Tác giả là một Chuyên gia về giáo dục Đại học ở New Delhi, Ấn Độ.
Tóm tắt
Gần đây, một làn sóng phản kháng của sinh viên lan rộng khắp các cơ sở giáo dục tại Ấn Độ, khi tư tưởng tự do của các trường đại học đụng độ với những ưu tiên của chính phủ Modi, với chương trình nghị sự theo đa số và tân tự do. Phản ứng của chính phủ đối với tình trạng bất ổn đại học đã gây ra những quan ngại nghiêm trọng.
Các trường đại học và cao đẳng Ấn Độ đã chứng kiến các cuộc biểu tình dữ dội trong những tháng gần đây, lan rộng khắp đất nước từ các thành phố lớn như Chennai, Delhi, Kolkata và Mumbai, đến nhiều thành phố nhỏ hơn. Sinh viên, giới trẻ và các học giả đã xuống đường với số lượng lớn chưa từng thấy. Ở nhiều nơi, các cuộc tuần hành và biểu tình biến thành bạo loạn khi cảnh sát sử dụng vũ lực để trấn áp người biểu tình. Nhiều tổ chức giáo dục phải tạm thời đóng cửa và các kỳ thi bị hoãn lại. Tại các thành phố như Aligarh, nơi có Đại học Hồi giáo Aligarh – một trong những trường đại học công lập lâu đời nhất ở nước này, các dịch vụ Internet đã bị gián đoạn trước khi các cuộc biểu tình nổ ra.
Sinh viên là những người khởi xướng các cuộc biểu tình và các vấn đề xã hội đã khuếch đại thông điệp của họ vượt ra ngoài khuôn viên các trường đại học. Địa điểm khơi nguồn cuộc biểu tình gần đây thu hút sự chú ý của quốc gia và quốc tế là Đại học Jawaharlal Nehru (JNU) ở New Delhi. Nhưng sinh viên của những trường đại học vốn được coi là ôn hòa và thờ ơ với chính trị, như Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) Bombay, IIT Madras hoặc Viện Khoa học Ấn Độ ở Bangalore, cũng tổ chức các cuộc mít tinh và tuần hành ủng hộ những yêu cầu do sinh viên của JNU và các cơ sở khác đưa ra. Có lẽ đây là lần đầu tiên một số lượng sinh viên lớn như vậy từ các trường này tham gia biểu tình phản đối nhà nước.
Những thách thức phức tạp
Ở mức độ lớn, những cuộc biểu tình này xuất phát từ sự bất mãn của sinh viên Ấn Độ trước nhiều vấn đề phức tạp trong những năm gần đây. Chúng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm là tình trạng khủng hoảng sâu sắc hơn mà xã hội Ấn Độ và các tổ chức giáo dục đã trải qua, và là giai đoạn tồi tệ nhất kể từ khi quốc gia này giành độc lập.
Vào tháng mười hai năm 2019, lực lượng cảnh sát Delhi, thuộc quyền kiểm soát của chính phủ trung ương của thủ tướng Modi, đã đánh đập những sinh viên biểu tình tại Đại học Jamia Millia Islamia (JMI), một tổ chức giáo dục công lập ở Delhi. Những sinh viên này phản đối Đạo luật sửa đổi quyền công dân gây tranh cãi của chính phủ. Đạo luật này đề xuất trao quyền công dân cho những người nhập cư thuộc các cộng đồng Kitô giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo, Jain, Parsi và Sikh từ các nước Afghanistan, Bangladesh và Pakistan, nhưng không bao gồm người Hồi giáo. Đó là một sự vi phạm rõ ràng quyền bình đẳng được quy định trong hiến pháp Ấn Độ và các nền tảng thế tục của đất nước.
Những sự kiện này tại JNU có thể được xem là ví dụ về sự mâu thuẫn giữa truyền thống định hướng tự do của các trường đại học và những thay đổi nhanh chóng đang diễn ra dưới thời chính quyền Modi theo hướng dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ giáo. |
Sự kiện này kéo theo một chuỗi bạo lực do những kẻ giấu mặt gây ra, được cho là có liên quan đến tổ chức sinh viên liên kết với Đảng Bharatiya Janata cầm quyền (BJP) tại JNU. Trang bị bằng gậy gộc, đám đông tấn công sinh viên và giảng viên vào tháng giêng năm 2020. Những hành động của lãnh đạo JNU và cảnh sát sau cuộc tấn công này đã châm ngòi cho sự phản đối và những cuộc biểu tình mạnh mẽ trên toàn quốc.
Những sự kiện này tại JNU có thể được xem là ví dụ về sự mâu thuẫn giữa truyền thống định hướng tự do của các trường đại học và những thay đổi nhanh chóng đang diễn ra dưới thời chính quyền Modi theo hướng dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ giáo. Cho đến nay những hoạt động chính trị của sinh viên tại JNU được biết đến chủ yếu nhờ sự định hướng của họ đối với chính trị quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, những sự kiện kích động đang diễn ra là hệ quả của quyết định hành chính về việc tăng học phí và đặt ra thêm các khoản phí mới, khiến sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ càng khó tiếp cận giáo dục đại học. Sinh viên cũng phản đối những quy định mới của ký túc xá bao gồm quy định về trang phục và áp dụng thời gian giới nghiêm.
Sự thâm nhập của chủ nghĩa đa số cực đoan (Intolerant Majoritarianism)
Để hiểu được những diễn biến bạo lực toàn quốc này, ta cần xem xét một số vấn đề liên quan đến sự phát triển và ảnh hưởng của chính trị cánh hữu trong sáu năm qua. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng Modi (2014-2019), chính phủ đã can thiệp vào các tổ chức học thuật nổi tiếng như Viện Điện ảnh và Truyền hình Ấn Độ (FTII), tại đó, vào năm 2015, sinh viên đã đình công vô thời hạn sau khi chính phủ chỉ định diễn viên truyền hình Gajendra Chauhan, sau trở thành chính trị gia – làm chủ tịch của Viện. Vào năm 2016, chủ tịch Hội sinh viên JNU bị bắt và bị buộc tội xúi giục nổi loạn; sự việc này là từ động cơ chính trị. Cùng năm, vụ tự sát của Rohith Vemula, một học giả nghiên cứu tại Đại học Hyderabad, đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình ở thành phố này và các khu vực khác của đất nước. Vemula tự sát do bị phân biệt đẳng cấp trong trường, và có những cáo buộc rằng các quan chức đại học bị ép buộc hành động chống lại sinh viên, bao gồm cả ông Vemula.
Cũng trong thời gian này, các nhà trí thức, học giả và nhà báo nổi tiếng (như Narendra Dabholkar, Govind Pansare, M.M. Kalburgi và Gauri Lankesh) đã bị sát hại bởi những kẻ khủng bố cánh hữu ở Maharashtra và Karnataka. Quyết định của chính phủ áp đặt Quy tắc Dịch vụ Dân sự Trung ương (Ứng xử) đối với giảng viên tại các trường đại học trung ương đã bị chỉ trích gay gắt. Những quy tắc này hạn chế tự do học thuật, khuyến khích việc biên soạn lịch sử phục vụ mục đích chính trị và những tuyên bố Sô vanh chủ nghĩa về những đóng góp khoa học và công nghệ của Ấn Độ cổ đại, và làm giảm uy tín của các tổ chức thống kê quốc gia.
Sự trở lại của Modi trong vai trò thủ tướng nhờ có sự ủng hộ của đa số áp đảo vào năm 2019 đã tiếp thêm sức mạnh cho các thành phần cánh hữu trong nền chính trị và xã hội Ấn Độ. Chính sách của nhiều quan chức đại học hàng đầu, phần lớn được bổ nhiệm bằng những quyết định chính trị, đều xuất phát từ tư tưởng chính trị này. Do đó, nhiều tổ chức giáo dục, đặc biệt là các tổ chức dưới sự quản lý của chính phủ trung ương và các tổ chức công thuộc các bang do BJP cai trị (như Uttar Pradesh) khét tiếng trong việc đàn áp bất đồng chính kiến, dẫn đến tình trạng khẩn cấp không chính thức ở nhiều trường đại học và thành phố.
Vào tháng mười hai năm 2019, có thông tin rằng Viện Khoa học Xã hội Tata, một tổ chức đại học công lập nổi tiếng ở Mumbai, đã ban hành một chỉ thị cấm sinh viên và giảng viên tham gia “bất kỳ hình thức phản kháng nào” trong thời gian làm việc. Tương tự, trưởng phòng công tác sinh viên tại IIT Bombay gần đây đã khuyến cáo sinh viên không tham gia vào các cuộc biểu tình chống chính phủ. Các trường đại học khác ở Ấn Độ cũng ban hành các chính sách hạn chế. Vi phạm tự do học thuật đã trở thành phổ biến.
Cấm đoán bất đồng chính kiến trong thời đại chủ nghĩa tân tự do
Những chính sách ủng hộ chủ nghĩa độc tài tôn giáo của chính phủ, kết hợp với việc thực hiện chương trình nghị sự kinh tế tân tự do, là gốc rễ của cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Không giống những phong trào sinh viên trong quá khứ, chủ yếu tập trung vào các vấn đề của sinh viên và do sinh viên lãnh đạo, những cuộc biểu tình hiện nay tập trung vào những vấn đề quốc gia rộng lớn hơn liên quan đến sự tồn tại của các thể chế dân chủ và giá trị hiến pháp.
Hầu hết các trường viện nghiên cứu công lập bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt nguồn lực. Một ví dụ điển hình là nhân viên của các tổ chức uy tín, chẳng hạn như Viện nghiên cứu cơ bản Tata, không được nhận đủ lương trong năm 2019. Ngoài ra, trong nỗ lực buộc họ tự chủ hơn, chính phủ đã thúc ép các trường viện công lập phải đa dạng hóa thu nhập; quyết định của lãnh đạo JNU về việc tăng học phí và đặt ra các khoản phí mới đối với sinh viên là một ví dụ. Tác động còn sâu sắc hơn bởi tình trạng suy thoái tồi tệ nhất mà nền kinh tế Ấn Độ phải đối mặt trong những thập kỷ gần đây, cùng với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Sinh viên và giảng viên bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các chính sách này, đặc biệt là việc cắt giảm ngân sách và những chính sách hạn chế hoạt động các tổ chức khoa học và các trường đại học công. Những diễn biến này đang dẫn đến một cuộc đàn áp bất đồng chính kiến trong các tổ chức giáo dục đại học và tăng sự kiểm soát của nhà nước thông qua các phương tiện khác nhau. Phản ứng của các quan chức chính phủ và quan chức trường đại học là một nguyên nhân gây ra mối quan ngại nghiêm trọng. Thứ đang bị đe dọa không chỉ là sự tồn tại của hệ thống giáo dục đại học công lập ở Ấn Độ, mà còn là quan niệm rằng các tổ chức giáo dục là không gian nuôi dưỡng sự sáng tạo và tư duy phản biện.