Sức hấp dẫn của chính sách miễn học phí

John Aubrey Doulass là Nghiên cứu viên cao cấp và là Giáo sư nghiên cứu về Chính sách công và Giáo dục đại học tại Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học (CSHE), Đại học California-Berkeley, Hoa Kỳ. E-mail: [email protected].

Tóm tắt: Trên khắp thế giới, học phí ở mọi cấp độ đều bị coi là một yếu tố đáng kể ngăn cản học sinh thuộc các nhóm kinh tế xã hội có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận giáo dục đại học. Tại Hoa Kỳ, nợ sinh viên đang ở mức cao trong lịch sử. Trong hầu hết các trường hợp, phong trào chính trị yêu cầu miễn học phí không đưa ra được bất kỳ kế hoạch đáng giá nào về cách thức bù đắp cho khoản doanh thu bị thâm hụt. Hợp nhất các nguồn hỗ trợ tài chính hiện có, kết hợp với mức học phí lũy tiến, có thể là một mô hình đầy triển vọng.

Trên khắp thế giới, học phí ở mọi cấp độ đều bị coi là một yếu tố đáng kể ngăn cản học sinh thuộc các nhóm kinh tế xã hội có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận giáo dục đại học. Ở Nam Phi, sinh viên yêu cầu miễn học phí tại tất cả các trường đại học công lập và tham gia vào các cuộc biểu tình và bạo loạn lớn. Phong trào #FeesMustFall (Bỏ học phí) dẫn đến việc bãi khóa, chiếm đóng các tòa nhà đại học và yêu cầu chính phủ thực hiện lời hứa miễn phí giáo dục đại học. Các cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra ở Chile.

Ở Hoa Kỳ, khoản vay để học đại học đang cao nhất trong lịch sử, mặc dù điều này chủ yếu do sự gia tăng mạnh mẽ số lượng sinh viên theo học tại các trường vì lợi nhuận và những sinh viên vay nợ để theo đuổi những chương trình chuyên môn sau đại học hứa hẹn mang lại thu nhập cao trong tương lai. Tuy nhiên, chi phí để theo học trong một trường đại học hoặc cao đẳng công lập nổi lên như một chủ đề lớn trong chiến dịch vận động tranh cử cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đang bị trì hoãn. Các ứng cử viên của đảng dân chủ đưa ra những lời hứa về mức tài trợ liên bang chưa từng có cho các bang để miễn học phí cho tất cả sinh viên – thường là không xem xét đến mức thu nhập của gia đình tính theo đầu người và không đưa ra được mô hình mạch lạc nào về cách thực hiện lời hứa đó về mặt tài chính hoặc pháp lý.

Tại hầu hết những quốc gia nói trên, phong trào chính trị yêu cầu miễn học phí không đưa ra được bất kỳ kế hoạch đáng giá nào về cách thức bù đắp cho khoản doanh thu bị thâm hụt. Các trường đại học cũng giống như các tổ chức khác trong xã hội: việc mất đi nguồn thu nhập quan trọng có thể gây ra những hậu quả lớn, bao gồm giảm số lượng tuyển sinh và số lượng các khóa học, và tỷ lệ sinh viên/giảng viên tăng lên.

Trong những xã hội có sự chênh lệch đáng kể giữa người giàu và người nghèo, như ở California, Chile hoặc Nam Phi, miễn học phí thực tế sẽ trở thành khoản trợ cấp cho những sinh viên giàu có hơn. Tùy thuộc vào thành phần của lực lượng sinh viên trong một trường đại học công, miễn học phí thực chất là sự chuyển giao của cải cho những sinh viên có thu nhập cao. Ngoài ra, nhiều quốc gia đang áp dụng chính sách miễn hoặc gần như miễn học phí, bao gồm Đức và Pháp, có xu hướng tuyển sinh một cách chọn lọc hơn vào các trường đại học công lập – thực chất, là cách hạn chế cơ hội tiếp cận một lợi ích công có mức cầu cao, đôi khi tạo thành lợi thế cho giáo dục nghề nghiệp.

Liệu ở Hoa Kỳ, ở California hay những nơi khác miễn học phí trong các trường đại học công có sức hấp dẫn không?

Trường hợp của California

Cách đây gần một năm, hội đồng quản trị của Đại học California (UC) đã phê duyệt tăng 2,6% học phí đối với sinh viên là cư dân từ các bang khác, nhưng giữ nguyên mức học phí đại học đối với sinh viên là cư dân của bang. UC vẫn đang phải nỗ lực bù đắp cho những khoản cắt giảm ngân sách của bang do cuộc Đại suy thoái. Nhưng vì sao chỉ tăng học phí đối với sinh viên là cư dân từ các bang khác, và không có kế hoạch tăng tương tự và mức tăng dự kiến đối với cư dân California? Một lý do là người dân California và các nhà lập pháp của họ có những lo ngại đáng kể về tác động của việc tăng học phí và mức nợ của sinh viên. Một lý do khác là thậm chí tăng học phí từ từ cũng bị coi là bước đi chính trị xấu. UC viện đến các cuộc đàm phán ngắn hạn, hàng năm với các nhà lập pháp về học phí và lệ phí, nhưng thường phải đối mặt với tối hậu thư không được tăng học phí.

Một thực tế trái ngược là việc tăng học phí đại học đối với sinh viên là cư dân California tại UC trong thập kỷ qua không dẫn đến sự giảm cơ hội tiếp cận của sinh viên có thu nhập thấp. Số lượng sinh viên dạng này thực tế vẫn tăng lên. Bằng cách nào mà UC vẫn tăng học phí trong khi nhà nước cắt giảm ngân sách đầu tư, còn số lượng sinh viên có thu nhập thấp tăng lên? UC đã theo đuổi cái mà tôi gọi là “mô hình học phí lũy tiến” – tăng học phí đồng thời cấp những khoản hỗ trợ tài chính đáng kể cho sinh viên có thu nhập thấp và sinh viên thuộc tầng lớp trung lưu. Khoảng 33% tổng thu nhập từ học phí được sử dụng để hỗ trợ tài chính. Chính sách hỗ-trợ-trở-lại này bắt đầu từ những năm 1990, khi nhà nước giảm đầu tư vào giáo dục đại học công. Khi ngân sách nhà nước cấp theo số lượng sinh viên tiếp tục giảm, trong khi tuyển sinh nhiều hơn, vai trò của học phí tăng lên. Năm 2000, UC chỉ có hơn 183 ngàn sinh viên; giờ đây là hơn 280 ngàn. Hơn nữa, khả năng tăng học phí có thể là yếu tố quyết định để UC tạo ra một mô hình tài trợ ổn định hơn, tăng trưởng trong tuyển sinh và xây dựng thêm những chương trình đào tạo phù hợp với dân số và nhu cầu lao động của California.

Trong khoảng cách biệt giữa nhận thức và tác động thực tế của học phí xuất hiện một giải pháp tiềm năng.

Khám phá một mô hình định giá mới

Có thể quy định một mức học phí cụ thể hơn đối với sinh viên đại học có thu nhập trung bình và thấp (sinh viên có thu nhập gia đình dưới 80 ngàn USD không phải trả học phí hoặc lệ phí). Nhưng cách này liệu có được chấp nhận về mặt chính trị không?

Các nhà lãnh đạo của UC nên xem xét mô hình định giá học phí sửa đổi, mô hình này đề xuất 5 mức học phí tùy theo thu nhập gia đình của sinh viên, đã tính đến Chương trình trợ cấp liên bang Pell Grants cho sinh viên có thu nhập thấp, nguồn hỗ trợ tài chính từ trường và Chương trình Cal Grants (cũng dành cho sinh viên có thu nhập thấp). Không khó xác định những sinh viên đủ điều kiện để nhận những hình thức hỗ trợ tài chính này.

Biểu phí rõ ràng, chi tiết có thể tạo thêm cơ hội tiếp cận cho các nhóm thiệt thòi, những người giống như mọi sinh viên thường bị rối trí bởi cách tính học phí phức tạp (tổng chi phí hàng năm của giáo dục đại học), chỉ có thể được giảm thiểu bằng con đường phức tạp để hỗ trợ tài chính. Cũng quan trọng không kém, biểu phí rõ ràng cũng có thể thay đổi động lực của các cuộc tranh luận thường bị hiểu sai về tác động thực sự của học phí đối với sinh viên và khả năng chi trả của họ.

Do tỷ lệ hỗ-trợ-trở-lại của UC cao, khi đề xuất tăng học phí và lệ phí, có một giả định rằng đó là mức tăng đối với tất cả sinh viên, trong khi thực tế chỉ có khoảng 50% sinh viên bị ảnh hưởng. Chỉ tăng học phí cho các nhóm thu nhập cao trong khi ví dụ như duy trì hoặc thậm chí giảm học phí cho sinh viên có thu nhập trung bình và thấp hơn, sẽ làm thay đổi những tranh cãi chính trị và ý nghĩa biểu tượng của những tranh luận về học phí ở California.

Việc bổ sung và hợp nhất các nguồn hỗ trợ tài chính hiện có, kết hợp với khoản thu học phí bổ sung từ những người có khả năng chi trả, cũng cần được mô hình hóa để thực sự tăng kinh phí cho chương trình hỗ-trợ-theo-nhu-cầu và tạo thêm nguồn thu cho các chương trình học thuật.

Đó có phải là mô hình không?

Những phiên bản khác của mô hình học phí lũy tiến này có hiệu quả ở các nước khác không? Đó là một câu hỏi khó, vì có những khác biệt đáng kể trong sự pha trộn các thể loại tổ chức giáo dục đại học ở nhiều nơi trên thế giới. Cũng tồn tại những khác biệt trong mô hình tài chính của các trường đại học, chương trình hỗ trợ tài chính cho sinh viên, những kỳ vọng chính trị và văn hóa của quốc gia, và trong những thách thức kinh tế xã hội mà các quốc gia phải đối mặt (xem Gayardon và Bernasconi về phong trào miễn học phí trong IHE #100).

Những phiên bản khác của mô hình học phí lũy tiến này có hiệu quả ở các nước khác không?

Trong thực tế, xu hướng đại chúng hóa giáo dục đại học đồng nghĩa với việc chi phí cho giáo dục tăng lên ở hầu hết các quốc gia, nếu không phải là tất cả. Trước đây, miễn học phí có thể thực hiện được một phần vì chỉ có một tỷ lệ nhỏ dân số cùng độ tuổi theo đuổi giáo dục đại học. Miễn học phí bao hàm khái niệm giáo dục đại học là lợi ích công, nhưng ở nhiều nơi trên thế giới, điều này chủ yếu dành cho tầng lớp có đặc quyền.

Ngày nay, lời hứa miễn phí giáo dục đại học khác với việc thực hiện nó. Mặc dù lời hứa miễn phí giáo dục đại học về mặt chính trị dễ làm hài lòng các cử tri, là cơ sở cho nhiều chiến dịch tranh cử, gần như không có bất cứ đề xuất nào về cách lấp lỗ hổng ngân sách mà việc miễn học phí gây ra cho các trường đại học, hầu hết họ đang phải vật lộn về tài chính bởi vì phải đáp ứng nhu cầu học tập và kỳ vọng ngày càng tăng của các bên liên quan. Và, như đã lưu ý, hầu hết các quốc gia đều đang có vấn đề bất bình đẳng nghiêm trọng. Chỉ đơn giản miễn học phí, ngay cả khi việc đó có thể thực hiện được, cũng có thể làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng về thu nhập hoặc, ít nhất, tạo ra một hình thức chuyển giao của cải đáng ngờ hơn cho những người giàu có.