COVID-19: động lực bất thường và bất ngờ cho giáo dục trực tuyến

Dodzi Amemado là Nhà phân tích cao cấp tại Văn phòng Hội đồng Cơ mật của Thủ tướng Canada. Ông từng được mời giảng tại Trung tâm giáo dục đại học quốc tế tại Đại học Boston. E-mail: amemadojean2@hotmail.com.

Tóm tắt: COVID-19 đang tàn phá thế giới và góp phần vào sự hoảng loạn xã hội, khiến hầu hết các trường đại học trên toàn thế giới phải tạm đóng cửa. Tình hình hiện nay không cho phép tiến hành các lớp học tại chỗ và tương tác trực tiếp trong môi trường vật lý dành cho nghiên cứu và học tập của các trường đại học. Bài viết này bàn về những tác động của việc chuyển dịch giáo dục đại học sang hình thức trực tuyến.

Dựa trên số liệu thống kê của UNESCO, tính đến ngày 23 tháng 3 năm 2020, trên toàn thế giới có 1,7 tỷ học sinh phổ thông và sinh viên đại học không thể đến trường. Con số này bằng 90% tổng số học sinh sinh viên trên thế giới. Trong tình hình nghiêm trọng do sự bùng phát của COVID-19, đa số các trường đại học yêu cầu giảng viên của mình chuyển sang dạy trực tuyến, mà không tính đến những thách thức của việc dạy toàn bộ chương trình theo phương thức này. Ban quản trị nhiều trường đại học phải đối mặt với gánh nặng cùng một lúc chuyển hàng trăm khóa học sang hình thức trực tuyến. Sự vội vã bất ngờ này mang tới thông điệp gì cho giáo dục đại học? Những thách thức nào thường gặp phải nhất, và tác động ngắn hạn và dài hạn của việc tích hợp các khóa học trực tuyến vào giáo dục đại học là gì?

Tính hợp lý của giáo dục trực tuyến ngày càng tăng

Nhờ sự vội vã đột ngột và bất ngờ này, giáo dục trực tuyến trên toàn thế giới đã tiến thêm được một bước. Kể từ cuối những năm 1990, khi Internet bắt đầu có vai trò trong việc triển khai khoá học, các cơ sở giáo dục đại học (HEI) đã từng bước thúc đẩy sự đổi mới này và thay đổi định hướng chiến lược của mình. Thực tế cho thấy việc hướng dẫn trực tuyến khá thuận tiện đối với người lớn trong công việc và được giới trẻ (thế hệ Y) đánh giá cao. Điều này khuyến khích các trường đại học áp dụng cách hướng dẫn trực tuyến để làm phong phú thêm nội dung khóa học và thu hút sinh viên. Do những nhu cầu mới xuất hiện trong các nhóm đối tượng người dùng, tính hợp lý của giáo dục trực tuyến tiếp tục tăng và lý do tồn tại của nó không còn là điều cần bàn cãi.

Chẳng hạn như, thông qua lớp học đảo ngược (flipped classrooms), việc chuyển học liệu lên trực tuyến là kỹ thuật sư phạm tốt nhất để dạy một số chủ đề học thuật. Lợi ích không chỉ về mặt sư phạm, mà cả về mặt xã hội và kinh tế. Đối với dân kỹ thuật số, trực tuyến là phương tiện yêu thích để tương tác xã hội, và họ tiếp tục đặt nhiều kỳ vọng vào tính đa phương thức và các công cụ trực tuyến. Với những người đang làm việc, tham gia khóa học trực tuyến thay vì lớp học trực tiếp có lợi hơn về mặt kinh tế. Giáo dục trực tuyến còn cổ vũ xã hội tri thức toàn cầu, quan hệ đối tác quốc tế, và chia sẻ nội dung và hợp tác trong khu vực giữa các trường đại học. Giáo dục trực tuyến cũng tiếp cận được người tị nạn và tù nhân, mở rộng thêm sứ mạng phục vụ của các trường đại học. Ở những quốc gia mà giáo dục đại học còn thiếu tính đại chúng, giáo dục trực tuyến có thể là một phần của giải pháp nhằm tạo thêm cơ hội tiếp cận. Và giờ đây, giáo dục trực tuyến đang được sử dụng để tránh sự tiếp xúc trực tiếp vì sợ lây nhiễm Coronavirus.  

Những thách thức của giáo dục trực tuyến

Hầu hết các trường đại học trên thế giới đều đã triển khai giáo dục trực tuyến trước đây, ở những mức độ khác nhau, từ mô hình drop-and-go trực tiếp, cho đến những chương trình chuyên sâu có cấu trúc rõ ràng và hoàn toàn trực tuyến. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức đang cản trở học tập điện tử (e-learning) trong giáo dục đại học. Ở các trường đại học châu Phi, thách thức chủ yếu liên quan đến vấn đề kết nối, thiếu cơ sở hạ tầng, và giá thành của dữ liệu, trong khi ở các nước châu Á, như Ấn Độ và Trung Quốc, thách thức nghiêm trọng nhất là chi phí tài chính, các quy định, khoảng cách trong kỹ thuật số, và chuyển dịch văn hóa đối với giảng viên. Tại châu Âu, trở ngại chính là việc tự tạo động lực và kỹ năng tự tổ chức của sinh viên trong môi trường giáo dục hoàn toàn trực tuyến. Và một nhận thức sai lầm rất phổ biến là dạy hoặc học trực tuyến có thể ít đòi hỏi hơn so với các khóa học trực tiếp. Theo kịp được công nghệ và khiến cho giảng viên thích nghi với sự thay đổi văn hóa được coi là những khó khăn chính tại các trường đại học Bắc Mỹ và Úc. Ở Mỹ La tinh, trở ngại lớn nhất là thu hút nhiều sinh viên tham gia và đảm bảo chất lượng khóa học. Dù không hoàn toàn đầy đủ, nhưng danh sách này giúp giải thích vì sao các trường đại học trên toàn thế giới miễn cưỡng áp dụng hình thức dạy và học trực tuyến – nhưng sự tiến bộ là không thể tránh khỏi và đang trở nên nhanh hơn.

Những tác động ngắn hạn và dài hạn của việc chuyển dịch sang trực tuyến

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tất cả những thách thức này đang cản trở các trường đại học nỗ lực chuyển dịch giảng dạy sang trực tuyến. Cuộc hội thảo nhóm, do báo The Chronicle of Higher Education tổ chức vào ngày 20 tháng 3 năm 2020, đã mô tả những nỗ lực hiện nay của các giảng viên đang gấp rút phát triển các khóa học trực tuyến như “uống từ vòi nước cứu hỏa”.

Trong khi giáo dục đại học buộc phải chuyển sang trực tuyến một cách bất ngờ, cuộc tranh luận không nên tập trung vào sự đối lập giữa bên lạc quan và bên hoài nghi (những người lạc quan cho rằng giáo dục trực tuyến sẽ trở thành chủ đạo trong giáo dục đại học, những người hoài nghi không tin rằng giáo dục trực tuyến sẽ có bất kỳ vai trò quan trọng nào trong tương lai của giáo dục đại học). Về ngắn hạn, câu hỏi có lẽ nên là làm sao để giáo dục trực tuyến trở nên tốt và đáng tin cậy nhất có thể, để tối đa hóa chất lượng dạy học, trải nghiệm học tập và mức độ hài lòng của tất cả người dùng, trong lúc trực tuyến là lựa chọn hiện hữu duy nhất của giáo dục đại học. Về dài hạn, khi tình hình trở lại bình thường, các cơ sở giáo dục đại học có thể xem xét đưa giáo dục trực tuyến thành một phần dịch vụ giáo dục chính quy của mình. Có thể khởi đầu bằng quy định bắt buộc sinh viên học một số khóa hoàn toàn trực tuyến, như một số ít trường đại học thông thường đã làm. Với các trường đại học, đi theo con đường này là phù hợp với văn hóa kỹ thuật số đang thịnh hành trong xã hội của chúng ta. Sự tăng trưởng của giáo dục trực tuyến trong thập kỷ vừa qua biểu thị việc chuyển dịch cấu trúc ngày càng tăng trong các cơ sở giáo dục đại học, và không phải theo nghĩa thay thế hoàn toàn cho giáo dục trực tiếp trong khuôn viên của trường. Dù là để triển khai hình thức học tập kết hợp (blended learning) cho sinh viên tại trường, hay cung cấp những chương trình đào tạo hoàn toàn trực tuyến cho người học ở xa, đều cần khuyến khích những nỗ lực xác định những thực tiễn tốt nhất, tích hợp các công nghệ mới và nổi bật, đưa ra những biện pháp kích thích để giảng viên nhanh nhạy hơn và sẵn lòng sử dụng những công cụ này, chuyển các trường đại học thông thường thành các cơ sở đào tạo theo hai phương phức, và khiến cho giáo dục trực tuyến trở thành hợp lý về chi phí, thuận tiện, và hấp dẫn hơn đối với người học từ tất cả các tầng lớp xã hội.

Cuộc khủng hoảng hiện nay cho thấy việc đẩy mạnh giáo dục trực tuyến góp phần đảm bảo sự an toàn và sức khỏe cộng đồng.

Cuộc khủng hoảng hiện nay cho thấy việc đẩy mạnh giáo dục trực tuyến góp phần đảm bảo sự an toàn và sức khỏe cộng đồng. Theo quan điểm này, các chính phủ nên mạnh dạn đưa ra những biện pháp để khiến giáo dục trực tuyến có giá cả hợp lý hơn và đầu tư vào việc xây dựng năng lực trực tuyến của các trường đại học, để bảo vệ ngành giáo dục đại học trong những thời điểm bất ổn xã hội và tình trạng khẩn cấp toàn cầu.