra sự bất bình đẳng kỹ thuật số trong lục địa châu Phi: giữa những quốc gia có cơ sở hạ tầng CNTT tốt hơn và những quốc gia khác; giữa các HEI trong cùng một quốc gia, một số được trang bị và trải nghiệm tốt hơn nhiều so với những trường khác; và giữa các sinh viên trong cùng một trường, những người giàu sống ở thành thị và người nghèo ở nông thôn, những người hầu như không có điều kiện truy cập Internet, cả trong những trường hợp có sẵn Internet.

Đúng là cuộc khủng hoảng đã tạo cơ hội cho tất cả các HEI nhanh chóng cải thiện và tối đa hóa hoạt động CNTT của họ. Tuy nhiên, phần lớn không đủ khả năng cung cấp trực tuyến toàn bộ chương trình. Một vài trường đại học mở ở châu Phi có thể làm được việc này, nhưng đối tượng mục tiêu của họ chủ yếu là sinh viên trưởng thành, những người có việc làm và những người muốn nâng cao trình độ, không phải là những sinh viên mới tốt nghiệp phổ thông. Mặc dù một số lượng đáng kể các HEI ở châu Phi đã và đang áp dụng hình thức kết hợp (giữa học trực tiếp và học trực tuyến) để tăng số lượng tuyển sinh và cải thiện việc học tập, hầu như không trường nào có ý định thay thế hoàn toàn hình thức giảng dạy trực tiếp. Các nước châu Phi và HEI đã làm gì để đối phó với tình trạng bất bình đẳng phát sinh từ việc áp dụng rộng rãi hình thức học trực tuyến, thậm chí chỉ trong một khoảng thời gian tương đối ngắn?

Chất lượng

Thật sai lầm khi tin rằng dạy và học trực tuyến có thể hiệu quả chỉ bằng cách đưa lên trực tuyến một bài giảng đã soạn sẵn hoặc một đoạn video ghi hình bài giảng. Tuy nhiên, đó chính là những gì thường xảy ra trong thực tế. Kinh nghiệm đã chỉ ra rằng để dạy và học trực tuyến có chất lượng, tài liệu giảng dạy phải được chuẩn bị bởi các nhà thiết kế bài giảng chuyên nghiệp, các giảng viên phải được đào tạo sư phạm để thực hiện bài giảng, và sinh viên phải được làm quen với phương pháp sư phạm học tập trực tuyến. Giảng dạy trực tuyến không có sự chuẩn bị sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của các chương trình.

Những chương trình bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là khoa học và công nghệ, vì sinh viên không thể thực hành trong các phòng thí nghiệm.

Vào thời điểm mà chất lượng dạy và học trong các tổ chức giáo dục đại học châu Phi đã đạt được những cải thiện quan trọng, đây là một diễn biến đáng tiếc. Những chương trình bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là khoa học và công nghệ, vì sinh viên không thể thực hành trong các phòng thí nghiệm. Trong khi đó, khoa học và công nghệ lại là những chương trình quan trọng nhất đối với sự phát triển của châu Phi. Các HEI làm thể nào để tìm ra những phương pháp thay thế cho việc sử dụng các phòng thí nghiệm và sau đó, làm thế nào để hạn chế hậu quả của những chương trình chất lượng kém do giảng dạy trực tuyến không có sự chuẩn bị?

Hiệu ứng đường ống

Các trường trung học, nguồn cung cấp sinh viên cho HEI, cũng bị đóng cửa. Ở nhiều nước châu Phi, người ta đã nhận thấy rằng khi số lượng tuyển sinh vào các trường trung học tăng lên nhờ thực hiện những biện pháp cải thiện cơ hội tiếp cận giáo dục, chất lượng đầu vào các HEI bị giảm xuống. Tình hình sẽ trở nên trầm trọng hơn với việc đóng cửa các trường trung học và các HEI phải tìm kiếm những biện pháp để hỗ trợ những sinh viên đầu vào có chất lượng kém hơn, có lẽ bằng cách triển khai các khóa học bổ sung trong năm đầu tiên. Ngoài ra, kỳ thi cuối cấp phổ thông trung học đang bị hoãn hoặc hủy bỏ. HEI có cách nào để tuyển chọn khóa sinh viên tiếp theo nếu không dựa vào kết quả thi? Ở đây cần những cách tiếp cận cấp quốc gia áp dụng cho toàn bộ ngành giáo dục.

Nghiên cứu

Để cải thiện sản lượng nghiên cứu của châu Phi – được biết là thấp nhất trong bất kỳ khu vực nào – một loạt các sáng kiến và dự án đã được thực hiện trong vài thập kỷ qua, cả ở cấp quốc gia, khu vực hoặc lục địa. Trọng tâm là tăng cường đào tạo sau đại học, đặc biệt ở bậc tiến sĩ, và tạo điều kiện cho các dự án nghiên cứu trong những HEI tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên cho sự phát triển của châu Phi. Và tất cả các chỉ số đều cho thấy những sáng kiến này hiện đang mang lại kết quả.

Tuy nhiên, phần lớn các sáng kiến nghiên cứu được tài trợ bởi các nước châu Âu, bởi các quỹ và các tổ chức tại Hoa Kỳ và gần đây là Trung Quốc. Ngoài ra, gần như tất cả các nghiên cứu đều được thực hiện với sự cộng tác của các HEI ở những quốc gia này. Vì COVID-19 đang tác động đến toàn thế giới và châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Quốc dường như là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, liệu châu Phi có thể tiếp tục dựa vào tài trợ nghiên cứu từ những nguồn này? Một vài trong số những quốc gia này có thể sẽ ngừng tài trợ và các HEI của họ sẽ ưu tiên giải quyết những vấn đề của chính họ, điều đó là hoàn toàn dễ hiểu.

Làm thế nào để duy trì những dự án nghiên cứu đang được thực hiện ở châu Phi và đang nhận tài trợ từ bên ngoài? Các HEI ở châu Phi có thể tìm những nguồn tài trợ thay thế nào để thực hiện nghiên cứu của họ?

Thất nghiệp sau khi tốt nghiệp

Hầu như mọi quốc gia châu Phi gần đây đều chứng kiến tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học bị thất nghiệp, và ở một số quốc gia, số liệu thất nghiệp rất đáng báo động. Từ phản hồi thu được từ các nhà tuyển dụng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thất nghiệp là do sinh viên tốt nghiệp thiếu những “kỹ năng mềm”: kỹ năng giao tiếp kém, thiếu sáng kiến cá nhân, không có kỹ năng làm việc nhóm, v.v … Việc áp dụng rộng rãi học tập trực tuyến vì COVID -19 chắc chắn sẽ làm tình hình thêm trầm trọng, vì sinh viên sẽ phải tự học một mình. Đây là một cơ hội để chủ động lôi kéo các nhà tuyển dụng hỗ trợ trong việc cung cấp những kỹ năng họ cần.

Thật không may, vì những lý do kinh tế, nhiều nhà sử dụng lao động tư nhân tiềm năng có thể buộc phải sa thải nhân viên của họ, từ đó làm tăng thêm số người thất nghiệp. Điều này sẽ khiến sinh viên tốt nghiệp khó tìm việc làm hơn. Hậu quả chính trị xã hội của thất nghiệp quy mô lớn, đặc biệt là trong giới trẻ có học thức, có thể rất nghiêm trọng.

Các tổ chức giáo dục đại học tư thục

Một đặc điểm của ngành giáo dục đại học ở các nước châu Phi là sự hiện diện của các trường tư nhân. Số lượng các trường đại học tư đã lớn hơn đáng kể so với các trường công, và số lượng tuyển sinh vào các trường tư tăng lên đều đặn qua các năm, hiện nay ở một số quốc gia số lượng sinh viên trong các trường công và tư gần như bằng nhau.

Những trường tư nhân thường hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và phụ thuộc nhiều vào nguồn thu học phí để trả lương cán bộ giảng viên và chi phí hoạt động. Trong khi các trường công cuối cùng có thể nhận được hỗ trợ từ nhà nước để khắc phục hậu quả của COVID-19, các trường tư nhân có thể sẽ phải ngừng hoạt động vì thiếu vốn. Việc đóng cửa những tổ chức này sẽ tác động mạnh mẽ đến ngành giáo dục đại học và sự phát triển kinh tế của quốc gia. Có những giải pháp nào? Nhà nước có cách nào hỗ trợ các tổ chức tư nhân tại thời điểm khủng hoảng như vậy?

Hành động

Điều dễ hiểu là, hiện tại các nước châu Phi cũng như các nơi khác trên thế giới, đang dành mọi ưu tiên cho ngành y tế nhằm ngăn chặn lây nhiễm và hạn chế tử vong. Các chính phủ cũng đang cố gắng hỗ trợ những nhóm xã hội thiệt thòi. Phục hồi kinh tế và hỗ trợ cho các lĩnh vực khác của nền kinh tế sẽ phải đến sau. Nhưng điều quan trọng đối với mỗi ngành là bắt đầu xem xét tác động của COVID-19 và đánh giá những hậu quả có thể xảy ra, nếu không, sự phục hồi của ngành có thể sẽ quá chậm, quá muộn.

Cũng như vậy đối với giáo dục đại học. Cách tiếp cận phải toàn diện và liên quan đến tất cả các bên, bao gồm cả khu vực tư nhân. Mỗi quốc gia nên thành lập một lực lượng đặc nhiệm về giáo dục đại học dưới sự lãnh đạo của bộ ngành liên quan, để khảo sát tình hình, đề xuất các biện pháp trước mắt và ngắn hạn, và sẵn sàng thực hiện hành động khắc phục khi khủng hoảng kết thúc.